Trong 900 ngày bi thảm khi Leningrad (nay là St. Peterburg, Nga) bị phong tỏa trong Đại chiến thế giới lần thứ 2, có một người phụ nữ độc thân vẫn chia khẩu phần ăn một ngày là 150 gram bánh mỳ trộn mạt cưa với con chó của mình. Con chó ấy cũng đã chịu nhịn đói chờ bà chủ về chia phần chứ nhất định không động vào mẩu bánh nhỏ xíu trên bàn. Câu chuyện phi thường đó được ghi lại trong “Sách phong tỏa”, đã được tái bản nhiều lần ở Nga.
Giữa mùa đông, trong một căn hộ bình thường tại thành phố Leningrad (khi đó đang trong thời gian bị quân Đức phong tỏa, từ tháng 10/1941 đến tháng 4 – 5/1944), con chó ngồi trên sàn, bụng lép kẹp, nước dãi chảy dòng dòng, mắt dán chặt vào miếng bánh mỳ 150 gram trộn mạt cưa đặt trên bàn. Đó là khẩu phần ăn của chủ nó, một người phụ nữ độc thân, đang sống trong điều kiện vô cùng thiếu thốn tại thành phố bị phong tỏa này. Bà đã phải xếp hàng rất lâu để được lĩnh phần ăn đó, về đến nhà thì đã mệt lử. Nhưng bà nhớ ra là phải đi xếp hàng nhận củi và lại đi. Do quá mệt mỏi, bà đã quên cất miếng bánh vào trong tủ.
Khẩu phần 150 gram bánh mỳ trộn mạt cưa đó là thức ăn cơ bản của gần 3 triệu dân thành phố Cực Bắc trong suốt 900 ngày đêm bị phong tỏa. Hồ Ladoga, nằm phía Đông Bắc thành phố Leningrad, nơi bắt nguồn con sông Neva là nơi duy nhất không bị phong tỏa. Đó là con đường duy nhất mà qua đó nhân dân thành phố Leningrad nhận được tiếp phẩm. Những đoàn xe đi trong đêm trên mặt hồ đóng băng (vì di chuyển vào ban ngày sẽ bị không quân Đức oanh tạc) cũng chỉ mang được số lương thực ít ỏi đó, còn 3 triệu dân cực Bắc phải trải qua ba mùa đông không được sưởi ấm.
Người phụ nữ trở về với số củi ít ỏi chỉ đủ dùng để đun nước, bà thấy con chó của mình đang nằm thở hổn hển, khó nhọc. Bà vội chia miếng bánh mỳ bé con ấy làm đôi, cho con chó một nửa, điều mà bà vẫn làm từ ngày thành phố Leningrad bị phong tỏa. Bà ghi vào nhật ký sự việc ngày hôm ấy với kết luận: “Người cũng không thể yêu người như chó”.
Bảo tàng chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nước Nga
Sau đó mấy ngày, những người láng giềng không thấy người phụ nữ đó ra khỏi căn hộ. Họ hiểu ngay, bà ấy đã chết đói. Người ta cậy mở căn buồng của bà ra và nhìn thấy bà chủ cùng con chó vẫn ôm nhau nhưng đã tắt thở từ lâu.
Hai nhà văn Nga Xô viết, Granin và Adamovich đã may mắn sưu tập được những trang cuối cùng còn sót lại của cuốn nhật ký của người phụ nữ vô danh ấy. Qua đó, người ta có thể hình dung được về cuộc sống của bà với con chó, người bạn chí thân chí cốt trong 900 ngày Leningrad bị phong tỏa. Câu chuyện của họ được công bố trong cuốn “Sách phong tỏa”, đã được tái bản nhiều lần ở Nga.
Thiết nghĩ, cần phải nói rõ thêm về hoàn cảnh sống của 3 triệu người dân Leningrad những ngày ấy. Theo số liệu chính thức của nước Nga Xô viết, trong 900 ngày phong tỏa này, trên 700.000 người đã chết vì đói rét (1).
Qua nhiều công trình khảo cứu lịch sử, cũng như qua những hồi ký của những người sống sót qua 900 ngày ấy, người ta biết được rằng, trong hoàn cảnh ấy, người dân Leningrad đã phải tìm ăn tất cả những gì có thể ăn được: từ chuột, mèo, chó, tôm cá cho đến những đồ dùng bằng da (họ nấu chúng lên để húp nước súp)… Những con chó yêu được chủ nuôi trong thời bình, thường phải hi sinh tính mạng, trở thành đồ ăn kéo dài sự sống không biết được bao lâu nữa cho những người chủ của chúng. Và dĩ nhiên, không ai có thể trách được những người chủ khốn khổ khốn nạn ấy. Gần đây nhất, Viện sĩ Likhachov, đã sống qua 900 ngày phong tỏa (1907 – 1995) trong tập hồi ký của mình có kể một điều mà từ trước tới nay không ai dám nói lên, không ít người đã ăn thịt người chết.
Xin mạo muội có một lời bình luận của kẻ kể lại câu chuyện này: Một người đàn bà vô danh ấy đã chuộc tội cho tất cả những người đã ăn thịt chó và các loại súc vật khác để kéo dài đôi chút cuộc sống của mình trong 900 ngày bi thảm và oanh liệt ấy. Từ đó, có thể suy ra và chấp nhận một chân lý tôn giáo là, Đức Kitô bằng sự tuẫn nạn tự nguyện của mình quả thật đã chuộc tội cho cả loài người trước Thượng Đế.
Nhân tiện xin kể thêm một chuyện “người thật việc thật” nữa. cũng được thuật lại trong cuốn sách của hai tác giả Nga nói trên. Ở nước Nga thời ấy, có một họa sĩ thiên tài không được chế độ và xã hội thừa nhận là Pavel Philonov. Sau khi ông chết đói, cũng ở Leningrad trong 900 ngày phong tỏa ấy (cần phải chú thích rằng, các văn nghệ sĩ hợp thời đều được đưa bằng máy bay về hậu phương an toàn), em gái của ông, cũng kiệt quệ tuyệt đối như ông, đã nhờ hàng xóm láng giềng cuộn và bó lại những họa phẩm của ông. Một mình người đàn bà ấy đã kéo bó họa phẩm rất nặng ấy đến Viện Bảo tàng Ermitade nhờ cất vào kho. Và bà đã không còn đủ sức để lê chân về đến nhà mình nữa, bà đã chết trên đường về. Nhờ sự hi sinh ấy mà bây giờ nhân loại được thưởng ngoạn hàng chục kiệt tác của một trong những họa sĩ lớn nhất không chỉ của Nga mà của cả thế kỷ 20.
Hoàng Hạnh (ghi theo lời kể của PGS Phạm Vĩnh Cư)
(theo tạp chí Người bạn đường)