Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ >
  Tin Văn nghệ: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Tổng thư kí thứ nhất Hội Nhà văn Á – Phi: “Bạn văn quốc tế rất ngưỡng mộ Việt Nam” - Phạm Phong Lan (thực hiện) Tin Văn nghệ: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Tổng thư kí thứ nhất Hội Nhà văn Á – Phi: “Bạn văn quốc tế rất ngưỡng mộ Việt Nam” - Phạm Phong Lan (thực hiện) , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

VanVN.Net - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đại diện Hội Nhà văn Việt Nam đi dự Đại hội tái thành lập Hội Nhà văn Á - Phi. Trong Đại hội này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã được bầu làm Phó Tổng thư kí thứ nhất Hội Nhà văn Á - Phi. Sau chuyến đi dài, nhiều bất ngờ và đầy thú vị, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã có những sẻ chia cùng bạn đọc VanVN.Net...

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: Đỗ Hiếu

 

- Chào mừng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trở về Việt Nam sau một chuyến đi dài, nhiều bất ngờ và thú vị. Trước khi lên đường sang Ai Cập dự Đại hội tái thành lập Hội Nhà văn Á – Phi, anh có “dự liệu” được điều gì trước sự kiện lớn này?

Thú thật là mới đầu tôi định…không đi. Vì ban tổ chức mời hai nhà văn đại diện của Việt Nam: nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn VN và tôi, Phó Chủ tịch. Nhưng nhà thơ Hữu Thỉnh có việc bận không thể đi được. Tôi nghĩ đến một đại hội rộng lớn như vậy (khoảng hơn 60 quốc gia tham dự, có nước có tới đại diện của hai Hội Nhà văn) mà mình có một mình “lọt thỏm” giữa họ, không ai biết nhà văn Việt Nam ngồi ở đâu cả. Sang tới Ai Cập, trong ba ngày làm việc liên tục (ngày 8, 9 và 10/12) các cuộc hội thảo diễn ra vô cùng sôi nổi với những ý kiến tranh luận khá “nóng” về các vấn đề văn học, văn hóa, bản sắc dân tộc… Tôi cũng có phát biểu và chuyển bức thư của nhà thơ Hữu Thỉnh gửi tới đại hội bày tỏ sự ủng hộ của cá nhân ông cũng như của Hội Nhà văn VN đối với việc tái thành lập Hội Nhà văn Á – Phi. Các đại biểu ở đó rất có thiện cảm với sự chu đáo của Chủ tịch Hội Nhà văn VN và đặc biệt có ấn tượng với hai đề nghị của tôi: xuất bản trở lại tạp chí Hoa Sen (tạp chí của Hội Nhà văn Á – Phi, ra 2 kì/năm) và có giải thưởng hàng năm cho các tác phẩm xuất sắc của khu vực này. Có lẽ vì vậy nên khi bỏ phiếu bầu ban lãnh đạo của Hội, họ đã dành nhiều tình cảm cho nhà văn Việt Nam.

- Sự kiện tái thành lập Hội Nhà văn Á – Phi đã bị gián đoạn từ năm 1988 (vì những lí do khách quan) có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều?

Ngay từ khi mới được thành lập, sứ mệnh của Hội Nhà văn Á – Phi là nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa và tinh thần của các dân tộc Châu Á và Châu Phi, bảo vệ những giá trị văn hóa của các dân tộc. Đặc biệt hiện nay trước làn sóng toàn cầu hóa, cần phải thông qua văn học để tăng cường sự hiểu biết và đoàn kết giữa các dân tộc Á - Phi. Chính vì vậy, việc tái thành lập tổ chức này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo các Hội Nhà văn thuộc các quốc gia trong khu vực.

- Theo quan sát của anh, các nhà văn đến từ hơn 60 quốc gia thuộc Châu Á và Châu Phi có nhiều người đã từng đến và hiểu về đất nước, con người cũng như văn học Việt Nam không?

Tôi không có con số cụ thể, nhưng cũng có những nhà văn nói rằng họ chỉ nghe nói đến Việt Nam với Chủ tịch Hồ Chí Minh và chiến thắng Điện Biên Phủ. Có một điều rất thú vị là một người bạn đến từ nước Nga: nhà thơ Olex Babưkhin - Trưởng ban đối ngoại Hội Nhà văn Nga, làm công tác “PR” rất nhiệt tình về Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam và Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ nhất mà ông tham dự, khiến cho các nhà văn quốc tế rất…ngưỡng mộ Việt Nam.

- Hình thức bỏ phiếu bầu ra các thành viên trong ban lãnh đạo Hội Nhà văn Á – Phi được tiến hành như thế nào? Anh có phải “cạnh tranh” gay gắt với nhiều ứng viên đến từ các quốc gia khác không?

Cách thức tiến hành bầu ban lãnh đạo rất đơn giản, công khai, mỗi quốc gia cử một nhà văn đại diện bỏ một phiếu bầu duy nhất cho ứng viên, họ đứng lên nói tên của nhà văn mình lựa chọn và ban thư kí ghi lại, cuối cùng tổng hợp kết quả để chọn người có số phiếu cao nhất. Sau khi bầu ra Chủ tịch Hội là nhà văn Ấn Độ, Tổng thư kí là nhà văn Ai Cập, các đại biểu tiến hành bầu chọn các phó tổng thư kí, trong đó quan trọng nhất là Phó Tổng thư kí thứ nhất, vì đây là người cùng Tổng Thư kí điều hành toàn bộ hoạt động của Hội. Trường hợp của tôi không “gay cấn” như khi bầu Phó Tổng thư kí thứ hai người Uganda (đại diện cho Châu Phi), cô ấy và một ứng viên nữa có số phiếu bằng nhau, cuối cùng thêm một phiếu của tôi đã giúp cô ấy “chiến thắng”. Tôi cũng không ngờ mình được chọn và nhận được số phiếu ủng hộ cao từ bạn văn các nước.

- Ngay sau khi nhận chức vụ mới, anh cảm thấy…

Niềm vui của tôi khi được trao trọng trách đảm nhận một vị trí khá quan trọng của Hội Nhà văn Á – Phi dài đúng bằng…thời gian nói xong câu chúc mừng, bởi ngay sau đó, tôi hiểu rằng có quá nhiều việc phải làm để hoàn thành tốt được nhiệm vụ của mình. Nhưng có một chi tiết khiến tôi xúc động, đó là một nhà văn Ma rốc nói với tôi: “Tôi bỏ phiếu bầu ông – một nhà văn Việt Nam - làm Phó Tổng thư kí thứ nhất, vì trước đây cha tôi từng đi lính cho người Pháp sang chiến đấu tại Việt Nam. Tôi ủng hộ nhà văn Việt Nam như một lời xin lỗi thay cho người cha của mình đối với nhân dân Việt Nam”.

- Không chỉ nhận chức Phó Tổng thư kí thứ nhất của Hội Nhà văn Á – Phi, anh còn được đa số đại biểu muốn giao chức Tổng biên tập tạp chí Hoa Sen, dường như các đại biểu đã nhìn ra tài năng của anh trong lĩnh vực truyền thông văn hóa? Theo anh, nên có kế hoạch cho việc này như thế nào?

Có lẽ họ ấn tượng với ý kiến của tôi khi đề nghị xuất bản trở lại tờ tạp chí này nên đa số nhà văn dự đại hội mong muốn trong những năm đầu xuất bản trở lại tạp chí, một nhà văn Việt Nam sẽ làm tổng biên tập. Tôi đã nói lên tầm quan trọng của một tạp chí in (tất nhiên tạp chí điện tử khá quan trọng giữa thời đại internet), nó không chỉ có giá trị truyền thông mà còn có giá trị lưu trữ, hơn nữa, một tạp chí văn học của Hội Nhà văn Á – Phi cũng góp phần quảng bá tiếng nói của mình đến các châu lục khác trên thế giới. Tuy nhiên, để làm tốt ấn phẩm này đòi hỏi phải có trình độ, nhiệt tâm và sự kết nối chặt chẽ của tất cả các nhà văn trong Hội. Có thể ở mỗi Hội Nhà văn của mỗi nước có ban biên tập riêng, chọn ra tác phẩm tốt nhất của nước đó để giới thiệu trên tạp chí, mỗi số tạp chí sẽ theo một chuyên đề nhất định… Như truyền thống trước kia, tạp chí được xuất bản bằng tiếng Anh nên các tác phẩm không viết trực tiếp bằng tiếng Anh đều phải có một bộ phận dịch tương đối tốt để chuyển ngữ. Công tác in ấn và phát hành sẽ được tiến hành ở mỗi nước sau khi tổ chức bản thảo và được chế bản hoàn chỉnh trên máy tính chứ không chỉ in ở một nơi như trước. Nếu Việt Nam có nhà văn làm Tổng biên tập tạp chí Hoa Sen là một vinh dự nhưng cũng là một công việc vô cùng khó khăn.

- Nhà thơ có thể chia sẻ một vài kế hoạch sắp tới của Phó Tổng thư kí thứ nhất Hội Nhà văn Á – Phi?

Trước hết, tôi phải làm một bản báo cáo chi tiết về đại hội gửi tới Chủ tịch và Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam. Tiếp theo tôi sẽ đề đạt ý kiến có thể chúng ta sẽ tổ chức hội nghị lần thứ nhất của ban lãnh đạo Hội Nhà văn Á – Phi tại Việt Nam vào tháng 4/2013. Tại Ai Cập, trong buổi làm việc với Tổng thư kí Hội Nhà văn Á – Phi, tôi đã đề xuất ý kiến tổ chức một hội nghị các nhà văn Á – Phi trẻ và được ủng hộ, việc này có thể sẽ diễn ra vào năm 2014… Ngoài ra, những công việc cụ thể trong nhiệm kì sẽ tiếp tục được thảo luận và tiến hành trong thời gian tới. Nói chung, tôi bắt đầu thấy công việc mỗi ngày của mình đang nhiều lên, và thời gian dành cho cá nhân sẽ bị ít hơn, mà mình lại mang tư chất của một thi sĩ… (Cười…)

- Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã dành thời gian trò chuyện ngay sau chuyến đi dài. Xin chúc nhà thơ sức khỏe, bình an, nhiều cảm hứng mới…


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65196203

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July