Tối 21-2 (tức 12 tháng Giêng Quý Tỵ), sau khi dự đêm thơ Nguyên tiêu mừng Xuân 2013 do Hội VHNT tỉnh Đắc Lắc tổ chức tại trường CĐSP bỗng thấy tâm trạng mình thật khó tả. Niềm vui thì dâng đầy nhưng…
Là người yêu thơ và làm thơ mấy chục năm nay, đây là lần đầu tiên tôi tham dự một hội thơ thật hoành tráng. Có lẽ do cái bản tính mình không thích ồn ào, phô trương nên mấy năm qua, tôi hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam bằng cách riêng của mình: một cuộc gặp gỡ nho nhỏ với bầu bạn thân thiết. Chỉ khổ mấy ông bạn, chẳng biết thơ phú gì nhưng vì trót nhận lời nên cũng cố gò cho được vài ba câu để đạt tiêu chuẩn dự “hội” kẻo bị phạt bằng cách ngồi nhìn mọi người cụng li. Thế mà rồi cũng có người làm được thơ với xúc cảm đầy trăn trở như ông bạn Tạ Hòa, vốn dân vật lí thứ thiệt:
Cả đời tôi chẳng làm thơ
Đêm nay trăng đẹp, vẩn vơ mấy vần
Thơ này không để kể thân
Đôi câu lục bát phân trần cùng ai
Cuộc đời đâu dễ phân hai
Nửa thì bia đá, nửa mai suối vàng...
Đêm thơ Nguyên tiêu năm nay tôi cũng dự phần với bài thơ Trường Sa vọng tiếng chuông ngân. Đã gần trọn đời đứng trên bục giảng thế mà trước mặt mọi người, nhất là các bậc đàn anh trên thi đàn, tôi vẫn thấy lòng mình hồi hộp lạ. Trạng thái xúc động dâng tràn khi các vị chủ tịch và phó chủ tịch Hội VHNT tỉnh lên tặng hoa cho tôi. Rồi các bạn sinh viên nữa. Nhiều hoa quá làm “emci” Niê Thanh Mai phải ghen tị. Tôi thật xúc động vì cảm thấy hơi bị bất ngờ. Hai thế hệ học trò với khoảng cách rất xa về tuổi tác đã dành cho tôi tình cảm nồng ấm. Thật cảm kích khi Khôi Nguyên, Hồng Chiến vừa tặng hoa vừa nói với mọi người rằng tôi là thầy giáo chủ nhiệm cũ. Tôi xúc động không phải vì cái danh xưng ấy, bởi có là thầy giáo cũ thì tôi nghĩ âu đó cũng là trách nhiệm xã hội mà tôi và nhiều đồng nghiệp khác gánh vác. Tôi xúc động bởi họ, dù đã và đang là quan chức nhất nhì Hội nhưng không vì cái vị thế ấy mà quên đi đạo lí ở đời. Các anh vẫn rất trân trọng những thầy giáo cũ của mình trong đó có tôi, người đã đi qua cuộc đời các anh như một làn gió thoảng. Viết đến đây tôi nghĩ mình thật giàu có. Cái nghề dạy học đâu lắm bạc nhiều tiền, đủ sống là đã may mắn lắm rồi. Nhưng nó lại giàu, rất giàu nữa là đằng khác, bởi nó có được thứ mà không tiền bạc nào mua nổi. Có người chức to quyền lắm, tiền như núi nhưng có khi vẫn trắng tay còn chúng tôi tay trắng nhưng lại ôm nặng tình người.
Hình như mắt tôi có gì ươn ướt khi cô sinh viên trẻ Đinh Thị Loan trải bày tình cảm đối với thầy, người đã dìu dắt mình những bước đi chập chững đầu tiên trên con đường thi ca. Trên trang web cá nhân, tôi đã giới thiệu một số bài thơ của em, viết rất có cảm xúc. Hôm rồi hỏi sao dạo này không thấy em gửi sáng tác mới, em bảo bấy lâu đang thử một sân chơi khác: tập viết truyện ngắn. Ôi, tuổi trẻ ham hố, chúc em thành công. Và cả Đỗ Thị Thuận nữa, một cô bé có thừa nhiệt tình thi ca và cháy bỏng khát vọng trên con đường thơ còn nhiều khấp khểnh của mình. Trong những năm gần đây, tôi thường chú ý khơi gợi tâm hồn thơ ở các bạn sinh viên của mình, mong phát hiện ra được những “tài năng” trẻ. Những người trẻ bây giờ có thể vẫn rất yêu thơ nhưng làm thơ thì hiếm lắm. Phát hiện ra một bạn trẻ làm thơ thì không có gì vui bằng. Tôi rất tiếc có em Nguyễn Thị Thủy là sinh viên ngành Mỹ thuật làm thơ rất khá, nhưng ra trường mấy năm nay lăn lộn kiếm sống, đành đi làm việc trái với nghề của mình. Mới hay, “cơm áo không đùa với khách thơ”, ông Xuân Diệu ngày xưa đã từng nói thế, quả có sai.
Tôi thầm mong và cầu cho các em, những bạn trẻ yêu thơ ấy giữ được ngọn lửa thi ca trong tim mình, thổi bùng lên để gặt hái được những thành công trong cái nghề “bạc” bởi vật chất nhưng lại giàu có về tâm hồn.
Đêm Nguyên tiêu đọng lại trong tôi biết bao cảm xúc. Ôi thế sự, cuộc đời. Quyền cao chức trọng, tiền lắm bạc nhiều… tất cả chỉ là phù du. Chỉ có tình người là mãi mãi và vô giá. Hãy nâng niu, trân trọng nó để cuộc đời đẹp hơn, cho thi ca kết nối vạn tâm hồn trong vườn xuân đất nước.
Tết Nguyên tiêu
24-2-2013
Nguyễn Duy Xuân
|