Trang chủ Liên hệ       Thư ba, Ngày 21/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ >
  Con ngốc Con ngốc , Người xứ Nghệ Kiev
 
Susucn Nguyen  
Đều đặn mỗi ngày, những người sống trong con ngõ nhỏ của xóm Đội đã quá quen thuộc với bóng dáng thất thểu, lang thang giữa cái nắng trưa rát da của con Bụi. Chưa từng có ai thấy con Bụi mang dép. Đôi chân trần của nó cứ đi trên mặt đường gồ ghề sỏi đá...
Con ngốc
 Ảnh minh họa

Con Bụi đã gần 30 tuổi, dáng người nhỏ, đen nhẻm, thỉnh thoảng đang đi trên đường bỗng bật cười khờ khạo. Tụi nhỏ trong xóm cứ thấy con Bụi lại xúm nhau ném đá trêu chọc. Con Bụi lúc đầu mặc kệ, lâu dần bị ném đá đau quá nó gào lên một tiếng thật lớn cùng bộ mặt nhăn nhó dữ tợn làm bọn nhỏ tá hỏa, chạy thục mạng về nhà. Con Bụi chỉ làm vậy để dọa mấy đứa nhỏ nhưng tuyệt đối không hề làm đau đứa nào. Sau đợt đó, tụi nhỏ không dám ném đá nữa. Tụi nó chuyển sang hình thức quậy phá an toàn hơn là đứng trong nhà la lên khi thấy con Bụi đi qua: “Con ngốc, con ngốc kìa tụi bây ơi!

***

Bà Hoa - vợ ông Bình ở xóm Đội, nghe hàng xóm báo tin chồng dẫn đứa ngốc về để phụ việc nhà, bà hớt ha hớt hải chạy vội từ chợ về để xem thử là ai mà không thấy ông Bình nói trước. Gác vội chân chống xe rồi dáo dác nhìn, bà Hoa há hốc mồm kinh ngạc vì thấy con Bụi đang ngồi ngẩn ngơ trong vườn nhà mình. Bà hỏi chồng trong nỗi hoang mang tột độ:

- Ông Bình! Ông dẫn con ngốc này về đây làm gì?

Ông Bình chưa kịp đáp, Bụi đã nhìn bà Hoa gật đầu chào, miệng cười hề hề.

- À! Đây là con Bụi, con bà Đề ở xóm dưới. Tôi thấy nó ngồi tỉ mẩn nhổ cỏ trước nhà, nhổ cỏ rất gọn ghẽ mà lại nhanh nữa nên tôi gọi về làm trả ít công. Bà xem cái vườn nhà mình đây này. Mới có mấy tiếng đồng hồ mà một nửa vườn đã sạch, chiều nay nữa thôi là hoàn thành. Đợt trước cỏ mọc dày tôi phải thuê nhân công làm 2 ngày mới xong đấy.

Bụi bỗng bật cười khi nghe lời khen của Ông Bình. Còn bà Hoa mặt cau có, trong lòng khó chịu tính nói gì đấy nhưng rồi nhìn một góc mảnh vườn được dọn sạch cỏ nên thôi. Bà quay lưng vào nhà nấu bữa trưa, trước khi đi không quên để lại cho ông Bình một cái nhíu mày và ánh mắt nguýt ngoáy sắc như dao găm.

***

Bà Đề - người phụ nữ số khổ nhất xóm Đội. Bà Đề sinh ra ở vùng quê miền Bắc, lúc trẻ có vẻ ngoài xấu xí nên ba mươi tuổi vẫn chưa có ai ngỏ lời. Đến năm ba mươi lăm gặp được mối tình đầu, yêu đương đến khi mang bầu thì người đàn ông cao chạy xa bay. Bà Đề lúc đó cãi lời cha mẹ, ôm bụng bầu chạy trốn những lời đàm tiếu tới cái xóm nghèo miền Trung này để giữ lại đứa con trong bụng.

Ở nơi đất khách quê người, bà Đề xin được công việc rửa chén bát cho một quán cơm nhỏ. Số tiền trả công được vài trăm nghìn chỉ đủ trang trải việc ăn uống, không đủ trả phòng trọ nên bị chủ nhà đuổi đi.

Ông trời không triệt đường sống của ai, cuộc đời gian truân của bà Đề may mắn nhất là lúc gặp được cụ Sáu ở xóm Đội. Cụ không có con, thấy hoàn cảnh của Đề đáng thương nên cho ở cùng trong cái nhà nhỏ lụp xụp của cụ. Rồi con Bụi chào đời. Nó bụ bẫm, đáng yêu, tay chân lành lặn như biết bao đứa trẻ khác. Nhưng càng lớn con Bụi lại phát triển không bình thường. Nó chậm lớn, chậm biết đi, chậm biết nói, năm tuổi chỉ ậm ờ được vài tiếng ơ a, đôi mắt cứ mơ màng, cười ngờ nghệch. Nó mắc hội chứng Down. Đó là bà Đề nghe bác sĩ nói vậy sau một lần tích cóp tiền đưa Bụi đi khám. Bà Đề khóc cạn nước mắt vì con.

Năm con Bụi lên mười hai tuổi, cụ Sáu mất để lại ngôi nhà nhỏ cho mẹ con bà Đề. Một người phụ nữ gần 50 tuổi và một đứa trẻ khờ khạo sống nương tựa vào nhau. Bà Đề đi làm thuê, xin rửa chén bát cho quán ăn gần nhà theo giờ, buổi trưa và buổi tối. Số tiền kiếm được ít ỏi nhưng được bao ăn uống, còn được đem ít đồ ăn về cho con Bụi. Những lúc mẹ bận, con Bụi không ở yên trong nhà, nó lê đôi chân trần đi lang thang khắp nơi trong xóm.

Nay con Bụi đã gần ba mươi tuổi, bà Đề tuổi cũng đã cao, khi trẻ vì lao lực lo cho con mà giờ sức yếu, đi lại khó khăn. Hai mẹ con bà sống nhờ trợ cấp xã hội và chút tiền dành dụm được lúc trước. Giờ bà Đề cũng không còn sức để chăm lo từng li từng tí cho nó. Điều lo sợ nhất của bà Đề là cái chết. Bà không còn nữa thì đứa con ngốc của bà không có ai chăm sóc.

Có lẽ ông trời lại rũ lòng thương, con Bụi ngoài những lúc ngơ ngốc lang thang, nó lại cặm cụi nhổ cỏ, quét nhà, bắc nồi cơm, bóp chân cho bà Đề những lúc trở trời. Nó làm vụng về nhưng nó muốn làm. Nó vẫn hiểu được một phần nhỏ nào đó nỗi lo của người mẹ già một đời vì nó.

Ở cái xóm này khi nhắc đến con Bụi, người biết rõ hoàn cảnh thì thương xót, cũng có người xa lánh, thậm chí sợ hãi cái dáng vẻ bẩn bẩn, ngơ dại của nó. Chỉ có ông Bình nhìn ra được ưu điểm hiếm hoi che giấu sau cái thâ‌n hìn‌h nhỏ thó và trí óc không bình thường của con Bụi.

***

Đến giờ nghỉ trưa, Bụi theo sau ông Bình đi vào nhà. Cả hai đã có buổi làm vườn vất vả. Con Bụi mồ hôi nhễ nhại. Bà Hoa bưng một mâm cơm được chuẩn bị tươm tất đặt lên cái bàn lớn, rồi lại quay vào cầm một tô cơm đầy có một miếng cá, một miếng thịt và ít rau đặt lên ghế.

Ông Bình thấy tô cơm bà Hoa đặt trên ghế đẩu, bên cạnh là chiếc ghế nhỏ. Ông thắc mắc hỏi:

- Tô cơm này là sao?

- Để nó ăn riêng chứ nhìn bộ dạng ấy tôi không nuốt vào!

Con Bụi cười hề hề nhìn tô cơm của mình rồi nhìn bà Hoa gật đầu cảm ơn. Đây là lần đầu tiên nó được một ai đó nấu cho ăn ngoài người mẹ già yếu ở nhà. Đang định ngồi xuống ăn thì Ông Bình ngăn lại rồi bưng tô cơm của Bụi đặt lên bàn ăn. Ông quay sang nói với Bụi rồi la ngược bà Hoa:

- Cháu cứ ngồi đây ăn cơm. Để nó ăn cùng cho vui, nó vất vả sáng giờ không hề nghỉ ngơi lấy một phút. Bà làm quá thì tội nó lắm!

Ông Bình chỉ chỗ ngồi cho Bụi. Nó vừa ngồi xuống thì bà Hoa buông đũa đứng dậy, đi thẳng một mạch vào trong phòng. Ông Bình nhìn bà Hoa lắc đầu rồi cười trừ, nói với Bụi:

- Ăn đi rồi tí ra võng kia nằm nghỉ trưa, chiều có sức làm tiếp. Ăn nhiều vào, cơm bà nhà tôi nấu ngon lắm, tính bà ấy hay hờn vậy thôi chứ nguôi ngay. Cứ tự nhiên nhé.

Con Bụi nhìn ông chăm chú rồi nở nụ cười.

***

Trong phòng khách, bà Hoa bưng tô cơm ngồi ăn trên sô pha. Bà tính cho con Bụi ăn riêng mà cuối cùng người phải thui thủi ăn một mình lại là bà, càng nghĩ bà càng tức anh ách trong lòng. Tiếng nước sôi ục ục cắt ngang cơn tức của bà. Bà vội bỏ tô cơm ăn dở xuống bàn, đi xuống bếp rót nước vào phích.

Xong việc quay trở lại phòng khách bà nhìn thấy con Bụi đang cầm tô cơm của bà. Miếng cá và miếng thịt bà chưa kịp ăn đã không thấy đâu nữa, bát cơm cũng vơi đi phân nửa. Cơn tức từ sáng đến giờ dồn nén lại, bà Hoa la lên không kiêng nể gì nữa:

- Con ngốc kia, tao đã cơm dâng nước rót cho mày mà mày còn không biết điều. Cơm tao mới bới chưa kịp ăn mà mày đã vào ăn vụng. Chỉ có cái ông Bình nhà này hay thương người mới bị mày lừa thôi!

- Không... không phải... Con Bụi ngờ nghệch lo sợ, nói lắp bắp không thành câu.

Ông Bình nghe to tiếng liền bước vào.

- Thì bà cứ từ từ, để nó nói sao đã nào.

Bụi giải thích bằng hành động lẫn lời nói vụng về, lớ ngớ. Nó chỉ tay vào góc nhà rồi quay sang nhìn vào thùng rác.

- Gián... gián bò... bệnh... bỏ đi.

Ông Bình đi đến chỗ thùng rác. Bên trong có một miếng thịt, một miếng cá và một con gián. Con Bụi đứng cạnh, cầm dép lên đập đập lên sàn nhà ra hiệu đã đánh gián. Ông Bình nhìn bà Hoa lắc đầu.

- Đấy. Nó ngốc mà nó lo bà ăn phải đồ ăn bẩn vì gián bò lên nên bỏ hết vào thùng rác đây này. Bà thì lại nhìn mặt bắt hình dong.

Bà Hoa ngại ngần nhìn vào thùng rác, rồi nhìn thật lâu khuôn mặt ngờ nghệch cười của Bụi. Thật ra bà Hoa hiểu rõ hoàn cảnh của nó, bà quen bà Đề, thậm chí đã cho tiền giúp đỡ mẹ con nó đôi lần. Thế nhưng với con Bụi, bà chưa từng thấy thiện cảm, thậm chí hơi sợ cái dáng vẻ bên ngoài của nó. Hôm nay khi tiếp xúc với con Bụi, bà chợt thấy hối lỗi và xót thương cho số phận nó. Con Bụi ngốc thiệt nhưng chắc có lẽ bà còn ngốc hơn vì cứ ôm cái định kiến của mình để đánh giá nó.

Giữa cái trưa hè nắng gắt, con Bụi cầm cái cuốc nhỏ ra ngoài vườn để làm tiếp công việc đầu tiên của cuộc đời mình. Lúc này đây nó chẳng hề để tâm đến cuộc trò chuyện của cặp vợ chồng già, nó đang bận rộn cười hề hề hạnh phúc vì có người tin tưởng nó, nó muốn xong việc thật nhanh để về khoe với mẹ, về bất ngờ quá đỗi lớn lao này. Hôm nay, trong cái thế giới ngốc nghếch, mờ mịt không lối ra của con Bụi đã có chút ánh sáng...

Nguồn Tin:  baoquangngai
https://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3579085

  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 66510650

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July