Chúng ta đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam đã khẳng định vị thế thương hiệu trên toàn cầu. Trong lĩnh vực khoa học, văn hóa, nghệ thuật, đã xuất hiện những gương mặt Việt sáng giá, được thế giới ngưỡng mộ.
Tuy nhiên, sự hội nhập của văn học thì tiến triển rất chậm. Tại hội nghị chuyên đề về bảo tồn bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, do Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin – Truyền thông phối hợp tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vừa qua, nhiều học giả, nhà văn hóa, văn nghệ sĩ Việt kiều đã dành sự quan tâm đặc biệt cho văn học. Một vấn đề hết sức quan trọng được đặt ra, đó là khơi dòng tác phẩm của các nhà văn Việt kiều yêu nước để văn học làm tròn sứ mệnh là “sứ giả” của văn hóa, vừa góp phần tích cực bảo tồn bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, vừa đưa văn hóa Việt hội nhập sâu rộng vào các nền văn hóa tiên tiến trên thế giới.
Lẽ đương nhiên, để làm tròn sứ mệnh cao cả và không hề dễ dàng ấy, văn học Việt ở nước ngoài không thể thiếu mảng đề tài về LLVT và chiến tranh cách mạng. Nhưng hiện tại thì nó đang thiếu.
Nhiều học giả đồng quan điểm cho rằng, khi nhắc đến Việt Nam trên trường quốc tế, yếu tố căn bản nhất để làm nên dấu ấn văn hóa Việt chính là lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, tiêu biểu là hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Với dư luận thế giới, các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trong thế kỷ 20 của Việt Nam là cuộc chiến của thời đại. Tuy nhiên, cho đến nay, trong vốn văn học của đất nước, vẫn chưa có một tác phẩm nào hội tụ đủ các yếu tố để có thể được vinh danh là tác phẩm văn học của thời đại, tương xứng với hiện thực vẻ vang của hai cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Chúng ta đã bàn nhiều đến các giải pháp, trong đó có những chủ trương, chương trình ở tầm vĩ mô của quốc gia để chờ đợi những tác phẩm văn học về đề tài chiến tranh cách mạng xứng tầm hiện thực, nhưng cho đến nay, mục tiêu vẫn còn ở phía trước, dù hiện thực chiến tranh đã đi qua mấy thập kỷ. Theo một số nhà nghiên cứu, một trong những hạn chế của chúng ta chính là ở khâu quảng bá, xuất khẩu văn học. Cả một thời kỳ dài, hầu hết các tác phẩm văn học về mảng đề tài chủ đạo này chỉ được in ấn, xuất bản trong nước. Ngay trong ý thức sáng tạo của đội ngũ nhà văn cũng rất ít người có tư tưởng sẽ đưa tác phẩm của mình xuất ngoại. Thế nên, mặc dù chúng ta đã có khá nhiều tác phẩm xuất sắc của các nhà văn trưởng thành qua hai cuộc chiến tranh, nhưng chưa hoặc không được quảng bá ra thế giới.
Một thực tế hiển nhiên là hầu hết các cuộc vận động sáng tác, các chương trình, kế hoạch đầu tư cho sáng tác văn học về đề tài này từ trước đến nay cũng chủ yếu hướng về khai thác dòng tác phẩm của các thế hệ nhà văn trong nước. Điều này phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước giai đoạn trước đây, khi công cuộc hội nhập chưa được đẩy mạnh. Nhưng hiện nay, rõ ràng đã đến lúc chúng ta cần phải có sự thay đổi kịp thời và mạnh mẽ cho phù hợp xu thế thời đại, nhằm khơi dậy và phát huy tiềm năng của các nhà văn Việt Nam ở nước ngoài.
Trong một tham luận được nghiên cứu khá công phu của mình, PGS,TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam khẳng định: Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay đã hình thành và phát triển một lực lượng nhà văn đông đảo, trong đó có không ít những tên tuổi nổi tiếng.
Chỉ tính riêng thập niên đầu thế kỷ 21, dòng văn học của người Việt Nam ở nước ngoài đã có một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ, trong đó có nhiều tác phẩm có giá trị. Có thể kể đến: Nguyễn Mộng Giác với tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng “Sông Kôn mùa lũ”; Trần Kiêm Đoàn với tập truyện ngắn “Con yêu bánh nậm” và tập ký sự, biên khảo “Từ ngõ Huế xưa”; Bùi Minh Đức với cuốn Tự điển tiếng Huế dày 1000 trang; Thân Thị Ngọc Quế với các tập thơ “Giọt nước cành sen”, “Mây trắng đường về”, “Ngọn cỏ mặt trời”...; Nguyễn Xuân Dũng với tập bút ký “Gió về Tùng môn trang”...vv. Những cây bút sáng tác văn học trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện đang rất sung sức có thể kể đến: Châu Hồng Thủy, Nguyễn Huy Hoàng (Nga); Nguyễn Văn Thọ (Đức); Trần Vũ, Đỗ Khiêm, Đinh Linh, Phan Nhiên Hạo, Trần Nghi Hoàng, Hoàng Thị Bích Ty, Trương Vũ, Ngô Vương Toại, Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Hương, Đặng Thơ Thơ, Nguyễn Danh Bằng... (Hoa Kỳ); Phạm Thị Lan (Cộng hòa Séc)...vv. Cho đến nay, phần lớn các tác phẩm của các nhà văn Việt kiều đều hướng đến đề tài về dân tộc, đời sống xã hội đương đại với cách thể hiện mới, hiện đại, phong cách nghệ thuật có sự giao thoa, tiếp biến giữa văn hóa Việt và văn hóa phương Tây. Các tác phẩm đều được sáng tác, xuất bản bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh và ngôn ngữ quốc gia bản địa. Mảng đề tài về chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang ít xuất hiện hoặc chỉ xuất hiện với tư cách như là một đề tài bổ trợ cho tác phẩm trong các sáng tác của nhà văn Việt kiều. Một trong những nguyên nhân là do chúng ta chưa có hướng khai thác hợp lý.
Từ trước đến nay, cái khó khăn nhất của các nhà văn chúng ta là dịch tác phẩm ra tiếng Anh. Sự không ăn ý giữa tác giả và dịch giả khiến không ít nhà văn phàn nàn, tác phẩm của mình dịch ra tiếng Anh đã không giữ được thần thái, ý tứ như nguyên bản.
Lợi thế lớn nhất của đội ngũ nhà văn Việt kiều so với các nhà văn trong nước chính là vốn sống hội nhập, khả năng sáng tác song ngữ (tiếng Việt và ngôn ngữ quốc gia sở tại, trong đó chủ yếu là tiếng Anh). Và đây chính là điều kiện hết sức quan trọng để khắc phục những khó khăn nêu trên khi phổ biến tác phẩm văn học Việt ra nước ngoài.
Nhìn gần sang lĩnh vực điện ảnh, mảng đề tài về chiến tranh cách mạng, lịch sử dân tộc thời gian qua đã ghi dấu sự đóng góp to lớn của các đạo diễn Việt kiều với các tác phẩm gây tiếng vang lớn như: “Dòng máu anh hùng”, “Áo lụa Hà Đông”...vv. Ai cũng phải công nhận, phong cách làm phim của các đạo diễn Việt kiều rất chuyên nghiệp. Nhiều yếu tố về chất lượng nghệ thuật của tác phẩm đáng để các đạo diễn trong nước học hỏi. Điều đáng nói, các tác phẩm điện ảnh ấy đều được xây dựng trên nền các kịch bản văn học chất lượng tốt.
Như vậy, tiềm năng văn học trong đội ngũ nhà văn Việt kiều là rất lớn. Vấn đề là chúng ta có hướng khai thác như thế nào?
Chúng tôi cho rằng, trong chiến lược phát triển văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhằm tìm kiếm tác phẩm xứng tầm hiện thực, chúng ta cần có các chủ trương, giải pháp hướng đến khơi dòng tác phẩm của các nhà văn Việt kiều yêu nước. Nên chăng chúng ta cần tổ chức một hội nghị chuyên đề về vấn đề này dành cho các nhà văn Việt kiều, mở cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài này trong đội ngũ các cây bút sáng tác văn học Việt kiều. Cần có nhiều hơn nữa những trại sáng tác có sự tham gia sâu rộng của các nhà văn Việt kiều, tạo môi trường và các “sân chơi” phù hợp để đẩy mạnh hoạt động giao lưu, phối hợp sáng tác giữa các nhà văn trong nước và nhà văn Việt kiều.
Đảng, Nhà nước ta luôn coi cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc. Một cuộc vận động sáng tác lớn cho mảng đề tài lớn về chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang không thể thiếu vắng sự tham gia của các nhà văn Việt kiều.
PHAN TÙNG SƠN
(Theo QĐND)
|