Tâm linh là vấn đề rất khó lý giải hiện nay. Tuy nhiên nó vẫn đã và đang tồn tại như một phần đời sống tinh thần của con người. Câu chuyện tôi kể về tâm linh sau đây đến từ một địa chỉ quen thuộc với rất nhiều người Việt chúng ta: Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn.
CHUYỆN TÂM LINH
Ở NGHĨA TRANG LIỆT SĨ TRƯỜNG SƠN
Ghi chép của Nguyễn Hữu Quý
Tôi từng đọc bút ký "Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn" của nhà thơ Lê Đình Cánh in trên báo Văn nghệ. Nhà thơ viết rằng ở đây có những buổi sớm tinh mơ anh em quản trang nghe được tiếng hô tập thể dục của các liệt sĩ. Thực hư thế nào tôi không rõ nhưng chi tiết ấy ám ảnh tôi đến bây giờ.
Cách đây mấy năm, tôi được tạp chí Văn nghệ Quân đội cử đến đây tìm hiểu viết bài đã được anh Hồ Tất Ái, trưởng ban quản lý nghĩa trang kể cho nghe nhiều chuyện tâm linh về các liệt sĩ.
Anh mở đầu câu chuyện:
-Tôi vốn là lính trinh sát đặc công C20 Bình Trị Thiên, đã có mười năm làm trưởng ban nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn nên chuyện đi đêm đi hôm tiếp xúc với cái chết là bình thường. Trước đây, tôi không hề tin vào những chuyện có tính chất huyền bí. Tôi nghĩ chết là hết làm gì còn linh hồn này nọ.Nhưng sau mấy lần được chứng kiến một số sự việc lạ tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn tôi đã phải thay đổi tư duy cũ. Những câu chuyện tôi sẽ kể sau đây anh có tin hay không cũng được nhưng đó là những sự việc tôi đã gặp hoặc tai nghe mắt thấy.
-Vâng, theo tôi, những gì thuộc về tâm linh, hiện nay ta chỉ mới cảm nhận mà chưa thể lý giải ngọn ngành rành rẽ. Có những cái của thế giới này ta chưa giải thích được. Cái chết con người còn là sự bí ẩn, một khoảng trống của khoa học hiện thời. Thế giới bên kia, cõi âm như ta vẫn thường gọi ai dám khẳng định là có hay không có, tồn tại hay không tồn tại. Có phải chết là hết hay chết là tiếp tục sống theo một kiểu khác? Tuy nhiên, điều chúng ta nên nhớ là không được bịa ra hoặc nói sai về các liệt sĩ- Tôi động viên anh.
Hồ Tất Ái khẳng định:
-Những gì tôi kể cho anh là đã được tai nghe mắt thấy. Vào đêm 14 tháng 11 (âm lịch) năm 2002 theo lệ thường tôi lên tượng đài chính khu tưởng niệm thắp hương cho các liệt sĩ. Đi cùng tôi có anh Nguyễn Hồng Bằng, chủ tịch công đoàn cơ quan. Lúc ấy đang mùa đông, trời âm u nên trăng không sáng. Dưới ánh trăng mờ, khi dưới cổng bước lên tôi và anh Bằng bỗng thấy một người ngồi xếp bằng ngay ngắn dưới đài Tổ Quốc ghi công. Tôi nghĩ thầm: chắc là có ai đó đi viếng liệt sĩ nhưng bị ốm đau mệt mỏi nên chưa về được. Cách khoảng 25 mét, tôi lên tiếng hỏi: “Ai đó?” nhưng không có tiếng trả lời. Rồi 20 mét, 15 mét, tôi hỏi tiếp người đó vẫn ngồi lặng im như tượng. Cho đến khi chỉ cách tượng đài chừng 10 mét, tôi quát lớn: “Ai?” thì người đó mới lên tiếng: “Tôi là liệt sĩ ở nơi khác đến thăm liệt sĩ ở đây”. Tôi lạnh người. Anh Bằng thì thầm vào tai tôi: “Ta về thôi anh, tôi hãi lắm”. Chất lính trinh sát giúp tôi bình tĩnh trở lại. Tôi tiếp tục bước lên lễ đài thắp hương nhưng mắt vẫn không rời “người kia”.Trong ánh trăng suông tôi thấy anh mặc áo bộ đội vải tô châu và vẫn điềm nhiên ngồi yên một chỗ. Nén hương trên tay tôi bất chợt bùng cháy phừng phực thì anh bộ đội liệt sĩ cũng tự nhiên biến mất. Chỗ anh vừa ngồi cách nơi tôi đứng 1 mét giờ đây chỉ là một khoảng trống…
Có một luồng khí lạnh buôn buốt chạy dọc sống lưng tôi. Chuyện kỳ lạ quá. Tôi hỏi Hồ Tất Ái:
-Thế có bao giờ anh nghĩ đó là ảo giác không?
- Không. Hoàn toàn không phải là ảo giác vì lúc đó tôi rất tỉnh táo. Vả lại, đâu chỉ có mình tôi, cả anh Bằng cũng thấy và nghe cơ mà!
-Hay là có ai đó bày ra chuyện này để dọa các anh? Tôi tiếp tục cật vấn.
-Không phải. Nếu người thật thì làm sao anh ấy lại biến đi bất ngờ trước mắt tôi như thế. Tôi nhắc lại là tôi chỉ đứng cách anh ấy khoảng 1 mét thôi.Tôi không giải thích được hiện tượng này nhưng sự việc kỳ lạ ấy thì cả tôi và anh Bằng đã chứng kiến. Mà không phải chỉ chuyện này thôi nhé, còn khá nhiều câu chuyện khác rất kỳ lạ ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn mà tôi sẽ kể tiếp cho anh nghe…
Câu chuyện huyền diệu về các liệt sĩ thực sự đã cuốn hút tôi. Anh Ái kể tiếp:
- Tại khu mộ 3, nơi yên nghỉ của liệt sĩ các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh anh em quản trang chúng tôi khi đi thắp hương đến gần hay nghe tiếng chào, tiếng cười lao xao vọng lại. Nhưng khi tới nơi thì không hề có bóng người nào. Tiến sĩ TVH ( xin phép được viết tắt- NHQ) đang công tác tại Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội trước đây là bộ đội Trường Sơn trong một lần vào nghĩa trang đã đến khu mộ này thắp hương cho đồng đội vào lúc 23 giờ 30 phút. 1 giờ sáng anh H. về khu nhà ban quản lý kể với chúng tôi và sau đó điện thoại cho vợ ở Thủ đô thuật lại những gì anh gặp ở khu mộ 3. Anh H. nói: tôi đang thắp hương thì từ đâu đó nghe tiếng vọng “Đồng hương ơi, hát cho chúng tôi nghe với nhé”. Dù rất bất ngờ và hơi sợ nhưng tôi cũng đứng lại giữa hàng trăm nấm mộ hát liền 6 bài cho các đồng đội của tôi nghe…
Có một đoàn tăng ni Phật tử từ Hà Nội vào viếng các liệt sĩ. Rất không may là hôm ấy trời mưa khá to nên lễ viếng tổ chức khá nhanh và đoàn lên xe ra về. Sau đó, chúng tôi thật ngạc nhiên khi thấy các vị trở lại và dường như ai cũng có nét mặt đăm chiêu buồn bã. Hỏi ra mới biết trong buổi lễ viếng hôm qua vì trời mưa nên đoàn làm thủ tục vội vàng chưa chu đáo nên được các liệt sĩ báo mộng “nhắc nhở”. Không yên tâm ra về, đoàn đã quyết định trở lại nghĩa trang Trường Sơn và tổ chức lễ viếng liệt sĩ đúng nghi thức và rất chu đáo.
Còn đây là chuyện của chúng tôi - Giọng anh Hồ Tất Ái trầm hẳn - Xảy ra vào năm 2003. Gần tới Tết cổ truyền, cơ quan họp bàn sẽ tổ chức làm lễ tất niên thỉnh cáo Bác Hồ và các liệt sĩ vào ngày 26 tháng Chạp âm lịch. Dịp này, khách đến viếng rất đông nên chúng tôi không làm tất niên được đúng kế hoạch. 21 giờ 15 phút tối hôm đó, đang ngồi trong phòng làm việc tôi nghe ngoài cửa chính có tiếng nói của đôi ba người gì đó “anh vào đi”, “em vào trước đi”…Tôi nghe lành lạnh người; hình như có ai đang đứng trước mặt tôi và cất tiếng hỏi “ Tại sao việc các anh đã hứa mà không làm? Cũng chẳng nghe các anh cáo lỗi gì cả”. Tôi kể lại việc này và bàn với anh em sẽ làm lễ cúng tất niên vào ngày 27 tháng Chạp. Oái ăm thay, ngày đó khách đến viếng cũng rất đông nên kế hoạch đành phải hoãn lại. Tôi chưa kịp thắp hương cáo lỗi liệt sĩ thì tối hôm đó sự việc lại lặp lại như hôm qua. Tôi quyết định bằng bất cứ giá nào cũng phải tổ chức lễ tất niên vào hôm sau là 28 tháng Chạp. Làm lễ xong chúng tôi thấy thanh thản nhẹ nhàng vì không còn bị các anh chị liệt sĩ linh thiêng “nhắc nhở” nữa…
- Qua những câu chuyện có thể nói là vô cùng huyền diệu đó anh nghĩ gì? Tôi hỏi.
- Trước hết, tôi nghĩ: với các liệt sĩ mình đã hứa điều gì thì phải làm đúng như thế - Anh Ái xúc động nói - Phải thành tâm. Các anh, các chị đã hy sinh vì Tổ Quốc thì đâu cần phải mâm cao cỗ đầy mới thỏa mãn. Các liệt sĩ chỉ cần cái Tâm trong sáng của người sống, cần sự ân nghĩa đầy đặn trung thực của chúng ta…
Những sự việc như anh Hồ Tất Ái kể, dù kỳ lạ đến mấy rồi sẽ có lúc người ta lý giải được dưới ánh sáng khoa học. Nhưng, theo tôi đây là vấn đề tâm linh, vì vậy trước hết nó phải được soi sáng dưới góc độ văn hóa, truyền thống, đạo lý, tín ngưỡng, tình cảm của dân tộc. Dân tộc ta vẫn huyền thoại hóa những anh hùng, những người có công với đất nước. Các liệt sĩ của chúng ta đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ Quốc, vì cuộc sống hòa bình của nhân dân rất xứng đáng đi vào cõi bất tử thiêng liêng. Nghĩa là, các anh các chị vẫn sống giữa chúng ta. Mãi mãi.
|