(HNMCT) - Dăm bảy năm trước, trong lần cùng một số hội viên của Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đến nhà của nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung tôi đã rất ấn tượng với món ăn mà nữ nhà báo tự tay chế biến để chiêu đãi mọi người. Vậy nên khi Vũ Thị Tuyết Nhung ra sách “Hà thành hương xưa vị cũ” thì tôi lại càng tò mò. Phần vì muốn hiểu cái “hương xưa vị cũ” của Hà thành ra sao, phần cũng muốn biết thêm cái “tài nấu nướng của nữ nhà báo người phố cổ Hà Nội một thời...”.
Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung từng là Trưởng ban Văn hóa xã hội của Đài Phát thành và Truyền hình Hà Nội. Tác giả chia sẻ, cuốn tạp bút này ra đời từ sự khích lệ, giục giã của thầy cô giáo cũ, bạn đồng môn, đồng nghiệp và cả bạn facebook, với mong muốn đem đến cho bạn đọc một chút giá trị tư liệu và cảm xúc về chuyện cái ăn cái uống của một thời Hà Nội.
Ngót nghét gần 600 trang, “Hà thành hương xưa vị cũ” là những câu chuyện xoay quanh 2 nội dung: “Ký ức từ căn bếp phố cổ” và “Món ngon từ làng ra phố”. Lật giở từng trang viết, bạn đọc sẽ bất ngờ và thú vị với những câu chuyện từ căn bếp nơi phố cổ. Ấy là chuyện về ấm chè xanh ngày cũ, bát canh dưa chiều đông, canh bóng cúng hèm trong ngày giỗ mẹ; ấy là chuyện về cháo cá ám, bún chả, nem rán; rồi chuyện chè cổ truyền, cỗ Tết Hà Nội... hay cả chuyện về những món ăn dân dã như bánh giò, bánh đúc nộm, cơm nắm muối vừng.
“Ký ức từ căn bếp cổ” còn là hoài niệm về những kỷ vật, những nếp cũ, người xưa. Hình bóng của bà, của mẹ, của dì, của chị em, bè bạn... trở đi trở lại trong nhiều trang viết với những kỷ niệm ăm ắp yêu thương. Phía sau những món ngon được biện bày trong ngày giỗ, Tết hay những bữa cơm thường nhật có cái nghiêm cẩn, khe khắt của cha; có nét tảo tần, toan lo của mẹ; có sự bao dung, che chở của bà... Những ký ức từ căn bếp nơi phố cổ, những ân tình sau những nếp nhà xưa ấy đã phần nào giúp người đọc hiểu hơn về cuộc sống của gia đình người Hà Nội một thời.
Sự phong phú, đa dạng và tinh tế của ẩm thực Hà Nội cũng phần nào được người viết lý giải qua mỗi câu chuyện kể về “Miếng ngon từ làng ra phố”. Cứ thong thả, nhẩn nha, tác giả dẫn dắt người đọc đến với đặc sản mà mình từng trải nghiệm và thưởng thức. Nào bún Tứ Kỳ, bánh gai Yên Sở, bánh nhót Triều Khúc, hồng xiêm Xuân Đỉnh, dưa cà Đình Gừng, bún ốc Khương Thượng; nào bánh sấy làng Vẽ, đậu phụ Kẻ Mơ, măng mực Bát Tràng, bánh chưng Tranh Khúc... Rồi cả chuyện quất chín, quất xanh, trám đen, trám trắng, mắm tôm, mắm rươi, dấm bỗng, riềng tỏi... Và không chỉ chuyện ăn uống, tác giả khéo léo đan cài chuyện riêng, chuyện chung, chuyện xưa, chuyện nay với nỗi niềm đau đáu, tiếc nuối khiến những trang viết vô cùng sinh động và hấp dẫn.
Viết về ẩm thực mà ra được “chất” Hà Nội là điều không dễ, nhưng tác giả của “Hà thành hương xưa vị cũ” đã làm được điều đó, như PGS.TS Văn Giá nhận xét: “Đọc các trang viết về ẩm thực Hà Nội của Vũ Thị Tuyết Nhung tôi được hiểu thêm về Hà Nội. Và nhất là yêu thêm Hà Nội, ân cần với Hà Nội từ những điều tưởng như rất nhỏ”.