Lai vãng không gian văn hóa Doha
Các công trình kiến trúc vùng Trung Cận đôngluôn gắn với sự vĩnh cửu, trơ gan cùng tuế nguyệt, thậm chí sau này những phế tích của nó cũng trở thành di sản nhân loại. Họ không có thứ tư duy ăn xổi ở thì, làm lấy được, mà đã làm là bất chấp thời gian, đi đến sự hoàn thiện và tuyệt mỹ.
Các công trình được xây dựng ở Doha cũng nằm trong phạm trù ý thức thẩm mỹ đó, một số công trình mới tại đây có thể chứng minh cho điều đó.
Nổi bật nhất là các Bảo tàng Quốc gia Hồi giáo, Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo, cung Vua, công viên Expair…Những công trình đó được tọa lạc trên khuôn viên rộng lớn, bao phủ cây xanh, có hồ nước, đài phun nước, có chỗ nghỉ ngơi giải trí và thưởng ngoạn.
Bảo tàng Quốc gia Hồi giáo nằm trên đường từ sân bay về trung tâm thành phố, đang được xây dựng, từ xa nhìn to như một trái núi trắng. Còn bảo tàng nghệ thuật Hồi giáo (Museum Islamic Arts) thuộc sự quản lý của Hệ thống bảo tàng Quốc gia (Qatar Museums) do Sheikha Al Mayassa bint Hamad bin Khalifa Al Thani, một nhà văn hóa lớn, là em ruột Quốc vương, quản lý. Nó là bảo tàng lớn nhất, đẹp nhất và đầy đủ hiện vật nhất trong khối các nước Arap. Bảo tàng nằm sát bên đại lộ, đường dẫn vào là những hàng cọ lâu niên với hàng trăm bậc thang bằng đá trắng. Trong bảo tàng trưng bày hàng loạt hiện vật của dân tộc Quatar từ khi còn là một bộ lạc nghèo đói chỉ sống bằng nghề đánh cá, mò ngọc trai và buôn bán nhỏ, đến lúc trở thành một quốc gia nhàn hạ và giàu có nhất thế giới.
Những hiện vật đó được sưu tầm trong dân chúng, được khai quật khảo cổ và mua lại từ các quốc gia khác.
Những người quản lý và phục vụ tại đây là những nhà khoa học ngành bảo tàng, bảo tồn nước ngoài được tuyển dụng. Cách bài trí, sắp xếp và tổ chức hiện vật, các phương tiện nghe nhìn hiện đại nhất giúp cho khách tham quan tra cứu một cách khoa học. Bảo tàng đưa đến sự hấp dẫn cho mọi du khách, vào đây họ có cảm giác thoải mái như đến một khu nghỉ dưỡng.
Trong những ngày ở Qatar, tôi tranh thủ và dành hẳn một buổi sáng đến thăm Bảo tàng Sheikh Faisal Bin Qassim Al Thani Museum, một bảo tàng tư nhân do Hoàng thân Sheikh Faisal bin Qassim Al Thani sáng lập. Ông là người có tài sản lớn thứ ba của Qatar, người có kiến thức văn hóa cao rộng và say mê tìm hiểu lịch sử dân tộc. Bảo tàng ông xây dựng hoàn toàn không nhằm mục đích kinh doanh, chỉ để thỏa mãn khát vọng của ông là phục vụ công chúng và tôn vinh dân tộc.
Bảo tàng nằm trên khuôn viên rộng tới rộng 530.000m2, bao gồm ba tòa nhà chính, được mở cửa từ năm 1998. Tổng cộng có hơn 15 phòng trưng bày với hơn 15000 hiện vật quý giá, trong đó có các hiện vật chiếm hết hẳn một gian phòng. Tất cả các hiện vật được Hoàng thân bắt đầu sưu tầm trong khoảng 50 năm chủ yếu với các mảng: nghệ thuật Hồi giáo, ô tô, tiền cổ, các hiện vật liên quan đến truyền thống văn hóa, sinh hoạt của Qatar.
Bảo tàng không nằm trong thành phố mà nằm xa ngoài ngọai ô, cách trung tâm hơn 50 km. Khách tham quan không nhiều, nhưng chọn lọc, chỉ có những người thiết tha tìm hiểu văn hóa, những quan khách quốc tế, những nhà khoa học, hoặc những người say mê các hiện vật quý hiếm mới đánh đường tìm đến.
Ấn tượng đầu tiên khiến tôi choáng ngợp, đó là bộ sưu tầm ô tô có một không hai trên thế giới. Bộ sưu tầm gồm hơn 1000 ô tô cổ nhất, có từ giữa thế kỷ XVII đến nay, từ những chiếc chạy bằng bánh sắt, những chiếc cải biến từ xe ngựa, những chiếc bánh đặc đầu tiên, hay những chiếc đầu dài, máy trần có từ cuối thế kỷ XIX; tiếp đến là hàng loạt xe trong thế chiến thứ Nhất, thế chiến thứ Hai, xe của các nhà Vua và Tổng thống các nước…được trưng bày trong một khu nhà rộng thênh thang. Những chiếc xe này khi mua từ các nước về phải đại tu lại, phải sản xuất các phụ tùng thay thế và mỗi tháng phải vận hành, nổ máy một lần để duy trì và bảo hành. Nhiều xe được bảo quản trong khung kính giống như bảo vật.
Còn vào khu trưng bày xe mới thì như lạc giữa một nền công nghiệp hiện đại của nhân loại. Tại đây, người ta xếp xe theo dòng và thời gian: xe Mỹ, xe Pháp, xe Nhật, xe Đức, xe nguyên thủ, xe thửa riêng độc nhất, và tất cả những chiếc xe Quốc vương Quatar đã từng sử dụng.
Không ai tiết lộ số tiền bao nhiêu để được sở hữu khối lượng khổng lồ bộ sưu tập đó, nhưng con số đó ước đoán không thể dưới một tỷ đô la.
Chúng tôi được thăm bảo tàng thảm ở tầng hai. Hàng trăm chiếc thảm được đặt trong khung hoặc treo trên tường của nhiều phòng rộng lớn. Thoạt đầu, tôi dửng dưng với những chiếc thảm cũ kỹ được giới thiệu có niên đại 500 năm hoặc ít hơn một chút. Tôi cho rằng cách thức dệt, cách bảo quản rất đáng trân trọng, chứ chưa thực hiểu giá trị của nó. Đến khi người hướng dẫn để nghiêng các tấm thảm dưới ánh đèn vào thì tôi sững sờ không tin nổi ở mắt mình: những tấm thảm được dệt nên bằng các sợi chỉ vàng; có tấm được dệt bằng chỉ bạc một cách tinh tế và huyền bí. Để có một tấm như thế các tập thể nghệ nhân phải bỏ công ra cả chục năm trời!
Người hướng dẫn đưa chúng tôi thăm một góc đặc biệt, đó là một ngôi nhà ở truyền thống của dân Xyri hoàn chỉnh, được mua từ Xyri chở về và thuê thợ lắp lại. Có phòng khách, có bếp, có giường đệm, có đi văng và ghế ngồi cùng các vật dụng nguyên vẹn. Nó nằm ngay trong bảo tàng là một hiện vật sống thực thụ, rất có ý nghĩa, nhất là khi chiến sự Xyri đang xảy ra ác liệt.
Để xem hết bảo tàng, thăm hết những phòng, kỷ vật của các hoàng thân, phương thức sinh sống làm ăn của người Qatar trong quá khứ… phải mất rất nhiều thời gian, không chỉ một vài ngày.
Tôi không có dịp ghé thăm nhiều công viên ở đây do thời gian quá cạn hẹp, nhưng được biết trong một công viên có nhiều cây Baobap được đưa về từ châu Phi, tôi cố đến thăm bằng được. Bởi vì tôi đã được xem những hình ảnh về cây Baobap khi còn học môn Thực vật lớp 5, thưở chưa có internet, nên muốn biết mặt ngang, mũi dọc nó ra sao. Đến đây, chúng tôi bắt gặp một tốp công nhân Banglades làm việc. Mỗi người một công việc, người xén cỏ, người nhặt rác, người tưới cây, người thu dọn, người lái xe chở đất. Đất trồng cây trong công viên phải mua và chở từ nước ngoài về, thử hình dung một công viên rộng hàng chục ha, phủ đất dày cả mét, thì phải huy động hàng triệu khối mới làm nên được một khu vườn thực thụ.
Trong công viên có hàng chục loại cây quý hiếm, đã tỏa bóng mát, cao chừng dăm mét, có thể ngồi nghỉ ngơi dưới gốc, không biết bằng cách nào mà họ mua và vận chuyển về tới đây được. Lần đầu tiên, tôi được nhìn thấy cây Baobap loại cao hơn chục mét, không chỉ có một mà rất nhiều. Những cây này được chăm sóc tỉ mẩn phù hợp với khí hậu và môi sinh nơi quê cha đất tổ châu Phi của nó.
Trong những công viên và núi giả tại Doha, các thảm cỏ xanh được tưới tẩm rất kỹ lưỡng. Những thực vật quý hiếm được đưa về trồng tạo nên sự đa dạng và dần dần góp phần cải biến môi trường. Mỗi chiếc lá cây trên sa mạc này đều được trân trọng như một thứ đồ trang sức. Có tới hơn ba chục ngàn người nước ngoài, có chuyên mônsinh học và thổ nhưỡng, được tuyển dụng sang Doha với một công việc duy nhất là bảo dưỡng cây cối, có người gọi họ là osin vườn!
Dưới khung cảnh nắng nóng, cát trắng chói chang, đi giữa thảm cỏ xanh của công viên, giữa con đường rợp bóng cây, cứ nghĩ như là trong cổ tích.
Cũng tranh thủ chạy đua với thời gian, tôi đến thăm được sân khấu bằng đá nằm bên bờ biển vừa mới khánh thành chưa lâu lắm. Dọc bãi biển khá đẹp, sóng rất dịu, nhưng không có người tắm, chỉ có các tay đua thuyền và xuồng cao tốc. Khách đến thăm sân khấu đá sẽ được đi một vòng quanh vịnh, ngắm những con thuyền cổ, loại mà thời hàn vi dân Qatar vẫn dùng chài lưới và mò ngọc trai kiếm sống. Bây giờ nó được bày lên bờ như một thứ giáo cụ trực quan chiêm nghiệm và làm kỷ niệm.
Sân khấu đá mô phỏng cung nhà hát Hy La cổ đại, có ba phía khán đài chứa được khoảng một ngàn người, và một sân biểu diễn rất rộng cỡ một sân vận động mini làm bằng đá phiến màu hổ phách. Khi bước ra giữa sân khấu, dẫm chân lên giữa ô trung tâm, tiếng vang tích âm dội lên như thể tiếng đàn. Ngày thường, nơi đây chỉ là chỗ du khách đến dạo chơi, nhưng khi có biểu diễn, nó biến thành một khu vực lộng lấy và tráng lệ bởi hệ thống đèn, đài phun nước và cách bài trí. Xung quanh sân khấu đá, có hàng chục quán caphe sang trọng nằm dọc các phố nhỏ nên thơ giống hệt một khu phố châu Âu cổ kính.
Trong đêm trước khi rời Doha, dù rất muộn, tôi cũng ghé thăm được nhà thờ Quốc gia Hồi giáo lớn nhất Doha Imam Abdul Wahhab. Nó nằm sát đường biên khu trung tâm, được hoàn thành năm 2011, bao gồm một khu đất diện tích rộng tới 175 000 m2, có phân luồng đậu xe đủ 10 ngàn chiếc cùng một lúc để đủ phục vụ cho khách trong ngày lễ hội. Trong đêm, các vạch đậu xe được lắp đặt đèn chiếu sáng, các lối đi có chỉ dẫn và kẻ vạch phản quang.
Ở Nga, mỗi năm, tôi cũng phải dẫn không dưới vài chục lần quan khách trong nước sang thăm Matxcova, khi dẫn người trong nước vào thăm nhà thờ Chúa Cứu thế, đều được bảo vệ kiểm tra túi xách, điện thoại và vật dụng đề phòng mang theo vũ khí và chất nổ. Tôi rập khuôn máy móc ý nghĩ đó khi chuẩn bị vào cửa nhà thờ Hồi giáo, nghĩa là chuẩn bị lấy điện thoại, chìa khóa ra ngoài để soi qua máy. Nhưng không, các cửa ra vào mở toang, không một ai hỏi đi đâu, có việc gì, chỉ việc bỏ giày và đọc mấy dòng hướng dẫn. Điều đó, chứng tỏ rằng an ninh tại Doha là yên tâm, không có gì đáng quan ngại.
Khu nhà nguyện trải thảm đỏ, mặc dù đã khuya, nhưng vẫn có gần chục người quỳ gối cầu nguyện và đọc kinh. Tôi choáng ngợp bởi sự tôn nghiêm, sạch sẽ và có phần huyền bí trong khung cảnh đèn nến sáng rực. Giữa gian phòng chính chứa một lúc được 30 ngàn người ở tầng dưới dành cho nam giới, ở tầng hai dành cho nữ giới, trong đêm vắng chỉ có tôi, một anh bạn và dăm người Quatar ngồi bất động như những pho tượng, càng tăng thêm phần vắng lặng.
Dân ở đây, mỗi ngày phải thực hiện 5 lần cầu nguyện. Khi chuông nhà thờ đổ, hệ thống loa của các gia đình phát đi bài kinh, thì những người theo đạo Hồi, dù đang làm gì cũng nghỉ tay và làm lễ, trừ những việc không thể dừng như phẫu thuật, đỡ đẻ hay vận hành máy móc đặc biệt mà thôi.
|