VNQĐ online: Hôm nay, ngày 24/2 (Rằm tháng Giêng), Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Ngày thơ lần thứ 11 với chủ đề Tuổi trẻ và Tổ quốc tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Đến dự lễ khai mạc có ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương; ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS, TS Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; ông Trương Tấn Việt nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng;... cùng đông đảo các vị lãnh đạo các bộ, ban, ngành TƯ cùng các khán giả yêu thơ và các bạn trẻ đến từ các trường đại học tại Hà Nội.
Tưng bừng Ngày thơ Việt Nam ở Gia Lai
Huế: Rộn rã nhiều chương trình thơ chào mừng Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XI năm 2013
Thơ sinh viên mở đầu hoạt động của Ngày thơ Việt Nam
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 11 đang diễn ra trên khắp cả nước
Nhiều hoạt động tôn vinh Thơ Việt
Sân thơ trước giờ khai mạc. Anh: THU OANH
Tiếp nối truyền thống của những lần tổ chức trước, Ngày Thơ 2013 đã thu hút đông đảo những người yêu thơ từ mọi miền Tổ quốc cùng với sự tham dự của sinh viên các trường đại học như đại học Đại Nam, Học viện Báo chí & Tuyên Truyền, Đại học Bách Khoa, đại học Văn hóa, học viện Cảnh sát nhân dân... Bên cạnh đó, do tổ chức tại địa điểm du lịch nên Ngày Thơ cũng thu hút một lượng lớn du khách nước ngoài bởi các tiết mục biểu diễn thơ, nhạc công phu.
Trong dịp này, Bảo tàng Văn học Việt Nam lần đầu tiên tham gia với mảng triển lãm các hình ảnh, hiện vật, chân dung và tác phẩm của các nhà văn hóa cứu quốc như Tố Hữu, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Ngô Tất Tố… nhân kỉ niệm 70 năm Văn hóa cứu quốc. Với hình thức này, độc giả đến tham dự không chỉ được xem mà còn được thưởng thức các trích đoạn tác phẩm.
Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ thịch Hội Nhà văn Việt Nam khai mạc Ngày thơ Việt Nam. Ảnh: THÀNH DUY
Các câu lạc bộ thơ đã có các gian trình diễn, giao lưu để tạo không gian kết nối giữa các câu lạc bộ thơ trong cả nước.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong bài phát biểu khai mạc đã nhấn mạnh: Việc thu hút lớp trẻ tham gia chính là duy trì ngày thơ Việt Nam phát triển lâu dài. So với các cuộc thi cách đây hai năm thì tại cuộc thi năm nay nội dung thơ, triển lãm, trình diễn của các trường đại học, các câu lạc bộ thơ phát triển một cách hết sức đáng kinh ngạc, nhiều tiết mục của các Câu lạc bộ, các trường đại học đã đạt được tính chuyên nghiệp. Ông cũng khẳng định: "Có thể nói ngày thơ Việt Nam năm nay là sự kết hợp chặt chẽ giữa quá khứ và tương lai, giữa đất nước và chủ thể trong sự nghiệp vẻ vang chấn hưng và bảo vệ tổ quốc thân yêu của chúng ta"
Mở đầu Ngày Thơ năm nay là đám rước thơ gồm 120 người do các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo, Nhà hát Tuồng Việt Nam thực hiện, đám rước thơ di chuyển từ Hồ Văn về tới Văn Miếu để thực hiện tiết mục đọc bài thơ "thần" - Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt.
Sau đám rước là bài thơ chúc phúc mùa xuân của Đại đức Thích Trường Xuân, trụ trì chùa Thầy (HN).
Sau phần tuyên bố khai mạc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 11 của nhà thơ Hữu Thỉnh, hoạt động tại hai sân thơ là sân thơ truyền thống và sân thơ trẻ (tại sân nhà Thái học) đồng thời được tiến hành.
Đất nước Mùa xuân
Kiệu thơ được rước qua sân Văn Miếu, giữa hàng ngàn người yêu thơ. Ảnh: THU OANH
"Thơ Việt qua hàng nghìn năm góp lại, tàng lưu trong những trữ tình - tự sự thi ca lòng yêu nước nồng nàn, những cảm nhận thật nhất, lắng đọng nhất về nguồn cội, tổ tông, về chủ quyền giang sơn. Dù thơ ca ấy có viết bằng chữ Hán, chữ Nôm hay chữ quốc ngữ thì hồn vía, khí tiết của nó vẫn là "Sông núi nước Nam vua Nam ở", vẫn là "Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu", vẫn là "Ngẩng đầu, mặt trời đỏ/ Bên suối một nhành mai" - Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, dẫn chương trình tại sân thơ ngoài mở đầu.
Tại sân thơ ngoài, với tên gọi Đất nước - Mùa xuân, những bài thơ mang đề tài dân tộc, chủ quyền đã được các nhà thơ thể hiện như: nhà thơ Anh Ngọc với Buồm nâu biển biếc; nhà thơ Đỗ Trung Lai với Đá và cỏ ở Đồng Văn; nhà thơ Mỹ Bruce Weigh với hai bài thơ về con gái và Việt Nam; nhà thơ Nguyễn Việt Chiến với Tổ quốc nhìn từ biển;... Những tác phẩm về đất nước, biển đảo quê hương được thể hiện qua giọng đọc diễn cảm cùng các màn biểu diễn minh họa đặc sắc đã thu hút rất đông khán giả cũng như đọng lại cảm giác hào hùng dân tộc, khí thế, vận hội mới.
Chuẩn bị thả thơ. Ảnh: THU OANH
Giáo sư, nhà thơ Bruce Weigh, người đã từng tham gia chiến đấu tại Việt Nam năm 1967, 1968 và là tác giả của 12 tập thơ với phần quan trọng viết về chiến tranh Việt Nam đã từng nói: "Chiến tranh đã từng tước đi của tôi rất nhiều, nhưng nó cũng cho tôi thơ ca, một người con Việt Nam và tình yêu đối với đất nước và con người Việt Nam". Trong sân thơ truyền thông, cùng với phần phiên dịch của nhà thơ Hữu Việt, Bruce Weigh đã đọc hai tác phẩm xúc động về cô con gái nuôi người Việt của mình cũng như tình cảm với mảnh đất nhiều gắn bó này.
Tiếp nối chủ đề Đất nước Mùa xuân, những bài thơ được trình diễn mang đậm tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam như khẳng định tinh thần tự chủ, tự hào dân tộc qua nhiều thế hệ. Là nhà thơ vùng Tây Bắc nhưng nhà thơ Dương Thuấn đã có nhiều sáng tác về biển đảo và tác giả đã thể hiện bài thơ Mùa xuân ông già Phú Quốc. Bên cạnh đó, nhà thơ Đỗ Bạch Mai đã đọc bài thơ về một người mẹ liệt sĩ qua câu chuyện cảm động - Chuyện một người mẹ liệt sĩ. Nhà thơ Trần Quang Đạo lại góp mặt với bài thơ Đất nước hình chim câu với hình ảnh đất nước như dáng rồng vươn ra biển lớn...
Nhà thơ Phạm Thu Yến nói: “Quá trình thay đổi của xã hội đã làm cho tình yêu của giới trẻ với thơ đã giảm đi. Nhưng cách tiếp cận với thơ lại có nhiều hình thức và dễ dàng hơn. Với hình thức tổ chức sinh động và nhiều hoạt động như năm nay, Ngày Thơ đã thực sự thu hút được giới trẻ đến với thơ. Đó chính là một phần thành công của chương trình”.
Kết thúc màn trình diễn thơ tại sân thơ truyền thống là hoạt động thả 35 câu thơ được tuyển chọn từ tác phẩm của nhiều nhà thơ trong cả nước. Ảnh: THÀNH DUY
Sân thơ trẻ: Thời tiết đẹp + Chất lượng đã níu kéo công chúng
Với tên gọi “Tuổi trẻ với Tổ quốc”, sân thơ trẻ năm nay quy tụ 9 gương mặt thơ đến từ mọi miền đất nước: Bình Nguyên Trang (Báo Công an nhân dân); Thụy Anh (Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con”); Nguyễn Quang Hưng (Báo Nhân dân); Nguyễn Anh Vũ (Nhà hát Tuổi trẻ); Lữ Thị Mai (Thanh Hóa); Du Nguyên (Nghệ An); miên di (Gia Lai); Vũ Thiên Kiều (Kiên Giang); Nguyễn Minh Cường (Trường Đại học Chính trị - Quân đội nhân dân Việt Nam).
Sân thơ Trẻ mở màn ít phút sau khi Lễ khai mạc chính thức diễn ra tại sân thơ “Mùa xuân đất nước”.
Một số tiết mục của các trường Đại học trên địa bàn Hà Nội tham gia cuộc thi của đêm 13 và 14 đã được lựa chọn trình diễn tại Sân thơ Trẻ, các tiết mục của Đại học Đại Nam, Đại học Bách khoa, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã hòa nhịp cùng các tiết mục văn nghệ và nội dung chính làm nên sự trẻ trung và tươi tắn của cả sân thơ.
Tiết mục của sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền làm Sân thơ Trẻ thêm sôi động. Ảnh: XUÂN THỦY
Với chủ đề của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 11 “Tuổi trẻ với Tổ quốc”, có thể nói, ưu thế của Ngày thơ Việt Nam năm nay nghiêng hẳn về “Sân thơ Trẻ”. Cùng với những gì diễn ra những năm trước, ít nhiều đã tạo nên áp lực cho những người thực hiện bởi công chúng vốn là “khách quen” của sân Trẻ có những kỳ vọng về những yếu tố mới – lạ mà họ sẽ được thưởng thức tại đây thay vì đọc thơ theo kiểu thuyền thống. Sân khấu của Sân thơ Trẻ năm nay với ý tưởng “Tổ quốc màu hoa đào”, bản đồ hình chữ S và hai Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa đều được hình tượng hóa bằng những bông đào phai theo ý tưởng của họa sĩ Nguyễn Anh Vũ, cũng là một trong chín gương mặt thơ tham gia trình diễn.
Phần được coi là hồn cốt của Sân thơ Trẻ là tổ khúc gồm 2 phần “Tổ quốc” và “Tình yêu” do Ban Nhà văn Trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức dàn dựng, nhà thơ Phan Huyền Thư đạo diễn sân khấu, nhà thơ Hữu Việt là tổng đạo diễn. Năm nay, các gương mặt thơ tham gia đã thể hiện tốt bản lĩnh sân khấu và năng lực trình diễn. Đặc biệt, họ ăn điểm trong mắt công chúng và báo chí khi không còn ai phải cầm giấy vì sợ… quên như một số năm trước. Phần một của tổ khúc có tên “Tổ quốc” đã có những màn điểm nhấn khiến khán giả lặng người khi tái hiện cảnh người lính trở về sau chiến tranh sinh ra những đứa con không rõ hình hài”, tiếng violin vút lên trong sự thinh lặng của toàn sân Thái Học.
Màn trình diễn khiến công chúng xúc động tại phần 1 tổ khúc mang tên "Tổ quốc". Ảnh: XUÂN THỦY
Một điều khá thú vị tại Sân thơ Trẻ năm nay là có khá đông công chúng là những bậc cao niên. Nhiều bác lớn tuổi đã có mặt từ đầu đến cuối chương trình ngồi xem chăm chú. Như vậy đồng nghĩa với việc, họ sẽ phải bỏ qua nhiều hoạt động khác diễn ra trong khuôn viên Văn Miếu, và hoạt động mang tính “cạnh tranh” nhất chính là sân thơ được coi là chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam tại sân Thái Miếu. Theo nhận xét của khán giả, chương trình tại Sân thơ Trẻ năm nay đã được chuẩn bị công phu, các tiết mục được dàn dựng chuyên nghiệp mang lại xúc cảm cho người xem. Một số tiết mục văn nghệ được lựa chọn không theo kiểu ngẫu nhiên mà có tính toán đến yếu tố chủ đề và xuyên suốt của chương trình như ca khúc “Đồng hương Trường Sa của tôi” của nhạc sĩ Lê Tâm (nhóm Bel Canto thể hiện), ca khúc “Chuyện tình nhà thơ” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường (ca sĩ Nhật Trang thể hiện). Nhạc nền “Bay qua Biển đông” – ca khúc đậm chất rock của Lê Việt Khánh cũng là một dụng ý bởi đề tài biển đảo là một nhấn mạnh trong xuyên suốt chương trình và Tổ khúc. Mở màn chương trình là màn hiphop của các chàng trai nhóm Mania như một “đặc sản” của Sân thơ Trẻ qua các năm tiếp tục được đạo diễn sân khấu Phan Huyền Thư vận dụng.
Tuy những gì diễn ra trên sân khấu nhận được sự khen ngợi nhưng khán giả và báo chí cũng bày tỏ đôi chút thất vọng về phần trưng bày tại khuôn viên Thái Học, nơi diễn ra Sân thơ Trẻ. Việc dựng lều bạt hàng dãy dài khung sắt căng bạt tuy tiện lợi nhưng đã tạo nên hiện tượng “đồng phục” và khô khan trong trưng bày của các gian hàng, “giết chết” tính sáng tạo của từng đơn vị tham gia. Thứ hai là có vẻ như phần trưng bày năm này được “khoán trắng” cho các trường Đại học, ít có sự tham gia của các đơn vị chuyên nghiệp và có kinh nghiệm nên khán giả có cảm giác của một… Hội trại sinh viên hơn là không khí của thơ ca mang tính toàn quốc. Nhiều người ngơ ngác đi tìm nơi trưng bày bản đồ cổ Việt Nam như thông tin đã đưa mà không thấy.
Chín gương mặt thơ tham gia Sân thơ Trẻ năm nay, từ trái qua: Du Nguyên, Nguyễn Minh Cường, Lữ Thị Mai, Nguyễn Quang Hưng, Thụy Anh, Nguyễn Anh Vũ, Bình Nguyên Trang, miên di, Vũ Thiên Kiều. Ảnh: XUÂN THỦY
Yếu tố thời tiết thuận lợi đã góp phần để Ngày thơ Việt Nam lần thứ 11 nói chung, Sân thơ Trẻ nói riêng diễn ra tại Văn Miếu thành công hơn. Công chúng không còn phải ngồi dãi nắng hay đứng dầm mưa để thưởng ngoạn thơ nữa, thay vào đó, trong tiết trời ấm áp, họ có thể bình thản ngồi xem và thưởng thức trọn vẹn từng tiết mục. Một số năm trước, một phần do thời tiết không thuận, cuối buổi khán giả không còn nhiều, nhưng năm nay, có lẽ do đẹp trời và chất lượng chương trình, đến khi kết thúc chương trình các hàng ghế tại Sân thơ Trẻ vẫn kín chỗ. Khi MC Thụy Anh đã nói lời chia tay, nhiều người vẫn chưa muốn đứng lên ra về. Các hoạt động khác của Ngày thơ Việt Nam sẽ còn tiếp tục diễn ra trong suốt ngày Nguyên tiêu.
Bài: THU OANH - THIỆN NGUYÊN
|