LTS: Được sự tài trợ của Câu lạc bộ Doanh nghiệp May mặc Thăng Long Matxcơva - Liên bang Nga, quyển "Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm" đã được dịch ra tiếng Nga với tên sách «Дневник врача на войне»,và sẽ ra mắt bạn đọc nhân kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sỹ và 70 năm ngày sinh của Anh hùng Liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm. Tạp chí Quê Hương trân trọng giới thiệu bản dịch bài viết của TS Ngữ văn Nguyễn Huy Hoàng dành cho độc giả Nga với tiêu đề “Với bạn đọc Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm”.
Trên chuyến bay về nước vào tháng 9/2006, tình cờ tôi thấy cô chiêu đãi viên trong giờ giải lao sau bữa ăn tối của hành khách, tranh thủ bật đèn ngồi đọc một quyển sách dày. Được chừng nửa tiếng, cô gập sách lại, bắt tay vào công việc của mình.
Bìa sách tác phẩm "Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm" bằng tiếng Nga
|
Hôm ấy, mấy quyển sách tôi mang theo đều bỏ vào va li hành lý, không có gì đọc, tôi ngỏ ý được mượn quyển sách của cô. Cô vui vẻ đồng ý. Suốt sáu tiếng đồng hồ còn lại, cho đến khi máy bay tiếp đất về đến Hà Nội, tôi đã đọc xong toàn bộ quyển sách với một niềm xúc động sâu xa.
Đó là quyển “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm", một tác phẩm “có lửa” của một nữ bác sĩ anh hùng đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã chinh phục và lôi cuốn hàng triệu bạn đọc Việt Nam.
Về đến Hà Nội vào buổi trưa, tôi gọi ngay cho nhà phê bình Vương Trí Nhàn, người giới thiệu cuốn sách, để tìm số điện thoại gia đình của tác giả cuốn Nhật ký bất tử. Và ngay buổi tối hôm đó, tôi cùng thầy giáo cũ của tôi và Nhà thơ Vũ Quần Phương đã đến thăm bà Doãn Ngọc Trâm, thân mẫu của người bác sĩ - anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.
Mỗi người sẽ cảm nhận một cách riêng mình, tùy theo tuổi tác, tùy theo học vấn, về cuốn Nhật ký, nhưng tôi tin rằng, tất cả bạn đọc sẽ có một điểm chung là ngưỡng mộ hình ảnh con người Việt Nam mang trong trái tim mình một tình cảm công dân nồng cháy; kính trọng đức hy sinh, sự tận tụy vô bờ bến của một người nữ bác sĩ làm nhiệm vụ ở chiến trường.
Riêng tôi, đã bao lần tôi cảm thấy mình nhỏ bé, tầm thường biết bao trước sự bình dị, trước bản lĩnh và tấm lòng của người con gái anh hùng đó.
Dường như cuộc chiến tranh yêu nước của nhân dân Việt Nam đã sản sinh ra những con người như vậy, một thế hệ có tình cảm và lý tưởng không hoen chút bụi mờ, không một chút tính toán cho bản thân mình, dành tất cả sức lực, tình yêu cho đồng đội.
Trong quyển nhật ký của mình, người nữ bác sỹ giữa khung cảnh bom đạn chiến tranh khốc liệt đã nhắc đến rất nhiều lần Liên bang Xô Viết, nhắc tới hình ảnh Paven Kortraghin và niềm tin mãnh liệt vào một ngày mai hòa bình, tươi sáng. Đức lạc quan vô bờ bến đó, chị đã được tiếp nhận qua những nhân vật, những biểu tượng, những tác phẩm của nền Văn học Nga - Xô Viết, mặc dù chị chưa hề một lần được đặt chân tới nước Nga.
Chị cũng đã hy sinh anh dũng như Matroxov A.M, Doia Koxmođemianxkaia, Alia Monđagulova... và hàng triệu người lính Nga vô danh khác chiến đấu vì độc lập và tự do cho dân tộc mình.
Trước khi chia tay với gia đình anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, tôi bày tỏ nguyện vọng của mình là sẽ tổ chức dịch và xuất bản cuốn Nhật ký sang tiếng Nga.
Một thời gian dài, ước mong đó vẫn chưa thực hiện được bởi những lý do khách quan, làm tôi canh cánh bên lòng như một người mắc nợ một lời hứa thiêng liêng trước vong linh người anh hùng đã khuất.
Cơ may, trong một lần hội kiến với các thành viên Câu lạc bộ May mặc Thăng Long của người Việt Nam tại Matxcơva, những người yêu thích tác phẩm "Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm", cũng nung nấu ý tưởng dịch tác phẩm đó ra tiếng Nga, để cho những người Nga thế hệ mới hiểu được tâm hồn và ý chí người Việt Nam trong cuộc chiến tranh giữ nước. Những người trong Ban Chấp hành của Câu lạc bộ sẵn sàng tài trợ in ấn, mong muốn tôi đứng ra tổ chức dịch để tác phẩm này đến được với bạn đọc Nga.
Câu lạc bộ May mặc Thăng Long không phải là một Trung tâm văn hóa, mà chỉ là nơi tập hợp những doanh nhân với mục đích sản xuất và kinh doanh. Nhưng nghĩa cử cao đẹp này của Câu lạc bộ Thăng Long đã để lại trong lòng những người Việt và những người Nga yêu mến Việt Nam một ấn tượng không thể phai mờ về tầm văn hóa của những doanh nhân Việt đang làm ăn và sinh sống ở Thủ đô Matxcơva.
Quyển Nhật ký này, chị Đặng Thuỳ Trâm viết ra với mục đích riêng tư, gửi gắm những tâm sự kín đáo của mình, không phải để in ra cho bạn đọc. Nó được viết trong hầm dã chiến sau những cuộc phẫu thuật căng thẳng và mệt mỏi trong tiếng đạn bom của kẻ thù. Nó được viết trong bóng tối dưới ngọn đèn che kín dưới hầm trú ẩn. Nó được viết bên một gốc cây trong giờ nghỉ của cuộc hành quân. Nó được viết trong cơn đau ốm, trong những niềm xúc động, trong cảnh thương vong và máu lửa. Nó không hề được trau chuốt, sửa chữa, nó tinh nguyên và tươi rói như đất đai, sông nước và thiên nhiên của dân tộc Việt Nam.
Giờ đây, nó đã trở thành tài sản của thế hệ chúng tôi, trở thành cuốn sách gối đầu giường của những người yêu hòa bình và căm ghét chiến tranh trên trái đất này.
Chúng tôi đã cùng các dịch giả Tiến sĩ A.Xocolov và Tiến sĩ Lê Văn Nhân làm việc một cách khẩn trương và cụ thể. Dịch tác phẩm này, là chuyển tải toàn bộ tâm hồn, tình cảm, nghĩ suy của một con người, đại diện cho một thế hệ tinh hoa của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Đó là một công việc thiêng liêng và đòi hỏi trách nhiệm rất cao.
Chúng tôi đã cố gắng hết sức để làm được điều đó. Quyển sách bạn sẽ cầm trên tay không đơn giản là một ấn bản, mà nó là trái tim rực lửa của người đã khuất, nó sẽ đưa bạn đến với đất nước Việt Nam của chúng tôi, đến với cuộc chiến tranh khốc liệt mà dân tộc tôi phải trải qua suốt một phần ba thế kỷ. Chúng tôi đã chiến thắng, vì dân tộc chúng tôi có những con người ưu tú như bác sĩ Đặng Thùy Trâm.
Nếu những người bạn Nga cảm nhận được điều đó sau khi đọc xong cuốn sách, chúng tôi sẽ rất đỗi hạnh phúc, chúng tôi coi việc làm của mình là một đóng góp có ý nghĩa.
Quyển "Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm" cho đến thời điểm này đã được dịch và giới thiệu ra 18 thứ tiếng trên thế giới và được bạn đọc đón nhận một cách nồng nhiệt. Cách đây không lâu, nó đã được dựng thành phim, mang tên "Đừng đốt", đã tham dự nhiều Liên hoan Phim quốc tế, đã để lại một ấn tượng xúc động sâu sắc đối với người xem.
Rất lâu rồi, từ sau ngày Liên Xô tan vỡ, hầu như không có một tác phẩm văn học Việt Nam nào được dịch ra tiếng Nga, trên các giá sách Văn học của Nga, những quyển sách Việt Nam coi như vắng bóng. Hy vọng với việc dịch và giới thiệu quyển "Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm" sang tiếng Nga lần này, nó sẽ khởi đầu cho một giai đoạn mới, nó sẽ góp phần bắc một nhịp cầu trở lại của bạn đọc Nga đối với Văn học Việt Nam.
Nguyễn Huy Hoàng (Dịch từ nguyên bản tiếng Nga)