(TT&VH) - Bỗng dưng ngắt quãng một chặng dài khoảng 6 năm, kể từ tập Nào, ta cùng lãng quên và 37 truyện ngắn, ngỡ tưởng nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đã “buông phím gác bút” để tập trung vào truyền thông, điện ảnh… Đến khi Thành phố đi vắng (NXB Trẻ, 2012) được xuất bản, người ta mới hay sức sống văn chương trong chị vẫn còn đầy tràn với bao điểm nhìn mới khác.
Chân dung nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ
|
1.
Thành phố đi vắng gồm 16 truyện ngắn mới nhất của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, được viết chủ yếu trong hai năm 2009, 2010.
Nào X-men có mùi trường đua,
Một đời sống khác, Sống gửi thác về, Rồi cũng tới nơi thôi, Không thể kết thúc, Chúng ta cần suy nghĩ về chuyện này, đến
Thu xếp cuối đời, Phòng chiếu phim số 9, Cú mèo và rượu hoa, Câu chuyện đại chiến...
Chỉ cần đọc tựa đề mỗi truyện, là có thể thấy nhiều đổi khác trong tư duy của nữ nhà văn một thời nổi tiếng xinh đẹp (vẫn thường tự gọi mình cái tên hài: Béo) mà vô cùng đa sầu đa cảm lẫn thẳng thừng sắc sảo, đôi khi tỏ ra lạnh lẽo này. Bên trong khuôn mặt còn nhiều nét thanh xuân, sự bình an đã tỏa lan làm nụ cười của chị thêm ấm. Chị viết mà như nhắn nhủ từ những trải nghiệm sâu cay của nhiều cuộc đời chị chứng kiến: “... đừng giữ gì chặt quá. Đừng yêu thương ai hay đồ vật gì quá. Rồi cũng tuột ra khỏi tay thôi”. (Không thể kết thúc, trang 130).
Các truyện ngắn của chị đều được nung nấu ý tưởng trong đầu rất lâu, đến khi ngấm là viết. Viết thật nhanh, bất kể thời gian, không gian. Viết một mạch xong, cất đi vài ngày, khi nào nhớ nó, lôi ra tự sửa chữa, biên tập, có khi là viết lại từ đầu trên tứ truyện đó.
Niềm vui, sự phấn khích của nhà văn là... viết văn. Nếu không viết được, dù có đang trong những thuận lợi công việc, dan díu biết bao hành trình đến những vùng đất mới, thỏa thuê yêu thương và nhận thương yêu, thì vẫn như đang thiếu rỗng điều gì.
2. Nguyễn Thị Thu Huệ là nhà văn nói chuyện thật có duyên, và rành rẽ các câu chuyện của sự đời, sự người đã đang đi quanh đời sống và mắt nhìn của chị. Ấy thế nhưng, chị ít khi đưa những điều tưởng chừng như đã thấu tỏ cốt lõi ấy vào trong văn chương. Đâu đó khi đọc truyện của Nguyễn Thị Thu Huệ, sẽ ẩn tàng nét tính cách của ai đó quen quen, gương mặt ai đó từng biết... Người từ đời vào văn không có gì lạ, nhưng cái “quen quen”, cái “từng biết” ấy khi đã rơi vào “tầm ngắm” tư duy của chị, thì thành ra lạ. Rồi người - cách này cách khác - trở thành nhân vật biến chất thoái hóa bởi những tham giận, hận thù, si mê, mù quáng đến sởn lòng.
Nguyễn Thị Thu Huệ đến 16 truyện ngắn trong Thành phố đi vắng, đã không còn nao núng khi quét ánh nhìn sắc lạnh, lột đến tận cùng của chất “con” trong “người”. Và luôn là thế, luật nhân quả thuộc về vận hành thế giới tự nhiên. Những cái ác này phải trả giá bằng cái ác khác. Chết tận cùng tâm can, sẽ tất yếu dẫn đến hoại tử thân xác. Điều ác gây ra từ khi nào đó rất xa xôi, quên mất rồi, bỗng nhiên một ngày đời sống đang có vẻ tươi đẹp thì trả giá, rồi hoang mang không hiểu, sao lại gặp điều tồi tệ này (Cú mèo và rượu hoa; Phòng chiếu phim số 9; Không thể kết thúc).
Không còn nữa những yếu đuối câu văn từ tâm hồn thương tổn giới nữ, chẳng còn mơ màng trên cao những tiếng yêu đương ngắn ngủn tình nhân, qua rồi động chạm sắc tướng cảnh trí hành động người bên ngoài, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đã xuyên qua vỏ bọc của hiện tượng, tìm về bản chất phát khởi và đoạn kết của cuộc hành trình.
Những câu văn ngắn, thậm chí rất ngắn xen lẫn nhau. Những gai góc rợn ngợp từ bên trong lòng người như muốn cào cấu sự bình an người đọc. Nhìn đâu cũng thấy đau, nhìn đâu cũng thấy sự bất toàn ẩn chứa dưới một đám đông ngày càng đông, nhìn đâu cũng thấy cái giá nặng nề phải trả cho những hoang tàn không giới hạn của loài người và phủ trùm bởi không khí của sự vô cảm. Người tốt vẫn nhiều nhưng hoang mang và đơn độc. Cái ác mang bộ mặt thời hiện đại, có khi đi hết một đời mới nhận ra ai là tri ân, tri kỷ cũng đã muộn. 16 truyện ngắn, góp vào thành bản nhạc những thân phận trĩu nặng bước chân những mong tìm chút thoáng đãng tình người. Thật may, còn những Câu chuyện đại chiến, Chủ nhật được xem phim hoạt hình và nhiều bức tranh gài giữa những câu chuyện của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, họa sĩ Thành Chương vẽ, chợt thấy nhẹ nhõm và nhiều ngây thơ làm cảm giác tức ngực, trĩu buồn chợt biến.
3. Tôi đọc Thành phố đi vắng khi đêm với những cơn khó thở từ đâu di chuyển đến chặn đầy trong lồng ngực... để rồi chợt xót xa khi nghĩ, một ngày nào đó, mọi thứ còn nguyên mà sao cô đơn thế, bởi cái cần nhất để lưu giữ mình với đời sống này là tình người thì ngày càng “đi vắng”.
Quỳnh Trang