Những nhà thơ đích thực chắc chắn là rất đau lòng.
Nguyễn Anh Nông là người như vậy. Anh từng tuyên ngôn: Một bước ngỡ tới đâu/ Ngàn vạn bước chửa tới mình/ Ta như kẻ tập đi với đôi chân bé bỏng/ Đường đời dài rộng/ Đường tình chông chênh/ Phận mình lênh đênh. Thăm thẳm đèo mây hun hút gió/ Đăm đắm bàn tay đá cỏ/ Đường cực lạc vinh quang đâu tá/ Bao ngựa xe gục ngã ven đường (Tha hương).
Nguyễn Anh Nông mang hồn vía của một thi sĩ từng trải những đớn đau mất mát tột cùng trong đời sống. Cũng có lúc anh ngoa ngôn phóng dụ nhưng sự thật dưới mặt đất vẫn luôn cám dỗ anh hơn. Anh đến với thơ tự nhiên và thảng thốt. Anh có nhiều câu thơ, bài thơ khỏe khoắn và vạm vỡ nhưng những đột khởi khiến người đọc sửng sốt thán phục lại là những bài thơ ngắn, thậm chí là cực ngắn:Hai chàng từng là địch thủ/ Choảng nhau có lúc mẻ đầu/ Bây giờ xanh hai nấm đất/ Khói hương thi thoảng thăm nhau (Cảm tác). Nếu mình không dám đi xa/ Câu thơ suông chẳng thiết tha mặn nồng/ Đã không có lửa trong lòng/ Đừng mơ hái một cành hồng tặng ai (Lửa và hoa). Ừ nhỉ, anh yêu em/ Yêu em mãnh liệt/ Yêu tao tác đất vùi cỏ lấp/ Những đứa con lừng lững với đời (Yêu em).
Nguyễn Anh Nông làm thơ từ chính những gì anh cảm thấy trong cuộc sống. Thơ anh phản ánh đầy đủ và chân thực cá tính cũng như nhân cách của anh, một người thâm trầm, độ lượng nhưng luôn riết róng với văn chương chữ nghĩa. Trong thơ anh, những hình ảnh, sự việc, ý tứ, ước mơ và đặc biệt là cách triển khai chúng bằng chính những chữ mà anh thuộc nhất, giày vò anh nhất nên hiệu quả thẩm mỹ từ đó mang lại cũng như sức ngân vọng loang xa là lớn. Anh có những câu, những chữ thần tình nhưng vỏ ngoài vô cùng giản dị: Nhoi nhói trong xương thịt anh/ Hau háu đàn kiến đói(Linh cảm). Thế giới có khuôn mặt khác/ Ngươi là thánh thần/ Ngươi là quỷ ác/ Trái tim ngươi bỏng hơn mặt trời (Đối thoại cùng mây bay). Em cứ đuổi theo anh như hình với bóng/ Ta thành người cổ điển lúc yêu nhau (Thơ tình lính biển).
Thơ Nguyễn Anh Nông có một mảng lớn dành cho đồng đội. Không chỉ những người đang sống mà cả những người đã khuất, đặc biệt là những người đã hy sinh. Không chỉ với người chiến thắng, những tướng tá được vinh thăng mà là cả những người phía bên kia, những bà mẹ, người vợ mỏi mòn sau cuộc chiến. Trong cung bậc tình cảm của mình, nỗi đau nhà thơ thậm chí sâu hơn nỗi đau của người trong cuộc. Vốn nhạy cảm, trái tim thi sĩ Nguyễn Anh Nông rỉ máu khi viết về những đắng cay, thiệt thòi của người phụ nữ sau chiến tranh: Có chồng con bỗng tay không/ Đắng cay đời chị long đong phận tình/ Sớm khuya thui thủi một mình/ Nhà ai bát đũa ngọt lành rau dưa... Nhớ ngày giỗ anh tôi về/ Chị ngồi gõ mõ thầm thì hư vô.../ Chị ơi! Chị đáp: Nam mô!/ A di đà Phật... sững sờ bóng quen (Cõi thu).
Nguyễn Anh Nông có một thế mạnh là mảng thơ viết cho thiếu nhi dày dặn phong phú với cách thể hiện hấp dẫn mà soi chiếu và đấy sẽ mở ra nhiều điều bổ ích từ tư duy hồn nhiên, trong trẻo: Xưa anh trống đi dậy học/ Việc nhà có chị mái mơ/ Chị gánh bao nhiêu khó nhọc/ Anh trống hồn nhiên vô tư/ Chị mái đêm qua cáo bắt/ Để lại đàn con măng tơ/ Anh trống vào ra lộc ngộc/ Cái dáng cao gầy lắc lư... Ngày ngày anh trống lên lớp/ Cái dáng buồn đau thẫn thờ/ Dậy học trò thầy quên hết/ Chỉ nhớ vần ò... ó... o... (Thầy giáo gà trống). Mèo dạy hổ tập võ/ Hổ học rất hăng say/ Ngỡ đã giỏi hơn thầy/ Hổ giở trò, thử miếng. Hổ nhe nanh, giơ vuốt/ Vồ hụt sư phụ mèo/ Sư phụ - người biết trước/ Giấu mánh nghề, mang theo/ (Truyền cho trò tất cả/ Chỉ giữ miếng trèo leo). Trên cây cao nhìn xuống/ Sư phụ mèo cười vang/ Hổ run rẩy, luống cuống/ Toát mồ hôi, bẽ bàng. (Mèo và hổ).
Nhưng đến những vần thơ sau cũng là viết cho thiếu nhi thì tôi, bạn đọc của anh, đồng nghiệp của anh bỗng bàng hoàng: Mướp mới nhú mầm/ Giàn ai đã dựng/ Giàn cao sừng sững/ Mướp bé tèo teo/ Ngày tháng trôi vèo/ Mướp cao cao mãi/ Mướp cao cao mãi/ Phủ xanh mặt giàn/ Mướp bèn nhâng nháo/ Ăn nói vênh vang/ Rằng ta cao lớn/ Thấp sao cái giàn...
Nguyễn Anh Nông viết không nhiều nhưng thơ anh luôn neo được ở trong lòng độc giả. Anh đã in các tập: Bàn tay lá cỏ (Tập I- 1993); Bàn tay lá cỏ (Tập II-1995); Kỵ sĩ ngựa gỗ (Thơ thiếu nhi-1998);Mây bay; Những tháng năm ở rừng (2005); Trường ca Trường Sơn (2009)... Anh đã đoạt nhiều giải thưởng thơ ở Trung ương và địa phương, nhưng điều quan trọng nhất là những người cầm bút đồng thời luôn trân trọng anh là một nhà thơ, một thi sĩ đúng nghĩa. Thơ anh ngày càng bỏ đi được những rườm rà không cần thiết, những véo von mà đi thẳng tới những điều căn cốt nhất làm nên giá trị thi ca đích thực, đó là sự thức tỉnh lương tâm của con người.
PHÙNG VĂN KHAI
Nguồn: qdnd