(Baonghean.vn) - Những ngày đầu năm, một nén hương vọng tưởng hay nỗi niềm tâm thức hướng về miền linh thiêng đều là nghĩ suy từ sâu thẳm của cõi tâm linh thanh thản. Đầu Xuân Quý Tỵ 2013, chắp tay cùng mọi người hướng về những điều tốt đẹp, ước mong một năm mới an hòa.
Chuyện xưa còn kể, xứ Nghệ là đất địa linh. Lời đi qua thời gian còn đó: “ Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Những miền đất in sâu cùng tâm thức người xứ Nghệ, trong tâm tưởng kẻ đi xa để mãi nhớ về.
Những nén tâm hương dâng lên Phật tổ tại tổ đình Cần Linh
Nhớ xưa, chùa Cần Linh (hay còn gọi là chùa Sư Nữ) là ngôi chùa có quy mô lớn và đẹp nhất tỉnh Nghệ An. Đã được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch Việt Nam chứng nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lê, trên một vùng đất trước đây thuộc Làng Vang, tổng Yên Tường, huyện Hưng Nguyên. (Nay thuộc phường Cửa Nam- TP Vinh). Chùa thờ Phật Thích Ca (vị tổ của đạo Phật) và các vị sư tăng đã từng trụ trì trong chùa, trong vùng.
Thành kính trước Phật tổ Quan Thế Âm Bồ Tát
Ngày lễ đầu năm ở đền Quả Sơn (Đô Lương)
Trang trọng ngày lễ ở chùa Ân Hậu
Hàng năm, chùa có tổ chức rất nhiều ngày lễ lớn thu hút đông đảo nhân dân và du khách tới thăm viếng đều có chung cảm nhận về sự linh thiêng và uy nghi của ngôi chùa nghìn năm tuổi, nhưng ít ai biết rằng, nơi đây còn lưu truyền những câu chuyện huyền bí đã đi sâu vào lòng người. Lịch sử cũng đã ghi nhận sự ghé thăm của hai vị vua triều Nguyễn đối với ngôi chùa này. Theo sử sách còn lưu lại thì ngôi chùa này đã có sự ghé thăm của hai vị vua là Tự Đức và Bảo Đại. Trong đó Tự Đức được coi là người đã có ý tưởng đổi tên chùa như ngày nay. Với mong muốn đưa ngôi chùa linh thiêng này gần gũi hơn với người dân địa phương trong nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh, vua Tự Đức đã trao tặng nhà chùa bức trướng “Cần Linh”. Từ đó, Linh Vân tự được đổi tên thành chùa Cần Linh. Năm 1992, chùa Cần Linh được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.
Đất thành Vinh còn có chùa Tập Phúc. Chùa được xây dựng vào khoảng năm 1926, do các nhà hảo tâm của Nghệ An và cả nước phát tâm xây dựng. Chùa thờ Đức Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Phật Quan Âm, Đức Thánh Trần và Đức Thánh Quan. Trong kí ức của người dân, chùa Tập Phúc là ngôi chùa lớn nhất của Nghệ An thời ấy và thuộc hàng chùa lớn của miền Trung. Chùa Tập Phúc là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Nghệ An. Sau năm 1954, Nhà máy in Nghệ An dời vào chùa hoạt động một thời gian. Xuôi về hướng biển, chùa Phổ Nghiêm còn có tên là Hoàng Lao hay Trung Kiên, tọa lạc ở làng Trung Kiên (Nghi Thiết-Nghi Lộc). Ngược lên trên là chùa Chung Linh có từ lâu đời (khoảng 500 năm) tọa lạc trên núi Chùa (xóm Liên Chung, xã Phong Thịnh, Thanh Chương). Rồi nguy nga còn đó là chùa Đại Tuệ, Ngôi chùa cổ này nằm trên đỉnh cao nhất của dãy núi Đại Huệ, thuộc xã Nam Anh (huyện Nam Đàn)...ra đất Diễn Châu, ta lại gặp chùa Cổ Am (Diễn Minh, Diễn Châu) nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa Lèn Hai Vai.
Bàn thờ Bác Hồ ở Tổ đình Cần Linh
Linh thiêng lời ước nguyện ở đền Ông
Xin lá sớ tại đền Ông
Đi lễ chùa đầu năm, ai cũng mong mỏi một điều, đi lễ chùa không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc ước nguyện, mà ở đó con người ta có được giây phút quý giá để hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại sau lưng bao nhọc nhằn, vất vả của cuộc sống mưu sinh đời thường. Chính vì vậy, mỗi khi đặt chân đến chốn chùa chiền, bất kỳ ai cũng có cảm giác thong dong, nhẹ nhàng, tìm về với cội nguồn dân tộc.Từ lâu với người Việt, đi chùa đầu năm đã ăn sâu trong tiềm thức, đây là một nét đẹp văn hóa truyền thống, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Chắp tay ước nguyện ngày đầu năm, cũng là một ước vọng của mỗi tấm lòng kỳ vọng “Quốc thái , dân an”./.
Trần Hải
|