Mừng thọ nhà văn tiền bối.
Tô Hoài sinh năm 1920 nhưng không biết ngày tháng dương lịch.
Bà cụ bảo sinh vào đêm rằm Trung Thu. Vậy kỳ trung thu này, hậu sinh
mừng anh lên 93 tuổi ta, và chúc anh sức khỏe, an vui và giàu cảm hứng sáng tác.
Chiều Chiều
Chiều chiều chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chìu ruột đau
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chìu
Chiều chiều nhớ lại. Chiều chiều lại nhớ. Lại nhớ chiều chiều. . .
Chiều Chiều, hồi ký văn học viết xong 1997, xuất bản 1999, là tác phẩm quan trọng của Tô Hoài, sau khoảng 170 đầu sách, gồm có truyện ngắn, truyện dài, truyện cho thiếu nhi, truyện phim, và khoảng mươi tự truyện kể từ Cỏ Dại, 1944, đến Tự Truyện, 1978, Cát Bụi Chân Ai, 1992, Sổ tay viết văn, 1977, Những Gương Mặt, 1988, Ba ngừời Khác ,2006. Những dư địa ký về Hà Nội và nhiều ký sự, du ký...
Và nói chung, kể cả những truyện hư cấu, truyện lịch sử... Tô Hoài viết cái gì thì cũng ra... tự truyện. Anh nhẩn nha kể hết chuyện này sang chuyện khác nhưng mỗi tác phẩm đều mang đến cho người đọc nhiều kiến thức mới lạ và lý thú. Thậm chí giọng kể mỗi lần mỗi khác. Ví dụ Cát Bụi Chân Ai đã đem lại nhiều hiểu biết về Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Xuân Diệu và một thời đại văn học. Tưởng đến đó là hết chuyện, nhưng Chiều Chiều lại mang lại nhiều ánh sáng mới, rọi chiếu vào một giai đoạn dài và nhiều truân chuyên trong xã hội và văn học từ 1955 đến nay. Ngày nay không thể viết phê bình hay lịch sử văn học mà không đọc đi đọc lại Tô Hoài.
Tô Hoài luôn luôn gửi gấm từng mảng đời thật của mình vào chữ nghĩa, kể cả trong truyện ngắn, truyện dài, và có thể do đó anh không ưa dùng hai chữ tiểu thuyết. Chính Tô Hoài tự nhận điều đó trong hồi ký Một Quãng Đường viết năm 1972.
« Sáng tác của tôi đều miêu tả tâm trạng của tôi, gia đình tôi, làng tôi, mọi cái của mình, quanh mình. Quê Người, Giăng Thề, Xóm Giếng Ngày Xưa, trong đó có những mảnh đời, mảnh tình cỏn con của mình. Còn những chuyện loài vật tưởng như xa lạ kia cũng không ngoài cái rộn ràng hay thầm lặng của khu vườn trước cửa nhà » (Tự Truyện, 1985, tr.272).
Mỗi ký sự của Tô Hoài đều có sắc thái riêng. Ví dụ mảng hồi ký về thủ đô Hà Nội, từ Chuyện Cũ Hà Nội (1986) đến Hà Nội và Hà Nội (1996) đã đem lại những chứng từ sống động về địa dư, lịch sử, phong tục, tiếng nói của thủ đô, và nhà văn Nga Ni-cu-Lin đã tinh tế phát hiện ở nhà văn Tô Hoài một nhà dân tộc học. Viết bao nhiêu về thủ đô Hà Nội Tô Hoài vẫn còn « tình thương chưa đã, nhớ chưa bưa » nên thừa mọi cơ hội để tự tình với Hà Nội, từ tiểu thuyết lịch sử Quê Nhà (1970) đến Chiều Chiều.
Tô Hoài đã viết hàng chục tập du ký. Chú Dế Mèn đã mở những trang phiêu lưu ký đến khắp các miền đất nước, sang láng giềng Lào, Campuchia, sang các nước Âu Mỹ, Á Phi, mà đỉnh cao là núi Kilimangierô, nơi Dế Mèn đã phiêu lưu đến năm 1989 (Chiều Chiều tr. 501). Du ký của Tô Hoài ăm ắp tình người và lúc nào cũng đăm đắm lòng quê.
Tiếp theo là hồi ký văn học, đặc biệt là Những Gương Mặt (1988) ghi lại chân dung đậm nét về các tác gia bạn bè từ Nguyễn Bính đến Trần Huyền Trân, đằm thắm tình nghĩa. Nổi tiếng nhất là Cát Bụi Chân Ai (1992) viết sau thời kỳ đổi mới, đã gây tiếng vang lớn. Một mặt vì nó tiết lộ nhiều sự kiện, như thái độ một số nhà văn thời kỳ đàn áp Nhân văn Giai phẩm, mặt khác vì lối viết mới mẻ, ví dụ như những trang về quan hệ đồng tính với Xuân Diệu (1992, tr. 190), những trang nồng nàn tình bạn với Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân qua bao nhiêu sóng gió. Sách được in đi in lại nhiều lần, trong nước và ngoài nước. Khi tái bản, Tô Hoài chăm chút đọc lại và thêm bớt, tuỳ nhu cầu thông tin hay tình hình cho phép. Ví dụ trong Cát Bụi Chân Ai, lần in 1997 trong Tự Truyện, anh ghi rõ tên Hoàng Huế là người năm 1956 đã mỉa mai Nguyễn Tuân «thắt cà vạt đỏ đi khắp năm châu » trên báo Đất Mới. Cũng trong Tự Truyện, ấn bản 1997, Tô Hoài thêm một chương dài 15 trang cho Nguyễn Hữu Đang (tr. 360-374). Và nói rõ thêm về các nhà văn theo nhóm Trốt kýt (Đệ tứ), như Lam Kiều bút hiệu của Nguyễn Xuân Huy (tr. 282).
Như vậy, khi đọc Tô Hoài, dù một tác phẩm in lại, nếu đọc kỹ, chúng ta vẫn thu hoạch được những kiến thức mới và hiểu được thời tiết văn nghệ Việt Nam trong khí hậu chính trị Việt Nam: vào thời điểm nào thì có thể viết được chuyện gì, dù là chuyện tình trai, lúc nào có thể nhắc đến tên ai, dù kẻ ấy là công thần của cách mạng.
Điều lý thú khác khi đọc Chiều Chiều là những bí ẩn kia do bản thân Tô Hoài kể ra sau 50 năm sống trong guồng máy... Từ những hồ sơ, người đọc biết những gian nan một thời của Đồ Phồn, Trinh Đường, Phan Kế An... và thêm một số chuyện khác. Như về Thế Lữ, chúng ta cho rằng đả biết đầy đủ qua hồi ký của bà Song Kim; về Quang Dũng cũng vậy, qua những trang giới thiệu của Trần Lê Văn; về Lưu Hữu Phước, hồi ký Mai Văn Bộ tưởng là đã đầy đủ chi tiết về chính trị nhưng đọc Chiều Chiều của Tô Hoài mới biết thêm nhiều oan khuất không ngờ tới. Và biết thêm về đời sống văn chương của một thời chưa xa vắng. Về những oan khiên đè nặng lên cuộc đời những Đặng Đình Hưng, Trần Đức Thảo, Trần Huyền Trân, và những gian nan của Nguyễn Bính (tr. 228). Về Phan Khôi, chúng ta đã đọc nhiều trang phê phán hay ký sự cực đoan, bên này hay bên kia, với những dụng ý ngoài văn chương. Đọc Tô Hoài sẽ bắt gặp nhiều nét bình thường trong đời sống hàng ngày, bên cạnh những ký hoạ về Hoàng Trung Thông hay Phùng Quán.
Lại thêm việc tập kết từ miền Nam, năm 1955, « nhiều cán bộ được bố trí ở lại mất tinh thần đã đổ xô xuống tàu, không kiểm soát được, trong khi những người cần đem ra thì bỏ lại. Các trường hợp Lam Giang và Võ Phiến là như vậy » (tr. 209). Võ Phiến công nhận điều này và tỏ vẻ ngạc nhiên: Sao Tô Hoài lại biết đến Lam Giang?
Ngay về Tô Hoài, theo những tư liệu văn học phổ biến, chúng ta vẫn cho rằng truyện đầu tay của anh là Nước lên đăng ở Hà Nội tân văn của Vũ Ngọc Phan, năm 1940. Đọc Chiều Chiều mới biết thêm rằng trước đó mấy năm anh đã có Những chuyện khó hiểu đăng trên phụ trang nhật báo Đông Pháp (tr. 496). Nước lên là truyện đầu tiên được trả tiền do đó Tô Hoài đã nhiều lần viết « tôi vào nghề bằng truyện ngắn Nước Lên » (Tự truyện, 1985, tr. 250) gây ra một sai lầm về thư tịch.
- o O o -
Chiều Chiều là con sông dài, qua bao nhiêu ghềnh thác vẫn tiếp tục xuôi dòng hồi ức 80 năm của Tô Hoài, mà vẫn chưa hò hẹn ngày xuống đồng bằng hay đổ ra biển cả.
Vậy Chiều Chiều đã mang lại cho người đọc những cảm thụ gì mới? So với những tự truyện trước, Chiều Chiều nặng phần phê phán thời đại mà tác giả đã trải qua; ở các tác phẩm trước, Tô Hoài thường bao che, bào chữa, như là một hồi ký bao cấp. Đến Chiều Chiều, giọng kể nghiêm nghị hơn về đời sống chính trị và văn nghệ ngột ngạt những năm 1955-1970, về những sai lầm trong chính sách Cải cách ruộng đất, về những đợt học tập chiếu lệ ở trường Đảng cao cấp là trường Nguyễn Ái Quốc, về đời sống Hà Nội từ những ngày tiếp thu qua những đợt sơ tán, đặc biệt là những ngày nhà văn Tô Hoài, trưởng khu phố (1965-1972) phải đi mai phục «bắt gái điếm» (tr. 294) và «những người giặt xi líp thuê cho gái điếm » (tr. 288) «bắt những anh Hà Nội, buổi trưa thuê phòng chơi gái» (tr. 290), hay cảnh diệt chuột, bắt mê tín, thậm chí cả việc «trông nom hơn hai trăm cái hố xí hai ngăn của thành phố » (tr. 301). Hà Nội thanh lịch của Tô Hoài trong các hồi ký trước, đến Chiều Chiều bỗng sực mùi bẩn thỉu, hôi hám suốt mười trang rất hiện thực mà lần đầu tiên, Tô Hoài đã dành cho «việc ỉa đái của đất Kẻ Chợ » (tr. 300). Ngôn ngữ này sẽ làm ngạc nhiên nhiều độc giả vì lạ lẫm ở hành văn Tô Hoài, một tác giả duy mỹ, có cả một chủ trương về chữ nghĩa, mà từ 1959 anh đã gọi là «chủ nghĩa tiếng nói». Mới đây anh có bài báo:
« Làm sao cho mỗi chữ là một hạt ngọc trên bản thảo, hạt ngọc mới nhất của ta tìm được, do phong cách văn chương của ta mà có được. Trang sách mà không có «ngọc» , trang bản thảo không có chữ thần, không có tinh hoa chữ thì cái hồn tác phẩm, từ tư tưởng đến nhân vật, biết lấy gì mà sống được, không có chữ ngon, chữ bổ nuôi nó, trang viết gầy gùa trống rỗng rồi chết héo » (Tâm sự về chữ nghĩa, Tạp chí Văn Học, 12/1998), nhưng bài này viết đã lâu, in trong Sổ Tay Viết Văn (1959).
Chữ ỉa đái không chứng minh, mà cũng không phản biện, «chủ nghĩa tiếng nói» của Tô Hoài; theo tôi, nó chỉ chứng tỏ cụ Tô... bực mình; cụ bất bình về chính sách vệ sinh thời đó, mà phải phớt tỉnh, cho đến Chiều Chiều thì nó bật ra. Sự đời, rồi đến tình người, cụ bực nhiều chuyện lắm; thậm chí cụ gắt gỏng ngay với con sông Tô Lịch « tuyệt vời nhất châu Á » (!) (tr. 267) mà một đời cụ chắt chiu trong trí tưởng: cái tên Tô Hoài còn có nghĩa là hoài vọng sông Tô.
Quen giọng Tô Hoài, người đọc biết được lúc ngọt lúc chua: Ví dụ với Lê Đạt, trong Cát Bụi Chân Ai (1992, tr. 59) kể lại thời Nhân Văn Giai Phẩm và công tác Đảng, anh kể « tôi làm bí thư, Lê Đạt phó bí thư » , là ngọt; đến Chiều Chiều (tr. 106) gọi Lê Đạt là «Ông phó bí thư chi bộ cũ của tôi» là chua.
Nhưng ví dụ đậm đà nhất là Như Phong, bạn nối khố với Tô Hoài từ Mặt trận Dân chủ (1943) Văn hoá Cứu Quốc, cùng vào tù ra khám, cùng làm báo Cứu Quốc v.v... Nhưng đến khi đánh Nhân văn Giai phẩm thì Như Phong đánh Tô Hoài rất kỹ, rất ác và rất hỗn như câu «cái tật làm ra vẻ mình thông minh của Tô Hoài » (tr.103) còn gọi Tô Hoài là «thằng ngoại ô láu cá, văn chương thì đẽo gọt » (CBCA, tr 117). Nhưng trong Những Gương Mặt, Tô Hoài vẫn có một chương rất đằm thắm cho Như Phong (không rõ năm viết). Tôi rất lấy làm lạ và có lần gạ hỏi riêng anh: «Thế không giận à ?» Trả lời: «Giận gì? Gặp vẫn đi uống bia ». Tôi cho Tô Hoài là thánh. Nhưng rồi trong Chiều Chiều, anh kể lại thời kỳ đi thực tế (1958) Thanh Đình tay viết kiếm hiệp ba xu một hôm đến đợi Như Phong tại nhà Xuất bản Văn Học, nói: «Tao vào thằng Thạc, tao với thằng Thạc là bạn nối khố, Thạc là tên cúng cơm của Như Phong » (tr. 28); tôi mới hay Tô Hoài không phải là thánh và cũng biết hờn giận như ai. Vì đã gọi một bạn văn bằng «thằng» dù qua lời người khác, cũng là... không ưa thích.
- o O o -
Tiếng Việt ta không có một từ chính xác tương đương với chữ humour trong tiếng Pháp, tiếng Anh. Ta tuỳ tiện dùng những chữ hài hước, hóm hỉnh, dí dỏm... Nhưng trí óc Viêt Nam rất giàu uy mua (hay u mặc). Ca dao, tục ngữ, truyện dân gian chứng tỏ điều đó. Gặp văn học phương Tây, nó phát triển mạnh: truyện Vỡ Đê từ thời Phạm Duy Tốn là một ví dụ; O Chuột (1943), tập truyện đầu tay của Tô Hoài là một minh chứng về sau.
O Chuột, một hình ảnh, là phản ngữ của động từ O Mèo, là một sáng tạo ngôn từ của Tô Hoài (o nghĩa là tán tỉnh, như trong từ o bế). Ngoài Tô Hoài ra, không ai nói: o chuột. Nhưng humour, uy mua, không hợp với văn chương cách mạng. Hiện thực xã hội chủ nghĩa đòi hỏi trào phúng, hài hước chỉ đích danh đối phương; còn uy mua thì không rõ ám chỉ ai, mà nhất định phải là một lối văn linh tinh, không đáng tin cậy, nhất là trước một đề tài trọng đại. Lấy Như Phong làm ví dụ, khi ông ấy phê phán cuốn Mười Năm (1957): «Tại sao Tô Hoài cứ phải giở giọng pha trò khi nói đến những giờ phút nhiệt tình hay cảm động của quần chúng» (sđd, tr 132). Khổ thân Tô Hoài, theo cách mạng từ tuổi thiếu niên làm sao dám pha trò, đùa cợt, chế diễu (sđd, tr. 104) với cách mạng? Ấy chỉ là cái uy mua, u mặc đặc biệt trong giọng văn và trong cách sống, cách nhìn đời. Sáng tác Tô Hoài luân lưu giữa hai bờ phong cách: u hoài và u mặc. Cuộc đời Tô Hoài là Nụ Cười Thương Nhớ: tên một bài thơ Đinh Hùng, cố tri và cố nhân. (Nguyên câu thơ là: Nụ cười thương nhớ nét đan thanh).
Giọng văn dí dỏm khiến người đọc dù nghe chuyện về những nhà văn ít tên tuổi như Sao Mai (sinh 1924) cũng không chán: «Tôi lại khoái ông có máu đa tình mà lại chung thuỷ. Léng téng với ai rồi cũng lấy người ta. Nghe nói ông mới có phòng mới (...) vừa cai nghiện (...) bằng một liều thuốc dân gian, mạnh và dữ, phi có nghị lực mới cai được (...) Bài thuốc cai của Sao Mai có gia giảm các vị phụ nữ... » (tr. 25-27).
Tô Hoài không nói rõ là gia hay giảm.
Giọng văn có khi đanh lại, như khi nói chuyện quyền thế, cơ hội, tráo trở. Tâm hồn anh thoáng rộng, không cố chấp về luân lý hay chính trị, thậm chí còn bị Như Phong kết tội là hoài nghi chủ nghĩa (!) (Sđd, tr. 132) ; duy có một điều : Tô Hoài tình nghĩa, như đã viết : tình nghĩa cũng trong lẽ sống tự nhiên (tr. 516) và đã tự nhiên thì mãi mãi (tr. 269) ! Và từ đó Tô Hoài không hiểu những thái độ không tình nghĩa ; chẳng nhất thiết phải là phản bội hay tráo trở. Nói là nhược điểm cũng được đi.
Trong Cát Bụi Chân Ai, Tô Hoài có thể xởi lởi với một đại tá Huỳnh Cự trở áo (1992, tr. 116), nhưng đến hồi ký Ba Người Khác, viết cùng thời 1992, công bố 2006, chuyên đề về thời Cải Cách Ruộng Đất, Tô Hoài mô tả kỹ càng viên đội trưởng ác ôn tên Cự, về sau chính là đại tá Huỳnh Cự hồi chánh tại Miền Nam, giọng Quảng Nam oang oang trên đài phát thanh Sài Gòn. (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2006, trang 245).
Trong Chiều Chiều anh đã gay gắt riêng với Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, vì là, hay dù là, chỗ cố tri trước 1945 (tr.20). Phải chăng vì Hiếu Chân tránh gặp lại Tô Hoài sau 1975, vì chút hào khí tuyệt vọng của con người chiến bại, hay tự cho là như thế. Còn phần Tô Hoài, thì không có vấn đề ấy ; như cái lần đưa đám ma ông Minh Đức, nhà xuất bản, anh đã phải trả lời Nguyễn Tuân : « Trong đầu tôi không có câu hỏi nào về việc như ông hỏi » (CBCA, 1992, tr. 57). Đây cũng là một câu nói chìa khoá, để tìm hiểu Tô Hoài. Có những câu hỏi Tô Hoài không bao giờ đặt ra. Nguyễn Tuân có vẻ không tin (tr. 57), nhưng mà đúng vậy. Ngược lại, có lúc anh ấy đặt ra những nghi vấn rất chi là vớ vẩn. Cũng có thể Tô Hoài không biết là Hiếu Chân đã bị bắt và chết trong nhà giam Chí Hoà năm 1985. Tôi dừng lại hơi lâu ở trường hợp Hiếu Chân, vì là một biệt lệ, có thể là duy nhất, nhưng có nguy cơ bị khuếch đại và xuyên tạc.
Nhân tiện, mong Tô Hoài rà lại về cái chết của Nhượng Tống. Phải chăng ông ấy bị ban ám sát khử (tr. 333) như lời Cụ Thắng, hay bị đồng đảng thanh toán, như nhiều nguồn tư liệu đã ghi lại?
Giọng văn Tô Hoài cũng có lúc cà kê ở phần sau, khi kể những chuyến đi các nước Á Phi, Nga, Đông Âu, ở giai đoạn mà các chính quyền địa phương đang băng hoại. Tô Hoài đi thăm con trai, lao động tại Laixich (tr. 409) mấy năm sau đã tử nạn tại đấy (tr. 521). Một thảm kịch trong đời, nhưng anh chỉ kể sơ lược. Tô Hoài vốn tiết kiệm những chuyện gia đình, riêng tư. Anh chỉ ghi lại những mảng đời tiêu biểu, có liên quan đến xã hội, văn học, và chỉ đề cập đến con người cá nhân khi nó « mang hình thái trọn vẹn của thân phận làm người » như lời Montaigne.
- o O o -
Tâm sự thoáng qua của một người có khi hồi quang cả một thời đại. Như vài ba ngày ngắn ngủi khi Tô Hoài đi xe ôm về thăm lại Xóm Đồng ở Thái Ninh, Thái Bình, nơi anh đã tham gia Cải cách ruộng đất non bốn mươi năm trước (1958-1996).
Chuyến đi ngắn ngày chiếm trọn chương cuối với năm mươi trang cực kỳ súc tích và cảm động, như một chuyến hành hương. Những gian nan biến mỗi quá quan thành cố quận. Những ân hận biến mỗi kỳ ngộ thành một cố nhân. Ông Ngãi, nông dân nghèo, có dáng dấp Phan Khôi, người đã cưu mang Tô Hoài, Phùng Quán, thời Cải cách ruộng đất, năm 1958 ngủ giữa bụi tre, bốn mưoi năm sau vẫn ngủ giữa bụi tre, trong khi làng xóm thời kinh tế thị trường « cứ đua nhau mà nhà tầng nhà gác » . Ông Ngãi bình luận : «Ối người đi vay lãi, bán lúa từ lúc vào đòng để làm nhà. Chỉ khác ngày xưa lý trưởng, phó lý giàu có, bây giờ chủ tịch, bí thư, xã đội, dạo trước còn chân chủ nhiệm, kế toán nữa cũng trộm cắp mà nên giàu có cả » (tr. 535). Chủ nhiệm Sự giàu sụ, thành nghiện thuốc phiện nặng, hai con trai ở tù, con gái « ra ngoài tàu ngủ với trăm thằng. Cả mẹ nó ... Bà lão cũng chẳng tha thằng nào. Có thế mới giầu như điên » (tr. 546). Thái Bình. Lại Thái Bình. Sao Tô Hoài không trở về Xóm Giếng ngày xưa để hạ màn Chiều Chiều, cho bớt não nùng tiếng sương?
Anh lại trở lại nhà hát Bà Ký Đường trong truyện Nguyễn Khắc Mẫn, nửa thế kỷ về trước, gặp lại Cô Thẹn mười ba, mười lăm tuổi, ngày xưa, bây giờ là bà lão : «Nước mắt bà lão chảy ra, không biết cái nước chết lưu niên ở hai con mắt loà lúc nào cũng ràn rụa nhợt nhạt trên mi, hay là nước mắt (...) Cô Thẹn ngày ấy đây. Bà lão vẫn nắm tay tôi cất giọng phều phào, rè rè :
Đến bây giờ mới thấy đây
Mà lòng đã chắc những ngày một hai
Câu Kiều này (câu 2282, ĐT) đầu mùa đông 1959, Nguyễn Đình Thi đã ghi sổ lưu niệm bảo tàng L.Tôn-x-Tôi ở Tu La. Mỗi khi mơ màng lại cái chuyến về Thái Bình này, là thật hay chiêm bao. Hai câu lẫy Kiều tình nghĩa kia đã thấy ở Tu La hay đã nghe cô Thẹn, bà cụ Thẹn nghẹn ngào».
Những dòng cuối Chiều Chiều. Giọng Tô Hoài trầm xuống, nghẹn lại. Chấm dứt cuốn Tự Truyện như vậy là tài tình. Hay ở chữ tài. Quý ở cái tình. Chữ tài vẫn quý nhưng không hiếm. Cái tình vừa quý vừa hiếm, càng ngày càng hiếm, có cơ tuyệt chủng.
o O o -
Tên sách Chiều Chiều lấy từ ca dao :
Chiều Chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người quân tử khăn điều vắt vai
Tô Hoài trích dẫn ở đầu sách, gọi là ca dao cổ. Thật ra nó không cổ, chỉ mới phổ biến hơn trăm năm nay, vì nguyên là một câu thơ của Tương An Quận Vương, con vua Minh Mệnh, kín đáo khóc Hồng Bảo, con trưởng vua Thiệu Trị, là cháu, học trò và bạn tri âm của mình. Hồng Bảo âm mưu tranh ngôi vua với em là Tư Đức nên bị bắt giam và bức tử trong ngục.
Nguyên gốc là :
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người đãy gấm khăn điều vắt vai
Đãy gấm là cái hà bao bằng gấm. Bao là cái đãy, hà là cây sen, vì đãy gồm có hai phần: đãy lớn hình lá sen đựng trầu cau, đãy nhỏ hình bông sen đựng thuốc. Màu sắc tuỳ thuộc đẳng cấp: vua dùng đãy bằng đoạn màu vàng, hoàng thân, như Hồng Bảo dùng đãy bằng gấm màu đỏ (điều) dân thường dùng lụa màu xanh.
Chi tiết nhỏ không quan trọng gì, nhưng tôi vẫn trình với Tô Hoài vì anh ưa thảo luận về chữ nghĩa, trong cái anh gọi là “chủ nghĩa tiếng nói” (Có lần anh than với tôi: “Ngày xưa còn cụ Hoàng Đạo Thuý, thỉnh thoảng mình còn có người nói chuyện về chữ nghĩa. Bây giờ ông ấy qua đời thì....” Anh có những câu nhẹ nhàng thế thôi, nhưng nghe... phát ớn).
Chiều Chiều... Tô Hoài dùng chữ theo ý nghĩa, nhưng còn vì âm vang của nó. Chiều Chiều là hồi ký của người cao tuổi, như Nhớ nghĩ chiều hôm của Đào Duy Anh. Nhưng chỉ hiểu như thế thì chưa tri âm. Vì Tô Hoài rất thích âm vang ấy từ hồi còn trẻ, như là lúc 23 tuổi. Tại Sơn Tây, ngày 20 Juillet 1943 anh đã viết :
«Chiều chiều Ly thẩn thơ ra ngoài bờ giếng. Gã muốn nói mãi, nói mãi về những chiều vô tội ấy. Những buổi chiều hoa mộng không bao giờ có thể quên, bởi nó ngây ngất mà chẳng mang một nghĩa gì rõ ràng (...). Sao không chỉ có những chiều thơ dại ấy trong tất cả một đời người...»
Tô Hoài là nhà văn không bao giờ già. Vì con người anh chưa bao giờ trẻ. Tô Hoài miên viễn là «buổi trưa mùa thu» «Mùa thu có những ngày không sáng, mà cũng không chiều » Nhưng vẫn có những chiều chiều. Những chiều chiều mãi mãi trong chúng ta.
Thỉnh thoảng lại hanh hao lên một âm hao u hoài, xa vắng...
Chiều Chiều...
Orleans, 14/9/1999- 29/9/ 2012.
Đọc lại, cập nhật cho ngày sinh nhật Tô Hoài lên Chín mươi ba,
Rằm Trung Thu, 1920 Nghĩa Đô- 2012 Orléans
Theo Tạp chí Văn hóa Nghệ An
|