Lời tựa: Trước khi viết những dòng này tôi đã xin phép ông, một cụ già năm nay đã chín mươi tuổi vẫn cực kỳ minh mẫn, điệu cười giọng nói vẫn âm vang. Ng…ơi Viết làm gì, mình đã làm được gì đâu… quê mình bao nhiêu người hào kiệt rạng danh. Tôi nói với ông như ra lệnh: Những người như Đ/c phải được tôn vinh, đ/c có tuân lệnh không? Ông cười khà khà. Qua nhiều lần năn nỉ cuối cùng tôi cũng thuyết phục được ông. Ông nói “viết thì viết nhưng ít thôi kẻo người ta lại nghĩ mình thành tích phô trương”.
… Qua nhiều thông tin chắp vá mờ nhạt với những câu chuyện kể, anh chị cả của tôi thường hay nhắc đến một người họ hàng gần của chị. Một người mà mỗi lần nhắc đến lại có cái gì đó mang theo sự tự hào thán phục. Tôi cũng bị cuốn theo. Dính dáng một chút về nghề nghiệp nên cứ mong được gặp. Trong trí tưởng tượng của tôi. Ông- một cán bộ an ninh dày dạn là Trưởng ty công an của một Tỉnh vùng đông bắc Tổ quốc, một trưởng đoàn chuyên gia an ninh của Việt Nam tại Lào, làm nhiệm vụ bảo vệ liên hoàn dọc theo con đường Hồ Chí Minh huyền thoại; Một bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam, đại diện cho Bộ CA lãnh đạo phối hợp với nước bạn, chỉ huy cả một hệ thống lặng thầm của ngành tại nước Đức anh em. Với hàng chục trận đánh tiễu Phỉ trừ gian. Chỉ đạo điều tra hàng trăm vụ án trong chiến tranh của một thời khốc liệt, phải thay tên đổi họ âm thầm rời quê hương đất nước chắc sẽ là người bệ vệ oai phong, ít ra cũng trán hói, bụng phệ nói năng chậm rãi, dáng điệu khoan thai, mắt luôn nhìn xa xăm bí hiểm như các nhân vật trong tiểu thuyết tình báo mà mà thời trẻ chúng tôi đã say mê.
…Cưới cô cháu út, tôi sắp xếp công việc lên trước vài ngày. Vừa dựng chân chống xe, chị tôi đã gọi. Anh Nhung ơi chú Ng… về rồi này… Ông từ trong nhà thong thả đi ra. Trước mặt tôi là một cụ già tầm thước nhanh nhẹn khỏe mạnh ánh mắt nhìn tinh anh ấm áp. Ông mặc chiếc áo sơ mi màu xanh nhạt, chiếc quần của ngành an ninh áo bỏ vào trong thắt lưng gọn ghẽ. Tôi bất ngờ từ giọng nói của ông một người xa quê hơn 70 năm, vẫn giọng làng Quỳnh không hề thay đổi.
Ng… nưng, òa chà mấy bựa ni nhắc suốt. Anh chị và các cháu có khỏe không, tưởng anh về bằng ô tô.
Tôi đùa: Con đi bằng hai xe bốn bánh ông nạ.
Chắc anh lỵ tiết kiệm cho đơn vị chớ gì…
Con chưa có tiêu chuẩn ông ơi.
Kể cả có mình nhiều lúc cứ xe máy cho nó tự do Ng. ạ.
Tôi đỡ ông ngồi xuống. Sau mấy câu xã giao mang tính thăm dò nhưng thực ra sự xa cách đã bị gió cuốn phăng bắt đầu từ cái nhìn đầu tiên.
Tôi là thằng hay tếu táo nhưng ít khi bị người lớn giận vì tếu táo của tôi có chút gì hài hước đáng yêu nên các bô lão cũng dễ dàng thông cảm.
Nhà ông chắc ngày xưa địa chủ giàu lắm, mới có điều kiện ăn học.
Mô nghèo lắm N g ạ. Học Đờ ri me trường bên Quỳnh Bá đi về đói, toàn bứt ló non nhai… Trước cách mạng hết học mấy anh em khổ quá, ra tận Bắc Giang làm ông đồ trẻ rồi tham gia cướp chính quyền ở đó.
Mình đi theo cách mạng bằng cả trái tim và tấm lòng hồn nhiên nghĩa khí của chàng trai xứ Nghệ, quyết liệt trung lương như tự bao đời là dòng máu quê hương…
Ông ngồi đó trầm ngâm chậm rãi, miền ký ức được đánh thức ùa về qua những tháng năm của cuộc đời ông. Tôi chợt nhớ ra những điều mình hay suy ngẫm… Con người vĩ đại là người vô cùng giản dị gần gũi, ở những người như ông, nó có thể ẩn mình đâu đó rất đỗi bình thường không một chút phô trương. Nó bình dị nhẹ nhàng không đao to búa lớn. Phải chăng điều đó từ ông đã tạo nên sự kính phục thực sự cho người đối diện…
Ôi! Lấp lánh chưa hẳn đã là vàng mà vàng nhiều khi chẳng cần lấp lánh. Phía sau cụ già bình dị ung dung ngồi đó là cả một sự hy sinh thầm lặng, lịch sử không thể lãng quên dù chỉ vài dòng ngắn gọn.
Những trận đánh, những vụ án, nhắc đến bạn bè cùng thời bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng điếu thuốc chia đôi. Niềm tin của ông, sự trung thành tuyệt đối, và những được mất cuộc đời, có những lúc nhảy vào cái chết mà không cần tính toán thiệt hơn, máu đã chảy và những đớn đau mất mát…
Phía sau những đạn bom khói lửa đối diện với những tình huống ngàn cân treo sợi tóc của người chiến sĩ an ninh. Khoảng lặng và cả những nhịp đập của trái tim loạn nhịp, trong tình đời ấm áp. Một góc tâm hồn luôn cháy bỏng những yêu thương, dằn vặt luyến tiếc kỷ niệm của một thời trai trẻ.
Ông cười hiền lành… Chiến tranh đang diễn ra ác liệt, cấp trên cho nghỉ phép mấy ngày. Đạp xe từ Hà Nội trên con đường gập ghềnh đạn bom rình rập, đêm mùa đông tối mịt mùng. Xuống xe ở cuối làng Bèo Hậu, ông mò mẫm không nhớ nổi đường về. Đang hoang mang… Phía trước có một người …
Ông kêu lên: Ông bà mô đó cho tui hỏi thăm đường về làng Quỳnh Tý với.
Im lặng bao trùm… một lúc sau trả lời ông là tiếng một cô gái.
Anh cứ theo tui. Tui sẽ dẫn về đến xóm của anh…
Hai người lầm lũi bước trong màn đêm… không nhìn rõ mặt… Thỉnh thoảng hỏi trống không một câu.
Anh làm ở mô có vợ chưa…
Tui đã có con rồi o nạ…
Anh đi lâu rứa rồi… Ngày trước anh không yêu ai ở quê à, lấy vợ quê mô… ông chợt nghe tiếng nói cô gái như đứt quãng hơi thở dồn dập. Cô đi trước ông theo sau, về gần đến nhà… Cô gái thốt lên…
Anh Nhung…!
Ai mà biết tên tui đó hề giọng Bèo Hậu nghe quen quen…
Anh còn nhớ ai đã giúp anh vượt qua kỳ thi thể chất hồi học Đờ ri me nữa không?
………………..
Trời ơi! Hương!
Cô gái làng bên xinh đẹp nết na con nhà dòng dõi, mối tình đầu thơ dại của ông. Ngày đó ông gày gò yếu ớt, khi đến môn bơi, chẳng dám nhảy xuống sông, Hương đã xin thầy cho thi chậm lại. Để chiều chiều cô dạy tiếp nước dạy bơi cho ông. Thỉnh thoảng đi học giấu cho nhau củ khoai, lát cơm nắm muối vừng… hai làng cách nhau một cánh đồng không rõ ràng biên giới. Tết nhất đến thăm, cha mẹ ông cũng rất cảm mến O Hương… Rồi xa cách vội vàng ra đi không một lời từ biệt.
Khi nhìn thấy bóng cha bóng mẹ dưới ngọn đèn leo lét vàng vọt trong mái nhà tranh. Tiếng chó sủa rộ lên. Hương quay lại lao vào màn đêm… Tiếng nấc nghẹn ngào vọng lại… xa dần… Răng lại như ri ông tự dằn vặt mình… Ngày hôm sau ông ra lượn chợ Nồi. Số phận như trò đùa run rủi, gặp Hương xuống chợ… tay nắm tay run rẩy nước mắt Hương cứ thế chảy ra… Biết đâu… Hương vẫn chờ ông mà không lấy chồng. Ôi tình yêu! Ông xót xa. Mắt đỏ hoe.
Những năm tháng sau Hương hoạt động phong trào trên quê hương và cô đã mất trong một lần đi công tác, chẳng chồng con chi. Những bông hoa trên mộ tỏa hương khoe màu trắng tinh khôi giữa cánh đồng quê gió thổi qua nấm mồ người trinh nữ những mùa đông lạnh lẽo cô đơn… Giọng ông đứt quãng.
Sự đời có những cái oái oăm. Năm cải cách ruộng đất, vợ ông lại con nhà địa chủ. Gia đình bên vợ cũng nuôi giấu cán bộ ủng hộ hết mình cho chính quyền cách mạng nhưng sao lại thế này. Một cán bộ an ninh cốt cán không thể sống chung… không thể cùng giai cấp. Giằng xé giữa lý tưởng cách mạng và gia đình nhỏ bé. Giữa chết chóc sinh tử con người ta còn có lúc dễ bề lựa chọn, ông gần như đã hoàn toàn bất lực trước tình huống cam go. May thay, các đồng chí cấp trên vô cùng thông cảm đã linh hoạt vận dụng, lên kế hoạch để trong đêm vợ ông bồng đứa con đỏ hỏn băng rừng vượt đồng đến vùng đất khác giấu đi tung tích của mình. Vợ chồng con cái xa nhau biền biệt cho đến khi nhà nước sửa sai. Ông khẽ thở dài…
Tôi mời ông hút thuốc, vẫn cái nhìn ấm áp…
Ng. phải lo sức khỏe từ bây giờ đi đừng chủ quan… Ngày ông làm trưởng ty công an tỉnh Hải Ninh, tiêu chuẩn thuốc cấp không đủ hút, đêm đến toàn đi mò tìm dế xung quanh cơ quan để hút. Nhiều anh em thương nhường lại tiêu chuẩn, rứa mà không đủ. Mình hút nhiều quá. Cho đến khi từ chiến trường ra đến kiểm tra sức khỏe ở bệnh viện trung ương. Anh bạn là bác sĩ bảo, nếu anh muốn sống thì bỏ ngay thuốc lá. Nghiện rứa mà sáng mai mình bỏ hẳn cho đến bây giờ. Phải quyết tâm.
Tôi tưng tửng, cái gì đã gọi là thuốc mà không tốt hả ông, ngày xưa thời pháp thuộc Tây nó gọi là sâm hơi đấy ông ạ. Ông cười khà khà.
Đúng là cu Ng…
Trong cuộc đời hoạt động của mình ông vinh dự đã từng năm lần được gần gũi bên Hồ Chủ tịch. Hai lần Người về nghỉ mát ở Hải Ninh thì cả hai lần ông luôn theo sát bên Người… vì được phân công làm trưởng ban bảo vệ đảm bảo an toàn bí mật cho Bác, chăm sóc giấc ngủ cho Người.
Tôi hỏi: Rứa ông có đến nhận đồng hương không.
Mần di dám nhưng có kỷ niệm ni cứ nhớ mãi. Tối hôm đó theo kế hoạch Bác nói chuyện với nhân dân tại hội trường… Mình đến gặp Bác.
Bác nói: Chú chuẩn bị cho bác hai cái đèn măng xông..
Chưa suy nghĩ lại vội đáp, thưa Bác: Ở đây có điện rồi ạ…
Bác nhủ chú chuẩn bị thì cứ chuẩn bị, đừng cãi.
Òa chà sợ thật. Tối đến giữa hội trường rộng lớn, điện đóm ngày đó kém ánh sáng lờ mờ, những người ngồi xa không thể nhìn rõ Bác…
Người bảo tôi: chú thắp đèn lên để hai cái hai bên gần nơi bác đứng…
Đúng là con người vĩ đại Ng. ạ, việc nhỏ như rứa mà mình nghĩ không ra… Dưới ánh sáng của hai ngọn đèn ở xa nhìn cũng rõ Người. Hình ảnh Bác lung linh chòm râu như cước gương mặt hồng hào đẹp tựa ông tiên. Ng. thấy không? Người quan tâm từ những điều rất nhỏ. Mình không làm to được cũng đúng thôi Ng. hề.
Tiểu phỉ Chừng Coong Phí, Lục Văn Thòng lẩn trốn từ Trung Quốc tràn sang, anh em đằm mình trong các bãi sú vẹt vùng Ba Chẽ, Hà Cối, Bình Liêu… Đạn dược đã cạn cơm nước gói theo thiu thối hết. Thất lạc hy sinh. Số anh em sống sót trở về báo cáo đồng chí Nguyễn Quang Nhung đã hy sinh… Sau thoát chết về nghe kể lại… Đồng chí cấp trên quát ầm lên. Các cậu làm ăn thế nào, ai chết chứ không được để Nguyễn Quang Nhung chết… Huy động cả một đại đội đi tìm. May mà có sú vẹt bắt tôm cá ăn sống. Phỉ sát mình, chỉ để lòi hai con mắt… Ngâm mình dưới sình lầy mấy ngày đêm đói lã đi ngất lịm. Tình đồng đội đồng chí trong gian khổ hy sinh của chiến tranh thật không nói hết bằng lời…
Mười năm ở nước bạn Lào cũng dãy Trường Sơn, mấy tháng mới nhận được thư nhà. Sốt rét thiếu thốn trăm bề, bom dội ngày đêm, công việc âm thầm lặng lẽ. Thằng cu đầu bộ đội đi Bê đang hành quân gặp được bố giữa nơi đạn bom mừng mừng tủi tủi, xin thủ trưởng ở lại chơi với bố hai hôm. Mới có một thằng con trai chớ mấy. Đêm cha con nằm ôm nhau thằng cu kể bao nhiêu là chuyện. Mẹ sợ cả bố cả con chết mất bố ạ, mẹ ở với ai… Đêm đêm mẹ vẫn cuộn cái áo cũ của bố để làm gối cho đỡ nhớ. Bữa cơm bữa cháo thất thường.
Dù chúng ta đã đi qua chiến tranh khốc liệt chịu nhiều gian khổ đến bao nhiêu nhưng ngẫm ra rằng sự chờ đợi thắc thỏm sự hy sinh của những người mẹ người vợ còn lớn lao đáng ghi nhận hơn nhiều. Ai đã xa nhau trong thời tuổi trẻ, trong những năm tháng ấy mới thấu hiểu mà không cần định nghĩa… Cu con vào chiến trường viết thư về cho mẹ nói được ở gần bố. Bà ở nhà không biết đọc ra răng lại tưởng là con được ở cùng đơn vị với bố. Năm sáu tháng sau thư mới đến. Hỏi con có khỏe không anh, mình đành phải lừa, ừ nó khỏe ngày mô cũng quanh quẩn ở đây với bố… Mấy tháng sau lại nhận được thư… Thế thì em mừng quá. Mừng chi mà mừng được có hai ngày giờ nỏ biết hắn sống chết nơi mô.
Nhận được lệnh của trên, ra ngay, về Bắc Giang được vài ngày. Lên cơ quan Bộ muộn giờ chạy đến nhà đồng chí Bộ trưởng ở số 1 Trần Bình Trọng. Cụ Trần Quốc Hoàn đang mặc quần đùi áo may ô đọc sách chờ cơm, gọi mình vô nói mi ở đây ăn cơm. Bây giờ Nhung đi Đức nhiệm vụ bí mật nặng nề, phải thay tên đổi họ… Mình hỏi đặt tên chi được anh hề… Cụ cười cười rồi nói “ à, đoàn đi Đức thì mi lấy tên mi là Đoàn Đức”. Từ đó cái tên cúng cơm cha mẹ đặt cho biến mất hơn mười lăm năm… Đến đồng chủ tịch tỉnh Hải Ninh sang Đức công tác nghe Đại sứ giới thiệu ở đây có Đoàn Đức trước làm trưởng ty công an Hải Ninh. Hai bên cãi nhau, tôi ở đó bao nhiêu năm làm gì có ai là Đoàn Đức trưởng ty… Sáng cầm bót đánh răng xuống tầng dưới anh em nhận ra nhau kêu lên: Nhung…! ôm lấy nhau nước mắt chảy dài.
Năm 1979, hai giờ sáng bên nhà điện sang… Chiến tranh phía Bắc… đồng chí phải… Sáng mai ăn mặc chỉnh tề liên hệ văn phòng chính phủ nước bạn, gặp lãnh đạo cao nhất trình bày nội dung cấp trên chỉ đạo…Thuyết phục các đồng chí CHDC Đức. Mười lăm ngày sau thuốc men đạn dược cập bến Hải Phòng… Tình nghĩa phe ta.
Thời xuất khẩu lao động trăm thứ trên đời bên nhà chỉ đạo, phải giải quyết nhanh gọn, con em cán bộ mình nhiều thằng cũng nghịch… Có chuyện gì chạy đến sứ quán khóc lóc. Bố hắn bên nhà bạn từ hồi tiễu phỉ trừ gian điện sang nhờ vả, Giữa cái lý cái tình nhiều khi đành tặc lưỡi… Các cô cháu gái dệt may thỉnh thoảng giúp việc gì biếu quà nhưng mình không nhận mãi đến ngày trở về chúng nó khóc lóc nài nỉ, thôi nhận chiếc áo len để các cháu mừng.
Người ta đi sứ được mang theo vợ con mình thì côi cút… Cộng cả năm tháng chiến trường, nước ngoài nước trong hơn ba mươi năm được mấy ngày gần vợ… Có lần vợ ông bảo, lấy chồng như tôi thì gọi là lấy chồng kiểu gì hả anh Nhung. Người đàn ông làng Quỳnh vụng về im lặng…
Tôi nói đùa đùa chắc bên đó thiếu gì râu ngô. Ông cười cười tổ cha cu Ng. Mình trung trinh thấm nhuần tư tưởng cả đời mình không một vết nhơ.
Chắc ông lương cao giàu hề. Có chơ, mỗi tháng ăn uống rồi gửi về một cái xe đạp Đi a măng. Nhủ vợ con bán đi gửi tiền tiết kiệm ích nước lợi nhà. Năm tám lăm đổi tiền về rút ra mua chưa được hai tạ gạo… Ôi suy nghĩ làm gì nhiều hả Ng. Nhiều người còn mất mát hy sinh gấp bao nhiêu lần mình ấy chứ.
Ông cháu ngồi trầm ngâm trong khói thuốc. Tôi chợt nhận ra rằng đâu đó xung quanh ta còn có bao nhiêu điều tồi tệ nhưng những ánh vàng lấp lánh sự hy sinh thầm lặng của những con người như ông đã góp phần làm nên lịch sử, làm cho cuộc đời này đáng sống hơn… Ông ngồi đó với cô em gái gần tám mươi tuổi, dang dở đường chồng con. Ân cần dặn em uống thuốc đều đặn, cách giữ gìn sức khỏe theo chỉ dẫn của ông. Tôi chạnh lòng chợt nghĩ, không biết đến tuổi như ông mình có sống được cho anh em ruột thịt dù chỉ cần những điều nhỏ nhặt như ông.
Người lại khẽ thở dài, ánh mắt đượm buồn… Người ta làm quan lo cho con cho cháu, mình nỏ giúp được đứa mô của anh em ruột thịt. Chúng nó bơ vơ, thất học đói khổ, cậu mự dù sao cũng có phần khá hơn, nhưng có những lúc, hình như ma ám hay mình chỉ biết dành tất cả cho sự nghiệp để bảo vệ cái danh giá của mình…
Ông ơi, đừng buồn, ngọc nào mà không có vết, tấm huân chương nào mà chả có mặt trái. Ông nghĩ thế này Ng. ạ. Ông thì không cho là mình to tát nhưng mình nhiều lúc cũng quá vô tâm… Thương các em các cháu ở quê mình chưa đùm bọc, chưa chia sẻ được nhiều tấm áo bát cơm. Ông thấy mình có lỗi, có lỗi lắm. Khóe mắt ông ngấn lệ.
Chia tay khi ông đang ngồi thiền, vội vàng đứng dậy rút bài thuốc trường sinh đưa cho tôi, tiễn chân ra đầu ngõ, dặn đi dặn lại, phải cố gắng bỏ thuốc, và dùng ngay bài thuốc ông bày…
Mưa Tây Nguyên bất chợt, đan chéo trên nền trời màu chì… Ông đứng nhìn theo tôi cho đến khi khuất hẳn… Trôi trong vốn thời gian ít ỏi, người vẫn gọi cho tôi nhắc nhở giữ gìn. Cái triết lý nhân sinh muôn đời vần vũ, một thoáng hữu duyên trong bể đời hối hả trầm luân. Cuộc hội ngộ của hai con người, một già một trẻ. Tôi hiểu ra nhiều điều mà tôi vẫn u minh… Sự giằng xé hy sinh được mất, những thiệt thòi chấp ngã những danh vọng vô thường. Trong cuộc sống này ở quanh ta vẫn lấp lánh niềm tin, muôn vàn điều tử tế. Mong cho người khỏe mạnh, đừng thở dài khi nghĩ về những gì mình còn dang dở... Mong người thanh thản. Anh chị em thông cảm, con cháu đã lớn khôn thấu cảm hơn chia sẻ.
Tước hiệu nào rồi cũng vào quên lãng. Lăng mộ đền đài nào rồi cũng sẽ rêu phong đổ sập, sẽ trở thành phế tích mà thôi. Ánh hào quang nào rồi cũng trả lại cho bầu trời màu xanh muôn thủa. Hãy cứ là một Nguyễn Quang Nhung, nghĩa khí can trường trung trinh trong sáng, giấu trong mình những cống hiến hy sinh. Dẫu biết rằng chỉ là hạt muối góp phần nhỏ nhoi làm nên biển mặn.
Nguyễn Quang Nhung, đứa con ưu tú của đất mẹ Làng Quỳnh, chung thủy nghĩa tình, trái tim thổn thức với những nỗi niềm đau đáu quê hương ./.
Hết.
Tháng 8/2017
KMN
|