Nhà văn Vũ Trọng Phụng
Mười tám tuổi (năm 1930), Vũ Trọng Phụng ra mắt người đọc với truyện ngắn đầu tay – Chống nạng lên đường, đăng trên tờ Ngọ báo. Chín năm sau, trước khi qua đời vì bệnh lao tàn phá cơ thể, Vũ Trọng Phụng còn kịp hoàn thành cuốn tiểu thuyết thứ chín – Trúng số độc đắc, và còn kịp tự tay giao cho ông chủ nhà xuất bản để thanh toán sòng phẳng món tiền tạm ứng. Ông không muốn vợ con phải mang công mắc nợ vì mình. Bản kết toán rất đẹp về cuộc đời viết văn ngắn ngủi của Vũ Trọng Phụng làm chúng ta giật mình kinh ngạc: hơn bốn mươi truyện ngắn, chín tập tiểu thuyết, tám tập phóng sự (chỉ trừ Một huyện ăn Tết tương đối ngắn, còn tất cả đều trên dưới một trăm trang in), sáu vở kịch (một dài, năm ngắn). Ngoài ra còn phải kể đến bản dịch vở kịch Lucrèce Borgia của Victor Hugo, một số bài viết phê bình, tranh luận văn học và hàng trăm bài báo viết về các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa. Độ dài của những trang bản thảo, gối đầu nhau, xen kẽ nhau, nối tiếp nhau ra đời trên căn gác tối và hẹp ở phố cổ Hàng Bạc Hà Nội, bởi một chàng trai thường xuyên suy dinh dưỡng và phải liên tục chống trả một cách tuyệt vọng với lũ vi trùng Kock… kết quả lao động ấy quả là đáng nể trọng. Trên cánh đồng văn chương mênh mông, con người thiểu lực và đa bệnh ấy hóa ra lại là chàng lực điền hạng nhất.
Hãy nói riêng về tiểu thuyết, lĩnh vực đóng góp đặc biệt xuất sắc của Vũ Trọng Phụng. Không ít trang viết của ông đã đằm sâu trong ký ức của những người yêu mến văn chương. Không thể không nhắc lại đây một ý kiến độc đáo của Chế Lan Viên: “Kháng chiến chống Pháp, chúng tôi chỉnh huấn. Học đến bài chính trị về phong kiến, tự nhiên tôi phải dùng đến các nhân vật của anh để liên hệ. Tôi không biết rõ địa chủ nào ngoài Nghị Hách, và nông dân nào hơn Thị Mịch. Qua bài về đế quốc, thì lại nhớ đến các trang Vũ Trọng Phụng viết về Bảo Đại. Toàn quyền, Min Đơ, Min Toa v.v. Chả lẽ lại nói các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng tôi đọc mười năm trước đó đã chuẩn bị cho tôi hiểu Cách mạng” (Vài ý kiến nhỏ - Kiến thức ngày nay số 3-4 năm 1988).
Riêng đối với tiểu thuyết Số đỏ - một kiệt tác, tiêu biểu hơn cả cho sự nghiệp sáng tác của Vũ Trọng Phụng thì ngay từ năm 1983 (trước khi đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới) đã được nhà văn Nguyễn Khải đánh giá rất cao trong tham luận đọc lại Đại hội lần thứ ba Hội nhà văn Việt Nam. Theo ông, đó là một trong số những “cuốn sách ghê gớm có thể làm vinh dự cho mọi nền văn học” (Văn học trong giai đoạn cách mạng mới, Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Hà Nội, 1984).
Đọc lại tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, ta luôn luôn ngạc nhiên trước sự biến đổi của bút pháp, giọng điệu cũng như trong khả năng điển hình hóa tuyệt vời của ông.
Xét về qui mô tác phẩm, như những bậc danh họa thời Phục hưng, Vũ Trọng Phụng không chịu thu mình lại trong những khung vải hẹp mà chỉ thực sự thoải mái khi phóng bút trên những bức tường chót vót, những vòm trần mênh mông của những giáo đường, cung điện. Giông tố, Số đỏ thuộc dạng ấy.
Trước Cách mạng tháng Tám, có tác phẩm nào thu gọn được bức tranh xã hội Việt Nam với đầy đủ các mảng sáng và tối, vực thẳm và núi cao, nước mắt và niềm kiêu hãnh như Giông tố? Vô số nhân vật, đại diện cho gần đủ loại, hạng, tầng lớp, giai cấp trong xã hội với những mưu toan, những biến cố nảy sinh và phát triển đến chóng mặt. Họ chịu sự chi phối nghiệt ngã của qui luật sống còn của xã hội thực dân, của những con người ghê gớm như Nghị Hách. Và thật mỉa mai, chua chát, đến một ngưỡng nào đó, những Nghị Hách kia lại là nạn nhân bi đát của những âm mưu, thủ đoạn của chính mình. Trong bức tranh “giông tố” đó, những Tú Anh, Huyện Liên, ông già Hải Vân hiện lên mức độ đậm nhạt khác nhau như những điểm sáng của hy vọng.
Thế giới nhân vật trong Số đỏ không rộng lớn, nhưng rất độc đáo. Đây là cuộc “trình diễn” kỳ lạ của giới mang danh là thượng lưu quý tộc, gồm đủ loại nhà giàu mới phất và trưởng giả cổ lỗ; trí thức dỏm và những nhà “cải cách xã hội” quanh quần áo lót phụ nữ, me tây “tiết hạnh khả phong” và sư hổ mang; chính khách sa lông và vua thuốc lậu nhà thổ v.v. Chúng mang danh giới thượng lưu quý tộc nhưng thực chất là cóc nhái nhảy lên làm người, là ung nhọt thối ruỗng, làm ô nhiễm toàn bộ không khí trong lành của xã hội. Bọn ấy thuộc loại “vô nghĩa lý”, như chữ tác giả hay dùng, là một tập đại thành những tính cách quái gở, đan cài nhau, xen kẽ nhau, bổ sung cho nhau. Ký họa hoặc biếm họa những nhân vật này, tác giả Giông tố và Số đỏ có thể địch được với báo chí về sự nhanh nhạy và tính chân thực. Nhưng chắc chắn Vũ Trọng Phụng vượt xa các đồng nghiệp báo giới về độ tinh sắc và nghệ thuật điển hình hóa.
Chỉ cần một vài chi tiết – chi tiết ngôn ngữ, chi tiết tâm trạng, chi tiết hành động dưới ngòi bút đầy ma lực của ông, nhân vật đã cựa quậy, lấp lánh và ám ảnh người đọc mãi không thôi. Lời gắt cấm cảu “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” của cụ cố Hồng; cử chỉ ngược đời của bà Phó Đoan trong tư thế lõa thể, từ phòng tắm “bà nhòm qua lỗ khóa xem bên ngoài (Xuân Tóc Đỏ) động tĩnh ra sao”; hành động nhanh nhẹn, khéo léo của ông Phán mọc sừng, người cháu rể có vẻ rất hiếu thảo, trước hàng trăm người dự lễ, vừa “cứ oặt người đi, khóc mãi không thôi” trước mồ ông nội vợ, vừa kín đáo “dúi vào tay Xuân tóc đỏ một tờ giấy bạc năm đồng gấp tư” để thanh toán dứt điểm một dịch vụ cũ và chuẩn bị cho cuộc liên kết doanh thương to tát hơn giữa hai người v.v là những chi tiết rất điển hình. Có vô số những chi tiết tương tự như thế trải đều trong khắp hai tác phẩm.
Trong hệ thống hình tượng nhốn nháo, đầy góc cạnh ấy, có một vài nhân vật vượt hẳn lên, có sức hấp dẫn đặc biệt của những điển hình hiện thực chủ nghĩa: Nghị Hách và Xuân Tóc Đỏ. Cả hai con người này đều được tác giả đặt trong quá trình vận động, phát triển, biện chứng. Tạ Đình Hách từ anh cai Hách, với những thủ đoạn làm giàu và tiến thân đầy tội ác, trở thành nhà triệu phú Nghị Hách. Xuân Tóc Đỏ từ thằng nhặt ban quần, trèo me trèo sấu, thổi loa quảng cáo thuốc lậu, đã được toàn bộ cái xã hội trưởng giả trụy lạc, bịp bợm ấy “bơm thổi” trở thành một “bậc vĩ nhân”, một “anh hùng cứu quốc”. Ngay khi mới “trình làng” ở những trang đầu tiên, mỗi nhân vật đã ghi một “chiến công” để đời, tô đậm tính cách của chúng. Nghị Hách ngang nhiên cưỡng hiếp con gái nhà lành và khi bị tuần đinh làng Quỳnh Thôn chặn đường đã điềm nhiên ra lệnh cho tài xế: “Cứ mở hết máy, tội vạ đâu tao chịu”
Cả hai không thể lẫn với bất cứ ai, vừa rất tiêu biểu cho một tầng lớp, một giai cấp. Nghị Hách xứng đáng là một điển hình xuất sắc cho bọn tư sản mại bản kiêm đại địa chủ bản xứ. In đậm nơi nhân vật này là tính cách nham hiểm, gian hùng, cơ hội có tầm cỡ và thói dâm bạo hung hãn loại siêu. Còn Xuân Tóc Đỏ, chỉ cần năm tháng trời “tắm gội” trong nhà may Âu hóa và biệt thự của bà Phó Đoan, Xuân đã thực sự trở thành “người hùng” của cái xã hội thượng lưu hư đốn, đang trượt dài trong lối sống kệch cỡm, lố lăng, đồi bại. Y vừa láu lỉnh, ma mãnh, vừa trơ trẽn, đểu cáng. Có lúc Xuân như một con vẹt thông minh nhưng cũng có khi y tinh quái “sáng tạo” khá bất ngờ, độc đáo. Có thể nói, Nghị Hách và Xuân Tóc Đỏ đã làm sống mãi một thời đại đã qua.
Về mặt xây dựng nhân vật, cũng cần nhấn mạnh thêm một ưu điểm đặc biệt nữa của Vũ Trọng Phụng, ông có biệt tài xây dựng quần thể đám đông – những đám đông nhốn nháo, ầm ĩ, lấn át nhau hoặc đồng điệu với nhau. Có những cảnh hết sức sinh động, đáng để cho các nhà điện ảnh thèm muốn: cảnh phát chẩn cho bốn ngàn con người cùng khổ trước cổng ấp Tiểu Vạn trường thành kèm lễ gắn Long Bội tinh cho Nghị Hách, bữa đại yến chiêu đãi các quan chức Pháp Nam, thân hào, đại phú và bài diễn văn ứng khẩu hùng hồn của Nghị Hách để “đánh bóng” cho cái lý lịch nhơ nhuốc, tanh tưởi của hắn (Giông tố). “Sự trâng tráo mặt dày dạn vô liêm sỉ cao độ” của hạng người mà Nghị Háchlà tiêu biểu, theo nhà văn Nguyễn Tuân “chỉ có ngòi bút Vũ Trọng Phụng mới phân tích nổi và tổng hợp được hết” (Đọc lại Giông tố, báo Nhân dân số 966, ngày 27/10/1956). Cảnh đám tang hết sức hỉ hả, hạnh phúc của nhà cụ cố Hồng, bởi lẽ khi cụ cố tổ nằm xuống, tất tần tật mọi người ai cũng được thỏa mãn những mong muốn thèm khát riêng tư, sâu kín. Và thật hiếm thấy, một trường đoạn cảnh nối tiếp cảnh trong phần kết thúc Số đỏ: cuộc đấu quần vợt Xiêm La – An Nam tiếng là giao hữu nhưng mang nặng tính chính trị. Sự phẫn nộ của khán giả thể hiện qua những tiếng la ó đả đảo trận thua “quốc sỉ” của tài tử quần vợt Xuân. Bài diễn thuyết cũng ứng khẩu, ngẫu hứng, cũng hùng hồn cảm động (Nóvỗ vào ngực!...Nó đấm tay xuống không khí…Nó giơ tay cao lên…Nó đập tay xuống…)của chính trị gia bất đắc dĩ nhưng đại tài Xuân Tóc Đỏ. Tài đến mức, mọi ấm ức, giận dữ được hoàn toàn giải tỏa và đám đông hô vang: “Xuân Tóc Đỏ vạn tuế!”. Không thể sống động và khôi hài hơn!
Xét về mặt giọng điệu, Giông tố và Số đỏ là hai phong cách hoàn toàn trái ngược. Cách thuật kể trong Giông tố rất cuốn, nhưng vẫn theo phong cách nghiêm chỉnh quen thuộc của chủ nghĩa hiện thực, trong khi Số đỏ lại là một chuỗi cười dài, nói như Vũ Bằng, “không ai bắt chước được, không ai theo kịp được” (Những cây cười tiền chiến, Sài Gòn,1971). Không trang nào, không đoạn nào mà tác giả không làm chúng ta cười. Hoặc cười thầm, cười khẽ hoặc cười lớn, cười phá ra. Thủ pháp trào phúng của nhà văn thiên biến vạn hóa, kết hợp một cách sáng tạo tinh hoa của nghệ thuật gây cười truyền thống kiểu Trạng Lợn, Trạng Quỳnh với những “ngón, miếng” hoạt kê châm chích, giễu cợt sâu cay, hiện đại.
Tất cả các đối tượng trong Số đỏ từ chính đến phụ đều rất đáng cười, vừa là tác nhân gây cười, vừa là đối tượng bị cười. Có khi ta buồn cười vì sự dốt nát ngây ngô của các thầy cảnh sát Min Đơ, Min Toa, lời chào dớ dẩn của Xuân Tóc Đỏ “chúng tôi rất được hân hạnh” hoặc vì cuộc cãi nhau “bới lông tìm vết” của hai ông lang Tỳ, lang Phế. Có lúc người đọc bật cười vì lời nói ngúng nguẩy ẽo ợt “Em chã” của cậu Phước – con cầu tự của bà Phó Đoan. Đó là tiếng cười mang ý nghĩa “thư giãn”, không có hàm ý phê phán gì sâu sắc.
Mũi dùi đả kích của tác giả chĩa thẳng vào những đối tượng “quan trọng” hơn: bà Phó Đoan “no cơm ấm cật, dậm dật mọi nơi” nhưng vẫn vỗ ngực khoe khoang sự tiết hạnh, trong trắng; nhà mĩ thuật Típ Phở Nờ hết lòng vị sự nghiệp Âu hóa bằng cách không ngừng cải tiến quần đùi, coóc – xê và đủ thứ quần áo Ngây thơ, Ỡm ờ, Hãy chờ một phút…của phụ nữ, nhưng sẵn sàng nổi trận lôi đình khi vợ chỉ mới mặc cái quần dài trắng.
Cứ thế, lần lượt những Văn Minh vợ, Văn Minh chồng, cụ cố Hồng, cô Tuyết, cô Hoàng Hôn, ông Phán mọc sừng, Joseph Thiết, đốc tờ Trực Ngôn…được đưa ra sân khấu. Có lúc một hai kẻ, có khi đông đủ cả bầy. Tất cả nhất loạt bộc lộ những khía cạnh đáng cười: hoặc cổ lỗ ngu xuẩn, hoặc hiểu biết lóp lép, hoặc lãng mạn đua đòi, hoặc kiêu ngạo kệch cỡm. Thật bất ngờ, nhà văn đã “cả gan”kéo lên sân khấu hề ấy cả những đấng tối cao: Toàn quyền Đông Dương, Hoàng đế An Nam, Hoàng đế Xiêm La. Họ xuất hiện một cách uy nghi, lẫm liệt. Nhưng chỉ cần nhà văn vài lần phóng bút, tất cả đã trở thành những hình nộm thảm hại, những con người tầm thường, xoàng xĩnh “vô nghĩa lý”.
Cũng như rượu, một khi được chưng cất bằng chất liệu tốt và bởi những nghệ nhân lão luyện, nó bất chấp thời gian, thậm chí càng lâu năm càng quí. Sản phẩm văn hóa tinh thần của loài người cũng vậy, một khi đã là kiệt tác, ắt sẽ bất hủ. Không phải người nghệ sĩ nào cũng nào cũng có hạnh phúc bất tử với thời gian. Số này hiếm lắm. Nhưng ta có căn cứ để tin Vũ Trọng Phụng sẽ có chỗ đứng xứng đáng, rất bền vững lâu dài trong lâu đài văn học dân tộc.