Nữ Chủ bút đầu tiên của làng báo Việt Nam- Sương Nguyệt Anh (1)
Bà Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Khuê sinh ngày 1/2/1864, mất ngày 20/1/1921, là con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Ngoài bút danh Sương Nguyệt Anh, bà còn ký nhiều bút danh khác như: Xuân Khuê, Nguyệt Nga, Nguyệt Anh,...Bà là nhà thơ kiêm chủ bút nữ đầu tiên của làng báo chí Việt. Tờ báo “Nữ giới chung” do bà phụ trách là tờ báo đầu tiên của phụ nữ được xuất bản tại Sài Gòn vào đầu thế kỷ XX.
Từ nhỏ, bà cùng người chị tên là Nguyễn Thị Xuyến, đã được cha là cụ Đồ Chiểu truyền dạy nên giỏi cả chữ Hán và chữ Nôm. Khi cả hai khôn lớn, nổi tiếng tài sắc, được người quanh vùng ca tụng gọi là Nhị Kiều.
|
Nhà thơ, nhà báo Sương Nguyệt Anh |
Năm Sương Nguyệt Anh được 24 tuổi (1888) thì cha mất. Tri phủ Ba Tường đến hỏi bà làm vợ không được, nên mang lòng oán hận, đang tìm cách hãm hại...Để tránh tai họa, bà cùng gia đình người anh (Nguyễn Đình Chúc) chuyển sang Cái Nứa (Mỹ Tho- Tiền Giang) rồi dời về Rạch Miễu ở nhờ nhà ông nghè Trương Văn Mân. Ở đây, bà kết duyên với một phó tổng sở góa vợ tên Nguyễn Công Tính, sinh được một đứa con gái tên là Nguyễn Thị Vinh. Năm con gái được 2 tuổi, thì chồng mất. Từ đó bà thủ tiết nuôi con, thờ chồng và mở trường dạy chữ Nho cho học trò trong vùng để sinh sống. Và cũng từ đó, bà thêm trước bút danh Nguyệt Anh một chữ “sương”, thành “Sương Nguyệt Anh”, có nghĩa là Nguyệt Anh goá chồng.
Đầu năm 1918, nhân lời mời của viên Tổng lý báo chí Nam Kỳ là Trần Văn Chim, Sương Nguyệt Ánh lên Sài Gòn làm Chủ bút tờ “Nữ giới chung” nghĩa là “tiếng chuông của nữ giới”. Tờ báo ra số đầu tiên ngày 1/2/1918, với chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và nhất là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội,...
|
Báo Nữ giới chung |
Tờ báo tập hợp được những cây bút có tư tưởng tiến bộ, lên tiếng đòi nam nữ bình quyền, thúc giục, vận động giới phụ nữ hãy học hành, đấu tranh đòi được ngang hàng với nam giới...; lấy những gương sáng của phụ nữ các nước tiên tiến ở châu Âu, châu Mỹ để khuyến khích chị em.
Trong một bài bàn về nữ quyền, Sương Nguyệt Anh viết: Thời thế bể dâu, cục diện đã khác... Ngày nay ngọn sóng Âu tràn qua Nam Hải, các khoa học mênh mông, công nghệ thế ấy, học thuật thế kia. Trông người mà ngẫm đến ta, tình cảm buồn mà không buồn, lại buồn cảnh bông tàn trăng khuyết, lý tưởng làm sao mà lạ vậy?
Kìa ta mở cặp mắt ngó ra Hoàng Hải, người Âu Mỹ làm thầy giáo cũng đàn bà, mà thầy kiện (luật sư) cũng đàn bà, trong tay sẵn có một nghề, không phải nương nhờ người nam tử. Ấy cái học người ta như thế, há như người mình không bệnh mà rên!
Chị em ơi!... Muốn có cái địa vị ngang hàng với nam giới thì (chẳng những) việc tề gia nội trợ phải thuộc lòng, tình thế trong ngoài cũng nên ghé mắt, tuy chưa được như người Âu Mỹ song cũng đừng phụ tiếng Lạc Hồng” (2)
Cũng trên tờ “Nữ giới chung” này, còn có những bài thơ đề cao tinh thần quật khởi của các nữ anh hùng dân tộc như bà Trưng, bà Triệu, hoặc đăng những bài thơ đề cao nữ quyền, trong đó có những câu nói rõ tiêu chí của tờ báo như: “Vang lừng nữ giới những hồi chuông/ Thúc bạn quần thoa thoát cửa buồng”... (Số 8 ra ngày 22-3-1918)
“Nữ giới chung” là tờ tuần báo, ra vào ngày thứ sáu, số đầu tiên xuất hiện vào 1-2-1918... Cũng trên báo này còn đăng những bài thơ khuyên thanh niên Việt Nam không nên đi lính cho Pháp trong chiến tranh thế giới thứ nhất 1914-1918, trong đó có bài “Chinh Phụ thi” của Sương Nguyệt Anh. Bài thơ nhuần nhị kín đáo mà lời vận động phản chiến khá rõ, khá tình cảm...
Dù ngòi bút của Sương nguyệt Anh có mềm dẻo và khéo léo đến đâu, tầm ảnh hưởng của tờ báo này đã khiến bọn mật thám Pháp phải e ngại. Do đó tháng 7/1918 “Nữ giới chung” bị đóng cửa. Như vậy tờ báo chỉ tồn tại trong vòng khoảng 5 tháng. Cũng trong thời điểm này, người con gái độc nhất của bà tên Nguyễn Thị Vinh, vừa sinh nở xong, ngã bệnh qua đời.
Vậy là cùng một lúc trên đầu Sương Nguyệt Anh đội bốn khăn tang. Hết khóc mẹ, khóc cha, khóc chồng, rồi lại phải khóc con. Đã vậy, cộng với việc viết lách đã vắt kiệt sức lực của bà, khiến đôi mắt thường xuyên đau nhức và sức khỏe cũng dần suy kiệt. Nghe lời thầy thuốc, Sương Nguyệt Anh dẫn cháu ngoại trở về Mỹ Chánh Hòa (Ba Tri), nương náu nơi nhà người em út tên là Nguyễn Đình Chiêm để chạy chữa, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, đôi mắt bà bị mù lòa hẳn.
Từ đấy, sớm chiều bà lại tiếp tục dò dẫm bốc thuốc, dạy học và làm thơ văn. Sáng sớm ngày 9/1/1921, bà Sương Nguyệt Anh trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 58 tuổi.
Đến ngày nay, mỗi khi nhắc đến Sương nguyệt Anh, người ta vẫn thấy ở bà một tấm gương hoạt động cho giới nữ không ngừng nghỉ. Bà là một cây bút rắn rỏi đã từng nêu trên tờ “Nữ giới chung” nhiều vấn đề về phận sự đàn bà đối với gia đình và xã hội. Trong buổi giao thời, phụ nữ nước nhà vừa ra khỏi khuê môn để tiêp xúc với văn hóa phương Tây, bà Sương Nguyệt Anh rất xứng đáng là nữ sĩ tiền phong trên đất Viêt.
Tên tuổi của bà được nhắc nhiều trên văn đàn công khai ở Nam Bộ trong những năm đầu thế kỷ XX. Và hiện nay tên bà được đặt cho một con đường ở quận I và một ngôi trường ở quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà báo tài năng Phan Khôi (1)
Phan Khôi là một học giả tên tuổi, một nhà thơ, nhà văn và là một tài năng báo chí rất đáng kính trọng. Ông là một người tích cực áp dụng tư tưởng duy lý phương Tây, phê phán một cách hài hước thói hư tật xấu của quan lại phong kiến và thực dân Pháp. Theo đánh giá của nhiều người Phan Khôi là một trong số ít nhà báo tiếp thu nhiều luồng tư tương mới, theo hướng đa văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa của cả phương Đông như Trung Quốc, Nhật Bản và phương Tây như Anh, Pháp,...
|
Nhà văn, nhà báo Phan Khôi và vợ |
Phan Khôi sinh ngày 6/10/1887 tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là cháu ngoại của Tổng đốc Hoàng Diệu. Năm 20 tuổi, ông ra Hà Nội, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và làm việc cho tạp chí “Đăng cổ tùng báo”. Khi tờ tạp chí bị cấm ông về Nam Định rồi về Hải Phòng lánh nạn ẩn náu. Ít lâu sau ông lén về Quảng Nam hoạt động trong phong trào Văn Thân cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Trong một cuộc biểu tình đòi giảm thuế, tức vụ Trung kỳ dân biến, ông bị bắt và giam tại nhà tù Quảng Nam đến năm 1914 thì được ân xá.
Ra khỏi tù, ông lại về Hà Nội viết cho tờ báo “Nam Phong”. Vì bất bình với Phạm Quỳnh, ông bỏ Hà Nội vào Sài Gòn viết cho tờ “Lục tỉnh Tân văn”. Năm 1920, ông lại trở ra Hà Nội viết cho báo “Thực nghiệp dân báo” và báo “Hữu Thanh”. Năm 1928 cả hai tờ báo bị chính quyền thực dân Pháp đóng cửa, ông lại trở vào Sài Gòn viết cho tờ “Thần Chung” và tờ “Phụ nữ Tân văn”. Năm 1931, Phan Khôi lại trở ra Hà Nội viết cho tờ “Phụ nữ thời đàm”. Năm năm sau, ông vào Huế viết cho tờ “Tràng An” và sau đấy xin phép xuất bản tờ “Sông Hương”. Ba năm sau “Sông Hương” bị đóng cửa, Phan Khôi lại trở vào Sài Gòn dạy học chữ Hán và viết tiểu thuyết. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời từ Quảng Nam ra Hà Nội tham gia kháng chiến với cương vị một nhà văn hóa. Hòa bình lập lại 1954, Phan Khôi về Hà Nội cùng với các văn nghệ sĩ khác.
Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, từng làm giám khảo trong các giải văn
học của Hội Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã để lại một khối lượng tác phẩm tương đối đồ sộ như: Bàn về tế giao (1918); Tình già (thơ mới - 1932); Chương Dân thi thoại (1936); Trở vỏ lửa ra (1939); Tìm tòi trong tiếng Việt (1950); Chủ nghĩa Mác và ngôn ngữ (dịch của Stalin, 1951); Việt ngữ nghiên cứu (1955); Dịch Lỗ Tấn (từ 1955 đến 1957); Ngẫu cảm (thơ chữ Hán); Viếng mộ ông Lê Chất (thơ chữ Hán); Ông Năm chuột (truyện ngắn),...Ông cũng là một trong những người đầu tiên dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt.
Chỉ xét riêng về khía cạnh báo chí và văn hóa, chúng ta có thể thấy những năm đầu thế XX là thời kỳ mà nhà phê bình văn học Hoài Thanh gọi là “Cuộc biến thiên vĩ đại”: Tức là thời kỳ giao lưu và tiếp biến văn hóa Đông- Tây diễn ra mau lẹ, đều khắp trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Có người còn cho rằng đây chính là giai đoạn xảy ra cuộc “xâm lăng văn hóa” của phương Tây đối với phương Đông, trong đó có Việt Nam. Lúc này, văn hóa phương Đông đang đứng trước thách thức ghê gớm hoặc là bị phương Tây “thôn tính” hoặc là chấp nhận những tư tưởng tiến bộ của văn hóa phương Tây để “làm mới mình” theo xu hướng hòa nhập vào dòng chảy của thời đại.
Trong cơn nguy biến ấy, chàng thanh niên Phan Khôi là một trong những người đi tiên phong trong quá trình “Duy tân”, mà bây giờ chúng ta gọi là “Đổi mới” để tồn tại và phát triển đất nước nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng. Qua gần một chục tờ báo mà ông đã cộng tác và làm chủ bút với hàng trăm bài nghị luận, bút chiến bằng một văn phong mạnh mẽ, đầy ấn tượng vào những năm đầu của thế kỷ XX, ông đã tạo tiền đề tư tưởng cần thiết cho các cuộc cách tân hiện đại hóa của văn hóa và văn học Việt Nam ngay lúc ấy cũng như sau này. Vì thế, có thể nói Phan Khôi là một trong những người mở đường cho loại hình phê bình văn học ở nước ta theo hướng dân chủ và hội nhập Đông- Tây, một hoạt động không thể thiếu vắng trong một nền văn học mới, đầy biến động của thời kỳ hiện đại.
Về khía cạnh báo chí, ông là một trong nhưng bậc thầy của thể loại báo chí chính luận về văn hóa, văn nghệ. Chính ông là người đã chỉ ra rằng đằng sau cuộc xâm lăng chính trị, lãnh thổ của thực dân Pháp là cuộc xâm lăng về văn hóa. Phan Khôi có bài báo về vấn đề này: “Tư tưởng của Tây phương và Đông phương”. Đây là vấn đề cốt lõi dẫn đến cuộc đụng độ nảy lửa giữa hai luồng tư tưởng, hai hệ hình văn hóa Đông- Tây. Bằng những lập luận khoa học và sắc bén, Phan Khôi đã chỉ ra ba điểm khác nhau cơ bản của phương Đông và phương Tây với sự phân tích rõ ràng, dễ hiểu đối với công chúng đông đảo: 1/ Tây phương chuộng khoa học, Đông phương chuộng huyền học ; 2/ Tây phương trọng tự chủ, Đông phương trọng thống thuộc ; 3/ Tây phương quý tấn thủ, Đông phương quý an phận.
Trong bài báo chính luận thuộc loại đặc sắc của Phan Khôi có nhan đề “Thi văn với thời đại”, ông đã bàn về mối tương quan giữa văn chương và cuộc sống. Theo quan điểm cá nhân, Phan Khôi nhấn mạnh đến hai yếu tố cơ bản của nghệ thuật văn chương là phải có hai cái đặc sắc: cái đặc sắc thứ nhất là vẻ đẹp (tính thẩm mỹ) của tác phẩm nhằm lôi cuốn, thu hút người đọc và cái đặc sắc thứ hai là phải có dấu ấn của xã hội đương thời với tác giả (tính hiện thực lịch sử). Liệu đấy có phải là yêu cầu không thể thiếu đối với một tác phẩm văn chương đương đại mà cả nhà văn, nhà báo và công chúng đều cần?
Theo ông: Từ xưa đến nay, những tay văn hào bất tử, thường là gồm cả hai mặt đó. Song le, về đường mỹ thuật thì hầu hết mọi người cầm bút viết văn ai ai cũng biết; đến như cái đặc sắc về đường lịch sử thì người ta thường không chú ý đến mà bỏ qua đi...Sự thuộc về lịch sử ấy tức trong bài nầy muốn nói rõ hơn một chút, gọi là thi văn quan hệ với thời đại.
Ở một bài báo khác có nhan đề “Con người và lời nói”, Phan Khôi cho rằng, trong xã hội ta “ai nấy ít trọng về lời nói mà chỉ chú trọng về con người”. Như vậy rất trở ngại cho những cuộc tranh luận học thuật. Vì thế, ông chủ trương “Chỉ nên lấy lời nói (ngôn ngữ văn bản biểu đạt- Đ.N.Y) làm cái đối tượng cho sự biện luận chứ không nên lấy con người (tác giả bài viết- Đ.N.Y) làm đối tượng” . Vậy trong nghị luận, bút chiến phải kiên quyết dứt bỏ tình cảm và đề cao lý trí.
Trong bài báo “Văn chương và văn chương của nhà báo”, Phan Khôi xác định rõ ba chuẩn mực về văn chương của nhà báo là Tín, Đạt, Mỹ (Sự tin cậy về thông tin và ngôn ngữ thể hiện- tính chân thực lịch sử; Sự thông đạt, rõ ràng, dễ hiểu- tính đại chúng và cuối cùng là phải đạt đến Cái Đẹp- tính thẩm mỹ cao- Đ.N.Y). Ông cho rằng: Về văn chương, không cứ đặt để làm sao, không cứ viết theo lề lối nào, người làm văn cốt phải giữ ba điều, là: Tín, Đạt, Mỹ. Tín, nghĩa là văn phải cho tin. Trong một bài văn, kể chuyện thì phải cho thật, nói lý thì phải cho đúng; ấy là tín đó. Đạt, nghĩa là văn cho thông. Cái ý mình nghĩ trong óc thế nào thì viết ra trên giấy cũng thế ấy, làm cho người xem văn mình hiểu đúng như ý mình, mà khỏi hiểu ra đường khác hay là không hiểu chi cả; ấy là thông đó. Mỹ, nghĩa là văn phải cho đẹp. Tín và thông cũng đã gọi là đủ dùng trong sự viết văn, viết báo rồi; song nếu muốn cảm người cho sâu, truyền đi cho xa thì phải cần đến cái mỹ (cái đẹp). Lời cho nhã, ý cho mới, ấy là đẹp đó. Bất kỳ văn nước nào, thời nào, dầu cho ở bên Tây, bên Tàu, hay là đời xưa, đời nay, cũng phải có đủ ba điều ấy thì mới gọi là văn được, mới gọi là văn hữu dụng được. Coi đó thì cái đẹp trong văn chương không phải là cái đáng khinh. Đáng khinh là văn không “tín”, không “thông” chỉ có cái đẹp mà thôi; còn như đã “tín”, đã “thông” mà lại còn thêm đẹp nữa, thì cái văn ấy ta rất nên quý chuộng.
Nói về văn chương báo chí của nhà báo, Phan Khôi không quá coi trọng nội dung vấn đề lớn hay bé, mà bài báo đề cập tới. Trái lại ông có vẻ như quan tâm đến những cái được cho là “tiểu tiết”, chẳng hạn như cách dùng từ, đặt câu, ngắt câu, dấu chấm, dấu phẩy phải đặt sao cho đúng chỗ,... là những cái mà nhà báo không thể xem nhẹ: Về sự chúng ta viết báo bằng chữ quốc ngữ hiện thời đây, chúng tôi muốn cho hẵng “tín” và “thông” đi đã, chớ chưa vội nói đến cái “đẹp”. Điều đó ý chúng tôi cũng hơi giống với quý báo, chỉ khác một chút là chúng tôi nói chưa vội, mà quý báo nói không cần ấy thôi. Chúng tôi nói chưa vội, là vì chữ quốc ngữ của chúng ta ngày nay còn phân vân, chưa nhứt định, chưa có sách mẹo cùng các sách khác thuộc về phép làm văn, thì bước thứ nhứt là phải do chúng ta lập cái nền quốc văn cho vững chãi đã, rồi mới nói đến cái hay cái đẹp được; nghĩa là trước hết chúng ta phải tập viết văn cho đúng mẹo (quy tắc ngữ pháp tiếng Việt- Đ. N.Y), cho thông.
Tính hài hước kết hợp với một tư duy phê phán sắc sảo, đã tạo ra một phong cách chính luận mang dấu ấn thật sự đậm nét Phan Khôi. Châm biếm giễu nhại mà không kém phần sắc sảo và thâm thúy, đấy là văn phong bút chiến của Phan Khôi. Với hàng trăm bài báo phê phán những thói hư, tật xấu của con người, những bất công trong xã hội thực dân phong kiến,...đã đưa ông lên vị trí hàng đầu trong việc phát triển thể loại văn châm biếm, trào phúng trong nền văn học cũng như báo chí nước nhà những năm đầu thế kỷ.
Phan Khôi thường dùng những ví dụ cụ thể lấy trong đời sống thường ngày của người dân để giải thích các thuật ngữ, các quy luật, làm cho các vấn đề trừu tượng trở nên cụ thể, sinh động. Nói cách khác, ông đã “diễn nôm” các lý thuyết cao siêu, trừu tượng để cho công chúng khi đọc có thể hiểu được một cách dễ dàng. Cùng với đó là lối so sánh ví von kết hợp với việc sử dụng các thành ngữ, tục ngữ linh hoạt rất quen thuộc với dân gian,... Vì thế, vấn đề dù lớn đến đâu cũng được ông trình thật sự sáng tỏ, dễ hiểu. Âu đấy là một bậc thông tuệ lắm ru!
Người con trai út của nhà văn Phan Khôi là Phan An Sa đã nói về cha mình, rất có lý đại ý là: Một trí thức mới ngoài 20 tuổi đã bị thực dân Pháp bắt bỏ tù 2 lần, một lần 18 tháng, một lần 3 năm, chỉ vì theo chân Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh để hoạt động yêu nước. Một nhà báo suốt thời trai trẻ của mình luôn lăn lộn trên văn đàn duy chỉ nhằm một mục đích phục vụ nhân dân. Một nhân sĩ bỏ lại tất cả ở phía sau để dấn thân cho cuộc kháng chiến 9 năm và cuối cùng, một học giả sức cùng lực kiệt vẫn gắng gượng đóng góp sức mình, mong có được một vườn hoa văn nghệ đầy hương sắc của dân tộc. Một người như vậy không bao giờ đi ngược lại quyền lợi của đồng bào mình.
Qua ba vị tiền bối nêu trên là Trương Vĩnh Ký, Sương Nguyệt Anh và Phan Khôi, tuy mỗi người có một cuộc đời riêng, đầy khốn khó và trắc ẩn, nhưng chúng tôi thấy họ có một số điểm chung:
Họ đều là những người yêu nước, thương dân, có tư tưởng dân tộc tiến bộ.
Tất cả họ đều là những nhà hoạt động xã hội tích cực, là những nhà trí thức lớn, có học vấn uyên thâm, có nghị lực phi thường nguyện suốt đời mang hết sức lực và tài năng của mình phụng sự dân tộc nhằm mục tiêu phát triển và tiến bộ của nhân dân Việt Nam, ra sức giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt mới (hiện đại), một vũ khí quan trong trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta.
Họ là những người đặt nền móng cho nền báo chí tiếng Việt hiện đại và đều là những nhà báo suất sắc trong cả vai trò quản lý điều hành cũng như vai trò tác nghiệp báo chí.
Đấy là những tấm gương sáng cho thế hệ các nhà báo chúng ta hôm nay noi theo trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam./.
ĐỖ NGỌC YÊN
________
Chú thích
(1) Xem Wikipedia (tiếng Việt)
(2) Theo Ngô Hà, “Lịch sử báo chí thành phố”, địa chí văn hóa tập 2, NXB TP. Hồ Chí Minh 1988
|