Nhưng khốn nỗi trong thôn có đến một nửa người không biết chữ làm nỗi vui của tôi bị hẫng lại. Tôi quyết định lên quầy báo trên thị trấn xem sao.
Chủ quầy báo là một phụ nữ trung tuổi. Tôi hỏi cô có tạp chí Phương Đông không và tình hình bán như thế nào? Cô nói là có nhưng bán chậm lắm, hiện tại còn lại 30 số, giá mỗi số tạp chí là 4 đồng 2 hào.
Tôi móc ra 120 đồng đưa cho cô, nói: “Tôi bù cho cô mỗi tờ 4 đồng, bây giờ cô chỉ cần bán giá 2 hào một số bảo đảm bán sẽ chạy”.
Trên trang đầu mỗi tờ tạp chí tôi đều viết: “Xin chú ý, trong tạp chí này, ở trang 15 có bài của tác giả Lương Hồng Đào, người của thị trấn ta”. Sau đó tôi đứng ở quầy báo rao bán: “Tạp chí mới ra 2 hào một số mọi người mua nhanh kẻo hết!”.
Không lâu sau, một ông lão bước vào quầy hỏi tôi vì sao lại bán rẻ như thế. Tôi đắc ý nói: “Tờ tạp chí này có bài của tôi, giá bán là 4 đồng 2 hào, nhưng tôi bù giá 4 đồng”.
Ông lão mua một số. Khi xem dòng chữ của tôi viết ở trang đầu, ông lão hỏi tôi: “Cậu nhà văn, cậu họ gì?”.
Tôi trả lời: “Cháu họ Lương”.
Ông lão “ờ” lên một tiếng rồi nói: “Hoá ra cậu vẫn còn biết mình họ gì?”. Nhìn hình bóng ông lão bước đi, tôi thật sự thấy khó hiểu.
Vì muốn bán cho nhanh số tạp chí nên tôi cứ đứng ở quầy rao bán: “Tờ tạp chí Phương Đông có bài hay, 2 hào một số!”.
Tôi đã từng đi chợ mua rau nên rất hiểu hàng ế bán rẻ là như thế nào. Quả nhiên có một thanh niên bước đến quầy báo, nhấc một tờ tạp chí lên ước lượng rồi hỏi tôi: “Có thể rẻ hơn được nữa không, tờ tạp chí này nhiều lắm là ba lạng, nếu không thì tôi lỗ vốn”.
Tôi vừa nghe anh ta nói đã không vừa lòng, hỏi anh ta mua làm gì thì anh ta nói: “Tôi là người thu mua giấy vụn”. Tôi bực tức đuổi anh ta đi.
Một lúc sau có một bà lão bước đến, không nói không rằng đưa ra hai hào: “Cháu bán cho bà một tờ”.
Tôi cảm thấy xúc động, bà già thế này mà vẫn nhiệt tình xem báo, liền cầm cả 10 số đưa cho bà: “Bà lão, bà mang về đưa cho các con cháu của bà cùng xem!”. Bà lão nói mà không ngoái đầu lại: “Cái gì? Tôi mua là để mang về nhà dán tường chứ có xem đâu?”.
Câu nói của bà lão làm tôi tắc nghẹn cổ họng. Chợt nhớ ra điều gì đó, tôi vội đuổi theo bà lão, nói: “Bà lão, khi dán nên nhớ để bài báo của cháu ra mặt ngoài nhé!...” .