Nhà thơ Tản Đà
1. Khác thường nhất là Tản Đà, người ta viết báo trên bàn giấy, ông lại thích viết trên bàn ăn! Một lần tới thăm Tản Đà, Nguyên Tuân thấy: “Trên cái bàn gỗ mộc tròn vốn dùng luôn làm bàn giấy những lúc dịch thơ Đường bán cho báoNgày Nay, những lúc dịch Liêu Trai bán cho nhà Tân Dân, những lúc chấm số Hà Lạc bán cho khách bốn phương trời, trên cái bàn gỗ mộc, Lai đã đặt lên đấy một cái hỏa lò than hồng. Một đĩa bún Thanh Trì trắng phau điểm vài ngọn rau húng Láng xanh ngắt. Và mươi gắp chả thịt lợn ba dọi có bóp riềng mẻ” (Tao Đàn ngày 1.7.1939). Cũng từng được nhiều lần ngồi “làm báo” bên những mâm rượu như thế cùng Tản Đà, nhà văn Phan Khôi nhận xét “có khi mãn một tiệc ăn, người nhà phải thay than trong hỏa lò đến năm sáu bận. Thường thường một mình ông vừa ăn uống lại vừa viết nữa. Ông cho thế mới là thú. Có lần ở tại cái gác (báo) Hữu Thanh, ông viết giấy mời tôi đến lúc mười giờ đêm, rồi uống mãi cho đến hai giờ sáng” (Tao Đàn 16.7.1939). Nhưng không chỉ vừa ăn uống vừa viết, Tản Đà còn hơn người ở chỗ, vừa ngủ vừa viết, về lối viết báo kiểu này, trong một lần ngủ lại tòa soạn Tạp chí An Nam, Nguyễn Công Hoan được chứng kiến và kể lại, cũng trên Tao Đàn: “Đến đêm khuya chừng lối 2-3 giờ sáng tôi chợt thức dậy mở mắt ra thấy trong nhà không còn ai nữa […] Chợt đánh sịch một cái, tôi nhìn thấy một cảnh rất thương tâm: Ông Tản Đà đu ghế ngồi lại gần bàn loay hoay viết, và viết được vài dòng, ông lại ngả ra nằm, vẫn nằm nghiêng gối đầu tay như trước. Thì ra không phải ông ngủ thật. Ông vừa ngủ, vừa nghĩ, vừa làm văn. Từ lúc ấy về sáng ông nhỏm dậy như thế đến năm sáu lượt nữa”.
Nhà văn Vũ Bằng
2. Làm báo như “thợ nấu”, như “cai đầu dài” chính là nhà văn Vũ Bằng. Về khả năng này, nhà văn Tô Hoài viết nguyên văn trong một đoạn tả cái “xí nghiệp báo chí” của bậc thợ, bậc cai kia: “Ngoài chiếc giường lớn còn khắp phòng chồng đống các thứ báo Tây báo ta mà khách vừa vượt thoát qua con chó becgie to như con bê nhưng dữ dằn có số, nhô đầu lên gác lúc nào cũng thấy chủ nhân hí hoáy quỳ phục giữa nhà. Như một ông thợ nấu cực kì thành thạo tay dao tay thớt, mắt để vào món ăn vừa chín, mắt nhìn món bưng ra. Những chồng báo ấy là thức ăn nuôi bài. Vũ Bằng làm báo, viết báo, thầu báo, cai đầu dài ba bốn tờ một lúc: Tiểu thuyết thứ bảy, Truyền bá, Phổ thông bán nguyệt san, Trung bắc chủ nhật… Anh viết đủ thứ, thượng vàng hạ cám, từ cái hộp thư, cái tin vặt, cái vui cười, cái mục “biết ai tâm sự” đến truyện ngắn, truyện dài đăng từng kì. Một nhà báo kiệt hiệt, Vũ Bằng kí rất nhiều bút danh. Sau này, ở sài Gòn, có lúc túng bấn, anh kí tên bác sĩ Lê Tâm viết cả sách kích dục như Gái dậy thì nên biết…” (trích Những gương mặt). Tô Hoài phong cho bạn văn của mình chữ “kiệt hiệt” nhưng chính Vũ Bằng khi nói về thời làm báo của mình lại chỉ khiếm tốn tự nhận đó là thời kì 40 năm nói láo!
Nhà văn Nguyên Hồng
3. Không đa đoan như Vũ Bằng, Nguyên Hồng chỉ chung tình với tờ báo Văn của Hội Nhà văn Việt Nam. Hồi báo bị qui tội hữu khuynh, đi đâu Nguyễn Hồng cũng đeo theo trên xe đạp của mình một chồng báo Văn, để hễ có dịp là đứng bên nàng mà lên tiếng: “Tôi làm báo không kể giờ giấc, không quản thức đêm thức hôm, tôi bỏ hết sáng tác, cố làm cho kịp. Suốt tuần tôi bận bịu về nó hơn con mọn, bỏ ăn bỏ uống vì nó… thế thì làm sao tôi có thể sai… Tôi đấu tranh thực hiện đường lối văn học nghệ thuật của Đảng… Tôi hết tâm hết sức vì nó, tôi không thể, tôi không thể…” Nói rồi, “như có người ốp đồng, không biết đương còn tỉnh hay đã mê. Nguyên Hồng để một bàn tay lên chồng báo, to giọng đến bật khóc, vừa mếu máo vừa nói tiếp, nước mắt ròng ròng, hai tay mê mẩn xót xa vuốt mép báo”. Đã mếu máo, van vỉ, khóc lóc đến như thế mà tờ báo mình đang phục vụ vẫn không hết tội, Nguyên Hồng chuyển qua…chửi người làm báo không giống ông: “Tiên sư mày, thằng Câu Tiễn! Ông thì không, Nguyên Hồng thì không”. Chửi chưa đủ, còn văng tục nữa: “Đủ, đủ lắm rồi. Ông đ…chơi với chúng mày nữa. Ông về Nhã Nam” (trích theo Tô Hoài - Cát bụi chân ai)
Nhà văn Trần Hoài Dương
4. Thêm một chuyện lạ nữa, trong thời công nghiệp hoá, việc làm báo ngày càng nhiều công cụ trợ giúp, máy ghi, máy chụp, máy scan… Nhưng nhiều nhà văn vẫn coi nghề báo là một lao động thủ công vinh quang và vẫn thích viết tay. Nhà văn Trần Hoài Dương kể rằng, trong thời gian đất nước còn chia cắt, ông đang làm báo Văn Nghệ, cứ mỗi khi nghe tin bên 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội - trụ sở Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật, chỗ anh Bảo Định Giang có bản thảo từ miền Nam gửi ra, Trần Hoài Dương cùng nhà văn Võ Huy Tâm sang “mượn nóng”! Nhà văn Ngọc Trai không cho mang bản gốc về, hai nhà văn kí giả đành ra ghế đá sân 51 ngồi chép tay. Truyện ngắn rất dài Đêm Tháp Mườicủa Lê Văn Thảo được chép như thế. Dù biết do khuôn khổ tờ Văn Nghệ, chỉ dùng được một phần truyện ấy, nhưng vẫn chép từ đầu đến cuối mấy chục trang. Võ Huy Tâm, vừa nhai bánh mì (không thịt) vừa đọc, Trần Hoài Dương cặm cụi chép như học sinh chép chính tả!
Nhà văn Võ Huy Tâm
Dù “chân tay” như Trần Hoài Dương, Võ Huy Tâm, nước mắt nước mũi như Nguyên Hồng, “dao thớt” như Vũ Bằng, “củi lửa” như Tản Đà nhưng đã trót làm báo là các nhà văn làm hết sức bút, vì nói như Nguyễn Tuân, cứ mỗi khi ngồi trước trang giấy trắng, nhà văn ta lại thấy Bên kia bờ văn đã thấp thoáng cái người thợ ty pô già đang ngóng bài mình.
Theo Hội nhà văn Việt Nam