Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ >
  Tin Văn nghệ: Thắng B52 trên bầu trời Hà Nội Tin Văn nghệ: Thắng B52 trên bầu trời Hà Nội , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

VanVN.Net - Hướng tới kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (tháng 12/1972 – 2012), nhà văn Đoàn Hoài Trung đã ra mắt tập ký sự “Thắng B52 trên bầu trời Hà Nội”. Tập ký sự đã diễn giải nguồn gốc chiến thắng 12 ngày đêm cuối năm 1972 vĩ đại mang tầm vóc quốc tế, bởi vì trên thế giới này, chỉ có bộ đội Phòng không-Không quân Việt Nam mới bắn hạ được “siêu pháo đài bay B52”. Đọc tập ký sự chúng ta được thấy tài tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chuẩn bị công phu cho trận đánh của Đảng của quân đội và nhất là của Quân chủng Phòng không-Không quân. Chúng ta cũng được gặp những tướng lĩnh, những người chỉ huy tài ba trong trận đánh lịch sử được mệnh danh là “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Bên cạnh đó người đọc được hiểu thêm về sự hình thành và phát triển các lực lượng của Quân chủng Phòng không-Không quân, chiến công thầm lặng của những lực lượng sản xuất đạn tên lửa, bộ đội ra đa… VanVN.Net trích đăng 3 bài viết trong cuốn sách này.

Tập sách “Thắng B52 trên bầu trời Hà Nội” dày 232 trang do Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành trong seri sách kỷ niệm 40 năm “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

 

 

Nhà văn Đoàn Hoài Trung quê Xuân Lộc, Sông Cầu, Phú Yên hiện nay là Đại tá, Trưởng đại diện Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội tại Thành phố Hồ Chí Minh. Anh là Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Phó Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Quân đội, Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Chiến sĩ báo Quân đội nhân dân.

 

 

Hồ Chí Minh – niềm tin và sức mạnh chiến thắng B52

Theo lời kể của Thượng tướng Phùng Thế Tài

 

 

 

Thượng tướng Phùng Thế Tài, nguyên Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không - Không quân. Trong những ngày diễn ra trận “Điện Biên Phủ trên không”, ông là Phó Tổng Tham mưu trưởng đặc trách cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc. Tôi đã từng trò chuyện với Thượng tướng về trận chiến trên không vào tháng 12 năm 1972.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng phong cách của Thượng tướng Phùng Thế Tài vẫn toát lên vẻ uy nghiêm khi tiếp chuyện với tôi. Mở đầu câu chuyện, tôi hỏi ông:

- Thưa bác, bác có thể cho cháu biết suy nghĩ của mình về “chiến thắng Điện Biên Phủ trên không” năm 1972?

 Thượng tướng trả lời dứt khoát:

- Trước hết phải kể đến đó là công lao của Đảng và Bác Hồ - vị lãnh tụ tài ba có tầm nhìn xa, trông rộng, sớm phán đoán có một ngày máy bay B52 sẽ ra Hà Nội và sẽ bị trừng trị đích đáng tại đây.

Nói đến Bác Hồ, mắt vị tướng già bỗng ngấn lệ. Một vị tướng mà tên tuổi đã từng gắn liền với những chiến công vào sinh ra tử, nhưng khi nhớ tới Bác, như nhớ đến người cha, ông vẫn không kìm nén được xúc động. Ông bồi hồi nhớ lại: Năm 1962, tôi được bổ nhiệm làm Tư lệnh Bộ đội Phòng không. Trước khi nhận nhiệm vụ mới, tôi được Bác gọi lên. Được theo bảo vệ cho Bác Hồ từ trước Cách mạng Tháng Tám, nhưng mỗi lần gặp Bác, tôi vẫn luôn hồi hộp. Bác dặn dò một vài điều như người cha căn dặn con. Trước khi giao trọng trách, Bác đã hỏi tôi:

- Bây giờ chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B52 chưa?

Nghe Bác hỏi mà tôi cứ ngớ người ra. Không ngờ Bác lại hỏi về loại máy bay này. Tôi thành thật thưa:

- Dạ thưa bác, cháu chưa biết gì về B52...

Thấy tôi ấp úng, Bác cười độ lượng:

- Bác hỏi thế thôi chứ chú có biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay cao trên 10 cây số mà trong tay chú hiện nay mới chỉ có cao xạ thôi. Nhưng ngay từ hôm nay, là Tư lệnh Bộ đội Phòng không, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B52.

Nhận được ý kiến chỉ đạo của Bác, từ đó tôi để tâm nghiên cứu loại máy bay này. Tôi chỉ thị cho cơ quan tác chiến, quân báo bằng mọi cách thu thập toàn bộ tính năng, tác dụng của loại pháo đài bay này. Khi nghe anh em báo cáo tính năng kỹ, chiến thuật của B52 có thể hoạt động trong điều kiện thời tiết phức tạp, ném bom ở độ cao trên dưới 10.000 mét. Mỗi máy bay có 15 máy gây nhiễu tích cực, hai máy gây nhiễu tiêu cực bằng sợi kim loại. Với trang bị vũ khí và trình độ kỹ thuật của quân đội ta, đánh B52 lúc này quả là một việc không dễ dàng. Đánh thế nào đây là điều mà tôi cứ trăn trở, suy nghĩ mãi.

Tháng 10 năm 1963, Bộ đội Phòng không và Cục Không quân có quyết định hợp nhất lại thành Quân chủng Phòng không - Không quân. Tôi được bổ nhiệm làm Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng. Đồng chí Đặng Tính - nguyên Cục trưởng Cục Không quân được bổ nhiệm làm Chính ủy Quân chủng. Nhưng thực tế không quân ta lúc ấy còn rất mỏng, chỉ có một đơn vị máy bay vận tải, còn một trung đoàn MiG-17 đang huấn luyện ở nước ngoài chưa về.

Ngay từ ngày ấy, một câu hỏi luôn luôn hiện trong đầu tôi, ngay cả trong giấc ngủ: “Làm thế nào để đánh B52, nếu B52 vào Hà Nội thì sẽ ra sao?”.

Cuộc tiến công quy mô lớn đầu tiên của không quân Mỹ vào miền Bắc ngày 5 tháng 8 năm 1964, được Mỹ đặt tên là “Mũi tên xuyên”, 64 lần/ chiếc máy bay của hải quân Mỹ từ hai tàu sân bay ngoài khơi lao vào đánh phá khu vực Bến Thủy (Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hóa), Hòn Gai và Cảng Gianh (Quảng Bình). Nhưng đế quốc Mỹ đã bị một thất bại lớn, vô cùng bất ngờ và choáng váng. Tám trên tổng số 64 lần chiếc máy bay cất cánh, tức 12% số máy bay được huy động vào một trận đánh đã bị bắn rơi, một số chiếc khác bị trúng đạn, ta bắt được một giặc lái. Tôi đã chỉ thị cho khai thác tên giặc lái này về tính năng tác dụng của B52.

Cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam ngày càng trở nên quyết liệt bởi sự leo thang của đế quốc Mỹ. Quân và dân miền Nam càng đánh càng mạnh. Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam Oét-mo-len đã khẩn khoản đề nghị Bộ trưởng Quốc phòng Mắc-Na-ma-ra cho sử dụng máy bay ném bom chiến lược B52 hòng cứu vãn tình thế. Ngày 18 tháng 6 năm 1965, Mỹ cho 30 chiếc B52 thực hiện cuộc oanh tạc đầu tiên vào khu Bến Cát, tây bắc Sài Gòn, đây cũng là trận ném bom rải thảm đầu tiên trên thế giới. Kể từ đó cường độ hoạt động của máy bay B52 ngày một tăng. Để đối phó với tình hình đó, ta đã thành lập trung đoàn tên lửa phòng không SAM 2.

Bác Hồ rất quan tâm đến điều này, bởi SAM 2 chính là đối thủ của B52, là vũ khí mà chúng ta có trong tay để trừng trị B52. Chỉ một tháng sau ngày Mỹ đưa B52 vào miền Nam, ngày 19 tháng 7 năm 1965, Bác Hồ đã đến thăm Quân chủng Phòng không - Không quân, nhân dịp bộ đội tên lửa chuẩn bị ra quân đánh Mỹ trận đầu. Bác Hồ đã huấn thị: “Dù đế quốc Mỹ lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay “Bê” gì đi chăng nữa, ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”. Tôi cùng anh Đặng Tính đứng cạnh Bác nghe rõ ràng trọn vẹn câu nói lịch sử của Bác về B52 mà sau này thành điều tâm niệm, lời thề sắt son của bộ đội Phòng không - Không quân, đặc biệt là của cán bộ, chiến sĩ bộ đội tên lửa.

Nhiều năm đã trôi qua, cùng với thời gian, tầm vóc chiến thắng vĩ đại của trận “Điện Biên Phủ trên không” càng vươn cao, càng chói lọi. Nhưng có được chiến công ấy phải nhắc đến Trung đoàn 238, trung đoàn tên lửa thứ hai của quân đội ta được giao nhiệm vụ vào Vĩnh Linh tìm cách đánh B52. Tôi nhớ mãi khi tôi báo cáo suy nghĩ đưa tên lửa vào đánh B52 ở Vĩnh Linh, Bác Hồ trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi trả lời: “Đúng, muốn bắt cọp thì phải vào tận hang...”.

Xuất phát từ tháng 4 mà đến cuối năm 1966 đầu năm 1967, các tiểu đoàn hỏa lực mới vào tới Vĩnh Linh, nhưng cả bốn tiểu đoàn đều bị địch đánh phá trên đường hành quân, bị tổn thất nặng.

Nhân dịp Quốc khánh ngày 2 tháng 9 năm 1967, theo thông lệ hàng năm, tôi lên gặp Bác để báo cáo tình hình chiến đấu của bộ đội Phòng không - Không quân. Bác khen những thắng lợi của quân và dân Hà Nội. Rồi bất ngờ Bác đưa tay về phía tôi:

- Thế còn B52 đâu?

Câu hỏi đó làm tôi rất trăn trở, suốt đêm đó hầu như tôi không hề chợp mắt. Sau đó, tôi cùng anh Đặng Tính suy nghĩ về vấn đề này. Anh Đặng Tính trực tiếp vào tuyến lửa kiểm tra tình hình Trung đoàn 238. Sau đó, một đoàn cán bộ của Bộ Tư lệnh tên lửa vào Vĩnh Linh trực tiếp chỉ đạo Trung đoàn 238 bắn rơi cho bằng được B52. Đoàn do đồng chí Hoàng Văn Khánh, Phó Tư lệnh Binh chủng Tên lửa dẫn đầu.

Ngày 17 tháng 9 năm 1967 là một ngày khó quên trong cuộc đời tôi. Đêm đó, rất khuya, tôi nhận được điện của đồng chí Hoàng Văn Khánh báo tin Trung đoàn 238 bắn rơi hai chiếc máy bay B52 trên bầu trời Vĩnh Linh. Cầm bức điện trên tay mà tôi run lên vì sung sướng, tôi nghĩ ngay tới Bác Hồ. Phải báo cáo tới Bác tin quân ta bắn rơi B52 ngay bây giờ. Tôi và anh Tính bàn mãi. Anh Tính bảo để sáng mai thưa với Bác. Nhưng tôi cảm thấy không yên tâm. Tôi vội gọi cho anh Vũ Kỳ thư ký của Bác thì được biết đèn phòng làm việc của Bác còn sáng. Không kìm lòng được, tôi vội gọi điện cho Bác. Khi biết Bác ở đầu dây bên kia, lòng tôi cảm thấy lâng lâng sung sướng, nhưng tôi chưa kịp báo tin thì Bác đã hỏi:

- Chú Tài đấy à, có chuyện gì thế? Bắn rơi B52 rồi phải không?

Quả thật một điều kỳ diệu không thể nào tưởng tượng nổi. Có lẽ bằng linh cảm của một lãnh tụ vĩ đại mà Bác đã đoán được điều này...

Tháng 10 năm 1967, tôi chính thức nhận nhiệm vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng, đặc trách cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Ngay từ khi đó, tôi được giao nhiệm vụ chuẩn bị phương án chiến đấu bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng trong tình huống địch sử dụng B52. Đầu năm 1968, trên cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng tôi được báo cáo cho Bộ Chính trị toàn bộ hệ thống lực lượng Phòng không - Không quân, lực lượng hải quân của ta, hệ thống phòng ngự bờ biển chống trả những hoạt động của hải quân địch mà chủ yếu là lực lượng dân quân tự vệ. Tối hôm sau, tôi được Bác gọi lên hỏi thêm tình hình. Ngay sau đó, tôi cùng anh Đặng Tính, anh Lê Văn Tri và anh em trong Quân chủng xây dựng phương án đánh B52. Từ kinh nghiệm tổng kết đánh B52 ở Vĩnh Linh mà anh Hoàng Văn Khánh mang về cơ quan tham mưu, kết hợp với quá trình theo dõi, tìm hiểu trong suốt nhiều năm, chúng ta đã xây dựng được phương án đầu tiên đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng. Sau này, Quân chủng Phòng không - Không quân còn có thêm hai tài liệu nữa về cách đánh B52 in rô-nê-ô. Một bản được biên soạn tháng 7 năm 1969 và một bản được biên soạn tháng 10 năm 1972, càng ngày càng hoàn chỉnh hơn, có nhiều sáng tạo hơn.

Cũng trong năm 1968, có lần Bác Hồ và đồng chí Hoàng Văn Thái, Phó Tổng Tham mưu trưởng xuống thăm Quân chủng Phòng không - Không quân, tại nơi trưng bày những xác máy bay, bom bi, mảnh tên lửa sơ-rai..., tôi đã giới thiệu cho Bác những vũ khí mới của đế quốc Mỹ. Bác trầm ngâm nói với tôi: Kẻ thù đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào chiến tranh, cán bộ khoa học kỹ thuật của chúng ta còn quá ít. Nếu chỉ có lòng căm thù giặc và tinh thần xả thân vì nước vẫn chưa đủ thắng lợi. Các chú phải chú ý đào tạo thật nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật, nghiên cứu kỹ kẻ địch thì mới trăm trận trăm thắng.

Năm 1972, những điều Người tiên đoán đã trở thành sự thật. Không phải không có cơ sở khi nói rằng: kết cục của cuộc chiến tranh Việt Nam đã được quyết định bởi trận đánh trên bầu trời Hà Nội những ngày cuối tháng 12 năm 1972. Trận “Điện Biên Phủ trên không” ghi vào trang sử hào hùng dân tộc, tiêu diệt 81 máy bay trong đó có 34 máy bay B52, năm máy bay F111. Mỗi một pháo đài bay B52 rơi là lòng tôi lại sung sướng. Chỉ tiếc Bác đã đi xa, không kịp nhìn thấy những chiếc B52 cháy rực trên bầu trời Hà Nội. Chiến thắng vang dội đã buộc đế quốc Mỹ phải cúi đầu chấp nhận ký vào Hiệp định Pa-ri...”.

Những điều mà Thượng tướng Phùng Thế Tài kể lại làm tôi vô cùng xúc động. Qua câu chuyện của Thượng tướng, tôi càng có dịp hiểu thêm sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ là niềm tin, là nguồn sức mạnh cho bộ đội Phòng không - Không quân chiến thắng B52.

 

 

Tư lệnh Phùng Thế Tài (người đội mũ, bên trái Bác) hướng dẫn Bác Hồ thăm trận địa tiểu đoàn 61, Trung đoàn tên lửa sông Đà ngày 26/8/1965.

Theo Hội nhà văn Việt Nam 


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65196226

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July