Đọc thơ Dương Danh Dũng, người ta dễ dàng nhận ra ngay một giọng điệu, một cốt cách của một hồn thơ còn để ngỏ, tiềm ẩn qua cách biểu đạt tuy còn ghìm nén, chừng mực nhưng cũng không kém phần bứt phá. Trong cái thế giới mênh mông của thơ ca, Dương Danh Dũng đã bước đầu tự kết nối, hòa mạng theo cách thức của riêng mình.
Tới nay, anh đã trình làng 3 tập thơ, trong đó có 2 tập in chung với các nhà thơ: Võ Văn Trực, Vương Trọng, Mai Hồng Niên và một tập in riêng. Hai tập đầu: Giận mà thương ( xuất bản năm 2000), Ao thu thuyền lá ( xuất bản năm 2002) và tập thứ 3: Tiếng gà giữa phố ( cũng xuất bản năm 2002).
Qua Tiếng gà giữa phố, ta dễ dàng tìm ra những câu thơ tài hoa:
Em lên Phú Thọ làm dâu
Vít cong nhành lá hẹn nhau cuối dòng
Anh về bến Đục tìm trong
Nghe đêm trở gió mà lòng ngẩn ngơ ( Qua ngã ba Việt Trì);
Những câu thơ ngổn ngang thi sĩ:
Đôi mày cong
Khúc sông cong
Tóc mây chảy giữa lưng ong dập dìu
Một mình một chuyến đò chiều
Cớ sao em ngoặt mái chèo sang ngang? ( Đò chiều),
Hương cau hương lúa nghiêng trời đất
Tôi lượm hương đồng trong ngàn mơ ( Xa Thổ Đôi); mang vẻ đẹp chân quê, nguyên bản: Người ta mua bạc mua vàng/ Anh xin mua cái dịu dàng nơi em ( Gái quê); mang phong vị cổ, gợi đến băn khoăn, nghĩ ngợi giữa hiện tại và quá khứ:
Tiếng gà gáy rộn giữa phố đông
Chợt tỉnh, nguời ơi ta nhớ mong
Mái ấm nhà tranh nơi xóm nhỏ
Có người con gái mỏi mòn trông ( Tiếng gà giữa phố).
Tất nhiên, bài Tiếng gà giữa phố còn bao hàm một tâm sự khác - tâm sự của nguời rời làng ra phố và lập nghiệp ở phố vẫn không quên nguồn gốc của mình. Cùng với Tiếng gà giữa phố, Dương Danh Dũng còn có 2 bài thơ hay khác, một viết để tưởng nhớ Trịnh Công Sơn, một viết về tình yêu.
Đây là tiếng thở dài trong Cát bụi:
Biết còn ai thức
Với một"Diễm xưa"?
Đây là sự manh nha và cũng là vẻ đẹp muôn thuở, giản dị mà sâu sắc, tươi mới, rực rỡ của tình yêu:
Có một tờ giấy trắng
Ghi ba từ tiếng Anh...
Có một bàn chân nhỏ
In trên nền cỏ xanh
Có một bông hoa đỏ
Trên tay mềm, lung linh
Và từ giây phút đó
Thành hồng hoang cuộc tình.
Trong cái rối bời của sự phân thân, Dương Danh Dũng bật ra những câu thơ mang dấu ấn triết lý, thể hiện rõ sự từng trải: Trắng - đen, sáng - tối đều hai nửa/ Quyện chặt núi - sông lẫn kiếp người ( Với Huế) và bộc lộ rõ nỗi ám ảnh hậu quả chiến tranh qua số phận một con người. Chính anh xót xa cho số phận đó và cao hơn là sự thủy chung trong tuyệt vọng: Sông Lam bên lở bên bồi/ Bến không chồng vân đơn côi đợi người ( Một thời đã xa). Điểm này được Đương Danh Dũng đề cao, nhất là khi đã có lúc, có lẽ vì cực chẳng đã, anh phải thốt lên ít câu về nhân tình thế thái thời nay: Tô Thị thôi nàng đừng đợi/ Bao kẻ ra đi đã bạc tình ( Kỳ cùng xứ Lạng).
Tuy vậy, tôi vẫn đánh giá cao Dương Danh Dũng về những câu thơ mang tính phát hiện. Theo tôi, đó là điểm nhấn, gây sự ngạc nhiên, chú ý.
Đã có bao nhiêu nhà thơ viết về sông, nhưng coi sự mênh mông của sông không phải ở dòng nước chảy mà là ở đôi bờ, nếu tôi không nhầm, thì chỉ có ở Dương Danh Dũng qua Sông quê. Đã có bao nhiêu người viết về mẹ, về tấm lòng của mẹ, nhưng có dược một câu thơ khác lạ như thế này thì quả thực không dễ:
Mẹ làm biển cả gọi sông về.
Vì những lẽ ấy mà tôi tin vào Đương Danh Dũng và Tiếng gà giữa trưa của anh.
Lam Điền