Anh sống một cuộc đời đau khổ, nghèo túng, vật vã, lang thang, hết dạy học ở vùng núi, cho tới làm nhiều nghề để kiếm sống, thậm chí làm nhiều nghề ngoài nghề viết để mưu cầu cuộc sống. Nhưng với văn chương, anh lại rất quyết liệt. Người xả thân nhằm đổi mới, nhận diện, phản ánh đúng những bản chất của xã hội, góp phần dựng nên một trật tự đúng đắn, là tấm gương để các nhà văn noi theo.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ
Nguyễn Huy Thiệp qua đời, để lại một khoảng trống lớn về đổi mới văn học lần hai
Lúc 16h45, nhà văn Nguyễn Văn Thọ có nhận được cuộc điện thoại họa sĩ Nguyễn Phan Bách - con trai trưởng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp báo tin "bố cháu mất rồi", ông sững người ra.
Thời gian qua, ai cũng biết nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trải qua một giai đoạn rất khó khăn. Ông đổ bệnh liên tục. Khi vợ ông mất, nhà văn gần như rơi vào trạng thái hôn mê, gia đình cũng như bạn bè tập trung giúp đỡ rất nhiều.
"Bản chất của Nguyễn Huy Thiệp là một nghệ sĩ. Anh ấy viết văn, đào sâu suy nghĩ là vậy nhưng tâm hồn lại rất yếu đuối, dễ vỡ. Đó cũng là duyên kiếp, rồi cũng đến lúc, anh ấy cũng buông tay để ra đi".
Dù biết sớm muộn gì, chuyện này cũng đến, nhưng nhà văn Nguyễn Văn Thọ vẫn chưa hết bàng hoàng và sốc. Ông vội báo tin cho chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều và phó chủ tịch hội Trần Đăng Khoa để chuẩn bị lo cho hội viên của mình.
Những năm 1985-1986, nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhà thơ Bế Kiến Quốc, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và một vài người bạn nữa gặp nhau, làm quen, chơi thân với nhau ở Báo Văn nghệ.
Lúc đó Nguyễn Huy Thiệp mới chập chững bước chân vào văn đàn; song những tác phẩm của ông đã gây xôn xao dư luận. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ kể, khi Những ngọn gió Hua Tát in ở Báo Văn nghệ số Tết năm 1986, nhà thơ Bế Kiến Quốc đã chạy đi quảng bá, khoe giùm bạn của mình khắp nơi.
Đánh giá về văn chương Nguyễn Huy Thiệp, người bạn văn của ông chia sẻ: "Nguyễn Huy Thiệp có hai điều đặc biệt nhất". Thứ nhất, giọng văn lạ, chẳng giống ai từ trước tới nay. Ông có biệt tài trong việc đối thoại (phải nói là số một của văn học Việt Nam), cũng như dựng không khí, cấu trúc, xây dựng nhân vật.
Thứ hai, Nguyễn Huy Thiệp nhìn thẳng vào những bề bộn của xã hội, vào cái ác, lẫn chiều sâu của thân phận mỗi cá nhân trong chiều dài thân phận đất nước, dân tộc. So với thứ văn chương một màu trước đó, văn Thiệp là một tiếng nói đầy khác biệt. Ta có thể thấy rõ trong Tướng về hưu, Những ngọn gió Hua Tát, Những người thợ xẻ, Chảy đi sông ơi…
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (ảnh chụp năm 2017) - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Sự ra đi của Nguyễn Huy Thiệp tạo ra một lỗ thủng đối với văn đàn Việt
"Nguyễn Huy Thiệp mất, tôi mất đi một bạn văn lớn - người chia sẻ với tôi rất nhiều về bút pháp, về vị trí và vai trò của nhà văn trong xã hội. Đồng thời, sự ra đi của anh, tạo ra một lỗ thủng đối với văn đàn Việt Nam", nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói.
Kỉ niệm thì nhiều. Một đời dài dằng dặc, chơi với nhau từ những ngày còn trẻ tới khi trên đầu hai thứ tóc, lắm vinh quang, cũng lắm tủi nhục; nhưng một thời đói khổ cùng nhau - vẫn còn như in trong tâm trí của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Thời đó, các ông đều nghèo. Vợ chồng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng chỉ biết trông vào đồng lương còm của nhà nước. Công việc thì bấp bênh. Mỗi khi đi lĩnh vài đồng nhuận bút còm, mấy ông lại rủ nhau đi đánh chén.
Vui buồn đều có nhau trong những lúc khó khăn đó. Khi Nguyễn Huy Thiệp rất nổi tiếng, thậm chí có tác phẩm xuất bản ra nước ngoài, thì ông vẫn rất nghèo.
Nhà thơ Nguyễn Phan Hách từng kể cho ông Thọ một câu chuyện rất buồn. Có một năm, sắp tới rằm tháng Tám, ông Thiệp không có nổi trong túi 5 hào để mua cái bánh nướng cho con. Lúc ấy, nhà văn Trần Thị Trường đã biếu ông 50 đồng.
Số tiền này lúc đó to lắm, bằng một tháng lương. Và năm ấy, Nguyễn Phan Bách và Nguyễn Phan Khoa - hai con trai của ông, có một cái Tết trung thu vui nhất, ấm áp nhất cuộc đời.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ kể, cái nghèo ám ảnh cả cuộc đời nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Lúc cuối đời, ông cũng rất nghèo. Khi ông đột quỵ lần hai, ông Thọ gọi cho con trai của ông thì mới hay, tài khoản của gia đình chỉ còn đúng 9 triệu đồng. Trong lúc đó, trong gia đình còn có hai người khác cũng đang ốm nặng.
Nghèo khổ là vậy; nhưng ông Nguyễn Huy Thiệp lại sống "sạch", không có điều tiếng gì. Còn nhớ, trong một cuộc phỏng vấn nhân dịp Nhà xuất bản Trẻ tái bản tập phê bình Giăng lưới bắt chim và trò chuyện "Nhà văn có nên viết phê bình văn học" vào năm 2016 tại Hà Nội, trả lời câu hỏi, có phải nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết văn để đi tìm đạo, ông đã cười mà cho biết, ông viết văn trước hết để kiếm sống.
"May mắn của tôi cho đến giờ phút này, sách vẫn được in và tái bản liên tục. Chưa kể, thỉnh thoảng có người vì yêu quý, còn cho tôi cái này cái kia. Nhiều lúc cũng tham lắm nên nhận nhưng cũng có nhiều thứ người ta cho rất to, tôi không dám nhận. Ở đời rắc rối là thế", ông nói. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nghèo nhưng sạch là vì thế.
Sự ra đi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã để lại một khoảng trống rất lớn cũng như nhiệm vụ nặng nề cho thế hệ kế tiếp về cuộc đổi mới văn học lần hai. Theo nhà văn Nguyễn Văn Thọ, người sống quyết liệt với văn chương như Nguyễn Huy Thiệp không nhiều.
Theo nhà phê bình Văn Giá, trước Nguyễn Huy Thiệp, văn học Việt Nam khác. Từ Nguyễn Huy Thiệp trở đi, văn học Việt Nam khác. Ông đã cắm một dấu mốc rất ghê gớm và quan trọng vào đời sống văn học Việt Nam.
Trong đổi mới, có những đổi mới từ từ, từ người này đến người kia. Nhưng Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện năm 1987, đã gây nên một dấu ấn đậm nét.
Ông tạo ra một cảm quan, cái nhìn mới về đời sống, dẫn đến một hướng viết mới, một ngôn ngữ mới, một cách biểu đạt mới trong văn xuôi Việt Nam hiện đại. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có sứ mệnh đổi mới văn học; và ông đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình.
Muốn đổi mới văn học, phải đổi mới nhận thức, phải dấn thân. Nguyễn Huy Thiệp là một người dấn thân trong bút pháp và cả trong nhận thức. Muốn trở thành nhà văn tử tế, có công chúng, phải biết hi sinh, phải biết cống hiến, dấn thân vào đời sống lầm than, đồng cam cộng khổ với người dân... thì mới có những tác phẩm lớn. Đó là những điều mà một đời văn "huy hoàng" Nguyễn Huy Thiệp để lại cho tất cả chúng ta.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ký tặng sách năm 2006 - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Điều chỉ có ở những tài năng
Là một người bạn thân thiết với Nguyễn Huy Thiệp, tin buồn về sự ra đi của nhà văn khiến họa sĩ Lê Thiết Cương nặng lòng. Đánh giá về Nguyễn Huy Thiệp, họa sĩ Lê Thiết Cương nói, với tư cách là một người đọc đồng thời là một nghệ sĩ ông đòi hỏi ở các nhà văn, các nghệ sĩ phải có cái riêng của mình, thì Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn có cái riêng, đóng góp một giọng riêng cho văn học Việt Nam.
Theo ông, kể từ văn chương Nam Cao, có thêm vài tên tuổi văn chương nữa nhưng chỉ tới Nguyễn Huy Thiệp mới kẻ được một đường kẻ mạnh mẽ giữa hai nhà văn này. Mượn câu nói của nhà thơ Đặng Đình Hưng “nếu bạn là nhà văn, nhà thơ thì hãy để tôi khám túi bạn xem trong túi có chữ nào không”, họa sĩ Lê Thiết nói “trong túi của Nguyễn Huy Thiệp có chữ”.
Họa sĩ cho rằng Nguyễn Huy Thiệp mất đi để lại một khoảng trống lớn cho văn học Việt Nam bởi ông chưa thấy xuất hiện một nhà văn nào thật sự xuất sắc như Nguyễn Huy Thiệp.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (ảnh chụp năm 2008) - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nói Nguyễn Huy Thiệp ra đi ở tuổi 72 - là một tổn thất cho văn đàn Việt Nam.
“Ở tuổi vẫn còn có thể cống hiến cho bạn đọc mà anh Thiệp đã ra đi vào cõi thương nhớ thì đó là một tổn thất lớn cho gia đình, cho Hội Nhà văn Việt Nam, cho bạn đọc. Chúng ta mất đi một nhà văn xuất sắc thời đổi mới”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.
Theo phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyễn Huy Thiệp là hiện tượng văn học những năm 1980, rất mới trong cách viết, văn chương hấp dẫn. Cái đặc biệt nhất của Nguyễn Huy Thiệp, làm nên sự hấp dẫn trong văn chương của ông chính là chất dư ba, rất gần với thơ.
Nguyễn Huy Thiệp thường dùng ngôn ngữ bỗ bã đời thường, ông gọi đúng tên sự vật, không kiêng nể, làm nhiều người ban đầu bị choáng, nhưng lại đầy chất dư ba của thơ ca. Điều này góp phần làm nên hơi văn rất riêng của ông, điều chỉ có ở những tài năng.