Kỳ 2: Kỳ tích trên đỉnh Phù Khiêu
QĐND - Trân trọng từng nguồn tin về hài cốt liệt sĩ, các đội quy tập đã kiên trì bới đất, lật cỏ trên khắp các cánh rừng. Có những nơi, các anh đã đào đi, đào lại trong 20 năm vẫn chưa thấy. Nhưng cũng có nơi, từ một nguồn tin rất mơ hồ, các anh vẫn nỗ lực tìm được hài cốt đồng đội...
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hường, quê ở xã Quảng Châu, Quảng Trạch, Quảng Bình là người nhiệt tình gửi thư cung cấp thông tin về mộ liệt sĩ cho Đội quy tập tỉnh Quảng Bình. Trong thư bác Hường viết: “Trong một trận đánh hồi chống Mỹ, tổ trinh sát của đơn vị tôi đã có lần bò vào trận địa phòng ngự của địch ở đỉnh Phù Khiêu, huyện Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn để vẽ sơ đồ bố trí hỏa lực của địch. Cả tổ bò vào sát địch thì vướng mìn, một đồng chí hy sinh, lực lượng ta bị lộ giữa hàng rào dây thép gai và bãi mìn chằng chịt, nên không thể kéo đồng đội ra được. Chiến tranh đã lùi xa, chúng tôi đã không thực hiện được lời hứa quay trở lại đưa đồng đội về quê hương. Thông tin về người đồng đội hy sinh, tôi cũng không rõ. Sau trận đánh hôm ấy, tôi có nghe tin địch đã chôn đồng chí này trong khu vực phòng ngự của chúng. Nếu đúng vậy thì đồng chí ấy vẫn còn nằm đâu đó trên đỉnh Phù Khiêu. Nay tất cả xin nhờ vào các đồng chí trong đội quy tập giúp đỡ”.
Đọc dòng thông tin do bác Hường cung cấp, Đội trưởng Nguyễn Ngọc Sơn nghĩ ngay đến đỉnh Phù Khiêu mà anh đã có nhiều lần đi khảo sát. Hồi chiến tranh, đỉnh Phù Khiêu được coi là chiếc “mắt thần” trên địa bàn Thà Khẹt. Bên nào chiếm được, coi như sẽ nắm được Thà Khẹt. Nhưng đỉnh Phù Khiêu “lên dễ, khó về”, đường lên phải vịn tay vào vách đá tai mèo mà đi. Đỉnh Phù Khiêu lại khá rộng, nếu không biết tọa độ, đào 3 năm cũng không hết. Tuy nhiên, thông tin ban đầu như vậy cũng rất đáng quý. Tất cả thành viên trong đội hạ quyết tâm lên đường.
Anh Sơn cử một mũi đi xác minh thông tin trong dân, đồng thời anh trực tiếp sang làm việc với Sở Công an tỉnh Khăm Muộn, nhờ bạn tìm lại các đối tượng trước đây từng đi lính cho ngụy Lào, có tham gia phòng ngự trên đỉnh Phù Khiêu.
|
Tìm đồng đội trên đỉnh núi. |
Một tháng sau, các đồng chí công an tỉnh Khăm Muộn vui mừng báo tin: Ở bản Nà Đôn có ông Hón trước đây từng đi lính, từng đóng quân trên đỉnh Phù Khiêu. Có thể, ông Hón biết được phần mộ của chiến sĩ trinh sát nọ được an táng ở đâu.
Chiều tối hôm đó, anh Phan Đức Quý cùng hai đồng chí trong đội vượt rừng, đi bộ mấy tiếng đồng hồ tìm đến gia đình ông Hón. Kết quả không được như mong đợi. Thời gian đã quá lâu, tuổi Hón đã cao, trí nhớ không còn được minh mẫn. Ông ta cứ chối đay đảy: “Không biết gì vụ này đâu”. Anh em liền giở rượu thịt ra mời. Sau khi đã uống với nhau đến vò rượu cuối cùng, nghe anh Quý giãi bày niềm thương, nỗi nhớ của những người mẹ, người vợ Việt Nam vẫn hằng đêm ngong ngóng tin tức chồng con chiến đấu ở Lào, biết bao năm rồi vẫn chưa trở về. Rượu làm thức tỉnh chút tình người trong trí nhớ cũ kỹ của ông Hón. Ông giụi đôi mắt mờ đục và nói: “Để mai tao cố nhớ lại xem được cái gì không, tao sẽ gọi các chú”.
Nhớ lời, hôm sau ông Hón chủ động đến thông báo: “Ngày trước, tao nhớ mang máng có chuyện một bộ đội Việt Nam vướng mìn, chết ngay cạnh lô cốt trung tâm. Chỉ huy hạ lệnh đem chôn vào một chỗ nào đó, tao không rõ, nhưng là chôn ngay trong công sự chiến đấu”.
Ông Hón nói rồi vội về. Toàn đội quyết định di chuyển lên đỉnh Phù Khiêu ngay, nguồn tin “chôn ngay trong công sự chiến đấu”, tuy mơ hồ nhưng cũng đã khu biệt được vị trí, đỡ được nhiều công tìm kiếm.
Vậy là đi! Toàn đội trang bị cẩn thận, gót chân người trước chạm đầu của người sau, các anh bám nhau trèo lên đỉnh Phù Khiêu. Ngay sau khi tập kết lên đỉnh an toàn, ai nấy bắt tay ngay vào công việc. Bộ phận rà phá mìn vác máy đi trước. Rà được đến đâu, bộ phận phía sau tiến vào dùng xẻng xúc nhẹ từng lớp đất. Thời gian đã xóa mờ vết tích chiến tranh, các đoạn hào, các lô cốt, ổ đề kháng đã bị cỏ cây, đất đá phủ lên khiến việc xác định hệ thống công sự không dễ. Bằng kinh nghiệm của mình, các anh đào lần theo những lớp đất mềm, sau khi được từng đoạn dài thì đứng lên cao dùng con mắt của nhà quân sự mà định hình ra hệ thống hầm hào ngày xưa. Ngày đào, đêm nghỉ, tốp này mệt, tốp khác vào thay. Cứ như vậy các anh lật từng ngóc ngách công sự của địch năm xưa.
Khi những cánh tay đã mỏi, lương thực đem đi một tuần cũng sắp cạn thì một đồng đội đang đào vui mừng kêu lên: Thấy rồi! Thấy rồi! Những chiếc xẻng được buông khỏi tay, mọi người đều chạy xúm lại góc công sự người đồng đội. Đội trưởng Nguyễn Ngọc Sơn đứng lặng ở một góc, lẩm bẩm: “Anh Hường ơi! Chúng tôi đã thực hiện được ước nguyện của các anh rồi. Đời đi tìm đồng đội của tôi, chưa khi nào tìm được từ một nguồn tin như vậy”.
Trở về sau cuộc hành trình tìm mộ trên đỉnh Phù Khiêu, mùa khô năm sau (năm 1991), khi Đội quy tập tỉnh Quảng Bình do Đội trưởng Nguyễn Ngọc Sơn chỉ huy, vừa di chuyển đến huyện Hin Bun thì đồng chí Chăm Xoon, Bí thư Huyện ủy Hin Bun tìm đến cho biết: Bà con ở bản Na Ma Hang đang đợi các anh. Theo thông tin của nhân dân thì ở bìa rừng gần bản có 3 phần mộ của các đồng chí Cúc, Phú, Đạo từ thời kháng chiến chống Pháp được các đồng đội an táng ở đó. Nhưng hiện tại không còn dấu tích của mộ, chỉ biết chắc ở khu vực đấy thôi.
Thông tin về khu mộ của 3 liệt sĩ Cúc, Phú, Đạo thì các thành viên trong đội cũng đã từng được báo tin. Các anh đã đến đó tìm kiếm nhưng đào mãi, đào mãi, một tuần lễ cứ lặng lẽ trôi qua mà dấu tích các liệt sĩ vẫn không lộ diện. Một tổ được cử ở lại, đào đến tận khi mùa mưa tới mà kết quả vẫn không thấy gì. Chia tay Na Ma Hang mà chưa đưa được đồng đội về, ai cũng tin rằng, nhất định sẽ tìm thấy các anh! Nhưng niềm tin đó đã phải chờ rất lâu. 20 năm trôi qua, 20 năm liên tục, đội đều cử tổ công tác về tiếp tục việc tìm kiếm ở Na Ma Hang nhưng kết quả cuối mùa vẫn đều là... thất vọng.
Đến mùa khô năm 2011, tổng chiều dài mà đội đào tìm đã đến khoảng 5km. Thượng tá Phan Đức Quý, người có mặt từ những ngày đầu tìm kiếm, nay là Đội trưởng vẫn tin tưởng rằng: “Đồng đội chắc nằm ở đâu đây! Có thể rất gần, có thể rất xa nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục tìm kiếm. Mùa khô này chưa thấy thì mùa khô sau!”. Anh Quý có một quyết định rất táo bạo: Cho đội quay lại đào những vị trí đã đào từ buổi đầu tiên. Để thuyết phục đội về quyết định của mình, anh cho rằng: Cách đây 20 năm, nhiều người dân trong bản đều chỉ cho chúng ta chỗ đó. Dù chúng ta tìm chưa ra nhưng việc có nhiều người cùng chỉ một điểm là đáng tin cậy. Và tại vị trí ban đầu đào từ 20 năm trước, anh em trong đội chỉ đào rộng, khơi sâu thêm một chút đã tìm được hài cốt 3 liệt sĩ Cúc, Phú, Đạo.
Những di vật được lần lượt đưa lên cùng với một phần tro cốt của các anh để lại. Theo như thông tin dân bản cung cấp, 3 liệt sĩ Cúc, Phú, Đạo đều là chuyên gia quân sự Việt Nam, công tác tại Ban CHQS huyện Hin Bun. Hiện nay, hài cốt các anh được đưa về nước, an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Ba Gióc (Quảng Bình). Thượng tá Phan Đức Quý mong rằng, với thông tin ban đầu như vậy, người thân và đồng đội các liệt sĩ Cúc, Phú, Đạo sẽ liên lạc với đội để tiếp tục làm rõ thông tin về danh tính của các liệt sĩ.
Có trường hợp, đơn vị nhận được thông tin ban đầu khá chi tiết, nhưng hành trình tìm kiếm lại không đơn giản chút nào. Trường hợp của liệt sĩ Mai Văn Lượng, chiến sĩ Đoàn 559 là như vậy. Các cựu chiến binh khi cung cấp thông tin cho Đội quy tập tỉnh Quảng Bình cho biết: Mộ liệt sĩ Lượng được an táng cùng 2 đồng đội hy sinh tại khu vực bản Súp Pinh, huyện Bua-la-pha, đơn vị chôn ở ngã ba đường 29 và 28, ở đầu một con suối.
Trung tá Lê Xuân Tửu, Đội phó dẫn đội đến đúng địa điểm ghi trong sơ đồ. Vẫn còn ngọn đồi đây, con đường 29 và 28 hiện rõ trên bản đồ nhưng khúc suối ghi trên bản đồ thì không rõ suối nào. Quanh đó, có gần chục con suối. Toàn đội đào theo phương pháp cuốn chiếu. Những lát xẻng đầu tiên được đưa xuống khơi lớp đất ngay cạnh ngã ba đường, rồi cứ thế hàng trăm, hàng vạn lát cuốc, lát xẻng đưa xuống, đất bật tung lên bao nhiêu, mồ hôi các anh đổ xuống bấy nhiêu. Có khi lát cuốc chạm phải một miếng vải hay chỉ một miếng sắt vụn, lòng thầm reo “đây rồi”... Nhưng đã bao mùa tìm kiếm, dấu tích các liệt sĩ vẫn chìm trong bí mật. Tháng 10-2012 này, Đội quy tập tỉnh Quảng Bình sẽ quay lại Bua-la-pha để tiếp tục kiếm tìm.
-----------
Kỳ 1: Đồng đội ơi, nằm đâu muôn ngả!
Kỳ 3: Giọt nước mắt của bà mẹ Lào
Hồng Hải - Duy Thành
|