Lễ tưởng niệm nhà thơ Tố Hữu nhận được sự quan tâm, tình cảm ấm áp của các đồng chí: Vũ Ngọc Hoàng – UV BCH Trung ương Đảng, Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Tạ Ngọc Tấn – UV BCH Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị, Học viện quốc gia Hồ Chí Minh; Phạm Vũ Luận – UV BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Hồ Anh Tuấn – Thứ trưởng thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Đức Bình – nguyên UV Bộ Chính trị, phụ trách tư tưởng văn hóa; Nguyễn Khánh – nguyên Phó Thủ tướng chính phủ; Hà Đăng – nguyên UV BCH Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương... Phía Hội Nhà văn Việt Nam có nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; các nhà văn, nhà thơ Ủy viên BCH; Ủy viên các Hội đồng chuyên môn.
Sau lễ dâng hương tưởng nhớ nhà thơ, chiến sĩ cách mạng Tố Hữu, nhà thơ Hữu Thỉnh đọc bài viết: “Tố Hữu – Nhà thơ của nhân dân” (bản đầy đủ sẽ đăng trên VanVN.Net), trong đó ông đánh giá: “Với nhân dân là điểm tựa, Tố Hữu tìm ra cái bí quyết giải bài toán khó nhất của thơ ca: Kết hợp nhuần nhuyễn giữa biến số và hằng số, phi thường và bình thường, cao cả và bình dị, thời sự và muôn thuở. Hơn nửa thế kỷ cầm bút, Anh luôn luôn xuất hiện ở tuyến đầu, hầu như không cột mốc nào của cách mạng và kháng chiến không để dấu ấn sâu đậm trong thơ Anh. Tố Hữu chủ trương cập nhật và hiện diện nhưng cũng vô cùng tỉnh táo và bản lĩnh để nghĩ đến mai sau. Một trong những cái khó nhất của nhà thơ là biết vượt qua đề tài. Tố Hữu vượt qua đề tài một cách rất tài năng.”
Giáo sư Phong Lê khái quát cuộc đời và sự nghiệp thi ca của nhà thơ Tố Hữu: “Tố Hữu đã có những đóng góp lớn đối với sự nghiệp cách mạng, văn học và giáo dục của nước nhà.”
PGS. TS Đoàn Trọng Huy, người đã dành nhiều thời gian và công sức biên soạn cuốn sách “Tố Hữu - nhà cách mạng – nhà thơ” (Biên niên sự kiện và tác phẩm) với gần 300 trang in. Cuốn sách như một biên niên ghi vắn tắt những sự kiện quan trọng của thế giới và Việt Nam – chủ yếu trong thế kỷ XX, có liên quan tới Tố Hữu với những hoạt động xã hội, văn hóa văn nghệ và nhất là thơ ca của ông. PGS. TS Đoàn Trọng Huy đã trao tặng Hội Nhà văn Việt Nam công trình này (nhà thơ Hữu Thỉnh nhận).
TS. Nguyên An với bài viết “Tố Hữu là ai?” (đã đăng đầy đủ trên VanVN.Net).
TS. Lê Thành Nghị nhận xét: “Ít nhà thơ nào được đọc, được nhớ, được thuộc thơ nhiều như Tố Hữu”
Nhà thơ Vương Trọng kể về những cuộc tranh luận xung quanh thơ Tố Hữu trên báo, tạp chí văn học những năm 50 – 60 (thế kỷ XX). Nhà thơ Vương Trọng, với cương vị là người đọc thơ Tố Hữu khá kỹ, đã “tiết lộ”: Tố Hữu là nhà thơ sửa thơ mình nhiều nhất với mục đích để thơ hay hơn, phù hợp hơn với đối tượng tiếp nhận cũng như hoàn cảnh lịch sử. Vì vậy có những bài thơ tính tuyên truyền tăng lên nhưng chất lượng thơ bị giảm đi.
Ông Nguyễn Anh Vũ – Giám đốc NXB Văn học thay mặt cán bộ, nhân viên Nhà xuất bản bày tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân đối với nhà thơ Tố Hữu, lãnh đạo tiền bối của NXB. Ông Nguyễn Anh Vũ trao tặng Hội Nhà văn Việt Nam bộ sách về nhà nhà thơ Tố Hữu (nhà thơ Hữu Thỉnh nhận)
Dịch giả Vũ Phong Tạo đọc bài viết “Thơ Tố Hữu trên văn đàn Trung Quốc” và tặng gia đình nhà thơ Tố Hữu bản song ngữ Việt – Trung bài thơ “Người con gái Việt Nam”.
Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng - UV BCH Trung ương Đảng, Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá: “Với Tố Hữu, làm thơ là làm cách mạng bằng thơ, và đó cũng chính là con đường ngắn nhất, bền vững nhất.”
Bà Nguyễn Thanh Hoa (con gái trưởng của nhà thơ Tố Hữu) – đại diện gia đình nhà thơ bày tỏ lòng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình và bạn đọc đã dành sự quan tâm và tình cảm đối với cha mình.
Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu bế mạc buổi lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Tố Hữu: “Nhắc đến Tố Hữu, trước hết chúng ta nhớ đến một nhà cách mạng, và sự nghiệp thứ hai của ông là thơ ca.” Cũng nhân dịp tưởng niệm nhà thơ, thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam, ông gửi đến các đồng chí lãnh đạo nguyện vọng muốn xúc tiến sớm việc đặt tên một đường phố Hà Nội mang tên nhà thơ Tố Hữu. Theo ông, việc làm này vừa mang ý nghĩa tôn vinh một nhà cách mạng, đồng thời mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với thế hệ sau.
Toàn cảnh buổi Lễ tưởng niệm
Nhà thơ Đỗ Hàn – Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam thông tin thêm với những người yêu mến thơ Tố Hữu: vào lúc 14h30 thứ Bảy, ngày 8/12/2012, tại nhà tưởng niệm nhà thơ Tố Hữu (Làng quốc tế Thăng Long) sẽ có buổi tưởng nhớ nhà thơ với các chương trình văn nghệ: ngâm thơ, biểu diễn ca khúc được phổ nhạc từ thơ Tố Hữu.
Gia đình nhà thơ Tố Hữu chụp lưu niệm tại buổi Lễ
Theo Hội nhà văn Việt Nam