Bắt tay viết vẫn chập chững, khốn khổ, khó khăn và đến hôm nay khi gần đất xa trời ngẫm lại nghề viết vẫn thấy cực khổ cay đắng. Quả đúng là nghiệp.
Biết thế mà có bỏ được đâu - 93 đời xuân một đời người, dế mèn của tôi cũng đã 75 năm mùa xuân rồi. Thuở ấy, tôi đã viết cùng Nam Cao...
Nhà văn Tô Hoài
Truyện Con dế mèn và Dế mèn phiêu lưu ký là những sáng tác đầu tay của tôi cùng những truyện ngắn Nước lên, Con gà mái ri, Bụi ô tô...
Bước đi, tư tưởng tiến triển trong những bài ấy có thể thấy ra nguồn gốc giác ngộ của mình.
Tôi lớn lên giữa những buồn vui, những gian truân, trong vòng mọi tập tục, thói quen, của lớp tuổi tôi trong làng.
Lúc đó, cuối thời kỳ “bình dân”. Lý tưởng cộng sản như giấc mơ đẹp đến với những người thanh niên cùng lứa, cùng cảnh như tôi.
Cái lý tưởng “thế giới đại đồng” của Dế Mèn, của Dế Trũi, của Châu Chấu Voi, của Xiến Tóc là cách hiểu chủ nghĩa cộng sản của tôi với vẻ đẹp và cả cái trống rỗng và thiếu sót trong suy nghĩ tôi.
Và đấy cũng là quá trình tư tưởng của tôi đã hình thành thế, cho tới lúc làm nghề viết. Cột mốc đo trình độ cái nghĩ, cái nhìn.
Về mặt chính trị, từ khi biết nghĩ, tôi chỉ có một mạch nghĩ theo cách mạng. Nhưng trước cái chợ văn eo xèo kẻ mua người bán, các cách ra vào không như ta bây giờ.
Ngót nửa thế kỉ văn học quốc ngữ, chỉ được dăm tác phẩm hiện thực phê phán có giá trị. Còn thì người ta cầm bút để gãi cái thích của một số người đọc hạn chế lúc ấy.
Những nhân vật chàng và nàng vớ vẩn, phù phiếm và còn nhảm nhí tệ hại nữa, chỉ lướt qua bìa sách cũng đã thấy nặng mùi rồi. Khi chiếc yếm rơi xuống… Người đàn bà trần truồng… Ngoại tình… Làm đĩ… Thả cỏ… Một đêm với Dương Quý Phi… Còn lắm lắm! Như giật tít báo lá cải bây giờ.
Các chủ xuất bản chuộng mua loại hàng đó. Viết văn kiếm sống thì phải viết theo đơn đặt hàng.
“Tôi ý thức được con người và sáng tác là một, không thể sa ngã mà viết hay được”.Nhà văn Tô Hoài.
Sáng tác của tôi còn nhiều thiếu sót và sai lầm trong yếu tố tự nhiên chủ nghĩa, nhưng gốc tôi vẫn giữ được trong tâm hồn mình cái dáng dấp trong sáng của lý tưởng mình theo đuổi.
Tôi đi trong lầy lội, có lúc choáng váng, có lúc mù mờ, nhưng tôi đã không ngã vào đồi trụy và theo thời.
Những sáng tác của tôi đều miêu tả tâm trạng tôi, gia đình tôi, làng tôi, mọi cái của mình, quanh mình, những nghèo đói, cùng túng, đau đớn. Phần nào nhẹ nhàng, hay xót xa, hay nghịch ngợm và đá chút khinh bạc, là phần nào con người và tư tưởng tiểu tư sản của tôi.
Tôi nhớ từng chi tiết và từng nhân vật trong các trường hợp sáng tác. Những bạn lứa tuổi tôi trong làng bây giờ vẫn kể chuyện là người trong tiểu thuyết Quê người và tập truyện ngắn Nước lên hao hao giống ai, là ai.
Các nhà giáo trong truyện vừa Trăng thề là đời các hương ni vùng Bưởi. Cả những truyện loài vật cũng không ngoài cái rộn ràng hay trầm lặng của mảnh vườn trước cửa, ở lũy tre cuối xóm hay trên bãi Am Thị bên kia cửa đình.
Tôi ngồi giữa làng mà viết, hối hả viết. Mấy năm này, Nam Cao đã về ở nhà tôi. Chúng tôi ở trong cái gian bên kín bưng. Chỉ có một lỗ vuông cửa sổ tí tẹo, thành gạch sâu và hiu vắng đến nỗi bất chợt thò tay có thể nắm đuôi được chú chim sẻ đương than vãn ngoài hốc tường.
Cái bàn viết của chúng tôi bằng gỗ tạp, hai chân rời, như cái bàn đánh bóng, chúng tôi ngồi hai đầu chấu mặt vào nhau. Như cái bàn làm việc phát phiếu, những quầy quỹ tiết kiệm bây giờ. Đến mùa hè, Nam Cao căng màn nằm ngủ đêm trên bàn ấy.
Mỗi tháng, chúng tôi túi bụi bận viết vào mấy ngày cuối tháng. Đã vào nghề viết, nhưng nghề khác thế nào thì tôi chưa biết còn nghề viết lúc nào cũng là nỗi cực, cho nên cứ sắp đến ngày hạn đem truyện đi bán, tôi mới cắm cúi thâu đêm.
Có khi, để làm cho kịp, chúng tôi viết đổi tay cho nhau. Nam Cao thạo tả bên trong nhân vật, tôi nhờ anh viết cho những đoạn thế.
Nam Cao buồn ngủ hay chán viết, anh bảo tôi: “Cậu làm hộ mình thế này nhé. Sắp mưa. Bờ ao. Có bụi tre. Buổi chiều. Mấy trang cũng được!” Tôi vốn thích tả cảnh. Tôi lia vài trang hộ bạn về cơn mưa như anh đã phác.
Thường là đúng đề tài, thực tế bề bộn quanh mình, nhưng chưa có trình độ biết khai thác. Có một truyện ngắn Nam Cao viết về một người đi xem bói, thầy bói đoán toàn cái tốt sắp gặp.
Xem bói xong, ra đến cửa thì ô tô chẹt chết. Đó là một lần bí cái viết, chúng tôi về Nam Định xem bói kế.
Truyện Nam Cao viết từ đầu chí cuối hệt quang cảnh đi xem bói. Gác nhà thầy bói, cái mặt và dáng lão bói kế ngồi, những câu nó phán, nhất nhất đều thật. Chỉ phải thêm mấy câu cuối tả cái ô tô đến đâm chết người.
Quanh năm viết như đánh vật. Ý thức viết của tôi có được rõ rệt hơn từ khi văn hóa cứu quốc. Tôi biết miêu tả cái xã hội đau khổ là đúng, tôi tiếp tục viết thế.
Tôi ý thức được con người và sáng tác là một, không thể sa ngã mà viết hay được. Tuy nhiên, hiểu biết số phận nhân vật trong một xã hội có giai cấp với quy luật tiến hóa của nó thì phải đến nhiều năm sau Cách mạng tháng Tám, tôi mới dần dần vỡ ra.
Vậy mà đến khi bắt tay viết vẫn chập chững, khốn khổ, khó khăn và đến hôm nay khi gần đất xa trời ngẫm lại nghề viết vẫn thấy cực khổ cay đắng.
Quả đúng là nghiệp. Biết thế mà có bỏ được đâu - 93 đời xuân một đời người, dế mèn của tôi cũng đã 75 năm mùa xuân rồi.
Tô Hoài / TPO
|