Một tai nạn giao thông thảm khốc năm 1988 đã cướp đi tính mạng của nhà thơ Xuân Quỳnh cùng người chồng yêu quý (nhà thơ-nhà viết kịch Lưu Quang Vũ) và cậu con trai nhỏ. Nhưng trong lòng người thân, các văn nghệ sỹ bạn bè và những người yêu thơ mọi thế hệ, Xuân Quỳnh còn mãi.
Các văn nghệ sỹ trong buổi tưởng nhớ cố nữ sỹ Xuân Quỳnh
Hà Nội lắng lòng nhớ người thơ
Tại “ngôi nhà” của Hội Nhà Văn Hà Nội, số 19 phố Hàng Buồm, những người thân, người yêu quý Xuân Quỳnh đã về bên nhau để tưởng nhớ chị, một nữ tác giả có những vần thơ đong đầy yêu thương, nhân kỷ niệm 70 năm ngày sinh của nhà thơ.
Nói thật lòng thì tất cả chúng tôi- những người tham dự, đều không thích nhắc đến con số 70 này, cho dù sẽ không thể nào có một Xuân Quỳnh “thất thập cổ lai hy” trước mắt chúng ta. Tuy nhiên, những vần thơ không có tuổi của chị sẽ mãi mãi xanh tươi.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên-Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cùng nhà văn Lưu Khánh Thơ đã chủ trì buổi toạ đàm. Cảm nhận của những người có mặt là nhớ Xuân Quỳnh, nhớ thật nhiều và cũng vô cùng thương chị nữa. Thương chị chịu thương chịu khó, hy sinh cho mỗi người thân yêu và neo lòng mọi người bằng cách sống, bằng thơ.
Nhà thơ Vân Long đã kể những kỷ niệm thật chân tình về người em gái Xuân Quỳnh. Có đoạn nhắc lại nỗi đau hơn hai mươi năm trước mà ông nghẹn lời, mắt ầng ậc nước…
Rất thật thà và yêu thương, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã công khai cho rằng nhà thơ Vân Long đã thầm yêu đơn phương Xuân Quỳnh, một tình yêu trong sáng mà Xuân Quỳnh sinh thời đã không biết. Bằng chứng mà tác giả của “Hương thầm” đưa ra là những câu thơ mà Vân Long ghen với cả màn mưa vì yêu Xuân Quỳnh.
Từ trên bục diễn giả nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn “chất vấn” nhà thơ Vân Long rằng có đúng ông đã yêu Xuân Quỳnh không? Trước tất cả cử toạ, nhà thơ Vân long đứng lên chắp cao hai tay. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn kết luận: Thế là anh Vân Long đã thừa nhận. Tất cả cùng cay mắt và càng nhớ Xuân Quỳnh.
Cũng trong buổi tọa đàm về Xuân Quỳnh, nhà thơ Lê Minh Khuê đã nói rất đúng trong sự đồng tình của nhiều người có mặt rằng Xuân Quỳnh đã mất nhưng sau chị là một khoảng trống không thể thay thế.
Một tấm lòng đôn hậu
Ai cũng nhớ và kể về Xuân Quỳnh lo toan cho người thân đến quên cả bản thân mình. Như chuyến cùng đi công tác với Phan Thị Thanh Nhàn, Xuân Quỳnh đã mua quà cho tất tất mọi người. Sau đó vì bạn giục quá, Xuân Quỳnh chọn một hộp kem loại rẻ nhất để mua để bôi da mặt. Về, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói thì mới biết: Rẻ thế là kem bôi chân.
Yêu “Mẹ của anh” cho dù ban đầu mẹ không thích cuộc hôn nhân gủa chị với đứa con trai cũng đã một lần đổ vỡ hôn nhân. Cái cách tự nguyện ràng buộc, đầy yêu dấu của Xuân Quỳnh nghĩ mà thương: “Yêu anh, em đã là dâu trong nhà.”
Chị Lưu Khánh Thơ có kể lại rằng: “Mẹ tôi có năm cô con dâu chứ không chỉ có chị Xuân Quỳnh. Chị đã viết tặng mẹ tôi bài thơ ấy, nhưng chị không nói cho bất cứ ai trong gia đình. Cho đến khi bạn của mẹ tôi đọc được, mang tới bài thơ đăng trên báo Văn nghệ, thì mẹ tôi và gia đình mới biết. Mẹ tôi đã rất cảm động. Sau đó bà đã dùng bài thơ này hát ru các cháu trong nhà."
Người viết bài này cũng đã từng chứng kiến trong Lễ Tưởng nhớ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh năm 1988, bà Khánh tóc bạc, mắt nhoè khóc và cúi người xuống thành ghế, khi nghe nghệ sĩ sĩ Kim Dung ngâm bài “Mẹ của anh.” Hẳn bà đã thương xót chị lắm vì mẹ đẻ của chị đã mất khi chị lên hai tuổi và bà biết chị đã khát tình mẹ biết nhường nào.
Mong sao mỗi người phụ nữ Việt Nam luôn có tiếng lòng như thế khi làm con dâu: “Mẹ nào mẹ của riêng anh/ Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi/ Mẹ tuy không đẻ không nuôi/Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong.”
Và sâu sắc niềm tri ân “Mẹ của anh”: “Chắt chiu từ những ngày xưa/ Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.”
Xuân Quỳnh thương con mình, thương con chồng và da diết mong đứa con nhỏ sắp chào đời… Tất cả đều vào thơ ngọt thế. Trong buổi toạ đàm, Lưu Minh Vũ đã ngồi lặng đi, mắt thật buồn. Có người gọi anh quay lại mắt ngấn nước. Chắc chắn anh đang nhớ “Má Quỳnh” của mình.
Những vần thơ làm tặng các con của Xuân Quỳnh mới đáng nhớ làm sao. Thương con đến độ sợ con mơ giấc mơ không lành: “Con thức ban ngày, mẹ che chở cho con/ Khi con mơ mẹ làm sao che chở/ Trong giấc mơ chỉ mình con bé nhỏ/ Chỉ mình con chống chọi với quân thù.”
Theo chị mà nồng nàn
Trong bài thơ viết giữa thời Hà Nội bom đạn có tên “Em có đem gì theo đâu,” Xuân Quỳnh viết: “Người thủ đô gặp nhau ít hỏi chào/ Nhưng ai đó cũng đều quen cả/ Với người này từng xếp hàng mua cá/ Với người kia vừa cãi vã lúc đâm xe...”
Theo nhà báo Phạm Khải thì chính nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng phải chép miệng than tiếc rằng mình không biết làm thơ. Bởi chỉ một đoạn ngắn ấy thôi mà “nói” được những điều cả cuốn tiểu thuyết dày chưa chắc đã nói được.
Trong phần tham luận rất ấn tượng của mình, nhà phê bình văn học-nhà báo Phạm Khải đã so sánh Xuân Quỳnh với Xuân Diệu cùng nồng nàn da diết, cùng có chung tâm trạng lo lắng, cuống quýt như thể tình yêu chỉ là một thứ bong bóng, mong manh dễ vỡ.
Nhà báo Phạm Khải còn tiết lộ rằng theo nhà nghiên cứu văn học Vương Trí Nhàn, Xuân Quỳnh đã tìm tòi, học hỏi nhiều ở Chế Lan Viên. Và thơ Xuân Quỳnh trọng ý, trọng tứ nên ít bị hư hao, thất thoát khi chuyển sang ngôn ngữ khác. Những câu thơ như: “Bây giờ tóc mẹ trắng phau/ Để cho mái tóc trên đầu anh đen” qua bản dịch vẫn chinh phục được người đọc từ mọi quốc gia.
Thơ Xuân Quỳnh mang cảm hứng đời sống hơn cảm hứng sách vở. Chị không quá chú trọng về “kỹ thuật làm thơ” nhưng trên tất cả là đậm sâu tình cảm mặn nồng, đôn hậu mà tha thiết, khôn nguôi. Sự tài hoa và thông minh, linh hoạt về ngôn ngữ như thiên phú. Xuân Quỳnh làm thơ mà như không cũng là điều không phải người cầm bút nào mong ước cũng có được.
Cô giáo Dương Thị Mai Hương - giáo viên dạy văn của Trường Phan Huy Chú, Đống Đa - có mặt trong buổi tạo đàm nói: “Hằng năm có hàng triệu học sinh lớp 12 học thơ của Xuân Quỳnh và kịch Lưu Quang Vũ. Tôi tin rằng thầy và trò ở Hà Nội mà biết có buổi toạ đàm thể này thì họ sẽ đến rất đông.”
“Không được may mắn làm việc, sống cùng hoặc là thân nhân của Xuân Quỳnh, nhưng với giáo viên dạy văn của cả nước và mọi thế hệ học sinh lớp 12 trước khi vào đời, ai cũng thấy Xuân Quỳnh gần gũi. Theo chị mà nồng nàn, tha thiết khát vọng tuyệt vời: “Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ.”
Tưởng nhớ Xuân Quỳnh trong một buổi lễ thì không làm sao nói xuể, không sao thoả lòng chúng ta. Nhưng dẫu sao những người yêu và phục chị cũng có dịp về bên nhau. Dù có phần nào còn đơn sơ, tới mức có những người thật áy náy vì thấy chưa xứng với chị và càng thấy thương chị.
Thiết nghĩ, từ việc tổ chức chưa đủ lớn lao, trang trọng lần này thì những yêu thơ Xuân Quỳnh có thể cùng bàn bạc để nâng tầm quy mô vào dịp tổ chức sau- mà hẳn sẽ còn rất nhiều. Vì “Xuân Quỳnh còn mãi một tình yêu!”