QĐND - Chúng tôi theo đoàn cán bộ cấp cao Quân khu 9 sang thăm một số tỉnh và quân khu thuộc Vương quốc Cam-pu-chia để tổng kết 10 năm thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ hai nước về việc tiếp tục phối hợp tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ ở Cam-pu-chia. Chuyến đi này đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp.
Trong những ngày làm việc ở nước bạn, chúng tôi có dịp đến thăm các đội tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ của Bộ đội Quân khu 9, càng hiểu hơn tình cảm sâu nặng của chính quyền, quân đội và nhân dân dân Cam-pu-chia dành cho bộ đội Việt Nam. Đây cũng là dịp giúp chúng tôi hiểu hơn những khó khăn, vất vả của các đội quy tập hài cốt liệt sĩ trong quá trình đi tìm đồng đội.
Chứng kiến nơi ăn, nghỉ, sinh hoạt của anh em các đội, trong đoàn chúng tôi ai cũng xúc động. Do đặc điểm của công việc mà nơi ăn, ở, sinh hoạt hầu hết đều là các căn lều được dựng tạm bằng bạt dưới những tán cây của nhà dân.
Hôm chúng tôi đến Đội K90 đóng quân tại xã Kô-ki-thum, huyện Kiên Svai, tỉnh Can-đan, đã 8 giờ sáng nhưng muỗi vẫn nhiều như trấu, bay vo vo. Anh em cho biết, thời tiết bên này khác với Việt Nam nhiều, ban ngày trời nóng như nung, nhưng đêm về thì lạnh buốt, muỗi thì nhiều vô kể. Vì vậy, việc sinh hoạt ở đây rất vất vả.
Không chỉ khó khăn về điều kiện sinh hoạt mà đời sống tinh thần của anh em cũng thiếu thốn nhiều. Ở đây anh em chỉ được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam để biết thông tin về tình hình của đất nước; còn báo, tạp chí thì vài ba tháng khi chỉ huy đội có dịp về nước hội họp mới mang sang cho anh em đọc. Cán bộ, chiến sĩ hầu hết đều đã có vợ con, nhưng thường là xong mỗi đợt công tác (khoảng 4-5 tháng) mới được về thăm nhà. Còn nỗi vất vả trong công việc tìm kiếm thì không thể kể hết. Hiện nay do thời gian quá lâu, địa hình thay đổi, thông tin về mộ chí không chính xác, nên việc tìm được một bộ hài cốt phải tốn rất nhiều công sức. Điều đáng nói là việc tìm kiếm, cất bốc chủ yếu bằng sức người, trong khi ở Cam-pu-chia mùa khô thì đất cứng như bê tông, chỉ có thể dùng cuốc chim để đào, bới. Chính vì thế, bàn tay của tất cả cán bộ, chiến sĩ các đội đều chai sần, còn da thì cháy nắng đen sạm.
|
Đội K92 thực hiện nhiệm vụ cất bốc hài cốt liệt sĩ. Ảnh: Hiểu Lê. |
Đại tá Ngô Minh Chánh, Đội trưởng Đội K90 nói với tôi: “Dẫu khó khăn, vất vả, nhưng tinh thần trách nhiệm của anh em rất cao. Ai cũng nghĩ, hàng ngày, hàng giờ, có biết bao bà mẹ, người vợ đang dõi mắt ngóng chờ tin tức từ chúng tôi”.
Thiếu úy Tạ Thanh Phương, Phân đội 3, Đội K90, quê ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, nhập ngũ năm 2002, vừa quen với nắng gió thao trường thì nhận nhiệm vụ thiêng liêng này. Thấm thoắt thế mà đã gần 10 năm. Có biết bao kỷ niệm vui buồn, nhưng kỷ niệm khó phai nhất trong Phương là đợt đóng quân ở chùa Num Rip, thuộc địa bàn tỉnh Can-đan vào mùa khô năm 2004. Lúc ấy, theo thông tin của bà con cung cấp thì khu vực vườn đào cạnh chùa trước đây có chôn cất rất nhiều bộ đội Việt Nam. 28 ngày đào bới với khối lượng đất đá rất lớn, vậy mà toàn đội không tìm được bộ hài cốt liệt sĩ nào. Và mãi cho đến 10 giờ ngày thứ 29, trong cái nắng như đổ lửa, anh em đã uể oải, bụng đói cồn cào thì một đồng chí phát hiện được sợi dây dù. Thế là tự nhiên cơn đói, mệt qua đi. Không ai bảo ai, tất cả đều dùng hết sức mình để đào, cuốc. Khoảng một giờ sau, Phương phát hiện được bộ hài cốt đầu tiên. Anh kêu to lên trong niềm xúc động khôn tả: “Co…ó… rồi thủ trưởng ơi! Co…ó… rồi các đồng chí ơi!”. Cả đội ôm chầm lấy nhau, không cầm được nước mắt. Bây giờ thì không ai còn thấy đói, thấy mệt nữa. Tất cả đề nghị không nghỉ trưa, đào rộng ra cả khu vực xung quanh và kết quả đã tìm được hơn 100 bộ hài cốt liệt sĩ.
Trong chuyến đi này, tôi bất ngờ được gặp lại Đại tá Phạm Khắc Điệp, sau hơn 10 năm xa cách. Ngày ấy anh là Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS thị xã Hà Tiên, trông rất thư sinh. Còn bây giờ gặp lại, anh già đi nhiều, làn da đen sạm. Ban chuyên trách tỉnh Kiên Giang cho biết, vì anh có thời gian dài chiến đấu giúp bạn, rất am hiểu địa bàn, nên khi thành lập Đội K92, quân khu quyết định điều anh về làm Đội trưởng để thực hiện việc tìm kiếm đồng đội.
Đội K92 công tác trên địa bàn 4 tỉnh của nước bạn và đã quy tập được hơn 1.500 hài cốt liệt sĩ. Thật không thể kể hết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của anh và đồng đội để tìm được số hài cốt nói trên. Địa bàn của đội hoạt động rất rộng, hầu hết là rừng núi. Có những lần anh em phải hành quân liên tục 2-3 ngày vượt rừng, vượt suối để đi tìm hài cốt liệt sĩ; có những khu vực ở sâu trong thung lũng không có người ở, anh em phải mang theo cả lương thực, thực phẩm, chất đốt.
Anh Điệp kể: “Một lần sau 2 ngày vượt qua bao đèo, dốc, đến thung lũng Chen-dum (tiếng Việt là thung lũng Chệt khóc) thuộc tỉnh Pres Sihanus (tỉnh Kông-pông-som cũ). Đến nơi mọi người đã rất mệt, nhưng khi phát hiện được bộ hài cốt liệt sĩ thì ai cũng phấn chấn và đào tới tận 7 giờ tối. Hôm sau tiếp tục đi đào từ 5 giờ sáng... Thật khó lý giải, sao mọi người lại có được sức khỏe, tinh thần đặc biệt đến thế.
Câu chuyện mà tôi nghe được thật cảm động: Chị Bao, là chị của liệt sĩ Nguyễn Văn Lượng, quê ở Quảng Ninh, hy sinh năm 1972. Biết địa điểm em hy sinh, hai lần chị sang Cam-pu-chia đi cùng Đội K92 để tìm hài cốt của em, nhưng chưa thấy. Về quê một thời gian, chị nhận được tin của Đội K92 thông báo đã tìm được hài cốt của em chị. Bỏ công việc, chị cùng hai đứa cháu tức tốc đi ngay. Đến nơi, chị và hai cháu được Đội K92 tiếp đón tận tình, chu đáo, hướng dẫn chị làm các thủ tục đưa hài cốt liệt sĩ về quê an táng. Cảm động trước sự giúp đỡ tận tình của đội, chị đề nghị được biếu đồng chí Đội trưởng 10 triệu đồng và tập thể đội 20 triệu đồng. Nhưng Đội K92 đã nhất định từ chối. Đội trưởng, Đại tá Phạm Khắc Điệp, thay mặt đội thưa lại với gia đình: “Đây vừa là trách nhiệm vừa là lương tâm của chúng tôi đối với liệt sĩ và gia đình…”.
Hơn 10 năm thực hiện nhiệm vụ, 4 đội tìm kiếm, cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ trên đất bạn Cam-pu-chia của Quân khu 9 đã tìm kiếm, cất bốc, đưa về nước được 5.676 bộ hài cốt liệt sĩ. Tới đây, việc tìm kiếm sẽ ngày càng khó khăn hơn. Bởi nguồn thông tin càng ngày càng cạn dần, địa hình cũng hiểm trở, khó khăn hơn. Vì vậy, để tìm kiếm hết 2.824 mộ liệt sĩ còn lại đòi hỏi những người làm nhiệm vụ này của ta và bạn cần phải cố gắng nhiều hơn nữa mới mong đưa hết hài cốt liệt sĩ Việt Nam trở về đất mẹ.
|
Lễ tiễn đưa hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam về nước, tại tỉnh Can-đan. Ảnh: Phan Khiển. |
Trong Lễ tiễn đưa hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam về nước được tổ chức trọng thể tại tỉnh Can-đan đã có hàng ngàn người đại diện cho chính quyền, quân đội, sư sãi, học sinh, sinh viên và bà con nước bạn đến dự. Phát biểu tại buổi lễ, ông Sun Si Run, Tỉnh trưởng tỉnh Can-đan bày tỏ lòng biết ơn đối với các anh hùng liệt sĩ của Việt Nam. Ông kể lại những thảm kịch dưới chế độ Khơ-me đỏ, nhắc mọi người nhất là thế hệ trẻ hôm nay được sinh ra trong hòa bình phải luôn luôn ghi nhớ công ơn to lớn của nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam anh em.
Sau lời phát biểu ấy, tôi thấy nhiều cụ già, phụ nữ ngồi dự lễ đôi mắt đỏ hoe. Tôi hiểu rằng, trong số những người lớn tuổi đang có mặt ở đây đều đã trải qua thời kỳ thảm khốc dưới chế độ diệt chủng của bọn Pôn Pốt - Iêng-xa-ri, nên họ hiểu giá trị từ sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của bộ đội tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã giúp cho quê hương họ được hồi sinh.
Kết thúc buổi lễ là phần cầu siêu cho các liệt sĩ của các vị sư sãi nước bạn. Rất nhiều bà con và cán bộ chính quyền, quân đội nước bạn đi theo, tiễn đưa hài cốt các liệt sĩ hàng chục cây số. Đặc biệt, hai bên Quốc lộ 6 từ thủ phủ tỉnh Can-đan về tới cửa khẩu, tất cả nhà dân và công sở đều treo cờ thể hiện sự tri ân, tiễn anh linh các liệt sĩ bộ đội Việt Nam trở về đất mẹ.
Chia tay đất nước Cam-pu-chia tươi đẹp, chia tay những người đang ngày đêm thầm lặng đi tìm đồng đội trong một chiều nhạt nắng, bên tai tôi như còn vang vọng lời hứa của cán bộ, chiến sĩ các đội tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ thuộc Quân khu 9: “Dù có khó khăn vất vả đến đâu, chúng tôi cũng quyết vượt qua để tìm, đưa hết hài cốt đồng đội trên đất bạn trở về quê hương”.
Tháng 10-2012
Ký của Nhật Hào