Nhân kỷ niệm 48 năm ngày anh Trỗi hy sinh (15 tháng 10 năm 1964), chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn, nhà báo Thái Duy, người đã viết nên tác phẩm "Sống như Anh" - một trong số ba cuốn sách được bạn đọc bình chọn có nội dung hay nhất trong năm 2002...
Mặc dù đã bước sang tuổi 88, nhà văn, nhà báo Thái Duy (còn có bút danh Trần Đình Vân) vẫn tỏ ra sung sức trong sáng tạo. Trong nghiệp viết của mình, Thái Duy có cơ may được tiếp cận một sự kiện từng gây chấn động địa cầu trong thập niên 60 của thế kỷ trước: Đó là tấm gương hy sinh anh dũng của Anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Năm tháng trôi đi nhưng chí khí lẫm liệt của anh Trỗi vẫn là một tấm gương sáng cho các thế hệ người Việt Nam yêu nước noi theo. Nhân kỷ niệm 48 năm ngày anh Trỗi hy sinh (15 tháng 10 năm 1964), chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn, nhà báo Thái Duy, người đã viết nên tác phẩm "Sống như Anh" - một trong số ba cuốn sách được bạn đọc bình chọn có nội dung hay nhất trong năm 2002.
- Bạn đọc muốn biết ông lấy tài liệu và thể hiện tác phẩm "Sống như Anh" như thế nào, vì lúc đó cuộc chiến đang diễn ra rất ác liệt?
+ Năm 1964, năm có sự kiện anh Trỗi hy sinh, tôi là phóng viên chiến trường, thuộc biên chế của tòa soạn báo Giải phóng (cơ quan của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam). Tòa soạn lúc đó đóng ở tỉnh Tây Ninh. Khi anh Trỗi và các chiến sĩ biệt động Sài Gòn thực hiện nhiệm vụ ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara tại cầu Công Lý và bị bắt, hầu như báo chí của chế độ Sài Gòn lúc đó rất ít đề cập. Chỉ đến thời điểm 10 ngày trước khi bọn chúng đưa anh Trỗi ra xử bắn, báo chí ngụy quyền mới rộ lên. Khi đó, tôi đang công tác ở một địa phương cách Sài Gòn 30 kilômét, thuộc tỉnh Long An. Qua theo dõi tin tức của các tờ báo địch, anh em chúng tôi được biết rõ thêm: Sở dĩ báo chí của ngụy làm rùm beng sự kiện anh Trỗi là vì gương chiến đấu dũng cảm của anh đã làm cho các bạn nước Venezuela ở cách xa ta nửa quả địa cầu xúc động. Do vậy, khi du kích Venezuela bắt được viên trung tá Mỹ Smolen giữa Thủ đô Caracas đã tuyên bố: "Nếu Mỹ và Nguyễn Khánh giết chết anh Trỗi thì một giờ sau, Mặt trận giải phóng dân tộc Venezuela sẽ hạ lệnh bắn trung tá Mỹ Smolen".
Là những người làm báo, sự kiện trên đã thu hút anh em chúng tôi. Đặc biệt là khi chúng tôi nhận được tin Mỹ và chế độ Sài Gòn phản bội lời cam kết với Mặt trận giải phóng Venezuela, đưa anh Trỗi ra xử bắn tại khám Chí Hòa vào lúc mười giờ năm mươi phút ngày 15 tháng 10 năm 1964. Do vậy, khi nhận được điện của Ban Tuyên huấn Trung ương sau chuyến công tác về tòa soạn, tôi được biết chị Phan Thị Quyên (vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi) đã được các chiến sĩ biệt động Sài Gòn đưa về căn cứ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đúng vào dịp Đại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn miền Nam. Tại Đại hội này, hình tượng anh Trỗi nổi lên như một tấm gương hàng đầu trong số những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở miền Nam. Ban Tuyên huấn Trung ương Cục phân công một số anh em chúng tôi viết về anh Trỗi. Lúc đầu ý định của tôi chỉ viết để đăng báo Giải phóng với tiêu đề "Những lần gặp gỡ cuối cùng" (của chị Phan Thị Quyên và anh Trỗi). Nhưng khi nhận được bức điện tiếp theo của Ban Tuyên huấn Trung ương từ Hà Nội điện vào, yêu cầu cần có một số cuốn sách về anh Trỗi, do vậy, sau một thời gian làm việc với chị Quyên tại trụ sở Trung ương Cục, tôi quyết định đi Củ Chi để gặp những người đã từng ở tù với anh Trỗi, các đồng chí chỉ huy và cùng công tác trong tổ biệt động với anh Trỗi để lấy thêm tài liệu. Hoàn thành việc thu thập tài liệu, tôi tập trung thời gian để hoàn thành ấn phẩm này. Rất may khi tôi vừa viết xong cuốn sách "Những lần gặp gỡ cuối cùng" thì có một phóng viên Liên Xô chuyển hộ bản thảo của tôi ra Hà Nội. Ít lâu sau tôi được biết các đồng chí trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư rất quan tâm đến tác phẩm này. Bản thảo đã được các anh Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu…v.v.. đọc và sửa chữa thêm. Sau đó, đồng chí Phạm Văn Đồng đã đặt lại tít cho cuốn sách là "Sống như Anh". Khoảng một tháng sau, ở chiến trường, không ngờ anh em chúng tôi, qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam đã được nghe đọc tác phẩm này.
- Trước đây, trong dư luận có một số ý kiến thắc mắc: Tại sao mãi sau này, Nhà nước mới tuyên dương danh hiệu Anh hùng cho hai liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi và Võ Thị Sáu?
+ Về anh Trỗi, theo tôi, Đảng và Nhà nước ta từ lâu đã đánh giá đúng công trạng của anh. Tôi còn nhớ trong những hội nghị Anh hùng chiến sĩ thi đua ở miền Nam, anh Trỗi luôn được coi là anh hùng tiêu biểu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Theo ý kiến riêng tôi, để hợp thức hóa về sau này, Nhà nước ta mới đặt thành vấn đề bằng văn bản. Chứ thực ra thì ngay khi anh Trỗi hy sinh, Bác Hồ đã viết mở đầu cho tác phẩm "Sống như Anh": "Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của Anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là các cháu thanh niên học tập".
- Gặp chị Phan Thị Quyên, cảm giác ban đầu của ông về người phụ nữ này như thế nào?
+ Trước hết có thể nhận thấy đó là một người phụ nữ yêu nước. Qua tiếp xúc với chị Quyên lúc đó, tôi có cảm giác, ở tuổi mười chín, là công nhân của Xí nghiệp bông Bạch Tuyết, khi yêu và lấy anh Trỗi, cô gái ấy hiểu về cách mạng và "Việt cộng" chưa nhiều. Khi anh Trỗi bị bắt và biết anh là "Việt cộng", hằng ngày đến thăm nuôi chồng, chị không một lời thuyết phục anh khai báo tổ chức để rồi hy vọng chồng mình sẽ được trả tự do. Chưa hết, sau khi anh Trỗi hy sinh, các chiến sĩ biệt động đến đón chị ra vùng giải phóng, chị không một chút ngần ngại và luyến tiếc cuộc sống đô thành mà tự nguyện trở về với cách mạng ở khu căn cứ.
- Viết xong cuốn sách trên, bao lâu sau ông trở lại Hà Nội?
+ Đến tháng 3 năm 1966, tôi có lệnh "hành quân" ra Bắc để tham dự Hội nghị Nhà văn Á Phi tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Tôi đại diện cho số anh em văn nghệ ở khu vực Nam Bộ, còn anh Phan Tứ đại diện cho số anh em sáng tác các tỉnh miền Trung. Dự xong Hội nghị, cả hai chúng tôi đều sung sướng và xúc động khi được Bác Hồ cho mời vào Phủ Chủ tịch gặp Bác. Bác hỏi chúng tôi về công việc và tình hình miền Nam. Sau đó đến tháng 7 năm 1969, mặc dù ở vào thời điểm này, sức khỏe của Bác rất yếu, các bác sĩ đề nghị Bác hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp khách, nhưng khi nghe tin chị Phan Thị Quyên ra Hà Nội, Bác đã đề nghị cho Bác gặp. Đặc biệt khi biết tin chị Phan Thị Quyên chuẩn bị lên đường thăm Cuba, Bác đã nói với các đồng chí cảnh vệ cho mời chị vào gặp Bác. Tại cuộc gặp mặt, Bác hỏi: "Cháu dự định ăn mặc thế nào trong chuyến thăm Cuba?". Chị Quyên trả lời Bác: "Dạ thưa Bác, các cô, chú ở Văn phòng Trung ương bảo cháu phải mặc áo dài". Nghe chị Quyên trả lời, Bác ôn tồn nói: "Cháu nên mặc quần áo Quân giải phóng miền Nam. Nhân tiện cháu sang đó, Bác nhờ cháu trao tận tay đồng chí Phidel một món quà nhỏ. Đó là một đôi dép lốp cao su".
- Từ ngày đó, có dịp nào ông trở lại viếng thăm mộ anh Trỗi không?
+ Đúng vào ngày 1/5/1975, tức là sau khi Sài Gòn được giải phóng, tôi đã tìm đến thăm và viếng mộ anh Trỗi tại nghĩa trang quê ngoại của anh.
- Cho đến nay, có một số người vẫn băn khoăn tại sao không đón anh Trỗi về nghĩa trang thành phố? Theo ông thì vấn đề này nên xử trí như thế nào?
+ Theo tôi, để anh Trỗi nghỉ ngơi ở địa điểm bây giờ là đẹp nhất. Từ khi anh Trỗi hy sinh, đến nay đã có ba lần di chuyển thi hài anh. Lúc đầu thi hài anh được mai táng ở một nghĩa trang của quân ngụy. Ba ngày sau, chúng lại đưa anh đến một nghĩa trang của dân. Sáu năm sau, gia đình chị Quyên phải vất vả lắm mới đưa thi hài anh về chôn cất tại nghĩa trang của dân làng mình. Cách nay ít lâu, tôi cùng đoàn chiến sĩ tử tù lại có dịp trở lại thăm anh đang yên nghỉ tại đây. Người trông coi nghĩa trang này, nguyên là một thương binh ngụy. Khi đoàn chúng tôi vừa đến, anh ấy đã dẫn chúng tôi đến ngay mộ anh Trỗi rồi nói: "Dạ thưa, đây là mộ anh Trỗi".
- Xin cảm ơn nhà văn, nhà báo Thái Duy về cuộc trò chuyện này
LƯU VINH
Nguồn: cand.com
|