Một chiều, con tôi đi học về, hớn hở “Mẹ ơi, trường con sẽ tổ chức giao lưu. Được gặp các chiến sỹ hạ máy bay B52 đấy. Thế mũ rơm hồi mẹ đi học là thế nào ạ.
Trong trí tưởng tượng của lớp trẻ thời @ bây giờ, Hà Nội thời đạn bom năm 1972 xửa xưa lắm. Nếu không có đợt kỷ niệm 40 năm chiến thắng B52, hình ảnh những chiếc mũ rơm đơn sơ để tránh bom bi Mỹ vẫn chỉ nằm trong các bộ sách ảnh hay trong bảo tàng. Những đôi mắt đen láy, trong veo đang nhìn tôi, và cũng là chính tôi thời ấy- mũ rơm, đèn dầu liu riu, dậy từ 2 giờ sáng đi học. Mờ sáng, ngoại tôi vác cuốc ra đồng cũng là lúc lớp tôi tan học. Cô giáo tôi dặn lũ lau nhau, không được la cà trên đường làng. Nhưng bọn trẻ ưa khám phá, thường rủ nhau xuống đồng bãi tìm thứ sợi nhỏ li ti. lóng lánh, lạ mắt. Về nhà, nghe anh tôi nói, mới biết đó là nhiễu Mỹ thả để chống ra đa của các chú bộ đội. Và tối tối, tôi theo ngoại ra đầu hồi ngóng về Hà Nội thân yêu, nơi mẹ đang làm tự vệ, bám trận địa của nhà máy. Nghe tiếng bom, chân trời rực lên đỏ gắt, lòng dạ không yên, ngoại thở vắn than dài “ Không biết mẹ cháu có việc gì không, nó đánh tập thể nhà cháu ở rồi đấy”. Tôi không gan lì được, trốn ngoại ra tìm mẹ. Bóng thám không thả lơ lửng trên cánh đồng Khuyến Lương. Đã đạp xe gần tới bến đò mà tôi phải nhảy phắt xuống, vứt xe đạp thống nhất bên cạnh miệng hố cá nhân khi nghe còi báo động ủ và giọng phát thanh viên dõng dạc“đồng bào chú ý,máy bay địch cách Hà Nội 50 km, đồng bào hãy nhanh chóng xuống hầm. Các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu”. Ra tới bến, tôi ngỡ ngàng nhìn chiếc cầu phao mới được bắc. Cầu nổi trên mặt sông ngày ấy tôi qua, giống hệt cầu phao Bác Cổ chiều nay tôi xem trên ảnh. Các chú bộ đội chỉ cho dân đi trên cầu phao lúc mờ sáng, địch chưa oanh tạc. Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy cảnh tượng đoàn xe ra tiền tuyến xanh lá ngụy trang xếp hàng dọc trên đường cái. Kế bên, cánh đồng bãi mênh mông vẫn xanh mướt ngô non. Tôi guồng xe thật nhanh, nhào về phòng ở của gia đình tôi, may mà mẹ vừa từ trận địa về. Mẹ ôm tôi vào lòng, bảo “ Con lớn rồi đấy, đừng liều ra tìm mẹ nữa. Bố con ở chiến trường, nhà chỉ có ba mẹ con, em đã ở Hòa Xá với bà nội. Con nấu cơm, hai mẹ con ăn rồi chiều mẹ lại sang trận địa. Con về đi học, ở đây nguy hiểm lắm”. Chiều ấy, tôi khóa cửa nhà, nhìn bóng mẹ tất tả, thấy mình lớn bổng lên. Không kịp lên Bờ Hồ ngắm hiệu sách Sài Gòn- Huế, mua mấy quyển truyện của NXB Kim Đồng, tôi giúp mẹ đèo dăm cân mì sợi chùa Bộc, đường kính trắng về quê. Lên xe rồi, tôi còn ngoái lại nhìn mẹ, chỉ thấy chiếc cặp ba lá sáng trên mái tóc mây búi gọn gàng. Bên khu A, hai dãy nhà A5, A6 bị sạt hẳn một nửa, tiếng xe cẩu tường vỡ vang lên khô không khốc.
Chiều nay, tôi lại được nhìn trên ảnh khung cảnh tang tóc của 40 năm trước. Vang lên trong tâm trí tôi bài hát mà chiều ấy, tôi đã khóc khi nghe bài hát từ loa truyền thanh trên đường Lĩnh Nam: “đêm nay trời Hà Nội vang rền tiếng súng, lửa rực cháy khắp phố phường yêu dấu. Lửa trừng trị B52, rực bầu trời đêm Thăng Long…”. Bên cạnh tôi, các bạn người Pháp, các em thiếu niên đi cùng bố mẹ, lạ lẫm với hình ảnh hố cá nhân và chiếc mũ rơm. Chúng tròn xoe mắt nhìn, thích thú đòi đứng cạnh ảnh chiếc mũ rơm chụp kỷ niệm. Và chính tôi, tôi cũng chụp lại hình ảnh hàng hoa tươi ở ven Hồ Gươm bình yên như không có chiến tranh; bởi hồi ấy, tôi vẫn là cô bé 13 tuổi.
Ôi , Hà Nội của tôi, của chúng ta, một thời đạn bom, đẹp và lãng mạn, kiêu hùng. Trong tim mỗi người luôn ấp iu tình yêu Hà Nội như tác giả của bài thơ Bay giữ trời Hà Nội mà tôi đã kịp chụp lại trên báo Hà Nội mới năm 1972:
“Một dáng thuyền, một bè nặng trên sông
Một ụ súng canh trời trên sân thượng
Máy bay ta qua, em nhìn lên, nghiêng nón…
Hà Nội ơi, đẹp như vườn hoa thơm!”
(Xuân Tràng- Bay giữ trời Hà Nội)
Và hôm nay, tình yêu ấy truyền cho lớp trẻ, thành những câu chuyện cổ tích “ hồi ấy, mẹ đội mũ rơm đi học, ngóng về Hà Nội, bà đang làm tự vệ nhà máy. Có nơi, các chiến sĩ đặt súng cao xạ đặt trên nóc nhà”. Mẹ tôi cười: bà còn được thưởng huy hiêu Bác Hồ nữa ấy chứ. Thời đạn bom sống trong những câu chuyện cổ tích và trao truyền trong mỗi nếp nhà, mỗi làng xóm, phố phường.. giản dị như thế.
Theo Blog Nguyễn Hữu Quý