Thứ Bảy, 08/01/2022
Hơn 30 năm sống ở Liên bang Nga, Nguyễn Huy Hoàng gắn bó máu thịt với nước Nga mà ông coi là quê hương thứ 2, nhưng ông cũng da diết nhớ về quê mẹ: "Đâu rồi, bếp rạ, mái tranh/ Đâu rồi, lối ngõ uốn quanh xóm nghèo?/ Sân đình, giếng nước trong veo/ Cây đa đêm hội, trăng treo. Đâu rồi?/ Tìm đâu ra giữa quê người/ Cỏ xanh đầu bãi, chiều phơi nắng vàng/ Rặng tre nghiêng xuống giếng làng/ Bóng ai tóc xõa, trăng loang vai mềm"... Từ nước Nga xa xôi, tuyết lạnh, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng đã gửi cho Tầm Nhìn chùm thơ và ảnh ông chụp về Tuyết, về mùa Đông xứ sở Bạch Dương.
Tuyết rơi
Suốt đêm mưa tuyết trút thầm
Phất phơ như bấc, rơi đầm đìa rơi
*
Mùa đông trải liệm trắng trời
Hay nàng chúa Tuyết vừa rời rừng thông?
*
Mười phương, tám hướng mênh mông
Cỏ cây nhuốm bạc, đồng không bóng người
*
Ta như một chấm lẻ loi
Lạc loài giữa đất, giữa trời hoang sơ
Tiếng gọi
Bỗng trong mưa bụi trắng trời
Tiếng ai nhắn gọi, hay lời tháng năm?
Dặm về, nẻo vắng xa xăm
Chiều đông thấm mỏi bước chân độc hành
*
Đâu rồi, bếp rạ, mái tranh
Đâu rồi, lối ngõ uốn quanh xóm nghèo?
Sân đình, giếng nước trong veo
Cây đa đêm hội, trăng treo. Đâu rồi?
*
Tìm đâu ra giữa quê người
Cỏ xanh đầu bãi, chiều phơi nắng vàng
Rặng tre nghiêng xuống giếng làng
Bóng ai tóc xõa, trăng loang vai mềm
*
Chập chờn nhớ giữa trời quên
Lòng quê lãng đãng trên miền mộng mơ
Chiều đông, mưa tuyết mịt mờ
Quê hương xa vắng, dường như nhắn thầm...
Cố hương
Bạch dương đã lấm tấm vàng
Mây chiều như mảnh khăn choàng tả tơi
*
Thảo nguyên lác đác bóng người
Mưa khuya rắc lạnh từng hồi bến sông
*
Ngựa gầy buộc gốc cây thông
Mắt buồn thờ thẫn ngóng đồng cỏ hoang
*
Tháp già lẫn hết thời gian
Lẻ loi bóng quạ thở than nhớ bầy
*
Đường đi, sùi sụt vũng lầy
Lối xe lăn những rãnh cày ngược xuôi
*
Đã nghe ở phía chân trời
Đông sang.
Băng tuyết bời bời.
Đông sang.
*
Thèm hơi ngọn gió mùa màng
Đồng sau vụ gặt, óng vàng rạ rơm
*
Cá đàn quẫy động ao chuôm
Gà trưa đánh thức khu vườn nắng hanh
*
Khiêm nhường ngọn khói mong manh
Khi xa ngàn dặm, hoá thành thiêng liêng
*
Lá rơi xao xác chân thềm
Như rơi vào giữa nỗi niềm cố hương...
Ngày đông giữa làng Nga
Không gian như tủ lạnh khổng lồ
Đồng xơ xác, hàng phong gầy tê tái
Thung lũng nhuốm một màu trắng muối
Tuyết ngập đồng, dựng ngược gió đài nguyên.
*
Dòng sông băng không bóng một con thuyền
Dải bờ lạnh để tang ngày băng giá
Trên quảng trường tượng kiệt nhân, tuấn mã
Tay vung gươm hóa đá giữa đất trời.
*
Về phương Nam không còn kịp nữa rồi
Những cánh sếu lạc bầy kêu thảm thiết.
Đàn chó hoang run xù lông nhá tuyết
Mắt đỏ ngầu tru giọng đến thê lương.
*
Quạ lẻ đàn rũ cánh xếp lặng im
Ngóng đôi mắt vô hồn về cuối bãi.
Sau ngọn tháp, phía làng xa, ngọn khói
Vài tiếng gà nhớ nắng gáy miên man
*
Ngả mình trên rơm ấm rải quanh sàn
Như cảm thấy mùa hè đang ở lại
Hoa diệp thảo, lá hắc bồng ngai ngái
Chút hương thừa năm ngoái giữa đồng Nga
*
Tuyết vẫn rơi vun trắng xốp mái nhà
Qua tấm kính như sao trời rắc bạc
Những đám mây tựa đàn cừu đi lạc
Tôi mơ màng trong giấc kẻ chăn chiên…
*
…Màu hoa vàng, dập dờn gió thảo nguyên
Mùi táo chín phảng phất dòng suối nhỏ
Cô thôn nữ thêm củi vào đống lửa
Má ửng hồng sau ngọn khói lên xanh
*
Cá trong đầm quẫy sóng vỡ vầng trăng
Vịt vỗ cánh chấp chới bờ cỏ lác…
Qua khe cửa, tuyết từng hồi ào ạt
Xung quanh tôi rơm ấm phủ quanh sàn
*
Bà mẹ Nga bên bếp lửa ngồi đan
Mái tóc trắng vương theo làn khói tỏa
Mùi khoai chín thơm lừng căn nhà gỗ
Mặc ngoài kia tuyết phủ kín cánh đồng…
Đồng tuyết
Gió thôi không thổi nữa
Sông ngừng không chảy nữa
Mờ rồi ánh sao đêm
Hơi lạnh trùm đồng cỏ
*
Nhẹ nhàng những bông tuyết
Phơ phất những bông tuyết
Rơi lặng lẽ, miên man
Giữa đất trời thanh khiết
*
Con đường như rắc bạc
Cánh đồng như rắc bạc
Chỉ trắng xoá một màu
Tranh mùa đông phương Bắc
*
Nàng Chúa Tuyết đâu rồi?
Cỗ tam mã đâu rồi?
Chỉ những bông tuyết phủ
Choàng kín cả vai tôi.
Đêm cuối đông
Nửa đêm, tuyết trút đầm đìa
Vun thành đê trắng ngoài bìa rừng thông
*
Đâu là doi cát, bãi sông?
Đâu con đường nhỏ uốn cong chân đồi?
*
Nơi ta vẫn hẹn, đâu rồi?
Vòm cây tuyết phủ trắng trời cuối đông.
Nguyễn Huy Hoàng
(Liên bang Nga)
Nguồn Tầm Nhìn
|