Nhà thơ Phạm Tiến Duật (ảnh: Nguyễn Đình Toán)
Chợp một cái mà đã năm năm. Duật đi xa đã năm năm rồi, thế mà ngỡ chưa xa. Duật ngồi thì lâu nhưng đi thì nhanh. Lâu là bởi “vui đâu chầu đấy”, nhưng nhanh cũng bởi cứ hay để việc đến sát nút rồi mới vội vàng chạy về…làm nốt cho xong. Ngày chống Mỹ thì công việc tất bật, cứ cái xe đạp màu cứt ngựa, đít ngồi vểnh lên, đầu đội mũ sắt Duật phóng như bay trên đường phố. Một buổi trưa, loáng một cái, gã đàn ông gày gò cao ngẳng phốc xe lên vỉa hè nhà tôi ở đầu phố Khâm Thiên, Duật kêu: “Ra mà lấy bánh mỳ, 4 cái đấy, hôm nay không ăn cơm, vội đi đây”. Hắn quăng veo vào góc nhà rồi…biến. Mãi sau hỏi sao vội thế, Duật bảo: “Hôm ấy Công ty vệ sinh mời ăn cơm tổng kết, thế thì tội gì mà không chén, tớ xơi mãi canh dưa nấu tóp mỡ nhà ông cũng xót ruột…” Vậy đấy cái thời chiến tranh chơi với nhau đơn giản lắm. Nhà chật, có cái gác xép gỗ ẹo ợt mà có đến chục lão văn chương, thơ phú đến tụ tập rồi thân nhau. Mẹ tôi bảo: “Đám văn vẻ chúng bay bẩn khiếp, tao thấy thằng Duật mặc đến 4 ngày cái áo rồi mà chưa thay, hôi rình”. Ấy thế nhưng cụ lại hay chiều cu Duật bởi nó khéo miệng, thỉnh thoảng bớt ở đâu được cái tem gạo 225 gram, hắn biếu cụ, bảo: “Con ăn mãi cũng ngượng cụ ạ, cụ cho con góp chút này nhé”. Cụ cười bảo: “Thằng này vẽ, có đến 2 ngàn hai trăm gram cũng còn thiếu”. Chả thế mà Đỗ Chu đi công tác xa, dúi vào cho tôi cái sổ gạo đong đến 3 tháng. Gạo 4 hào một cân đáng bao nhiêu, thế là Duật và đám văn chương lại tha hồ bù khú. Cái ngày chiến tranh làm gì có nhiều kiểu nghe nhìn,vì thế buổi tiếng thơ của đài, báo Văn nghệ in đen trắng là hai “kênh” quan trọng của đám làm thơ, viết văn. Đêm vài thằng nằm cạnh nhau lại nghe đài ngâm thơ của bạn thấy vui và sung sướng… Giờ thì nhiều bạn hữu không ai là không nhớ hình ảnh nhà thơ “Đông-ky-sốt” Phạm Tiến Duật hay diện bộ cánh com-lê trắng toát và đeo cái cà vạt đỏ. Duật mà khen ai, ông nào lớ ngớ thì sướng lịm “ga hàng cỏ”. Một hôm tôi mời Duật đi ô tô, lên xe, Duật hỏi luôn cậu tài xế: “Chú tên gì đấy?” “Dạ, em tên Liên”. Duật bảo: “Tên Liên hay đấy, cái tên này nhiều ông làm to lắm, bét nhất cũng hàm thứ trưởng, như ông Vũ Khắc Liên đấy, thứ trưởng Bộ Văn hoá, như chú đây lái xe cũng là to, chứ cứ như tớ thì bao giờ biết lái. Mà nghiệm đấy cậu ạ, cái tên nào mà có chữ I phần lớn làm to, ví như Lênin, Stalin, Hồ Chí Minh, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, Kit-xinh-giơ, Hít-le, Ken-nơ-đi…” Duật hay vui và đùa cợt vô tư, ai không hiểu thì dễ tự ái. Nhưng cũng chẳng mấy ai giận Duật. Ngày làm Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn văn nghệ, ngồi mãi lầu 7 nhà 51 Trần Hưng Đạo, Duật cũng nhiều khách. Tôi lên, Duật bảo: “Hôm nay ở đây ăn cơm nhé, lâu lắm mới đãi được ông một bữa”. Vừa nói, Duật ngồi phốc cả giầy tây lên sa-lông, đoạn cúi xuống gầm bàn, kéo ra con mực khô, đổ ít cồn vào cái đĩa to, châm lửa, và cầm cả con mực vứt vào nướng. Một loáng đã chín. Quần áo chỉnh tề thế mà cứ như anh đi bổ củi, Duật xé mực từng miếng rồi rót rượu ấn vào tay tôi: “Chén, chén! Đãi nhau giữa thời bình, nhà cao cửa rộng mà ăn vẫn kiểu…du kích”. Nhóm bạn chúng tôi chơi và thân nhau có đến nửa thế kỷ, giờ anh còn, anh mất, soi gương đã “thất thập cổ lai hy”, ấy vậy mà đến giờ vẫn giữ lại trong nhau bao nhiêu kỷ niệm đẹp. Những buổi đàm tiếu, trà dư tửu hậu vẫn nhắc lại bao nhiêu cái ngày xưa thân ái của nhau. Mỗi trái tim nhà văn chúng tôi dù có ai đó nhịp đập không còn nhưng chắc chắn mãi là cái bảo tàng nhỏ phi vật thể chứa đựng nhiều hình ảnh về nhau, về một thế hệ nhà văn nhọc nhằn, gian khổ, mà hình ảnh nhà thơ nổi tiếng Phạm Tiến Duật là một cao điểm sáng đẹp cho thế hệ chống Mỹ vẻ vang, dễ ai khoả lấp. Thế rồi bẵng một thời, hai anh em bận rộn ít gặp nhau. Mãi đến lúc nghe tin Duật bị căn bệnh quái ác, và sự kết cục của nó thật…buồn. Lần cuối gặp Duật ở chân cầu thang sân nhà 65 Nguyễn Du, Duật lên lấy nhuận bút Tạp chí Nhà văn, tôi cũng được nhận chút nhuận bút 300 ngàn. Khi gặp tôi, tần ngần, Duật bắt tay, nói như gở: “Chào Trương mình đi nhé”. Tôi vội dúi vào tay Duật số tiền nhuận bút ấy, bảo: “Chút quà mọn cầm cho tớ vui”. Duật nói nhỏ như giọng con gái: “Mình…xin”. Và thế là ít ngày sau chưa kịp vào thăm Duật ở bệnh viện thì… Duật đã đi thật rồi...
Theo Hội nhà văn Việt Nam
|