Cao Bá Quát (1808-1855) xuất thân trong một gia đình có truyền thống thi thư. Tài hay chữ, vào loại bậc nhất đương thời, được tôn vinh là “thi thánh”, hiển nhiên không phải là ngoa truyền. Sự nghiệp thơ văn của Cao để lại cho đời, tuy chưa sưu tầm được hết, cũng đã đủ làm nên một tên tuổi lẫy lừng trong lịch sử văn chương nước Việt.
Tuy nhiên, cuộc đời Cao Bá Quát thật trớ trêu. Ông vào đời với lý tưởng “Đại dụng” của Nho gia, muốn “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” (Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu / Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc). Đấy chính là ý thơ trong một bài thơ Cao viết gửi người bạn thân của mình là Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, mượn lời Phạm Trọng Yêm, một danh Nho đời Tống. Kẻ sĩ phải học hành, khoa cử, phải theo “con đường danh” để có cơ hội “ra mắt”, để có chỗ đứng trong đời, rồi tiếp đó là đem tài giúp dân giúp nước. Cao Bá Quát cũng không ra ngoài thông lệ đó!
Ấy thế mà “con đường danh” của Cao vô cùng lận đận. Thường tự cho mình thông minh, làu thông Kinh Sử, lại “khán thư song nhãn vạn niên đăng” (xem sách, đôi mắt như có vạn ngọn đèn), điều ấy với Cao cũng không phải ngoa truyền. Cao đỗ Cử nhân (1831), hạng Nhì, nhưng không hiểu sao lại bị đánh tuột xuống hàng cuối bảng. Mấy lần thi tiến sĩ, cũng hỏng (1832, 1835, 1838). “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” (Nguyễn Du). Có lẽ Cao quá tài hoa, mà “Anh hoa phát tiết ra ngoài” (Truyện Kiều), nên những kẻ tiểu nhân đố kị, tìm cách vô hiệu hóa, loại bỏ Cao, khiến Cao thừa sống thiếu chết, thân bại danh vong. Một số bài thơ của Cao Bá Quát, cho thấy rằng Cao vì vô tư trong sáng, nhưng tuổi trẻ còn thiếu kinh nghiệm, nên mau chóng mắc vào lưới đời. Những ngày dài ngồi trong ngục tối, lần theo nguồn mạch, suy xét tất cả các vấn đề, Cao thấy hận vô cùng.
Sau hơn ba tháng bị giam cầm, tra tấn dã man, ngày 21 tháng giêng năm Nhâm dần (1842), Cao Bá Quát được giảm án, chỉ bị phạt tù, rồi bị giải sang ngục Thừa Thiên. Khoảng năm 1843, Cao được ra tù, được về thăm gia đình ít ngày, rồi lại bị gọi về kinh, cho đi “Dương trình hiệu lực phục vụ quân thứ”, cùng phái đoàn sang một số nước thuộc vùng Hạ Châu (1844). Thời gian này Cao Bá Quát sáng tác nhiều, thể hiện những cảm nhận mới mẻ của ông khi tiếp cận những chân trời mới, đồng thời là nỗi niềm nhớ quê hương và gia đình, cùng những suy tư trăn trở về thế sự, về vận mệnh chính trị của mình.
Tháng 7 năm 1844, phái đoàn đi Hạ Châu về nước, Cao Bá Quát lại được cho về làm việc ở bộ Lễ, có lúc được thăng làm chức Chủ sự. Nhưng ngay sau đó, ông lại bị thải hồi về quê, sống triền miên trong bệnh tật, đói nghèo ở ngôi nhà bên hồ Trúc Bạch.
Thời gian này, Cao Bá Quát sáng tác nhiều. Một số bài thơ vào loại kiệt tác, Cao viết ở đây, như chùm thơ viết về Tây Hồ, thơ viết tặng Nguyễn Trúc Khê đi nhậm chức ở Thường Tín, khi đọc khúc Yên Đài anh ngữ của ông Đô Sát họ Bùi…
Năm 1847, sau gần bốn năm sống chật vật ở quê nhà, Cao Bá Quát lại bị triệu hồi vào kinh, tạm làm việc ở viện Hàn lâm. Tưởng là một việc vui, nhưng hoá ra không phải thế. Có lẽ triều Nguyễn lo sợ Cao sống ở Bắc Thành (Hà Nội), giao du tiếp xúc với những sĩ phu Bắc Hà, vốn không mấy thiện cảm với triều đình, nên muốn tách ông ra khỏi đám sĩ phu Bắc Hà này chăng? Chẳng thế mà Cao làm việc ở Viện Hàn Lâm mới chỉ được hơn một tháng, lại bị trục, đi phát phối ở Đà Nẵng và một số nơi khác ở miền Trung. Phát phối, thực ra là một án lưu đày, dành cho các quan chức có tội. Vậy là Cao vẫn chưa thể có được tự do, chưa thể thoát kiếp khổ nhục. Thời gian này, Cao phải làm lính thú ở thành Điện Hải, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ở đây, Cao Bá Quát vẫn được người đời kính trọng, nhiều người tự nguyện theo làm đệ tử (học trò), vì tài năng văn chương lỗi lạc của ông, tất nhiên, không phải là mở lớp mở trường. Cao từng qua Hội An, từng vào Quảng Ngãi. Ở đây, Cao Bá Quát vẫn tiếp tục sáng tác, đặc sắc nhất là chùm thơ Sa hành đoản ca, Trà giang thu nguyệt ca, rồi Cùng Bùi Nhị Minh Trọng, đêm đậu thuyền bên sông Trà…
Sau thời gian bị lưu đày, Cao Bá Quát lại được tha, lại được gọi về làm việc ở viện Hàn lâm. Thời gian này, Cao Bá Quát có dịp giao du với một vài thân vương và một số quan lại có tài năng văn chương, thơ phú. Nhìn chung là những công việc tạp vụ, hết sức nhàm chán, Cao chẳng có cơ hội thi thố được tài năng, ví như Lý Bạch ở triều Đường Huyền Tông bên Tàu vậy! Cao thường than thở, tỏ cái chí của mình: Một chiếc nón nghênh ngang giữa trần thế / Thảnh thơi vừa đi vừa hát bài ca “Giang ngoại xuân” / Có lẽ đâu chui đầu vào mái nhà thấp, cúi ngửa theo ý người khác?
(Đông vũ ngâm - Bài ngâm đông vũ)
Hoặc như: Không có một sách lược gì làm cho đời được thái bình / Thẹn mình là một nhà Nho mà lại tầm thường đến thế!
(Độc dạ-Đêm ngồi một mình)
Đôi khi, muốn cất mình lên, cười xoà một tiếng, mà bay vút lên trời xanh, Muốn mượn cả vũ trụ để làm khuây mối sầu lữ thứ / Nhưng lại sợ dòng suối mỏm đá chế diễu cho! (Ký Nguyễn cố hữu hồi tịch)…
Mùa hè năm 1850, Cao Bá Quát được bổ làm Giáo thụ phủ Quốc Oai, thực ra là một sự giáng chức, đẩy ra ngoài, vì ở triều đình, Cao chỉ là cái gai rất khó chịu đối với một số quan lại ít tài kém đức, thường là đối tượng bị Cao châm biếm. “Con rồng bướng” họ Cao ôm trong lòng một khát vọng lớn, muốn San phẳng bức thành phía Đông đi, muốn Xoay bạch ốc lại lâu đài, muốn Ném thanh khâm sang cẩm tú, xây dựng một thế giới mới, bình đẳng, vì dân. Giấc mộng không thành, Cao Bá Quát bị giết cùng gia quyến (1855). Cuộc đời Cao Bá Quát ngắn ngủi. Ông hy sinh khi mới 48 tuổi, nhưng đó là một vì sao sáng chói trên bầu trời văn chương nước nhà!
Nội dung thơ văn Cao Bá Quát thể hiện sâu sắc tinh thần nhân văn, nhân đạo, hướng tới một khát vọng lớn lao. Với Cao Bá Quát, vua chúa không còn là biểu tượng mà ông tôn thờ. Điều này khác với phần lớn sĩ phu đương thời. Tình cảm của Cao hướng về những người nghèo khổ trong xã hội cần lao, tầng lớp bị đẩy đến đường cùng vì sưu cao thuế nặng, và những bất công xã hội ngày một gia tăng…Cao hiện lên như một con người rất giàu tình thương yêu, với đất nước, với con người, với gia đình và bạn bè. Cao là một nhân cách lớn, một tâm hồn lớn, như muốn vượt ra ngoài khuôn khổ của trật tự thông thường. Đương thời, Cao chưa có đất dụng võ, muốn bay cao lên tận trời xanh mây trắng, nhưng lại bị kéo tuột xuống trần gian, xuống địa ngục.
Nghệ thuật thơ văn Cao Bá Quát đã đạt đến đỉnh cao trác tuyệt. Ông thường sử dụng thành công ở nhiều thể loại, nhưng đặc sắc nhất vẫn là ở thể ca, cổ phong hoặc trường thiên, chất tự sự và trữ tình đan xen hoà quyện, rất hợp với phong cốt Cao Chu Thần…Hình tượng trong thơ Cao Bá Quát, thường hàm ẩn, đa nghĩa, rất hàm súc, sâu xa. Rất nhiều hình ảnh, hình tượng thơ mang tầm vóc vũ trụ, phảng phất phong cách nghệ thuật thơ Ta-go của Ấn Độ, thấp thoáng chất phóng khoáng của Lý Bạch, pha lẫn chất hiện thực nghiêm nhặt của Đỗ Phủ, nhưng rất sáng tạo, tài hoa…
Chúng tôi làm cuốn “Giai phẩm với lời bình” tập 4, tinh tuyển và bình giải những bài thơ đặc sắc nhất của Cao Chu Thần, mới có dịp lần theo bước chân trôi nổi của Cao, bắt đầu bằng việc đi sâu vào tìm hiểu văn bản từ câu chữ, từ đó mà hình dung ra vóc dáng tâm hồn thi nhân vĩ đại này, cùng vẻ đẹp rực rỡ kỳ lạ của những câu thơ tài hoa mà Cao Bá Quát để lại cho đời. Trước hết, xin nói đôi điều về một vài địa danh trong thơ Cao, có thể bạn đọc lâu nay chưa tìm hiểu kỹ.
Ở bài thơ “Được tha, lại bổ vào viện Hàn lâm, sắp khởi hành, các học trò đi tiễn, theo vần cũ viết lại”, nội dung thuật lại một cuộc tiễn đưa Cao về Huế, sau thời gian Cao bị lưu đày ở miền Trung rồi được tha, lại được gọi về làm việc ở viện Hàn Lâm. Những người đưa tiễn Cao chính là những “đệ tử” (học trò) của Cao ở Điện Bàn. Họ tải cả rượu xuống thuyền, tiễn Cao ra tận Đà Nẵng. Bài thơ có câu: “Níu áo trước làn gió thu, bước đi dùng dằng / Dường như còn ngoảnh đầu lại tiếc hòn đá ngồi câu bên dòng sông Điện”…Một số tài liệu chú rằng chưa rõ địa danh này (sông Điện) ở đâu. Chúng tôi cho rằng dòng sông Điện ở đây chính là dòng sông ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam bây giờ. Cao được tha, lại được gọi về làm việc ở viện Hàn Lâm, nhưng vẫn nuối tiếc những kỷ niệm với học trò, cùng nhau ngồi câu cá, đàm đạo văn chương ở hòn đá bên dòng sông này….
Về chùm thơ Cao Bá Quát viết khi về nhà, ba bài, thể hiện rất rõ diễn biến tâm lý nhân vật trữ tình chủ thể. Bài thứ nhất có tên “Sa hành để Đông Dư, ký mộ lưu túc” (Qua bãi cát đến làng Đông Dư, trời tối ngủ lại). Lúc đầu, chúng tôi còn phân vân chưa rõ địa danh làng Đông Dư là ở đâu. Một số cái tên làng xã còn lại đến ngày nay, xung quanh làng Phú Thị Gia Lâm, như Đông Cảo, Đông Bình, Đông Côi… tỉnh Bắc Ninh, cũng gần làng Phú Thị chăng? Thật may, gần đây, tôi có dịp vào Bát Tràng, mới biết rằng làng Đông Dư, nay thuộc xã Đông Dư huyện Gia Lâm, ngay bên bờ sông Hồng, chính là địa danh của bài thơ này. Làng Đông Dư, nằm kề bên làng Thổ Khối, nay là phường Cự Khối, quận Long Biên, Hà nội, Cao Bá Quát cũng có một số bài thơ viết về địa danh này. Hóa ra là sau khi được tha tù, vào tháng 7 năm Quý Mão 1843, Cao Bá Quát được về thăm nhà ít ngày. Sau khi về với vợ con ở ngôi nhà bên hồ Trúc Bạch, thăm ngôi nhà cũ ở phố Đình Ngang, cao lại qua sông Hồng về thăm cha mẹ ông ở quê cũ là làng Phú Thị, huyện Gia Lâm. Hồi ấy chưa có cầu Long Biên, nên Cao Bá Quát phải qua đò, qua bãi cát, lên đê sông Hồng rồi vào làng Đông Dư. Từ đây, về nhà Cao ở Phú Thị chỉ ước chừng ba bốn cây số. Cao viết rằng: Trên ngọn sông, trông về quê nhà / Quê nhà không còn xa cách mấy / Tại sao không tiến lên được / Cứ mỗi bước lại ngập ngừng đứng lại…Lý do chỉ là vì gần đây mang lấy tục lụy, nghĩa là Cao mắc vào lưới đời, thân bại danh vong, nên cảm thấy có lỗi, hổ thẹn với quê hương, với gia đình và bạn bè, nên dùng dằng mãi, phải ngủ đỗ lại làng Đông Dư, mặc dù đã gần về tới nhà. Sáng hôm sau, Cao mới tiếp tục về nhà. Nhìn thấy cây gạo đầu làng và đồng lúa xanh bên đường, tâm trạng Cao bồi hồi xao xuyến, đó là cảm xúc của bài thơ thứ hai, gần về đến nhà. Bài thứ ba, về đến nhà, Cao gặp lại một số bạn cũ hồi xưa, họ nhìn thấy Cao là sửng sốt hỏi thăm dồn dập. Mẹ già chợt trông thấy con, mừng mừng tủi tủi. Tuyệt nhiên không thấy hình ảnh vợ con Cao Bá Quát ở chùm thơ này, đơn giản bởi vì vợ con ông đang ở ngôi nhà bên hồ Trúc Bạch. Phú thị là quê gốc, chỉ cha mẹ Cao ở đấy thôi, có thể là cùng với gia đình người anh sinh đôi là Cao Bá Đạt chăng? Căn cứ vào nội dung, có thể khẳng định dứt khoát, rằng chùm thơ Cao bá Quát viết khi về thăm nhà, là vào khoảng tháng 7 năm Quý Mão, đời Thiệu Trị, 1843. Sau chuyến về thăm nhà này, Cao lại vào Huế, theo phái đoàn đi “phục vụ quân thứ” ở một số nước thuộc vùng Hạ Châu, trên chiếc thuyền Phấn Bằng, để lập công chuộc tội.
Chùm thơ Cao Bá Quát viết ở Đằng Châu (Phố Hiến) cũng là một chùm thơ hay. Chưa rõ thời điểm sáng tác, nhưng có thể ước đoán Cao viết chùm thơ này vào quãng thời gian bị thải hồi, từ năm 1844, đến năm 1847. Ngổn ngang tâm sự, chất chứa bao nỗi buồn thế sự, rồi cảm thương cho thân phận, trượng phu ba mươi tuổi chưa làm nên danh gì, ôm nỗi bất bình trong cô đơn cô độc, xót xa cho những kẻ tài hoa bị vùi dập như chàng Tư mã Giang Châu Bạch Cư Dị. Cao muốn vứt phăng đi cái phù danh lẵng nhẵng, để quay về làm kẻ tiều phu, hoặc làm anh chàng ngư phủ quăng chài thả lưới bên sông, sống cuộc đời tự do. Bài thơ dài, có câu: Ai người biết đến, xin vịnh tiếp vần thơ Giang Hán mong về…Có sách chú rằng chưa rõ Cao Bá Quát dùng điển này ở đâu? Tìm hiểu thơ văn thời Trung đại Việt Nam, nhất là thơ Nguyễn Trãi, chúng tôi thấy điển này được dùng không phải là ít. Ở đây, sông Hán (Giang Hán), tức sông Hán Thủy, còn gọi là sông Thương Lang, được dùng trong “Bài ca ngư phủ” của nhà thơ vĩ đại Khuất Nguyên thời Chiến quốc bên Tàu. Mượn tích này, Cao thể hiện tâm sự muốn trở về của mình, sau khi đã chìm nổi va đập với thế thời nhiều hiểm độc trên con đường danh đầy ghê sợ.
Thơ Cao Bá Quát thường dùng nhiều hình tượng ẩn dụ, như một phẩm chất nghệ thuật, tinh vi và sâu sắc. Bài Du vân (Đám mây trôi), có lẽ Cao Chu Thần viết khi ông làm giáo thụ phủ Quốc Oai, gửi gắm tâm sự và khát vọng thầm kín của mình, có đoạn: Bốn bể đã mong mưa rồi / sao phép Ngũ Lôi còn giữ kín trong núi / Ta ngẩng đầu lên nhìn tận ngoài trời / Những muốn vin mây mà lên cao mãi…Bốn bể mong mưa rồi, phải chăng là hình ảnh nhân dân đói khổ vì thuế má và nạn tham nhũng của quan lại nhà Nguyễn thời Tự Đức, đang trông đợi, muốn có một cuộc đổi đời, còn chờ Phép Ngũ Lôi, tạo ra sấm sét vỡ trời? Và chính Cao Bá Quát rồi ra cũng sẽ là một trong những người tạo ra phép Ngũ Lôi lay trời chuyển đất chăng? Một bài thơ mang tính dự báo, về một cuộc cách mạng nổi lên từ trong những nơi hang cùng ngõ hẻm tối tăm, quyết ném thanh khâm sang cẩm tú, xông thẳng lên bầu xanh đòi tự do! Hãy đọc Cao Chu Thần, để được chu du vào thế giới thơ kỳ ảo mà diễm lệ và chan chứa khát vọng nhân văn của một thiên tài trác việt, hiếm có trong đời!
Hà Nội 5-2012
VŨ BÌNH LỤC
Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội
|