Hôm nay, ngày 21/10, Tọa đàm Nguyễn Vinh Tú – Văn và đời được tổ chức tại Thư viện Hà Nội. Buổi tọa đàm giới thiệu về cuộc đời và tác phẩm của nhà văn qua tiểu thuyết Khuất một vầng trăng và ra mắt tập truyện ngắn Vết chân chim.
Buổi tọa đàm thu hút nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học như: Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Xuân Khánh, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyên An, Bùi Việt Thắng, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Việt Chiến,…
Được biết đến là một cây bút đều tay với những truyện ngắn như Xuất kích chuyển quân, Vượt đường 10, Cát bụi thao trường, Kiện tướng, Vết chân chim, Mở đường,… đăng trên bán nguyệt san Văn nghệ Quân đội năm 1956, Nguyễn Vinh Tú có lối viết “đặc biệt”, “dữ dội” và có phần “quái đản” ( Chữ dùng của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên). Từ đó cho đến nay, trải qua nhiều thời kì, ngoài 80 tuổi nhưng nhà văn vẫn không ngừng sáng tác và vẫn tự đi được xe máy.
Ở tiểu thuyết Khuất một vầng trăng, nhà văn Nguyễn Vinh Tú đã chọn một góc nhìn độc đáo khi nói đến cuộc cải cách ruộng đất thông qua số phận nghiệt ngã của người phụ nữ bị mang ra đấu tố phải bỏ hai đứa con trong rừng sâu. Chi tiết này đã gây thắc mắc cho rất nhiều độc giả, mà theo Nguyễn Vinh Tú, chi tiết đó vừa thể hiện cái hư cấu của tiểu thuyết, vừa để tác giả giúp người phụ nữ để con mình được người khác nhận nuôi, tránh bị đem ra đấu tố.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói: “Nguyễn Vinh Tú đã tạo dựng không khí của những năm 60 , một thời đi không bao giờ trở lại. Ông viết với tư cách là người trong cuộc, đã trải qua thời kì đó, vừa là chứng nhân chịu đựng lịch sử. Nhưng ông không viết với thái độ hằn học mà lại rất khách quan”.
|
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên |
“Hệ nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Vinh Tú được xây dựng với hình ảnh thiện ra thiện, ác ra ác, trong khi sự thật ngoài đời thì thiện và ác lẫn lộn. Viết tiểu thuyết tức là hiện thực giống đời thực nhưng không được thiếu sự bay bổng, khái quát, đấy chính là sự hư cấu. Sự hư cấu trong chi tiết người phụ nữ bỏ con giữa rừng của Nguyễn Vinh Tú còn chưa được đẩy đến đỉnh điểm khiến cho người đọc hiểu lầm về hư cấu” – Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chia sẻ đầy ân tình về những điểm cần khắc phục trong tác phẩm của Nguyễn Vinh Tú.
|
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh |
Còn nhà phê bình Trần Thị Ngọc Lan viết về ông qua góc nhìn từ tiểu thuyết Khuất một vầng trăng: “Cũng viết về cải cách ruộng đất nhưng tác giả Nguyễn Vinh Tú có cái nhìn khách quan, trực diện. Ông có những trang văn khắc nghiệt, rạch ròi, mổ xẻ một cách khoa học và biện chứng cái đúng sai của lịch sử bằng cái nhìn của những người trong cuộc. Ông không né tránh, không ngại ngần kể về cái ác, cái xấu, cái ấu trĩ ngây ngô của những con người trong bối cảnh xã hội một thời”.
|
Nhà văn Nguyễn Vinh Tú |
Đọc tập truyện ngắn Vết chân chim, người đọc sẽ nhận thấy một Nguyễn Vinh Tú hiện thực, nắm bắt đời sống xã hội hiện đại mà cũng rất hóm hỉnh, độc đáo. Những câu chuyện giản dị nhưng lại có lối dẫn dắt khéo léo khiến cho người đọc bị thu hút để rồi bất ngờ với những cái kết khó đoán trước của Ăn cơm trước kẻng, Tình ngay lý gian, Viên kẹo bọc đường,...
Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội