Bình sinh, Trương Hán Siêu là bậc văn tài lỗi lạc, nhưng trong chính trị, ông lại là người bất cẩn...
Trương Hán Siêu sinh năm nào không rõ, chỉ biết ông mất năm 1354. Hán Siêu xuất thân là môn khách của Trần Hưng Đạo, từng lập công lớn trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên lần thứ 2 (1285) và lần thứ 3 (1288).
Bình sinh, Trương Hán Siêu là bậc văn tài lỗi lạc, tác giả của bài Bạch Đằng giang phú bất diệt và nhiều kiệt tác khác. Vua Trần vẫn thường gọi ông là thầy, không gọi bằng tên như các quan lại khác. Ông mất, triều Trần cho thờ ông ở Văn Miếu, sánh ngang với Chu Văn An và các bậc tiên nho xuất chúng.
Tuy có biệt tài văn chương, nhưng trong chính trị, ông lại là người bất cẩn. Bậc đồng liêu là quan Tông chính Đại khanh Lê Cư Nhân vẫn gọi mỉa ông là chân đá cầu nhà quê, ý rằng ông xét việc cũng như người nhà quê đá cầu, ít khi nào trúng. Xin kể ra đây một chuyện về ông, khi ông còn giữ chức Hành khiển (vào năm Bính Dần, 1326, thời vua Trần Minh Tông), được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 6, tờ 44b) ghi lại như sau:
"Một hôm, Siêu nói trong triều rằng Hình quan Phạm Ngộ và Lê Duy ăn hối lộ. Vua lập tức sai điều tra. Hán Siêu bèn nói kín với người khác rằng, tôi làm việc ở chính phủ, được Chúa thượng tin dùng cho nên mới nói thế, biết đâu lại có chuyện tra xét này. Vua nghe vậy liền nói, Hành khiển là quan ở sảnh, Thẩm hình là quan ở viện, ta đều tín nhiệm cả, sao lại làm ta tin quan sảnh mà ngờ quan viện? Đến khi tra xét, Hán Siêu đuối lý, phải phạt 300 quan tiền".
Lời bàn:
Phát ngôn bừa bãi đã là tội lớn, lợi dụng sự tin cẩn để phát ngôn bừa bãi rồi đang không vu hãm người thì tội lại càng lớn hơn. Lê Cư Nhân gọi ông là chân đá cầu nhà quê, ắt có chỗ lầm lẫn, bởi trong việc này, Hán Siêu không đá cầu mà đá vào chân người đang đá cầu vậy. Ôi, sự dại dột này đâu phải chỉ trả giá bằng ba trăm quan tiền? Chừng như danh thơm một đời ông dày công tạo lập cũng đã bị mất bớt đi một phần rất đáng kể rồi. Tiếc thay!
Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần