Trong lịch sử nhiều thế kỷ của Hà nội có không ít những sự kiện rạng ngời. Thành phố bên bờ sông Hồng luôn anh dũng chống trả quân xâm lược ngoại bang, khôi phục và tập hợp nên những sức mạnh mới.
Khi đó vào năm 1946 bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hà nội đã thành lập Trung đoàn Thủ đô gồm hơn một nghìn người. Tôi đã được nhà văn Nguyễn Tuân kể cho nghe về điều này. Vào đêm ngày 18-2/1947 khi trung đoàn rời khỏi thủ đô thì mỗi chiến sỹ, trong đó có 140 cô gái - được giao những tấm kim loại mạ vàng với hình ngôi sao năm cánh và biểu tượng Tháp rùa nổi lên giữa hồ Hoàn Kiếm. Có một số chiến sỹ của trung đoàn vinh quang đó đã trở lại Hà Nội vào ngày 10/10/1954 là ngày giải phóng thủ đô khỏi quân xâm lược Pháp. Ngày 1/5/1955 sau 9 năm chiến tranh, chủ tịch Hồ chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ đã từ chiến khu trở về thủ đô. Phát biểu tại cuộc mít tinh, lãnh tụ của nhân dân Việt nam đã nêu nhiệm vụ "giành độc lập và dân chủ, thống nhất đất nước".
|
Các chuyên gia quân sự Liên Xô bên xác máy bay B-52 ở ngoại thành Hà Nội ngày 23/12/1972 |
Trong thời kỳ leo thang của xâm lược Mỹ, tôi đã được cử đi công tác tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nơi mà từ tháng 5/1967 đến tháng 5/1971 tôi đã làm phóng viên thường trực của hãng TACC và tờ báo KP "Sự thật thanh niên". Tất nhiên là đã có rất, rất nhiều ấn tượng in đậm trong tôi. Trái tim của Việt nam luôn gần gũi với những người Xô viết. Và đây chỉ là một đoạn của cuộc chiến đó:
Ngày 22/8/1967 là ngày thứ hai có các cuộc oanh kích man rợ liên tiếp vào thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những tên cướp trời đã nhằm vào giữa trái tim của một đất nước không chịu khuất phục. Bộ tư lệnh Mỹ nhận được lệnh đã được chờ đợi từ lâu là ném bom những cơ sở mới ở Hà Nội. Nhưng thử hỏi rằng, liệu ở Washington bọn họ có hiểu được rằng những cơ sở như thế lại là cả một khu dân cư đã bị san bằng như sáng nay chẳng hạn? Những chiếc xe cứu thương chở thương binh xuyên qua màn khói thấp thoáng bóng của những người lính cứu hỏa không kịp lau mồ hôi trên mặt. Không khí tràn ngập mùi thuốc. Hiệu thuốc của khu vực đã bị bom phá hủy. Trên mặt đất là những cuốn sách, vở bị rách. Cửa hàng sách giờ đã không còn nữa.
Cuộc chiến tranh của Mỹ chống dân tộc Việt nam đang được đẩy mạnh. Tuy vậy, Bộ Tư lệnh Mỹ không giữ bí mật những kế hoạch của họ về vấn đề này. Một số chuyên gia quân sự Mỹ thậm chí đã tỏ ra không hài lòng vì thời tiết xấu đã ngăn cản việc thực hiện số vụ oanh tạc theo kế hoạch vào miền Bắc Việt nam và ném bom Hà Nội và Hải phòng. Khi thời tiết tốt thì có thể ra đi và lập "kỷ lục" về số lần oanh kích được tính vào cuối mỗi ngày. Chỉ số này đã bị phá vào thứ 7 ngày 19/8, là ngày mà theo số liệu của quân Mỹ, đã có 209 cuộc oanh tạc đối với miền Bắc Việt nam. Còn sang ngày thứ hai sau đó chúng tiếp tục đánh vào khắp Hà Nội.
|
Các chuyên gia quân sự Liên Xô bên xác máy bay B-52 ở ngoại thành Hà Nội ngày 23/12/1972
|
Khi ở Hà Nội xuất hiện những chiếc máy bay Mỹ thì từ những chiếc hầm trú ẩn cũng có hàng trăm, hàng nghìn đôi mắt dõi lên bầu trời để theo dõi. Và cần phải nghe thấy và nhìn thấy thời điểm đó căng thẳng thế nào khi trận chiến đấu khốc liệt đang diễn ra, khi mà mặt đất rít lên bởi những cú giáng trả mạnh mẽ, còn bầu trời thì rung lên bởi hàng phòng thủ của tên lửa, và bỗng nhiên trên các con phố vang lên những tiếng hét vui mừng. Đó là thêm một chiếc máy bay của quân thù đang bốc cháy và những mảnh vỡ nóng bỏng của nó rơi xuống dưới…Cần biết thêm là những cuộc không kích vào Hà Nội đã được giao phó cho những viên phi công giàu kinh nghiệm nhất của không lực Hoa Kỳ.
Những người bảo vệ thủ đô đã anh dũng giáng trả những cuộc oanh kích tập thể của không quân Mỹ. Cho đến ngày hôm nay họ đã hạ được 125 máy bay Mỹ, trong số đó có cả chiếc máy bay thứ 2,200 đã bị tiêu diệt trên bầu trời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Dân tộc Việt Nam đã trải qua đau thương mất mát nhưng luôn tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng. Chủ nghĩa lạc quan của những người yêu nước Việt nam không bao giờ bị mất đi. Chính tinh thần đó đã được thấm nhuần bằng khẩu hiệu "Tiếng hát át tiếng bom". Nhiều người dân Hà Nội đã tự nguyện đi vào chiến trường miền Nam Việt Nam chiến đấu chống quân xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai Sài Gòn của chúng.
|
Các chuyên gia quân sự Liên Xô bên xác máy bay B-52 ở ngoại thành Hà Nội ngày 23/12/1972 |
Đến tháng 1/1973 tôi lại đến Việt Nam. Tôi đã có mặt ở khu dân cư Khâm Thiên, nơi đã bị phá hủy hoàn toàn bởi những tên giặc lái B-52 Mỹ chỉ vài ngày trước đó. Tại đây công việc khôi phục đang được tiến hành.
Ngày 27/1/1973 tại Paris đã ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và khôi phục hòa bình ở Việt nam. Người Mỹ đã buộc phải ký hiệp định này sau khi thừa nhận sự thất bại hoàn toàn cuộc chiến của họ ở Việt Nam. Bọn họ đã không thể hoàn hồn sau thất bại thảm hại, bởi trong các cuộc oanh kích vào Hà Nội vào tháng 12/1972, họ đã bị mất đi hàng chục máy bay thuộc loại ác chiến nhất. Và lần này kỹ thuật quân sự Xô Viết trong tay các chiến sỹ Việt Nnam đã làm nên thành công.
NGỌC BÍCH dịch
Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội