Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 25/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ >
  Cửa sổ văn nghệ: Một kỉ niệm với nhà văn Đỗ Chu - HÒA BÌNH Cửa sổ văn nghệ: Một kỉ niệm với nhà văn Đỗ Chu - HÒA BÌNH , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

 

Cuộc trò chuyện giữa nhà báo Hồ Quang Lợi, tôi với nhà văn Đỗ Chu tại nhà riêng của con trai anh hôm ấy thật tình cờ và ngẫu hứng. Chả là sau buổi họp mặt cộng tác viên của báo Bắc Giang tại Hà Nội mà ba anh em chúng tôi đều là khách mời, nhà văn Đỗ Chu nhờ Hồ Quang Lợi  (thời điểm ấy là Phó Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân, hiện anh là Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội) chở mình về nhà bằng xe máy. Hồ Quang Lợi vui vẻ đồng ý ngay và hẹn tôi cùng đi cho vui. Ý định ban đầu là chở nhà văn quê Kinh Bắc nổi tiếng này đến ngõ nhà con trai anh thôi vì Lợi đang có một cuộc hẹn. Nào ngờ, khi đến ngõ thì anh lại khẩn khoản mời hai chúng tôi vào nhà. “Hai đứa vào nhà anh uống bát nước chè xanh cho ấm bụng rồi về”, Đỗ Chu nói. Hồ Quang Lợi quên cả hẹn hò cùng tôi nhận lời ngay.


Hai chúng tôi theo nhà văn lên phòng làm việc của anh ở tầng ba. Một chiếc bàn thấp đang ngổn ngang bản thảo viết tay. Tôi liếc qua, đấy là bài viết về nhà thơ Phạm Tiến Duật người đang bị bệnh hiểm nghèo mà sự sống chỉ còn tính từng ngày. Chưa đọc, nhưng tôi tin bài viết của anh sẽ hay và xúc động.


Chắc ai cũng biết, Đỗ Chu và Phạm Tiến Duật là những nhà văn, nhà thơ thuộc hạng “ngôi sao” của thời chống Mỹ. Trong bài Dấu ấn Phạm Tiến Duật, Đỗ Chu, Ma Văn Kháng nhân dịp các anh được Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012 in trang Văn học thứ sáu báo Quân đội nhân dân, tôi đã viết: Phạm Tiến Duật là nhà thơ Trường Sơn thời đánh Mỹ. Sự nổi bật, sáng tỏa của ông trong những năm tháng chiến tranh bi hùng ấy là điều khó phủ nhận, chối cãi. Ông đã đóng góp cho nền văn học cách mạng những tập thơ sống động hiện thực Trường Sơn thời chiến tranh và giàu chất lãng mạn, lạc quan như “Vầng trăng, quầng lửa”; “Thơ một chặng đường” và sau hòa bình là trường ca “Tiếng bom và tiếng chuông chùa”. Giáo sư Lê Đình Kỵ đã từng viết về Phạm Tiến Duật, đại ý: Trong thời chống Mỹ có hai trường phái thơ: trường phái Chế Lan Viên và trường phái Phạm Tiến Duật. Trường phái thứ nhất, tìm cái đẹp từ bên trong ngưng đọng, trong lý trí; trường phái thứ hai chủ yếu tìm cái đẹp từ trong các diễn biến sôi động của cuộc sống. Nếu không có cuộc sống chiến đấu đa dạng, bộn bề trôi qua từng phút, từng giờ của những người lính, những thanh niên xung phong trên đường Hồ Chí Minh thời chiến tranh nói riêng và cuộc đọ sức nghiệt ngã giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc Mỹ thì chắc chắn không có những bài thơ về Trường Sơn ấn tượng của Phạm Tiến Duật. “Tiếng bom và tiếng chuông chùa” tuy không vang vọng được nhiều như “Vầng trăng quầng lửa” nhưng đó cũng là dư ba và phần tiếp nối của Trường Sơn thời hậu chiến. Một Trường Sơn lắng sâu với những nỗi đau, những điềm tĩnh, những sẻ chia đầy nhân văn.


Hồi chiến tranh, khi còn là chú bé học sinh lớp 7 ở Quảng Bình, tôi đã được gặp Đỗ Chu. Đúng ra, là khi ông đến xóm Nại, tôi và một thằng bạn nữa đã đi tìm để xem mặt ông nhà văn nổi tiếng này. Chúng tôi đã yêu những “Hương cỏ mật”, “Phù sa” của Đỗ Chu. Trong hồi ức của tôi vẫn còn lưu lại hình ảnh một ông nhà văn mặc quân phục, chân đi ủng, cao cao, gầy gầy. Tôi và thằng bạn đứng xa xa ngắm ông, lòng đầy cảm phục. Đến bây giờ thì Đỗ Chu đã làm tôi mê đắm với nhiều truyện ngắn và tùy bút man mác chất thơ như “Hương cỏ mật”; “Phù sa”; “Tản mạn trước đèn”, “Thăm thẳm bóng người”. Từng trải, sâu sắc, nhiều chiêm nghiệm và thanh thoát là cái tôi cảm nhận được rất nhiều từ tùy bút của Đỗ Chu. Tôi yêu cái chất man mác, nhẹ nhàng nhưng không hề nông cạn hời hợt và càng không bao giờ cao giọng ồn ào trong tùy bút của ông. Ông viết tùy bút như người nhẩn nha trò chuyện; chuyện người, chuyện mình, chuyện đời với những nhân vật, tình tiết, cảnh huống làm cho ta khó quên lắm. Người đọc bị hút vào giọng văn bâng lâng nhiều xúc cảm mang vẻ lịch lãm nhưng rất giản dị chân thành của ông. Một dẫn dụ về điều tôi vừa nói: “Càng sống càng mang nặng cảm giác mắc nợ. Nợ đời, nhìn ra tất cả đều đã lấm láp. Đêm nằm trằn trọc khó ngủ, tôi mong sẽ có một lần được trở lại giấc mơ của tuổi thơ. Bà lão ngồi trong một mái lều dưới bóng cây đa cổ tích, mau mắn xếp những trái thị chín vàng lên mặt chõng, vó ngựa gõ dập dồn và chị Tấm từ sau khung cửa khoan thai bước ra trong xiêm áo ngày hội. Rồi bàn chân con gái ngượng ngùng ướm lên chiếc hài vương giả. Bóng chị đi ẩn hiện sau bờ giậu đầy bướm hoa, mùi thị chín ngào ngạt một vùng non nước”. Một nhà văn viết tùy bút như Đỗ Chu, sớm muộn cũng sẽ làm thơ; hình như tôi đã từng nghĩ về ông như thế. Và, điều tôi đoán không sai chút nào.


Gần đây, thơ trữ tình của nhà văn Đỗ Chu đã xuất hiện trên báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ quân đội, tạp chí Thơ, tạp chí Nhà văn... nhưng đó là chuyện nói sau còn bây giờ tôi chỉ muốn kể về buổi gặp gỡ của chúng tôi hôm ấy mà thôi. Phòng văn của Đỗ Chu, gọi là phòng viết -vẽ thì đúng hơn vì tôi thấy ngoài các bản thảo viết tay còn có mấy bức tranh sơn dầu đã hoàn thành hay còn dang dở của anh đang bày ở đây. Tôi xem tranh và nghĩ thầm trong bụng: “Văn bác thì em phục sát đất, còn tranh... nói thật nó không có gì ấn tượng với em cả”. Chỉ nghĩ thầm thôi, chứ ai dại gì mà tông tốc nói ra, người tài thường không chịu được lời chê bai của kẻ bé mọn.


Một ấm tích chè xanh ủ trong giỏ tre và kế tiếp đó ba ly cà phê đen được bác gái đưa ra mở đầu cho cuộc trò chuyện miên man của chúng tôi. Đúng ra, thì tôi và Hồ Quang Lợi chăm chú nghe nhà văn Đỗ Chu nói. Thông thường thì người ta rất khó chịu khi ai đó cứ thao thao trước mặt mình mà không để cho họ chút khoảng trống để xen vào. Nhưng, ngồi với Đỗ Chu thì khác, khác hẳn, cứ im lặng nghe anh nói, nghe và từ tốn ngẫm nghĩ về nhân tình thế thái, nghe mà không chán tai mỏi mắt, trái lại rất thích thú vì nhà văn càng nói càng say, càng hay. Nói theo kiểu nhảy cóc, đang chuyện này bắt sang chuyện nọ, miên miên man man, thế mà vẫn tụ lại, neo lại ở cái tiêu điểm có tên gọi: sự đời.


Bắt đầu là chuyện viết. Thời chống Mỹ, mười bảy tuổi đã có Ao làng sóng sánh trên đất lành Văn nghệ quân đội. Văn xuôi thời ấy thế là trẻ lắm, oách lắm. Tuổi mười tám đôi mươi, anh bộ đội Quân chủng Phòng không - Không quân Đỗ Chu đã gây xôn xao làng văn với những truyện ngắn giàu chất thơ của mình. Cây bút trẻ tài hoa ấy sau gần năm mươi năm đang ngồi trước mặt chúng tôi đây, gầy gò tai tái nhàu nhàu nhưng chất giọng vẫn hào hứng, vang rền: “Các chú biết không, lúc bấy giờ tớ rất trẻ, trẻ lắm nhưng vẫn được người ta cử đi viết về các phi công ta đánh thắng trận đầu đấy. Bao nhiêu nhà văn, nhà báo nhưng chỉ mỗi mình tớ được cử đi thôi. Đi tìm hiểu thực tế để viết về các anh Trần Hanh, Phạm Ngọc Lan mà cứ như là đi hoạt động tình báo. Bí mật ghê gớm...”. Theo lời Đỗ Chu thì trong bài viết anh không kể tỉ mỉ lại trận không chiến ấy mà nâng tầm nó lên thành cuộc đụng đầu lịch sử giữa một đế quốc giàu có hiện đại đi xâm lược với một dân tộc đang nghèo khó lạc hậu về kinh tế nhưng giàu bản sắc văn hóa và nồng nàn lòng yêu nước. Các chiến sĩ không quân của ta là hình ảnh tiếp nối các anh lính Vệ quốc quân và xa hơn nữa là những người nông dân Việt Nam đầu trần chân đất đi suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trời, thuở ấy mà viết như thế thì khái quát và sâu sắc quá, hèn gì sau bài viết này Đỗ Chu đã được vào gặp Bác Hồ cùng với một số đồng chí không quân ta.


Tưởng chỉ ngồi với Đỗ Chu vài chục phút, nào ngờ chuyện này bắt sang chuyện khác, khi sôi nổi lúc trầm lắng, không dứt dạt ra được. Đỗ Chu say sưa nói, tôi và Lợi hào hứng nghe, chuyện tiếp chuyện tản mạn dài dài theo phong cách tùy bút. Đang nói chuyện viết lách, Đỗ Chu bất chợt hỏi Hồ Quang Lợi và tôi tuổi gì. Lợi bảo: “Chúng em đều sinh 1956, tuổi Bính Thân”. Nhà văn nổi tiếng à lên “Tớ cũng tuổi Thân nhưng hơn hai chú một giáp đấy” rồi thủng thẳng diễn giải cho chúng tôi nghe về chữ Bính. Sau đó, anh nói thêm, đại ý: cái tuổi này mà cứ bình bình, ví dụ như công việc bình bình, viết lách bình bình, vợ con bình bình... thì khó mà bứt lên được. Dạng như các anh phải bị đẩy vào thế bí, thế cùng mới thoát ra và may ra nổi lên được...


Tôi hỏi Đỗ Chu: “Em thấy văn bác; truyện ngắn, bút ký và đặc biệt là tùy bút có rất nhiều chất thơ. Thế bác đã làm thơ bao giờ chưa?”. Đỗ Chu cười hóm hém: “Có chứ! Thời đánh Mỹ, trong một lần xuống Đại đội 5 anh hùng của Trung đoàn 230 Quân chủng Phòng không - Không quân tớ có làm một bài thơ. Tớ quên hết rồi chỉ còn nhớ được mỗi câu thế này Ơi em gái chiều nay đi cào hến. Tớ đem đến đọc cho Phạm Tiến Duật nghe, Duật bảo ngay: “Viết thối như thế mà gọi là thơ à, thôi, ông tập trung viết văn đi”.


Đấy là nhắc lại chuyện ngày trước, thơ ngày trước, chứ bây giờ tôi tin nếu còn sống khi đọc những bài thơ của nhà văn Đỗ Chu đăng trên Văn nghệ, tạp chí Thơ, tạp chí Văn nghệ quân đội... chắc Phạm Tiến Duật không nói thế. Những câu thơ như thế này cũng đáng để yêu: vịn thành cầu tôi nâng hồn mình dậy/ xốn xang chào chị chào em/ mặt người lạ lạ quen quen/ những ngôi nhà buồn như một lời tự bạch/ thăm thẳm ngõ sâu thương khó/ ai tiễn đưa ai.../ đi rất xa đi mãi đời dài/ không qua nổi cây cầu cong Thê Húc (Hà Nội của tôi) hay: Cách một bờ xa mơ hồ không thể tới/ trách một bờ hoa đỏng đảnh trong mưa/ lẩn thẩn vớt sóng sông Thương/ thả xuống sông Cầu/ nhặt đầy vơi/ thả vào trang sách/ chợt một ngày bất chợt/ nhận ra/ tóc em sương giá/ se lòng... (Từ bao giờ) và đây nữa: mây thương hạ mây lặn vào trong sóng/ sông dẫu nông mà bóng đã thành sâu/ vải dẫu vụng một niềm chua dại dột/ tiếng chim vang làm quả thắm trên đầu (Thương hạ).


Những ẩn dụ, những biểu tượng, những thực hư ấy là gì nếu không phải là thơ, không phải là khúc thức trữ tình ngân rung từ chiều sâu của một tâm hồn đa cảm đã thấm rất nhiều mưa nắng giông bão cuộc đời, đã qua rất nhiều xuôi ngược núi sông, lên cao là gió là mây xuống thấp là phù sa là nước, điệp trùng mồ hôi, máu và nước mắt dân tộc, càng muôn dặm đường xa càng thăm thẳm bóng người... Thơ, có lẽ đó là hình bóng của cuộc sống để cho sự dại dột vụng khờ (làm sao mà tránh khỏi) cũng biết da diết một niềm chua, tiếng chim mùa vải cũng lừng vang sắc quả thắm trên đầu. Lẫn vào cây trái, chim muông là tình yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc sống vô cùng tận. Có tùy bút trải rộng miên man thì cũng có thơ cô đúc sâu lắng. Ít dần đi những con chữ, ít dần đi những trang sách mà tình người vẫn chưa hết mênh mang.
Xin được quay về với kỷ niệm của tôi. Liếc đồng hồ đã 21 giờ, Hồ Quang Lợi nháy mắt cho tôi ngầm bảo “Muộn rồi, ta xin phép bác về thôi”. Tôi lựa lúc Đỗ Chu cầm điếu hút thuốc lào vội nói lời xin phép anh ra về. Nhà văn có vẻ tiếc nuối muốn giữ hai chúng tôi lại nói chuyện thêm nữa. Hai giờ ngồi chủ yếu là nghe Đỗ Chu nói sao tôi thấy ngắn quá. Bởi chuyện văn, chuyện đời của anh chứa nhiều từng trải, chiêm nghiệm và thông tuệ rất có ích cho mình. Mà hình như tôi chưa thấy Đỗ Chu nói hay ở đám đông kiểu như Trần Đăng Khoa, Chu Lai... bao giờ. Có lẽ, anh là người giỏi phát sóng ngắn, thích nói cho đôi ba người, cho nhóm nhỏ ở những nơi không phải hội trường bục giảng, mà vẫn rõ ràng khúc chiết, vang rền nhưng không hùng hồn, không chém gió phần phật.


Trước khi chia tay, Đỗ Chu lấy ra hai điếu xì gà đưa cho tôi và Hồ Quang Lợi, anh nói: “Các chú cầm về hút cho vui. Của người ta biếu cho anh đấy”. Tôi nói: “Bác ơi, em có hút thuốc đâu, bác để lại mà hút kẻo phí”. Đỗ Chu nhìn tôi: “Chú không biết hút thuốc thì mang cà phê về uống nhé. Cà phê này ngon lắm đấy”.


Trên đường về, Hồ Quang Lợi nói với tôi: “Trong một nhà văn đích thực luôn luôn có một nhà văn hóa”. Tôi nghĩ, anh đã nói rất đúng mà nhà văn Đỗ Chu là một ví dụ sinh động   

 
 H.B
                        Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65220163

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July