(Petrotimes) - Đêm Hà Nội chìm trong giá lạnh, nhiệt độ ngoài trời có nơi chỉ vài độ C. Nhưng giữa trời đông giá buốt, còn biết bao người lao động nghèo vẫn phải vất vả mưu sinh trong cái rét cắt da cắt thịt. Và tôi đã thử lang thang trong đêm Hà Nội để cảm nhận rõ cái cực nhọc của những “thân cò” lặn lội đêm đông.
23 giờ 30 phút, khoác thêm chiếc áo, tôi bắt đầu một đêm lang thang Hà Nội. Điểm dừng chân đầu tiên là Bến xe phía Nam, Hà Nội. Không có sự ồn ào thường thấy, đêm xuống, bến xe cũng trở nên vắng vẻ. Tôi đang ngơ ngác chưa biết nên bắt đầu như thế nào thì giật mình bởi tiếng phanh xe từ phía sau và tiếng người đàn ông giọng nhừa nhựa: “Về đâu anh chở cho, khuya rồi, đi bộ lạnh lắm”…
Thật tình cờ, người đàn ông đã trở thành người đồng hành cùng tôi đêm nay. Trò chuyện với anh, tôi được biết anh là Nguyễn Văn Trì, quê ở Văn Lâm, Hưng Yên. Ở quê, nhà anh có 5 miệng ăn chỉ trông vào mấy sào ruộng, vợ anh lại mắc bạo bệnh, đau yếu triền miên. Con gái lớn cứ đòi bố cho nghỉ học ra Hà Nội kiếm việc làm phụ giúp gia đình nhưng anh không đồng ý. Anh bảo: “Ngày nào bố còn khỏe, bố sẽ cố làm để nuôi các con ăn học. Đời bố mẹ không được học hành đã khổ rồi, đời các con phải khác”.
Khăn gói ra Hà Nội làm thuê, trước kia anh vốn thuộc “biên chế” trong đội xe cải tiến chuyên nhận chở vật liệu xây dựng. Năm vừa rồi kinh tế khó khăn, ít người xây nhà nên đội xe của anh cũng giải nghệ. Không chấp nhận về quê, anh xoay sang nghề xe ôm. Ngày ngủ ở nhà trọ, đêm ra bến xe chờ khách. Anh Trì cho biết: “Xe ôm cũng có nhiều loại, anh thuộc loại nghiệp dư nên không có đồng phục, không được vào trong bến, chỉ quanh quẩn đón khách ở vòng ngoài. Vạ vật cả đêm ngoài trời hại sức lắm, mùa nóng còn đỡ, mùa đông không khác gì hành xác. Đêm nào gặp khách thì kiếm được dăm chục, một trăm, nhưng cũng nhiều hôm, cả đêm chỉ ngồi ngáp vặt. Năm hết tết đến rồi, chưa kiếm đủ cho các cháu mỗi đứa một tấm áo mới thì chưa thể về quê được”.
Anh Trần Tiến Đạt bên xe ngô ế hàng vì rét
Chúng tôi đi được chừng dăm chục mét thì gặp một xe ngô luộc đang bốc khói nghi ngút. Chủ xe là một người đàn ông, anh đang lúi hút châm thuốc lào bên đống rấm trên vỉa hè. Vừa rời miệng khỏi ống điếu, anh đã ho thốc, ho tháo. “Rét quá, rít điếu thuốc cho ấm, ho chảy cả nước mắt”, chủ xe ngô luộc phân trần. Chủ xe ngô cho biết, anh là Trần Tiến Đạt, quê ở Phú Xuyên, Hà Nội. Ở quê, làm chẳng đủ ăn, anh ra Hà Nội và chọn nghề bán hàng rong để kiếm kế sinh nhai. Buổi sáng, anh ra chợ đầu mối lấy hoa quả đi bán dạo, tối tranh thủ bán thêm nồi ngô. Trừ ăn uống, thuê trọ, mỗi tháng cũng dư được triệu hơn triệu gửi về nuôi con. “Nhẽ ra giờ hết hàng rồi, mấy hôm nay trời lạnh, ế quá!”, anh Đạt than thở. Tôi mua giúp anh 2 bắp, nhưng xem ra chẳng thấm tháp gì với nồi ngô đầy ắp đang nguội dần.
Đồng hồ đã chỉ 0 giờ 30 phút, Hà Nội chìm trong giá lạnh, một người nằm co hình số 4, hai tay kẹp dưới đùi, đôi chân trần vẫn xỏ nguyên đôi dép, đầu che kín bởi chiếc mũ rộng vành. Không biết là đàn ông hay đàn bà, tôi chỉ dám gọi: “Xin lỗi, dậy dậy”. Thân thể cựa quậy, chiếc mũ được giở ra, để lộ một khuôn mặt già nua hốc hác. Bị chói bởi ánh đèn đường, ông cụ đưa tay lên dụi mắt mấy cái rồi từ từ ngồi dậy. “Mới hồi chiều còn ấm mà giờ lạnh quá. Đau ê ẩm cả người”, cụ lẩm bẩm.
Đó là cụ N.V.M, 73 tuổi, quê ở Thanh Liêm, Hà Nam. Cụ cho biết, ở quê con cháu đầy đàn đầy đống ra đấy, nhưng đứa nào cũng khốn khó, làm chẳng đủ ăn. Để đỡ gánh nặng cho con cháu, cụ lặng lẽ bỏ nhà ra Hà Nội gần một tuần nay. Tài sản mang theo là một bộ đồ và một đôi dép. Từ hôm ra Hà Nội, cụ chưa tắm lần nào, ngày lang thang xin ăn, tối tiện đâu ngủ đấy. “Cụ đi lối này vào nhà chờ trong bến xe nằm cho đỡ lạnh”, anh xe ôm vừa nói vừa chỉ tay về hướng Bến xe phía Nam. Cụ già không nói gì, chỉ gật nhẹ cái đầu rồi ôm ngực đi như lao về phía trước.
Sương khuya trùm kín các ngọn đèn cao áp, đường Giải Phóng (Hà Nội) trở nên vắng lặng, sâu hun hút. Bóng một người đàn bà nhỏ thó, lắc lư trên chiếc xe đạp cà tàng. Tiếng lọc sọc phát ra từ mấy vỏ lon bia buộc trên gác-ba-ga. Chúng tôi lặng lẽ theo sau quan sát, nhận thấy bà không bỏ qua một đống rác nào trên lề đường. Thường thì bà dùng chiếc móc sắt để bới, sau vài túi rác chẳng móc được gì, bà có vẻ sốt ruột và thục cả tay vào túi rác mò mẫm. Kết quả là tìm được hai vỏ lon nước ngọt và một vỏ chai dầu ăn.
Đến cuối đường, tôi quyết định tiếp cận và hỏi thăm. Khác hẳn với suy nghĩ của tôi, người đàn bà rất dễ gần và tỏ ra là người rất hiểu đời. Bà xởi lởi nói về “nghề nhặt rác” của mình: “Bãi rác cũng giống như cuộc đời, trên đời có thứ gì thì bãi rác có thứ đó. Nhìn túi rác bỏ ngoài đường, tôi biết đó là rác của nhà giàu hay nhà nghèo, của người hoang phí hay kẻ bủn xỉn”. Anh xe ôm hỏi một câu có vẻ vô duyên: “Sao bác không kiếm nghề gì làm mà lại đi nhặt rác lúc nửa đêm cho khổ?”. Chững lại sau giây lát, bà giải thích: “Ai chả muốn có nghề nghiệp đàng hoàng hả chú, chỉ những người không làm được gì thì mới đi nhặt rác thôi chú ạ”. Bà là Phan Thị Liên, quê ở Thanh Hóa. Hoàn cảnh neo đơn chỉ một mẹ một con, ngày con còn nhỏ, hai mẹ con ở quê, rau cháo nuôi nhau. Từ ngày con bà đỗ đại học, bà cũng theo luôn con ra Hà Nội tham gia vào “đội nhặt rác” kiếm tiền nuôi con. Quá nhiều người tham gia “đời rác” như bà khiến cuộc mưu sinh giờ đây trở nên khốc liệt. Bà Liên phải chọn cách lượm rác đêm để còn kiếm được cái gì có giá. Cách riêng đó đã giúp bà kiếm được 50.000-70.000 đồng mỗi đêm.
1 giờ, những cơn gió mang theo làn mưa làm không khí đã buốt lại càng trở nên buốt hơn. Trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, nhiều người nhà bệnh nhân nằm, ngồi vạ vật. Thấy động, một phụ nữ choàng tỉnh, co người ngồi thu lu bên gốc cây. Trò chuyện với chị, tôi được biết, chị là Trần Thị Mai, quê ở Thái Bình. Mẹ chị bị hở van tim đang nằm viện chờ đến ngày phẫu thuật nên chị phải vào viện chăm sóc. Đêm đến, phòng bệnh nhân chật chội, chị nói dối mẹ ra ngoài thuê trọ rồi xuống đây ngủ ngồi vạ vật qua đêm. “Hôm trời ấm cũng chợp mắt được vài tiếng, nhưng lạnh thế này, chỉ có nước là thức trắng thôi”, chi Mai chia sẻ. Chia tay chị Mai, tôi ngược ra cổng bệnh viện, những làn gió vẫn thốc thẳng vào mặt. Tôi đưa tay kéo cao cổ áo và bất giác nhận thấy rằng, cái lạnh không chỉ là cảm giác nữa.
Gánh hàng thuê tại chợ đêm Long Biên
2 giờ, trước cửa những ngôi nhà đối diện ga Hà Nội, một vài quán cóc với ánh đèn leo lét. Như thường lệ, cứ vào giờ này là bà Nguyễn Thị Mùi lại dọn hàng ra ngồi đợi chuyến tàu sớm. Thấy khách vào, bà Mùi choàng tỉnh cơn ngủ gật. Ngồi hỏi chuyện, bà kể: “Tôi quê ở huyện Phú Lương, Thái Nguyên, có ba người con thì cả ba đứa đều kinh tế nghèo khó. Không nỡ ăn bám con cái, tôi bắt xe xuống Hà Nội, bán vài thứ lặt vặt kiếm tiền sống qua ngày”.
Ban ngày bà nghỉ ở nhà trọ, đêm xuống vạ vật ở đây với mẹt hàng bán cho khách xuống chuyến tàu sớm. Cuộc sống của bà “lệch múi giờ” với mọi người. Bà bảo, những ngày đầu chưa quen cũng thấy khó ở, lâu rồi cũng thành quen, bà sống như thế này đã gần sáu năm rồi, khi nào kiệt sức bà mới nghỉ. Bà Mùi hướng đôi mắt về phía sân ga vắng lạnh, giọng chậm rãi: “Thức cả đêm để chờ tàu nhưng khi tàu đến rồi cũng chỉ vài ba người vào uống chén nước. Có khi tiền bán hàng không đủ để mua thuốc điều trị bệnh một ngày chú ạ”. Rồi bà chỉ vào mẹt hàng còn nguyên: “Từ tối đến giờ, có một ấm nước cũng phải đổ đi vì nguội. Quá nửa đêm mà vốn với lãi chỉ vẻn vẹn có ngần này” - bà giơ chiếc túi vải với mấy đồng lẻ nhàu nát.
Sân ga đang im lặng, bỗng một anh xe ôm nói như quát: “Xe phường, xe phường” khiến những thân hình gầy còm, xiêu vẹo choàng tỉnh, thu nhanh giỏ hàng trùm vào tấm chăn rách. Thì ra đó là cách anh xe ôm báo tin có xe công an phường đi thu hàng của những người bán hàng đêm quá giờ. Trong khoảnh khắc nhốn nháo, tôi chợt nhận ra bên trong những thân hình già nua, còm cõi vẫn ẩn giấu những sức mạnh sinh tồn. Chiếc xe cảnh sát lao qua, cũng vẫn tiếng người xe ôm lúc trước: “Dọn hàng được rồi”. Tôi định đưa máy chụp vài kiểu ảnh thì anh xe ôm đứng cạnh nói nhỏ: “Toàn người đói rách, chụp làm gì cho nó khổ hả ông?”.
Rời ga Hà Nội, tôi đến chợ đầu mối Long Biên, nơi có hàng trăm lao động ngoại tỉnh đang quần quật mưu sinh như quên cả cái mưa rét cắt da thịt. Họ đến từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên, Vĩnh Phúc. Công việc chính của họ là khuân vác hàng tại hai tuyến chợ Long Biên và Đồng Xuân. Ban ngày tỏa đi kiếm việc làm thuê khắp nơi, đêm về họ tiếp tục bán sức kiếm tiền. Lẽ thường xưa nay, cửu vạn là công việc nặng nhọc dành cho những người đàn ông khỏe mạnh, nhưng ở đây tôi nhận thấy đa số họ đều là phụ nữ “chân cứng vai mềm”. Nói là “chân cứng vai mềm” vì công việc ở đây đa phần là gánh và đẩy hàng hóa. Mỗi một đêm như thế, gò lưng đẩy hay oằn vai gánh từ 0 đến 7 giờ để kiếm được 80.000-100.000 đồng.
Đặt gánh hàng xuống điểm tập kết, chị Lê Thị Nhàn cho biết, mỗi gánh thế này chị được trả 4.000 đồng cho quãng đường hơn 200m từ chợ ra đường Yên Phụ. Quê chị ở Ân Thi, Hưng Yên, chồng mất sớm, ba đứa con lại đang đi học nên chị phải lên chợ đầu mối Long Biên gánh hàng kiếm tiền gửi về nuôi con. Càng gần tết, bước chân của chị dường như càng nhanh hơn, thời gian nghỉ lấy sức cũng ngắn hơn, để mỗi đêm thêm được nhiều gánh cho ngày tết của mấy mẹ con được tươm tất hơn.
Cùng gánh thuê như chị Nhàn, nhưng chị Nguyễn Thị Hà, ở Phú Xuyên, Hà Nôi có “thâm niên” ít hơn. Phải chờ khá lâu tôi mới đón được chị bởi chị cứ nhịp nhàng như thoi đưa từ chợ ra điểm tập kết và ngược lại. Giữa cái rét tê buốt vậy mà chị chỉ mặc một chiếc áo khoác mỏng. Chị bảo, mùa này những người cửu vạn như chị rất vất vả. Gánh hàng nặng nên mặc dù giữa đêm mùa đông nhưng mồ hôi vẫn ướt lưng. Nhưng chỉ cần dừng lại nghỉ thì những giọt mồ hôi ấy lại dính vào da lạnh buốt. Nhiều lúc, trở về nhà khi trời đã sáng, lạnh, đói, mệt mỏi, muốn gục ngã nhưng không muốn con cái bỏ dở việc học, chị lại gắng gượng. Chỉ mong mùa đông khắc nghiệt qua mau.
Người phụ nữ tất tưởi mưu sinh trong đêm
Chia tay với những người phụ nữ với gánh hàng nặng trĩu trên vai, chúng tôi xuôi theo đường Yên Phụ hướng về khu vực quận Đống Đa. Đến đường Láng, Hà Nội, tôi dừng xe quấn lại chiếc khăn cho gió khỏi lùa vào tai, chợt giật mình phát hiện một cụ già nằm trên bệ cửa, đắp chiếc mền bộ đội rách bươm. Dưới chân cụ, một dây xích được khóa vào chiếc xe đạp cà tàng còn buộc nguyên cả hòm đồ. Tôi mạo muội đánh thức ông cụ, cụ khẽ cựa mình, giọng ngái ngủ: “Tôi nghỉ rồi”. Nài nỉ cụ trở dậy, ngửi thấy mùi khen khét bốc ra từ tấm chăn, đã lâu lắm không được giặt. Cụ tên N.V.T, quê Thanh Hóa, từng là lính Điện Biên Phủ, sau tham gia Kháng chiến chống Mỹ. Hòa bình lập lại, cụ tìm về quê nhưng người thân chẳng còn ai nên cụ lưu lạc ra Hà Nội làm nghề bơm xe. Ngày cụ lang thang kiếm sống, đêm về chỗ ngủ cũng chẳng có. “Tôi già rồi, nhiều lúc chỉ mong có được “giấc ngủ dài” cho đỡ vấy bẩn phố phường, nhưng người ta bảo, những người lang thang như chúng tôi khó chết lắm”, cụ than. Đất nước hòa bình được bao nhiêu năm thì có chừng ấy năm cụ sống cảnh màn trời chiếu đất. Với chiếc bơm, cụ đã tiếp sức cho không biết bao chiếc xe lăn bánh; vậy mà “bánh xe cuộc đời” cụ vẫn giậm chân tại chỗ.
Lúc này đã là 4 giờ, chúng tôi quyết định chọn chợ rau xanh Ngã Tư Sở làm điểm cuối của cuộc hành trình. Chợ họp giữa trời nên bất kể sương gió, giá rét, người bán và người mua đều run cầm cập. Công việc đầu tiên của những người phụ nữ bán rau là té thêm ít nước để giữ tươi cho rau. Từng bàn tay seo quắt vì lạnh. Họ trao đổi giá nhưng không thành tiếng, hai hàm răng lập cập đập vào nhau. Họ nhanh chóng thu từng đống tiền lẻ và quẳng vào túi, cách đếm tiền cũng kỳ lạ: thả từng đồng xuống đất, sau đó thu lại kẻo bị kẹp díp.
Chờ một “lão nông” bán hết xe bắp cải, tôi hỏi: “Trời lạnh thế này, rau được giá bác nhỉ?”. Như gãi đúng chỗ ngứa, chủ xe rau phân bua: Đắt thì chả có, nhưng trời rét, rau hỏng nhiều, chẳng có rau mà bán nên bán cũng nhanh hơn. Không phải chở đi chở về là sướng rồi. Chở gần hai tạ, chạy ngược gió gần ba chục cây số, đến được tới chợ là lạnh buốt sống lưng. Để chống lại thời tiết lạnh giá, người bán rau tiết lộ: “Nếu tính cả áo mưa mặc bên ngoài, trên người tôi là sáu cái. Vậy mà trước khi lên đường vẫn phải lót dạ một chút nước mắm mới trụ được đấy”.
Trời lạnh mà người anh Đào Văn Quang (người bán su hào) ướt sũng mồ hôi. Anh cũng vừa phải vượt qua đoạn đường hơn hai mươi cây số vào Hà Nội. Vừa bốc su hào ra khỏi sọt, anh vừa nói giọng hổn hển: “Đói thì đầu gối phải bò thôi, chở hàng trong đêm lạnh thế này, đi chả khác gì bán xương nuôi thịt. Mười người đi bán hàng thì chín người mắc bệnh về phổi và xương khớp. Mỗi đêm đánh vật với trời, cũng kiếm được từ 200 đến 300 nghìn đồng. Chỉ mong thời tiết ấm dần lên chứ lạnh mãi thế này sức đâu mà chịu nổi!”.
Đó là với những người trồng rau, còn với những người buôn thì sao? Để có được những mớ rau tươi ngon vào mỗi buổi sáng, họ phải lặn lội từ nửa đêm. Nhặt đủ mỗi loại một ít, khi chất được đầy hai sọt ở trên xe cũng là lúc cả người ướt sũng như rau. Chị Vũ Thị Ngọc, ở Khương Trung, Hà Nội chia sẻ, bán hết xe rau này chị cũng kiếm được trên dưới trăm ngàn. Đó cũng là khoản thu nhập chính của gia đình chị.
Tôi trở về nhà khi đằng đông đã hửng sáng, chợ rau vẫn ồn ào náo nhiệt. Trong cái ồn ào của chợ búa, tôi vẫn thấy có những người tranh thủ nằm co quắp ngủ ngon lành trên bao tải rau, bất chấp những cơn gió lạnh phả vào người.
Phóng sự của Nguyễn Văn Dũng
- Hà Nội, mùa Đông năm Nhâm Thìn
|