Mấy hôm trước tôi đã gặp nhà văn Đỗ Chu ở trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội), anh em hẹn gặp nhau tại nhà anh. Chiều ấy, chen chúc giữa dòng người xe đông nghẹt giờ tan tầm, tôi đến. Hai anh em trải chiếu ngồi luôn giữa nhà. Rượu Mao Đài loại nồng độ mạnh của ai đó vừa tặng, anh rót đầy hai chén hạt mít, rồi đứng dậy vào bếp tự tay thái đồ nhắm. Chị thì lo pha trà mời khách.
Chuyện chung chuyện riêng một hồi, anh lặng lẽ vào phòng lấy ra mấy cuốn tuỳ bút Thăm thẳm bóng người, Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành. Vẫn trên mặt chiếu, anh ngồi xổm viết lời đề tặng sách cho những người thân thiết của anh ở Đà Nẵng. Bỗng anh ngước lên hỏi tôi: Minh có biết thầy Vũ Minh Đức bây giờ đang sống ở Đà Nẵng không? May quá, chú Đức – tôi vẫn gọi vậy – là người cùng xóm Giếng Bộng với gia đình tôi từ 6, 7 chục năm nay, là anh em bè bạn thân thiết với cha tôi và chú ba tôi hồi trai trẻ. Thời kỳ cha chú tôi ở chiến trường B, chú Đức khi ấy dạy học ở Bắc Ninh, thỉnh thoảng có dịp về Hà Nội đều ghé qua thăm mấy anh em tôi. Sau giải phóng, về lại Đà Nẵng, những người thân cũ lâu ngày gặp nhau, lại càng gắn bó. Tôi trả lời Đỗ Chu là tôi có biết. Anh chỉ ừ một cách mừng rỡ, rồi lại cắm cúi viết.
Tôi liếc sang, thấy những dòng này: Kính tặng thầy Vũ Minh Đức, cô Hồng và các em yêu quý. Hà Nội, 1.10.2009. Ký tên Đỗ Chu, học trò Chu Bá Bình của thầy. Rồi hai anh em lại tiếp tục nhâm nhi. Nhưng hình như tâm trí anh vẫn đang vương vấn điều gì. Anh bỗng ngồi ngay ngắn lại và bảo tôi: Minh cho mình mượn lại cuốn sách tặng thầy Đức. Lúc này dáng điệu anh trở nên nghiêm trang, mở trang đầu cuốn sách viết thêm mấy dòng sau chữ ký khi nãy. Lần này thì tôi không nhìn vào những dòng chữ của anh nữa. Hôm sau, khi ngồi trong phòng chờ ở sân bay để về lại Đà Nẵng, tôi mới tranh thủ “liếc trộm”. Xin mạn phép nhà văn Đỗ Chu và nhà giáo lão thành Vũ Minh Đức để chép ra đây: Em không bao giờ quên hình ảnh thân ái và sang trọng của thầy với đám trò Bắc Ninh thuở ấy, những năm em còn nhỏ tuổi. Kính thầy, sức khoẻ và đầm ấm gia đình.
Nhà văn Đỗ Chu (Bên phải) nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, Nghệ thuật năm 2012 do chủ tịch nướcTrương Tấn Sang trao tặng. Ảnh: Đỗ Hiếu
Đây là những dòng của một học trò đã là một ông lão 67 tuổi cháu nội ngoại đầy đàn chứ không phải của cậu học trò vô tư ngày nào, với người thầy cũ của mình. Vậy mà tình nghĩa thầy trò vẫn thật thấm đậm. Mới biết, hình ảnh của những người thầy nghiêm túc, hết lòng với học trò luôn là niềm ám ảnh trong các em, cả khi tưởng như các em không còn nhớ đến các thầy cô của mình nữa, cả khi không gian thời gian cách trở, cả khi công việc đã lấn át hết thì giờ của con người, cả khi người ta đã là những con người đã trưởng thành, đã có vị trí vững chãi trong cuộc sống.
Ra về, tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi cái dáng ngồi nghiêm trang của Đỗ Chu hôm ấy, như không phải trước tôi mà là trước người thầy của anh, một người mà trong ký ức lẽ ra đã có thể bị phai mờ, bị khuất lấp bởi bao cảnh bao người anh đã gặp trên khắp các ngả đường đời, khắp các ngả đường chiến tranh. Thật hạnh phúc cho những người thầy có những người học trò như vậy.
Dáng ngồi ấy, khoảnh khắc ấy càng cho tôi thấu hiểu vì sao, hình ảnh thầy cô giáo và cuộc đời học sinh thời phổ thông tươi đẹp, vô tư, đầm ấm đã nhiều lần trở đi trở lại ẩn hiện trong các trang truyện của anh. Có khi đó là cô giáo địa lý trong truyện ngắn Thung lũng cò, nơi có những đứa học trò nghịch ngợm nhưng thông minh như Tịch “híp” hay Vinh “mốc”; có khi đó là cảnh những học trò măng tơ như nụ sen, bơi xuồng hái những bông sen đẹp nhất tặng thầy cô giáo giữa một đầm sen hương thơm ngào ngạt và trăm nghìn bông sen khoe sắc dưới ánh nắng rực rỡ (Truyện Bồng chanh đỏ*). Nhưng đậm nét nhất có lẽ là hình ảnh cô giáo Nhâm trong truyện Hương cỏ mật mang đầy chất thơ, trong đó ngòi bút Đỗ Chu đã đưa người đọc phiêu diêu cùng những tình cảm thật hồn nhiên thơ mộng nhưng cũng đầy kính trọng của mình với những người thầy thuở niên thiếu không bao giờ quên như mùi hương cỏ mật dân dã ngào ngạt suốt cuộc đời của một người lính ra đi từ một vùng quê êm dịu.
Về đến Đà Nẵng, tôi vội đến ngay nhà chú Đức. Chưa hết ngạc nhiên về tình cảm của ông-lão-học-trò kiêm nhà văn nổi tiếng với người thầy 40 năm trước của mình, tôi lại ngạc nhiên lần nữa với ông-lão-thầy-giáo tuổi đại thọ 90 quê xứ Quảng trí tuệ vẫn minh mẫn, vẫn nhớ như in cái “đám trò Bắc Ninh thuở ấy” của mình. Giọng không còn được khoẻ, ông tâm sự: “Những em học sinh nhỏ có năng khiếu về văn học mà bây giờ đều thành đạt luôn luôn là niềm vui trong đời dạy học của tôi. Một bà mẹ tên là Võ Thị Vinh Hương ở Thị Cầu (Bắc Ninh) còn giữ bài văn của con gái khi học lớp 6 với nét chữ nhận xét bằng mực đỏ của tôi. Bà đã đưa vở cho tôi xem và nói: “Cháu đã là thạc sĩ và đang công tác trong ngành giáo dục”. Em Trương Nhuận, hiện là Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, là học sinh giỏi văn lớp 7, từng đạt điểm cao trong kì thi học sinh giỏi văn thị xã Bắc Ninh. Với Đỗ Chu, tôi vẫn thường xuyên theo dõi bước đường thành công của em, với tư cách người đọc, và cũng là người thầy của cậu học trò say mê văn chương. Nhận được tập tùy bút “Thăm thẳm bóng người” của Đỗ Chu với lời đề tặng đầy tình cảm và sự trân trọng, tôi và nhà tôi rất xúc động. Ký ức đưa tôi về với những học trò xứ Kinh Bắc với ngôi trường đơn sơ nhưng đầm ấm tình nghĩa thầy trò. Tôi nhớ mãi lời nói ngộ nghĩnh về ước mơ tương lai của cậu bé Chu Bá Bình ngày nào khi tôi khen bài văn miêu tả lớp 5 của em: “Thầy ơi, sau này em thích học Đại học Tập làm văn”. Nghe thật ngây thơ, đáng yêu làm sao! Trong đời dạy học của tôi, nếu sự thành đạt của học trò là niềm vui thì tình cảm quý mến, trân trọng mà các em dành cho tôi suốt bao nhiêu năm nay là niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao”.
----------
*Trong truyện của Đỗ Chu, bồng chanh đỏ là tên một loài chim hay sống ở những đầm sen, lông ức màu vàng, toàn thân óng đỏ như màu lửa.
Theo Hội nhà văn Việt Nam