1.
Thế là tập truyện ngắn có cái tên ngộ nghĩnh Làm giời đã được xuất bản! Chính là một người bạn đã báo tin đó cho anh. Và anh đã cuống quýt hết cả lên, chẳng cần biết đến giờ giấc là gì, vội vã phóng ngay ra Hiệu sách Nhân dân thị xã. Tiếc thay, đang là giờ nghỉ trưa, hiệu sách đóng cửa. Đóng cửa thì đóng cửa! Với anh điều ấy không quan trọng. Quan trọng là đứng ở ngoài hiên cửa hàng, ghé mắt nhìn vào, qua làn kính của cái quầy sách, anh đã trông thấy đứa con tinh thần của mình rồi! Ôi, một cuốn truyện mỏng manh chưa đầy trăm trang mà sao nó có thể khiến anh xúc động đến ứa cả nước mắt ra thế! Bấm bụng chờ đến đúng giờ mở cửa tầm chiều là 13 giờ 30, anh liền xô ngay vào cửa hàng. Và ở đây, anh đã làm một việc khiến cô bán sách phải kinh hoàng. Anh đòi mua tất cả 50 cuốn, tức toàn bộ số sách Tổng công ty phân phối cho cửa hàng. Và đó là những ngày anh sống trong cảm giác thăng hoa. Vì sau đó ít lâu, năm 1957, cuốn tiểu thuyết Sắp cưới của anh, cũng được ra mắt bạn đọc. Anh ngất ngây, lâng lâng như người sống trong mộng mị. Nhất là khi có người ở Nhà xuất bản gọi điện cho anh, nhắn anh lên ngay Nhà xuất bản để lấy số sách bản quyền và nhuận bút!
Trời! Cái gì là sách bản quyền? Cái gì là nhuận bút nữa! Nhuận bút! Cảm giác đầu tiên đến với anh là... xấu hổ. Xấu hổ lắm! Là bởi vì từ khi cầm bút viết dòng văn đầu tiên, anh đã tự coi mình là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa văn nghệ, lấy cây bút trang giấy làm vũ khí, chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp của dân tộc, đất nước. Lĩnh nhuận bút thì hóa ra, anh là kẻ bán chữ lấy tiền, một kẻ rất tầm thường ư? Nghĩ vậy, nhưng tất nhiên là anh vẫn phải đến nhà xuất bản. Ở đây, cảm giác xấu hổ vẫn chưa buông tha anh. Quyển sách mỏng teo mà tiền bản quyền tính ra có thể mua được hai chiếc xe đạp hãng Alpha phụ tùng ngoại. Còn nhuận bút cuốn Sắp cưới thì lớn đến mức bạn bè phải trầm trồ, vì tính ra có thể đủ để mua được một căn nhà để ở! Mua nhà! Mua nhà để ở! Nhưng mà thế đấy, vừa nghe thấy lời khuyên của bạn bè, anh liền lắc đầu gạt phắt đi! Không! Ai lại thế bao giờ! Viết văn là chuyện thanh cao, không thể lấy tiền của một việc cao đẹp như thế vào một việc tầm thường là mua nhà! Vả lại, nơi ăn chốn ở của mọi người là việc Nhà nước phải lo. Chủ nghĩa xã hội sẽ thỏa mãn cho mọi người từ nhu cầu lớn nhất đến nhỏ nhất cơ mà!
Tác giả của hai cuốn sách ấy là nhà văn Vũ Bão. Cái nét hồn nhiên, trong trẻo, ngây thơ và lãng mạn ấy là của ông, của thế hệ ông. Cái nét lãng mạn ấy là của ông, của thế hệ nhà văn các ông. Các nhà văn sinh ra đại để là trong khoảng thời gian từ năm 1930, đến năm 1949, mà tôi gộp chung lại nhà văn thế hệ 3X và 4X. Trước ông, không có. Sau ông, thế hệ 5X, 6X không có, thê hệ 8X, 9X càng không có.
Các nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Hoài Vũ, Giang Nam, Chim Trắng ở chiến trường Tây Ninh
2.
Xem cái cách xử lý với đồng tiền nhuận bút thấy Vũ Bão và các bạn ông thật là những con người lãng mạn lắm! Đó là cái lãng mạn hào hùng truyền sang từ cuộc kháng chiến chống Pháp: Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa/ Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng. Đó là cái lãng mạn cao ngạo từ Tây tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùmtruyền lưu sang. Còn bây giờ thì đã bớt đi cái khí vị tráng sĩ, hiệp sĩ xưa cũ, nhưng lại thêm cái oai hùng và ngạo nghễ ngẩng cao đầu của kẻ mang trái tim Danko lý tưởng thời đại mới. Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai. Xin hãy công bằng. Chào 61 đỉnh cao muôn trượng. Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng. Trông Bắc, trông Nam, trông cả địa cầu. Ai đã sống cùng thời, chắc chắn sẽ thấy đó chính là cái tư thế của cả dân tộc, của một thế hệ nhà văn chúng tôi. Trán cháy rực nghĩ trời đất mới. Lòng ta bát ngát ánh bình minh.
Vũ Bão yêu văn chương từ khi còn là một chú học trò tiểu học. Thành ra sau khi đọc xong một tác phẩm của thầy giáo - nhà văn Trần Cưn, nhất là sau khi được học Những vì sao của Alfonse Daudet và một lần qua đêm, nhìn lên bầu trời vằng vặc sao khuya trên Hạ Long huyền sử, mới rụt trè hỏi thầy giáo dạy văn của mình rằng: Thưa thầy, em có thể viết văn được không?
Thời đại đã sản sinh ra các cuộc đời. Còn văn chương cùng với thời đại đã tái sản xuất ra chính nó, những nhà văn nhà thơ và những cuốn sách. Năm 1961, Hữu Thỉnh hai mươi tuổi tự nguyện gia nhập đội ngũ chiến sỹ tăng - thiết giáp tham gia cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Một tối thứ bảy, lên thăm một người bạn học đang nằm ở bệnh xá Trung đoàn. Anh này là con một gia đình khá giả. Nằm viện, bố mẹ gửi cho một chồng sách để đọc. Thấy sách, Hữu Thỉnh mê liền. Anh ôm một chồng sách mượn của bạn khi ra về. Mấy ngày sau, bạn ra viện, đến đòi sách. Còn một bài thơ nữa tớ chưa thuộc. Cho mượn tập thơ này một tối nữa đi! Không được. Đơn vị tớ đêm nay đi B rồi. Giấy bút đây, hãy chép lại bài thơ ấy. Thôi, khỏi cần! Nói rồi, Hữu Thỉnh mở bài thơ ở tập thơ nọ, úp mặt vào bờ tường. Năm phút sau, anh trả lại bạn cuốn sách thơ, với nụ cười mãn nguyện: Bài thơ ấy đã in sâu vào đầu tớ rồi. Đó là bài thơ Rét nàng Bân của thi sỹ Tế Hanh. Khi em đan áo ấm cho anh/ Gió thổi qua bàn tay lạnh/ Những đôi chim tìm nhau ủ cánh/ Mây đầy trời, rơi rớt nắng mong manh. Trong trẻo hồn hậu và chân thành quá, một bài thơ đã cùng nhà thơ trẻ ra trận và góp phần tạo nên phẩm chất thi sỹ trong anh. Trong trẻo và hồn hậu như những truyện ngắn thơm hương cỏ mật và đậm đà vị phù sa của Đỗ Chu đầu mùa chiến sĩ và văn chương.
Nhắc lại chuyện vào nghề của thế hệ này, để lại tủm tỉm cười và thấy tội nghiệp cho Nguyễn Tuân. Giai thoại kể rằng, một lần Nguyễn phải ra tòa. Quan tòa hỏi: Bị cáo làm nghề gì? Nguyễn đáp: Viết văn. Quan tòa bảo thư ký: Ghi vào biên bản: Vô nghề nghiệp. Cũng không hề bị ám ảnh bởi lời than Lập thân tối hạ thị văn chương của tiền nhân. Thế hệ các anh có ý thức ngay về nghề nghiệp và may mắn được sự công nhận ngay của xã hội, cộng đồng. Cũng không có chuyện đang ngơ ngác phải “Nhận đường”(2), không có chuyện “Nhận rõ sai lầm”(3). Cũng không phải trải qua những ngày dằn vặt trong chỉnh huấn, kiểm điểm. Không có chuyện “Sang bờ tư tưởng ta lìa ta”. Thế hệ này không cấn cá. Là mặt trời chân lý lập tức chói qua tim. Là hào hứng như lửa thốc trong lò. Như cờ bay trong gió. Là đi như một viên đạn thẳng đầu. Là cầm ngay lấy cây bút làm nhiệm vụ thư ký của cuộc đời. Ngạo nghễ làm sao! Thành ra tên khai sinh Nguyễn Mạnh Hùng liền lấy ngay bút danh là Hòa Vang, kỷ niệm một vùng chiến trận. Còn Phạm Thế Hệ thì đổi sang thành Vũ Bão. Phần vì si mê quá tài văn Vũ Trọng Phụng và xác tín con đường lập nghiệp của bản thân. Phần vì hiểu: từ đây đi vào cuộc cách mạng là đi vào cơn giông bão lớn của cuộc đời! Lãng mạn làm sao!
3.
Năm 1961 tôi về học Khoa văn Đại học Sư Phạm Hà Nội. Lúc này, ở miền Nam Mỹ - Diệm thi hành luật 10-59, đang lê máy chém đi khắp nơi công khai tàn sát đồng bào; chiến tranh đặc biệt của Mỹ - Diệm đang dìm nửa đất nước vào máu lửa. Và cuộc kháng chiến chống Mỹ đang phôi thai, chuyện bùng nổ chỉ là ngày một ngày hai. Lúc ấy bên khoa văn Tổng hợp nghe nói đã có Định Hải, Nguyễn Gia Nùng, Võ Văn Trực, Trần Nguyên Vấn, Ngô Văn Phú, Trần Nhật Lam, Bùi Minh Quốc... Còn ở Đại học Sư phạm, học trước tôi một năm đã có Triều Ân, Nguyễn Bắc Sơn. Và cùng khóa với tôi có Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Tô Hoàng, Tô Nhuận Vỹ, Nghiêm Đa Văn, Nguyễn Đình Ảnh, Vương Trí Nhàn, Chi Phan, Lâm Quang Ngọc... Kết thúc khóa học ấy, phần lớn các anh đều nhập ngũ, lên đường đi B, ra mặt trận. Gần chục năm sau, năm 1973, tôi về học khóa 6 Trường bồi dưỡng những người viết trẻ của Hội ở Quảng Bá thì được nhà thơ Xuân Tùng lúc này đang phụ trách giáo vụ nhà trường cho biết, cách đó hai năm, 1971, một lớp 76 các anh chị: Nguyễn Trí Huân, Phạm Quang Nghị, Lê Quang Trang, Trần Thị Thắng, Hà Phương, Ngô Thế Oanh, Vũ Thị Hồng... học xong khóa 4 đã lên đường bổ sung cho chiến trường B. Còn ở khóa 6 này, tôi gặp lại Phạm Tiến Duật từ đoàn 559 về, Tô Hoàng từ mặt trận Kon Tum ra, trong khi Vương Trí Nhàn, Nguyễn Đình Ảnh, Chi Phan đã gia nhập quân đội, Nghiêm Đa Văn trụ ở tuyến lửa Hà Tĩnh, còn Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ lúc này đang ở Khu Thừa Thiên - Huế. Cuối năm 1973 lần đầu tiên tôi đi qua Quảng Bình, đến Vĩnh Linh, vượt sông Bến Hải đến bờ sông Thạch Hãn. Thanh Hải và Hoàng Phủ Ngọc Tường dẫn tôi đi qua căn cứ ái Tử của Mỹ. Chỉ cho tôi thấy cái căn cứ quân sự của địch vừa bị ta đánh phá, mênh mông ngổn ngang xe pháo đạn dược còn đang bốc cháy, Thanh Hải nói: Trông tưởng là ghê mà thực ra so với kho bãi của ta trên Trường Sơn đã thấm gì!
Đã thấm gì so với lực lượng ta! Thầm nghĩ thấy câu nói giản dị như khẩu ngữ mà chí lý quá. Vì chỉ nói về nghề văn của mình cũng đã thấy, thấm thoát mới chỉ có mấy năm mà bấy giờ nhìn đâu cũng thấy anh em nhà văn cùng trang lứa với mình. Đáng phục quá cái tầm nhìn của lãnh đạo, cái truyền thống vừa đánh giặc vừa làm thơ của ông cha mình, kể từ Nguyễn Trãi đến Hồ Chí Minh. Thành ra cùng với tin vui chiến thắng từ tiền tuyến lớn ngày ngày dội về, lúc này còn được nghe thơ Thanh Hải, Giang Nam, được đọc Từ tuyến đầu Tổ quốc, Hòn đất, Chiếc lược ngà, Rừng Xà nu, Đường chúng ta đi, Gia đình má Bảy, Mẫn và tôi... những trang văn nóng hổi hơi thở của đời sống chiến đấu miền Nam quật khởi.
Cách mạng như ngọn gió lớn. Thổi chúng ta đi tới các chân trời. Đọc câu thơ này của Nguyễn Đình Thi mà thấy rạo rực cả tâm can. Thế đấy! Khắp đất nước, có nơi nào không có anh em mình? Khu năm có lẽ là đông đảo nhất. Nhưng Sài Gòn, Thừa Thiên - Huế toàn anh em quen, đâu có kém cạnh. Tất nhiên có thua chút hùng hậu, nhưng Khu 6, Đồng bằng sông Cửu Long... cánh văn chương mình đâu có chịu cảnh vắng bóng. Trong khi đó, cuộc bài binh bố trận ở ngoài Bắc thì ngoài thủ đô Hà Nội ra, Quảng Ninh, Hải Phòng cũng đã hình thành những trung tâm nho nhỏ với sắc thái riêng không trộn lẫn rồi! Khắp gầm trời, đâu cũng văn chương. Đó là ý tưởng từ một câu thơ của Nguyễn Du Văn chương chẳng để sót một lĩnh vực nào, một địa bàn nào, kể từ một tỉnh hẩm hút xa xôi như Lai Châu đến Thái Bình bờ xôi ruộng mật. Tuy vậy, kỳ lạ nhất vẫn là lực lượng nhà văn mình trong quân đội. Không quân, Hải quân, Xe tăng - Thiết giáp, Pháo cao xạ, Pháo mặt đất. Rồi Hậu cần, Thông tin, Đặc công. Chưa hết! Còn các quân đoàn, các sư đoàn. Còn Chiến trường K. Chiến trường Lào. Nơi đụng đầu của lịch sử. Những điểm nóng của xung đột. Các mũi nhọn của cuộc sống. Ngẫm lại mới thấy thế hệ mình thật đông đảo và băn khoăn tự hỏi: nó là do cái gì vậy? Là cái nghệ thuật sắp đặt tài tình nhân tạo của con người hay đó là sự sống tự nhiên và bí ẩn của cuộc đời, của thế hệ mình!
Nhà thơ Phạm Tiến Duật
4.
Năm 1967, Tổng giám đốc Đài TNVN Trần Lâm bảo Bùi Bình Thi lúc này đang là cây bút chủ lực tiết mục Tổ quốc ta tươi đẹp ở Đài: Em thu xếp đi. Các anh định cử em đi học báo chí sáu năm ở Lomonosov bên Liên Xô. Và Bùi Bình Thi sau khi chân thành cám ơn thủ trưởng Trần Lâm, đã khéo léo và kiên quyết khước từ. Những sáu năm trời đằng đẵng thì hết chiến tranh rồi còn gì! Để sau đó là những năm tháng lặn lội trên chiến trường Lào, từ Xiêng Khoảng đến Cánh đồng Chum. Xiêng Khoảng, năm 1997 tôi cùng Hà Đình Cẩn, Mã Thế Vinh đã đến; trên vuông sân trước trụ sở ủy ban địa phương, lẫn trong sỏi đá, Hà Đình Cẩn còn nhặt được và đưa tôi xem những mảnh mìn. Bùi Binh Thi không phải là một trường hợp cá biệt. Còn chuyện Nguyễn Khắc Phục và chuyện của các bạn khác nữa, chẳng hạn.
Đẹp làm sao chân dung một thế hệ nhà văn của đất nước thời chiến trận!
Đó là những con người không nề hà gian khó, nguy hiểm và hy sinh, những tâm hồn lãng mạn và lạc quan. Và quan trọng, đó là những nhà văn nhập cuộc. Họ là những người luôn luôn ở trong cuộc.
Đọc tập tiểu luận văn chương đặc sắc, rất nặng đồng cân của Văn Chinh mới xuất bản năm 2012, nhan đề Đa cực và điểm đến, ở trang 87, thấy được chi tiết rất có ý nghĩa này. Khuất Quang Thụy nhập ngũ tháng 3 năm 1967. Đến nay anh đã có thâm niên 45 năm trong quân đội. Trong đó, trọn vẹn chín năm tham gia chiến đấu tại các chiến trường. Chín năm phục vụ tại sư đoàn 320, một trong những sư đoàn chủ lực quan trọng nhất của quân đội ta. Nguyễn Minh Châu đọc những trang viết của Khuất Quang Thụy, nhận xét: Thụy có cái may mắn lớn là được nhìn chiến tranh bằng mắt thường chứ không phải qua cặp kính của nhà văn đi thực tế. Nói tiếp, nhà văn xuất sắc của quân đội, nhấn mạnh: Thụy còn viết được nhiều, vì Thụy khác với rất nhiều người. Thụy vừa đi đánh nhau vừa biết xem người ta đánh nhau. Chứ không đơn thuần chỉ là xem người ta đánh nhau như mấy ông nhà văn chuyên nghiệp. Henri Barbusse đã ôm bản thảo tiểu thuyết Khói lửa từ chiến hào các trận đánh trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất đến thẳng nhà xuất bản. Người ta đã nói vậy, một cách nói hình ảnh. Hiển nhiên là cùng với các giá trị khác, sức hấp dẫn của Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh còn ở những gì nhà văn trung úy, trực tiếp trải nghiệm, đọc thì thấy ngay. Thế hệ nhà văn các anh, một kiểu nhà văn mới, những người vừa góp phần làm ra lịch sử vừa chép lại lịch sử bằng văn, thành những trang văn chương
Lê Lựu kể: Mình mê văn từ nhỏ. Mới đang học lớp 5, tức còn đang tuổi nhi đồng, nghe người ta nói, người làm nhật trình giỏi như người giời, thế là lao vào viết nhật trình, tức là tờ báo Bãi Sậy của tỉnh Hưng Yên lúc bấy giờ. Cười cái cười tự giễu, Lê Lựu nói tiếp: Mười bảy tuổi, mình nhập ngũ. Cũng lại cái máu mê văn chương. Nhưng cũng lại viết đến hơn sáu chục bài, hai năm sau, cái bút danh Lê Lựu với khát vọng văn chương nấu nung từ nhỏ, mới được xuất hiện trên tờ báo Quân khu ba, với cái dòng tin ngắn vẻn vẹn có 26 chữ. Thời gian thật khắc nghiệt, nó chỉ đủ để trang bị cho anh xong mấy bài xạ kích cơ bản là anh phải vác súng ra chiến hào rồi. Vừa làm trọn nhiệm vụ chiến sĩ, vừa học nghề văn, anh phải nỗ lực đến thế nào để những trang tiểu thuyết sáng giá Thời xa vắng của anh chào đời!
Vậy mà cuối cùng thì cũng đã hình thành một Tiểu đội thơ chống Mỹ, như các cách phong danh hóm hỉnh và chính xác của Văn Chinh. Một tiểu đội gồm các nhà thơ xuất sắc của thế hệ: Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Trần Mạnh Hảo, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh... Và có sợ là ngoa ngắt không khi cả quyết rằng, cùng thế hệ đàn anh trước đó, họ những nhà văn kiểu mới đã tạo được ra một dòng văn chương hoàn toàn mới mẻ về nhiều phương diện cho nền văn học dân tộc. Một dòng văn chương chưa từng có trong lịch sử văn học của đất nước. Mặt đường khát vọng đã có mặt trong sách giáo khoa học sinh lớp 12. Không có Nam Cao làm sao mình có được hình ảnh một gã Chí Phèo bị xã hội đẩy đến trạng thái mất nhân tính và bừng thức trong muộn màng. Còn nói dại không có những người thuộc thế hệ nhà văn 3X, 4X này, liệu bạn đọc mai sau có bị thiệt thòi gì? Chưa có mấy người tính đếm đến việc này. Nhà lý luận còn đang mải mê chỗ khác. Vấn đề là cái quan định luận? Hay như Lưu Hiệp nói trong Văn Tâm điêu long: “Từ xưa nay, những người bình luận thường coi thường người đương thời mà hâm mộ người xưa. Thật đúng như Quỷ Cốc Tử nói: Cái thấy ngay trước mắt thì không dùng, chỉ hâm mộ cái tiếng tăm nghe xa vậy.”
5.
Năm 1969, Vũ Bão từ Hà Nam chuyển công tác về Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc này, nhà cửa không có, ông phải ăn nhờ ở đậu bạn bè. Riêng ăn uống hàng ngày, nhà văn phải nhờ vào bếp ăn tập thể của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, 51 Trần Hưng Đạo. Bếp ăn ở đây nấu bằng than, hàng ngày xỉ cào ra bỏ đi cả một khối lượng lớn. Thấy vậy, hàng ngày hết giờ làm, Vũ Bão liền cặm cụi hót xỉ, cho vào bao tải, buộc sau xe đạp đèo về nhà. Này, Vũ Bão. Mình đọc báo Pháp, thấy họ biểu dương một cụ già mỗi ngày đi qua công trường nhặt một viên gạch. Thời gian sau xây được một ngôi nhà. Khi cụ mất, người ta gắn cho ngôi nhà tấm biển: Tượng đài về lòng kiên nhẫn. Nghe Quang Dũng nói vậy, Vũ Bão cười, đáp: Ông cụ nọ lấy gạch có sẵn, còn tôi lấy xỉ về đóng thành gạch, tôi phải kiên nhẫn gấp đôi ông cụ nọ chứ! Quang Dũng gật đầu, bình: Người ta đang xây dựng thiên đường trên trái đất. Còn ông thì xây nhà bằng gạch xỉ! Ít lâu sau, nhờ số than xỉ tích cóp hàng ngày, Vũ Bão đã đóng đủ số gạch ba banh và sau đó cùng vợ con, gia đình đêm đêm đẩy xe cải tiến đến những căn hầm đang phá để lấy gạch vun về đổ móng, xây được một căn nhà. Một căn nhà, một thiên đường xây bằng gạch xỉ của nhà văn tài hoa họ Vũ!
Vũ Bão không phải là người nghèo nhất. Tuy nhiên cái cảnh ông xây thiên đường bằng gạch xỉ là phổ biến với các nhà văn ta. Trong các nhà văn cùng thế hệ, trừ một vài anh gặp được cơ may Trời cho, nhưng cũng còn lâu mới có được cuộc sống như của Lev Tolstoy ở trang tại Poliana bên nước Nga, còn chả có nhà văn nào có được cuộc sống sung túc cả. Thậm chí nhiều người bây giờ sống còn trong cảnh túng quẫn lắm. Xưa nay tầng lớp này có bao giờ giàu! Huống hồ, họ không có được cái vị thế vua biết mặt, chúa biết tên, nhờ đó có thể được vị nể và chiều chuộng như đôi ba nhà văn bậc đàn anh. Họ thuộc tầng lớp chúng sinh. Là người trong bách tính. Họ hưởng phiếu E thời bao cấp. Bậc lương thấp, họ không đủ tiêu chuẩn vào khám chữa bệnh ở Bệnh viện Việt - Xô. Trên con tàu chạy đường xa, họ là những hành khách lên tàu ở ga giữa đường, hết chỗ ngồi. Họ sống trong nhân dân, hòa tan vào nhân dân. Nhưng không sao hết. Không kêu ca phàn nàn. Không than thân trách phận. Vì đó là nếp sống nếp nghĩ của những con người vốn phóng tâm coi nhẹ các giá trị vật chất. Rằng quen mất nết đi rồi, họ thuộc một lớp người cả một đời chưa lấy một ngày no đủ, còn ăn đói mặc rét, còn thiếu thốn trăm bề, nhưng đã quen với một đời sống không vị kỷ, vì nghĩa lớn, lấy dâng hiến làm đầu.
Thế đấy, đâu có là ít ỏi những nỗi đau đời, sự mất mát, thiệt thòi, bất hạnh thế hệ này đã từng chịu đựng. Phùng Quán, Hoàng Tiến, Bùi Ngọc Tấn, Lê Minh Khuê, Hoàng Minh Tường, Bùi Bình Thi, Lê Bầu... và cả Vũ Bão nữa cũng đã từng là nạn nhân của các tai nạn nghề nghiệp. Sau sự kiện báo phê bình Sắp cưới viết sai lập trường quan điểm, Vũ Bão bị đưa về quản lý tại một tờ báo tỉnh. Tiểu thuyết Sắp cưới in 1957, mãi hơn 30 năm sau, năm 1988 mới được phép tái bản. Nhưng, ký bút danh là Tạ Văn Dung dưới những bài viết của mình trong thời gian bị tai nạn nghề nghiệp, Vũ Bão hóm nghịch bật mí: Tạ Văn Dung nghĩa là Ta vẫn đúng. Trong đau khổ, chúng ta tồn tại. Đó là một câu nói rất đáng nhớ của Dostoyevski tặng riêng cho những ai gặp điều không may mắn! Còn Chế Lan Viên thì nói hộ chúng ta bằng câu thơ nặng trĩu suy ngẫm này: Chúng ta sinh ra ở đời, không phải chỉ để ra nụ ra hoa, mà còn để mang thương tích.
6.
Năm 1964, vừa tốt nghiệp lớp 10 Dương Duy Ngữ nhập ngũ, giữ chân pháo thủ số 5 một khẩu đội pháo cao xạ 37 ly. Pháo thủ số 5 chuyên trách việc nạp đạn. Mỗi lần nạp hai băng. Mỗi băng bốn viên, nặng tất cả là 49 kilô. Để nạp được đạn phải thực hiện thao tác quay cái khóa nòng trọng lượng 75 kilô, rất nặng nhọc. Nhiều trận đánh ác liệt ở cầu Hàm Rồng phải nạp tới cả trăm viên. Có hôm tai điếc đặc, máu cam chảy ròng ròng. Tất nhiên, với cái chết, anh cũng sẽ không mảy may ân hận, vì khi đã ngồi trên mâm pháo sau mấy trận thử lửa dạn dày thì đã tan biến hết sợ hãi, chỉ còn lại một tâm trạng là bất cần và ngạo nghễ, ngạo nghễ vì không thế không thắng được trong cuộc đối mặt sống mái với tên kẻ thù tàn bạo này. Ngày 27 tháng 10 năm 1967, khẩu đội đang trực chiến ở bãi Nghĩa Dũng - Yên Phụ, bên dòng sông Hồng chảy qua Hà Nội, thì Ngữ được triệu tập đi học một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ viết báo. Lớp học diễn ra chỉ có một ngày. Sáng đi, chiều trở về đơn vị thì trước mắt anh, nơi khẩu đội trực chiến chỉ còn là một hố bom sâu hoẳm. Cả khẩu đội bảy anh em đồng chí chẳng còn lại một ai! Một nỗi đau kinh hoàng mang tầm vũ trụ như thế liệu có mấy người cầm bút trên thế gian này đã trải qua?
Bùi Nguyên Khiết là bạn bè thân thiết với tôi, với cây bút chính luận Trần Đình Huỳnh, với các bạn bè văn thơ Mã A Lềnh, Lò Ngân Sủn, Ngô Cẩn, Khánh Tình, Trần Tế, Vũ Kim Chùy, Hữu Thọ, Nguyễn Văn Lạc, Cao Văn Tư... Cũng giống tôi, anh tình nguyện lên tỉnh Lào Cai thượng du dạy học vì mê sách Thép đã tôi của Nikolai Ostrovski và Truyện Tây Bắc của Tô Hoài. Những trang văn trang thơ khải thị một tâm hồn! Anh vui tính hóm hỉnh, hiền lành và luôn hết lòng với người khác. Hồi Khiết dạy học ở Bảo Nhai, một làng nhỏ dưới chân cao nguyên Bắc Hà, tôi cùng Khiết đã sống những ngày thân ái tràn đầy kỷ niệm. Thật chẳng khác gì những ngày Paoutovski sống cùng Arkadi Gaida trong nhà sáng tác của Hội Nhà văn Liên Xô được miêu tả trong cuốn Bông hồng vàng. Bến phà Bảo Nhai ậm ạch một con phà nát với ông trưởng phà dị dạng, hàng gioi xanh bên bờ sông thả những chùm hoa đuôi chồn lích rích tiếng chim sâu, đã không chỉ một lần in bóng chúng tôi cùng ngẩn ngơ trước dòng sông Chảy hoang vắng đầy sắc màu huyền thoại trong các bài dân ca Mông. Chúng tôi đã ngược dòng sông Chảy lên các bản người Dao; ở đó, lợn rừng đêm đêm hay đến rũi sắn trộm. Súng trên vai, đèn ló trên đầu, Khiết đi trước, tôi đi sau. Đêm trong rừng, mắt con nhện ăn đèn đỏ chóe. Mấy lần rình phục lợn rừng đều trượt, nhưng những buổi săn đêm đã thành kỷ niệm vô giá của Khiết và tôi. Cũng như thế, chúng tôi đã lần mò vào các làng người Kinh lên khai hoang ở đây, ngồi bên bếp lửa, cùng rợn tóc gáy nghe bà con kể lại những chuyện về con hổ thọt, về con lợn độc, về loài rắn có tính báo oán. Năm anh Nguyễn Văn Trỗi bị Mỹ - Ngụy sát hại, đang dạy học ở Sa Pa, thư cho tôi, Khiết viết: “Anh Trỗi, 24 tuổi, đã chói sáng một tấm gương anh hùng. Tôi bằng tuổi anh Trỗi, chưa làm được cái gì ra hồn cho đất nước, tự thấy hổ thẹn quá!”. Sự thật thì không phải thế! Tháng 2 năm 1979, đang giữ chân thường trực của báo Hoàng Liên Sơn ở hậu phương Yên Bái, Khiết đã bỏ dở cuốn tiểu thuyết Mặt trời trên chốt mới viết được hơn trăm trang, nằn nì được trở lại vùng biên giới lúc này giặc ngoại bang đang âm ỉ những mưu toan đê hèn. ở đây, chiến đấu bằng ngòi bút, Khiết đã viết cả một loạt bài tố cáo tội ác quân bành trướng. Và từ tinh mơ ngày 17 tháng 2 năm đó, với khẩu CKC, Khiết đã cùng các chiến sỹ đóng chốt trên cao điểm 1378 thuộc xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, trực tiếp bắn trả quân xâm lược. Và anh đã hy sinh lúc 10 giờ 30 sáng cùng ngày khi súng đã hết đạn. Khiết đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Anh cũng đã hy sinh cho sự nghiệp văn chương của mình và của đất nước. Khiết đã chết trên những trang tiểu thuyết viết dở của mình. Karl Marx đã nói, vì mục địch tự thân của tác phẩm, những nghệ sĩ chân chính có thể hy sinh cả sự sự tồn tại của mình.
Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Mỹ, Vũ Đình Văn, Dương Thị Xuân Quý... các nhà văn đã thành danh hay còn đang ở dạng tiềm năng và ao ước, ngã xuống ở chiến trường đã hai lần hy sinh. Và như vậy cái chết của họ càng trở nên lớn lao cao cả và thiêng liêng vô cùng!
Bạn bè còn hương thơm của đời anh/ sáng tạo những gì không tàn héo. Đó là câu thơ nhớ thương Bùi Nguyên Khiết của Trúc Thông.
7.
Năm 2009 tôi hoàn thành hồi ký có tên Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương. Năm 2012, hồi ký của Vũ Bão ra mắt bạn đọc có tên Rễ bèo chân sóng. Hai cái tên, tình cờ mà cùng mang mang một chút buồn thân phận. Chỉ tiếc Hồi ký của Vũ Bão mãi khi anh mất mới được ra mắt bạn đọc. Vũ Bão mất vào buổi sáng một ngày hè năm 2006. Hôm ấy, đang ở nhà thì có bạn gọi mời đi chứng kiến cuộc hợp long ở cây cầu treo bắc từ Bãi Cháy sang thành phố Hạ Long. Chà, một sự kiện lịch sử! Và thế là cái con người thuộc thế hệ nhà văn lãng mạn này không thể bỏ lỡ cơ hội. Không thể bõ lỡ cơ hội! Như năm 1968, không có biên chế trong bộ đội nhưng Vũ Bão đã nằn nèo nhờ Hồ Phương xin với Tổng cục Chính trị cho mình được đi B một chuyến và trở về với bút ký Khe Tre nổi tiếng đó! Cầu treo Hạ Long, một ngày hội lớn! Và Vũ Bão chân tập tễnh vì di chứng một lần tai biến đã cố leo lên cây cầu nọ vào giây phút lịch sử nọ. Rồi sau đó, Vũ Bão đã ra đi. Rõ là ra đi khi đang làm nhiệm vụ của một nhà văn. Rõ là ra đi khi đang thi hành một công vụ, chỉ có điều là chẳng có cấp trên nào phân công cắt cử cả!
Triệu Huấn ra đi khi sắp hoàn thành bộ tác phẩm gồm 50 cuốn tiểu thuyết theo kế hoạch viết của mình. Vũ Bão bình sinh hóm hỉnh. Tên các tác phẩm của ông đều bắt đầu bằng một chữ cái nào đó trong bảng mẫu tự ABC. Ví dụ: Anh cả và em út, bắt đầu bằng chữ A. Cô búp bê tóc mây, bắt đầu bằng chữ C. Dòng tin, bắt đầu bằng chữ D... Và ông ra đi khi sắp hoành thành bộ tác phẩm 24 cuốn khớp đúng số mẫu tự chữ cái tiếng Việt yêu quý là 24 chữ. Có lớp nhà văn nào đắm đuối với nghề như họ nhỉ? Vũ Bão đã ra đi. Các nhà văn thế hệ 3X giờ đã xấp xỉ 80. Còn các nhà văn thế hệ 4X, giờ cũng đã sắp lên lão 70.
Một thế hệ đã mãn cuộc! Một thế hệ của một thời đại lớn. Một thế hệ đã hát: Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Một thế hệ đã hát: Năm anh em mang năm cái tên. Nhưng khi lên xe không còn tên riêng nữa. Trên tháp pháo một ngôi sao màu lửa. Một thế hệ khí phách anh hùng và lãng mạn. Vì như Chu Lai đã nhiều lần nhấn nhá: không lãng mạn và anh hùng thì không thể đi qua được cuộc chiến tranh này. Một thế hệ mang hình ảnh một kiểu nhà văn mới, với bức chân dung đặc trưng không lẫn lộn. Một thế hệ để lại gương mặt mình trong mỗi trang văn. Một thế hệ vàng! Còn bây giờ thì đã đến lúc một thế hệ mới sẽ kế tiếp và đón nhận nhiệm vụ trực ban. Thế hệ 5X, 6X và tiếp theo.
Hà Nội 3-10-2012
---------------------------------
(1) Với sự cộng tác của Hoàng An, tác giả các tập sách Chuyện Làng Văn.
(2)Tên một bài viết của Nguyễn Đình Thi hồi đầu cuộc Kháng chiến chống Pháp.
(3) Tên một bài viết của Nguyễn Tuân sau Nhân văn - Giai phẩm.
(Nguồn: Văn nghệ số 41)
Theo Hội nhà văn Việt Nam