Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ >
  Cửa sổ Văn nghệ: Trường ca về một trận đánh vĩ đại - NGUYỄN THANH TÚ Cửa sổ Văn nghệ: Trường ca về một trận đánh vĩ đại - NGUYỄN THANH TÚ , Người xứ Nghệ Kiev
 

 Cho đến nay thể loại trường ca hình như vẫn khuôn theo cái định nghĩa cổ điển: là tác phẩm thơ với dung lượng lớn và thường có cốt truyện tự sự. Cho nên hiểu một cách giản dị, viết trường ca là kể lại một câu chuyện bằng thơ.

Nhưng như vậy thì trường ca khác với truyện thơ ở chỗ nào? Các nhà lý luận dường như chưa có sự phân biệt rạch ròi nên cuốn từ điển thuật ngữ văn học gần đây nhất không có khái niệm truyện thơ, trong khi đó trên thực tế vẫn tồn tại cách gọi “truyện thơ Nôm”, hay “truyện thơ dân tộc Thái” (Tiễn dặn người yêu), “truyện thơ dân tộc Hmông” (Tiếng hát làm dâu)… Có lẽ nên có một sự phân biệt tương đối thế này: về mặt cấu trúc thể loại, cũng là kể lại một câu chuyện bằng thơ nhưng truyện thơ coi trọng tới cốt truyện, giàu chất tiểu thuyết (như Truyện Kiều, Tiễn dặn người yêu…) còn trường ca giữ độ hài hoà giữa cốt truyện và chất thơ, tính thơ (Bài ca chim Chơrao, Đường tới thành phố...). Về mặt đề tài, truyện thơ đi sâu vào yếu tố đời tư còn trường ca thường lấy cảm hứng từ lịch sử cộng đồng…Bài viết không làm nhiệm vụ phân biệt thể tài trường ca và truyện thơ nhưng đặt ra như vậy làm một điểm tựa lý thuyết để đi sâu vào một số trường ca lấy cảm hứng từ trận đánh lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Nói là “một số” vì có cả một thế giới trường ca viết về sự kiện vĩ đại này nhưng chúng tôi chỉ căn cứ vào những trường ca tiêu biểu in trong mấy năm gần đâyLịch sử giữ nước của dân tộc ta luôn có những sự kiện như những cái mốc bằng vàng đánh dấu một chặng đường đuổi giặc: nhà Trần đuổi hết giặc Nguyên ở sông Bạch Đằng; vua Quang Trung đại phá quân Thanh ở Thăng Long; trận Điện Biên Phủ kết thúc chủ nghĩa thực dân cũ của Pháp ở Đông Dương; sau trận Điện Biên Phủ trên không nước ta sạch bóng quân xâm lược Mỹ… Những sự kiện này luôn là cảm hứng sử thi cho văn học nghệ thuật, và như nói ở trên, về sự tương hợp thể loại thì trường ca là thích hợp nhất.1. Máu - sự bạo tàn đế quốc

Xin mượn những biểu tượng của Việt Nam, máu và hoa - tên một tập thơ của Tố Hữu, lá cờ đầu của văn học sử thi Việt Nam hiện đại, để đặt tên cho luận điểm này.Những áng thơ văn viết về sự nghiệp kháng chiến thần thánh của dân tộc ta ở thế kỷ XX là sự ký thác đầy đủ nhất của lịch sử về tư thế, tư cách dân tộc anh hùng, đồng thời cũng ở đó đưa ra một định nghĩa hùng hồn nhất: nghệ thuật văn chương là nghệ thuật của tấm lòng yêu nước, yêu người. Thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, qua thơ văn cần sống lại cái thời mà cha ông họ lấy máu để chống lại kẻ thù lớn nhất của chính nghĩa cũng là của nhân loại tiến bộ:

 Thế kỷ qua

Thiên niên kỷ qua rồi

Chẳng dễ gì quên Những Ngày Tháng Chạp

Bom trộn trời vào đất

Đạn trộn ngày vào đêm…

 Bom B-52 rải vào nửa đêm

 Sớm mai thi hài xếp dọc đê Yên Phụ

 Mẹ chết rồi, con còn khóc đòi bú!

(Vương Trọng - Hà Nội của tôi)
Đó là những ngày tháng Chạp năm 1972.
Thời gian qua đi nhưng ký ức dân tộc không thể nào quên, không được phép quên những ngày đau thương cả dân tộc phải gánh chịu: đế quốc Mỹ mang “pháo đài bay” B52 rải thảm Hà Nội, Hải Phòng và một số địa bàn ở miền Bắc. Xét về độ hung hãn, về số lượng bom đạn và tần số đánh phá trong ngày, thì hiếm có nơi nào trên thế giới phải hứng chịu sự huỷ diệt tàn khốc như Hà Nội trong 12 ngày đêm này. Nhà cầm quyền của một nước tự cho mình là “văn minh, tự do, nhân quyền nhất thế giới” mà có một tuyên bố trắng trợn: đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá! Tái hiện đôi dòng lịch sử như vậy để thấy câu thơ của Vương Trọng rất thật: Bom trộn trời vào đất/ Đạn trộn ngày vào đêm. Đạn bom nhiều đến mức xoá nhoà không gian vật lý, thời gian vật lý! Thơ Vương Trọng luôn hướng tới hai phẩm chất thẩm mỹ - thật và ám ảnh: Sớm mai thi hài xếp dọc đê Yên Phụ/ Mẹ chết rồi, con còn khóc đòi bú! Giặc Mỹ bỏ bom khu vực Yên Phụ nhằm mục đích phá đê cho nước sông Hồng ngập tràn Hà Nội; và ở thời điểm đó Yên Phụ là nơi đông dân cư, có nhà máy điện, nhà máy nước phục vụ dân sinh. Phải hiểu cụ thể như vậy mới nhìn được sâu hơn vào tội ác của kẻ thù.

Một lý thuyết văn học trên thế giới là diễn ngôn đang rất được chú ý bởi nó xem xét, phân tích tác phẩm trong tính liên văn bản, coi tác phẩm là một diễn ngôn do các quy tắc mang tính chất ý thức hệ của thời đại quy định. Không tập trung xem tác phẩm phản ánh cái gì, phản ánh có chân thực hay không, diễn ngôn vươn tới tìm hiểu tác phẩm ở phương diện tư tưởng, thế giới quan và kiểu kiến tạo thế giới bằng các phương thức nghệ thuật. Khái niệm diễn ngôn chấn thương đang trở thành một khái niệm phổ quát bởi trong thời văn minh hiện đại con người luôn dễ bị chấn thương. Dùng khái niệm này để cắt nghĩa văn học về đề tài chiến tranh ở Việt Nam là rất thích hợp, trong đó có trường ca viết về trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”:

Ông già truyền thần những năm

chiến tranh

Vẽ người âm nhiều hơn

người trần...

Những chân dung, ông vẽ

và ông nhớ

Người mẹ mất con người vợ

mất chồng

Cô gái qua đời đêm tân hôn

 Hoa cưới qua đêm thành

hoa liệm

Nét cười tươi, khuôn mặt chớm

trăng tròn...

 (Nguyễn Đức Mậu - Mở bàn tay gặp núi)

Nhà thơ không tư duy bằng trí nhớ của nhà thơ mà mượn ký ức của một người làm nghề truyền thần khắc ghi những khuôn mặt của người đã ở cõi âm để làm bật ra một đối lập: những người đáng sống thì lại phải chết, như cô gái kia, nét cười hạnh phúc kia chỉ còn trên nét vẽ... Hình ảnh cái chết cứ trở đi trở lại trong trường ca Nguyễn Đức Mậu thành một điểm nhấn thi pháp không thể bỏ qua trong diễn ngôn chấn thương:

Người mẹ chết khi đang
 
nựng con
 
Đứa con chết khi đang nhay
 
vú mẹ
 
Có người chết khi đang say ngủ
 
Chết không ngờ mình chết bởi
 
bom rơi
 
Có người chết trong bữa ăn
 
dang dở
 
Đôi đũa cầm tay. Bát cơm đỏ
 
máu người…
 
Bom đánh vào nơi tưởng
 
bình yên nhất
 
Nhà thờ tan hoang tượng

Chúa cụt đầu

Dưới hầm sâu chật tiếng

nguyện cầu
 
Những con chiên ngoan đạo
 
những dân lành
 
Máu họ chảy chưa khô trên
 
gạch vỡ
 
Tay chắp lạy đức Chúa Trời
 
che chở…
 
(Nguyễn Đức Mậu - Mở bàn tay gặp núi)

Có một bạn đọc trẻ chê những dòng thơ trên là dài dòng kể lể, bởi bạn ấy chưa thấy đó là một bản án kết tội bằng thơ. Kết tội thì phải vạch ra, chỉ ra một cách cụ thể. Mảnh đoạn trên kết án tội ác chỉ có ở quỷ dữ và mảnh đoạn dưới kết tội sự tráo trở, phi nhân của lũ đế quốc, vì chúng tuyên bố không ném bom vào các nhà thờ

Cũng nói về chấn thương nhưng Vũ Đức Tân trong trường ca Đất sóng lại diễn tả bằng hình ảnh nước mắt:

chỉ nước mắt là không đếm xuể
 
nước mắt thành phù sa trên sông
 
phù sa ơi
 
vẫn là mùi khét của tóc
 
vẫn là mùi của những vết thương
 
vẫn là những bàn tay trong lửa…
 
Nước mắt cũng là biến thể của những cái chết, rất nhiều cái chết thảm thương. Nhưng điểm riêng của Đất sóng là kết tội kẻ thù huỷ diệt cả những nét đẹp văn hoá. Chúng muốn giết cả một nền văn hoá và giết những con người văn hoá:
 
đêm Khâm Thiên
 
tiếng đàn Quách Thị Hồ vang
 
trong đêm sơ tán
 
nhưng bom rơi xuống phố
 
ôi những đêm cầm ca xưa
 
thấp thoáng những tài hoa
 
những áo người bay trong
 
ánh trăng…
 
(Vũ Đức Tân - Đất sóng)    
 
2. Hoa - chiến công và sự hồi sinh
 
Việt Nam máu và Việt Nam hoa, hoa của chiến công. Kết vòng hoa chiến công ấy là những cô gái rất bình dị:
 
những cánh bay nhung nhúc
 
trong đêm
 
chúng làm những cô gái cũng
 
chậm lại nhịp thở
 
đưa ngón tay vào cò súng…
 
(Vũ Đức Tân - Đất sóng)         
 
Và những cánh bay của không quân ta lao lên bầu trời vít cổ kẻ thù:
 
Đêm B52 khốc liệt
 
Những cánh bay mặt đất 

Phóng lên trời
Anh cháy sáng

Anh nổ tung thiên thạch

Anh hoá thành vệt chớp

Ánh sao rơi…

(Nguyễn Đức Mậu -Mở bàn tay gặp núi)

 Những ai sinh sau 1972 không được chứng kiến cảnh pháo phòng không, pháo mặt đất vãi đạn lên trời đuổi “thần sấm” Mỹ thì hãy nhìn cảnh pháo hoa hôm nay bắn vào những dịp lễ tết để hình dung, đúng như một câu thơ của Vũ Đức Tân: Súng bắn lên trời như pháo hoa (Đất sóng).

Nói hay về chiến công phải kể đến trường ca Lòng chảo khác của Anh Vũ. Từ sự liên tưởng chiến thắng ở lòng chảo Điện Biên Phủ mà chúng ta có nhiều “lòng chảo khác”, như “lòng tay khum vốc nước” của một người yêu cho người yêu uống, rồi “lòng thúng tre khum khum” mà bà để gánh cháu tản cư… và “lòng chảo” Hà Nội thì tuy tương phản về mô hình nhưng thật giống về ý nghĩa với “lòng chảo” Điện Biên:
Đừng quên 1972

Mười tám năm sau
Chiến thắng
Điện Biên
Khối bộc phá nghìn cân lật tung
đồi A1
Lật tung lòng chảo đất
Đến
Mười hai ngày đêm
Điện Biên Phủ trên không
Tên lửa đạn pháo cao xạ đỏ lừ
thảm bom Thủ đô Hà Nội
Úp chụp lòng chảo trời
 
Xác B52 còn cắm bùn ao
làng hoa Ngọc Hà…

(Anh Vũ - Lòng chảo khác)

 Sử thi truyền thống luôn tìm đến các biểu tượng để ký gửi các mã ý nghĩa. Ở trường ca hôm nay cũng có cả một thế giới biểu tượng mà rõ nhất là các biểu tượng hoa, lửa, máu, cái chết, tiếng khóc… Có rất nhiều hình tượng cái chết và cũng có rất nhiều hình tượng tiếng khóc. Hầu như trường ca nào cũng có âm thanh tiếng khóc chào đời của em bé
 
Nhà hộ sinh oa oa tiếng trẻ…
 
Những mặt trời đỏ hỏn giữa
 
lòng nôi
 
(Nguyễn Đức Mậu -Mở bàn tay gặp núi)
 
Từng đống gạch ngói khói mù chợ Khâm Thiên đổ nát
 
Tôi thấy oe oe tiếng khóc trẻ
 
sơ sinh…
 
(Anh Vũ - Lòng chảo khác)
 
Không phải đơn thuần là nói về một sinh linh ra đời mà đó là một biểu tượng cho sự sống, cho sức sống, cho tinh thần bất diệt, cho sự thách thức trước sự huỷ diệt của kẻ thù.
 
Và hoa là biểu tượng cho chiến thắng, niềm tin, hy vọng:
 
Nhẹ tay nào anh, kẻo hoa đau, những cánh hoa quê mình mỏng mảnh, dám trụ lại với làng chấp hiểm nguy bom đạn, lấy sắc hương khẳng định quê mình. Chịu nỗi đau, thấu nỗi ân tình;… Đêm tên lửa vút trời đốt tàu bay Mỹ, hoa gọi nhau nở trắng vườn nhà…
 
(Vương Trọng - Hà Nội của tôi)
 
3. Một thi pháp của sử thi
 
Nói tới chiến tranh là phải nói tới không gian, rất hợp lý khi các nhà tiểu thuyết sử thi và trường ca luôn tạo ra cho tác phẩm của mình một nét thi pháp chủ đạo là không gian nghệ thuật. Dĩ nhiên đó là những không gian cực kỳ căng thẳng, một mất một còn. Trong trường ca nói về trận “Điện Biên Phủ trên không” có những nét rất riêng, trên thực tế đó là không gian vật lý đặc biệt, chưa bao giờ và có thể sẽ không bao giờ xuất hiện trên thế gian này.
 
Đó là sự tái hiện một không gian tràn ngập âm thanh, hình ảnh, màu sắc, mùi vị… đều ở đầu mút của sự cực tả. Các nhà thơ dường như huy động đến mức tối đa vốn các động tính từ để cố gắng làm sống lại không gian 12 ngày đêm lịch sử:
 
Giá như
 
Ngày không đùng đùng mấy bên
 
đạn nổ
 
Đêm không pháo hiệu đèn dù
 
xi nhan
 
Lửa ma trời rách trời lục ục
 
Tím vàng xanh đỏ
 
Đục ngầu    
 
Mắt quỷ nhìn ngó săm soi…
 
(Anh Vũ - Lòng chảo khác)
 
Đó là một không gian mang tính đối lập triệt để giữa sinh - tử, mất - còn, huỷ diệt - tái sinh, cá thể - vũ trụ, thời gian - không gian…:
 
Ngày con tôi chào đời
 
Lại là ngày bom rơi
 
Ngày B52 rải thảm
 
Đêm ấy trời đất vỡ
 
Gạch ngói mịt mù trùm lên
 
phố gãy
 
Những rú rít lạnh buốt…
Tiếng gọi đêm con sinh

 
Làm ngực tôi ba mươi năm sau
 
chưa lành…
 
(Nguyễn Đình Di - Lộ trình)
 
Và tương phản sao, ngay giữa làng hoa, nằm thô kệch xác B52 đen đủi, méo mó và rách nát. Hoa và xác B52. Tượng hình sự sống và cái chết… Có những mảng sắt thép, tưởng sức nặng trăm lần làm hoa nát gốc. Có ngờ đâu hoa vươn âm thầm trong đất, để một ngày mấy phía ùa ra, nở như để xưng danh Ngọc Hà, nở như để chôn vùi cái chết. Nở làm lời chào gặp mặt…
 
(Vương Trọng - Hà Nội của tôi)
 
Rất nhiều hình ảnh được bày ra làm cho người đọc có cảm giác như đi vào một bảo tàng ngôn ngữ về chiến tranh:
 
những chiếc khăn tang trắng đã
 
bắt đầu mọc lên trán
 
những bàn tay
 
những gương mặt
 
những bàn chân nát vụn
 
những bức tường bê tông máu
 
nhuộm hoen
 
tiếng máy khoan
 
tìm người sống bên người chết…
 
(Vũ Đức Tân - Đất sóng)
 
Tác giả của Đất sóng, theo lời giới thiệu ở trang cuối sách, vốn là phóng viên Báo ảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Hà Nội, hình như rất có ý thức tận dụng thế mạnh nghề nghiệp của mình để cấu trúc một trường ca ngập tràn hình ảnh, dữ dội có, trữ tình có… chảy trôi theo dòng ký ức. Đất sóng là một trường ca đầy suy tư - suy tư qua những hình ảnh.
 
Xu hướng chung của các trường ca là muốn tái hiện chân thực nhất lịch sử. Với một hiện thực dữ dội như mười hai ngày đêm tháng Chạp năm 1972, không một sự hư cấu, tưởng tượng nào có thể sánh bằng. Sự chính xác trong miêu tả được đề cao:
 
Mùa đông 1972
 
18 tháng 12
 
19 giờ 44 phút
 
Quả tên lửa đầu tiên vào cuộc…
 
29 tháng 12
 
23 giờ 16 phút
 
Chiếc B52 cuối cùng
 
Đã rụng xuống…
 
(Vương Trọng - Hà Nội của tôi)
 
Ga Hàng Cỏ trúng sáu trái bom
 
Ngôi nhà cổ bị chia làm ba khúc…
 
(Vũ Đức Tân - Đất sóng)
 
Cũng xuất phát từ quan niệm tôn trọng ở mức cao nhất các sự kiện mà trong nhiều tác phẩm giọng kể lấn át giọng ca. Các nhà thơ thường kể bằng cái tôi của mình, tác phẩm do đó đậm tính tự truyện, bộc lộ tâm huyết, sự chân thực, chân thành. Người đọc sẽ được cắt nghĩa về quá khứ, hiểu thêm về lịch sử, và bị chinh phục trước hết bởi thi pháp của một tấm lòng.
 
Chúng tôi hình dung các tác giả đã viết những thiên phóng sự bằng thơ về trận đánh vĩ đại. Những thiên phóng sự ấy, có khi được kể từ một điểm nhìn khách quan bên ngoài, của một người phương Tây, người Mỹ:
 
Giôn Baê
 
giọng hát hay của Mỹ
 
chị nhìn vào những căn nhà
 
đổ nát
 
chị nhìn những xác người…
 
chị ngửi thấy mùi cồn
 
chị thấy tanh mùi máu
 
 bi kịch này là của nước Mỹ
 
chị xấu hổ là một người dân Mỹ…
 
 (Vũ Đức Tân - Đất sóng)
 
Đến đây
 
Nhà báo phương Tây
 
Vừa chụp ảnh vừa khóc.
 
Qua đây
 
Nữ ca sỹ Mỹ trứ danh
 
Chẳng dám nhìn, lấy tay che mặt
 
Đôi vai rung lên trong tiếng nấc…
 
(Vương Trọng - Hà Nội của tôi)
 
Đây là một cách kể khách quan hoá trần thuật: tội ác của Mỹ có cả người Mỹ chứng kiến, các nhà báo nước ngoài chứng kiến. Từ địa vị nhà thơ, các tác giả trường ca trở thành những vị quan toà của toà án chống chiến tranh kết tội những kẻ chống lại nhân loại! Và cũng vì tội ác kia quá lớn, mà ở các trường ca nổi lên một giọng cật vấn hoài nghi, biểu hiện ra bên ngoài cú pháp là các dấu hỏi, câu hỏi:
 
Nhiều đêm nhìn sao trời.
 
Tôi tự hỏi
 
Không biết ở nơi cách ta
 
hàng triệu năm
 
Ánh sáng
 
Có tinh cầu nào cuộc sống
 
sinh sôi
 
Có tinh cầu nào không
 
chiến tranh...                
 
(Nguyễn Đức Mậu -Mở bàn tay gặp núi)
 
Hoà bình bị phản bội
 
Rồi sao?
 
Lời hứa hẹn ngọt ngào chỉ là
 
giả dối
 
Hay sao?...  
 
(Vương Trọng - Hà Nội của tôi)
 
Những câu hỏi ấy góp phần nâng tác phẩm lên tầm triết lý phổ quát: nhân loại hãy cảnh giác với sự lừa lọc đế quốc mà chung lòng gìn giữ hoà bình!
 
N.T.T

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội  

 


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 65203604

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July