Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê xứ Nghệ. Trong ký ức của mình, mỗi độ xuân về, mưa xuân bay man mác (như hôm nay ở Hà Nội này…), có một hình ảnh mà tôi rất nhớ là hình ảnh hoa xoan, loài hoa đặc thù của nông thôn, với những chùm hoa tím biếc, nở nhạt nhòa lẫn với màu mưa…
Bây giờ sau bao năm sống ở Hà Nội, chỉ có mùi hương hoa sữa là đặc trưng, thỉnh thoảng vẫn nhớ về hoa xoan da diết, nhất là những lúc mệt mỏi, buồn bã, dường như đó chính là tâm trạng của tuổi già hôm nay đang khao khát sống lại với tuổi thơ đã lùi xa tít tắp…
Ảnh minh họa Internet
Phải nói là tôi đã vô cùng thích thú khi cuối cùng cũng tìm ra được cái đầu đề cho bài viết này, một bài viết mà ngay lúc này đây, khi màn hình vi tính trước mắt tôi còn trắng tinh chưa có một dòng một chữ, thì tôi đã biết rằng đây sẽ là những dòng lang thang tùy hứng, tùy hứng như khi ta nhắm mắt lại để mặc cho kỷ niệm kéo ta về giữa một biển thời gian mênh mông tít tắp – cái biển có tên là Quê Hương và Mùa Xuân.
Vâng, một cái tên không thể đúng chỗ hơn.
Là bởi vì, trong tôi không biết tự bao giờ, mùa xuân của làng quê Việt Nam đã luôn khoác tấm áo màu hoa xoan. Đó là loài hoa mỗi độ xuân về vẫn nở thành những ngù trăng trắng và tím biếc suốt dọc những con đường và những mảnh vườn quê, bạt ngàn như mây bay, mơ màng như sương khói. Đó là loài hoa như sinh ra cùng với mưa bụi, luôn lẫn vào mưa bụi, như một cặp song sinh diễm lệ dưới đất và trên trời, để cùng nhau tạo nên bức tranh quê đẹp đến não nùng, đã hút hồn bao nhiêu thi nhân mặc khách.
Chẳng hạn, một nữ thi sĩ Anh Thơ:
Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.
“Hoa tím rụng tơi bời”, một hình ảnh đẹp và hiện đại đến kinh ngạc. Còn với Nguyễn Bính, thi sĩ của đồng quê Việt Nam, thì đúng là “thôi rồi Lượm ơi”, hoa xoan không chỉ là chứng nhân mà còn tham gia cả vào tâm thế của những chàng trai cô gái Việt như một nhân vật của những câu chuyện tình diễn ra trong tiết “mưa xuân”, từ lúc khởi đầu:
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Cho đến khi kết thúc:
Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Từ “rụng vơi đầy” đến “nát dưới chân giày”, những cánh hoa xoan đã được nhà thơ mượn để nói hộ lòng người. Những bông hoa không còn là hoa nữa, chúng đã thành một phần máu thịt của cuộc sống thôn quê, đã biết chia xẻ buồn vui với con người như một người bạn tâm giao.
Chưa hết, trong thơ của chàng thi sĩ - chiến sĩ của thời chống Mỹ Lưu Quang Vũ, cô gái hậu phương trong lời nhắn “gửi tới các anh”, tức những anh bộ đội đã một lần ghé qua quê hương cô trước khi lên đường đánh giặc, cũng lại mượn đến hình ảnh của loài cây đầy tình đầy nghĩa này:
Dãy xoan các anh trồng, vòm lá mướt
Nhành cao nhành thấp
Nhắc các anh hoài…
Và:
Ngày mai tan giặc Mỹ
Các anh về quê em
Xoan xưa đã lớn, lá biếc cành chen
Đón mừng chiến sĩ…
Quả thật, cũng như hoa sữa với người Hà Nội, hoa xoan là nét quê kiểng đặc thù không thể lẫn của nông thôn Việt Nam, đặc biệt là Miền Bắc và Miền Trung. Và nét riêng ấy lại luôn gắn với mùa xuân, với tuổi thơ và tuổi trẻ, với đình đám hội hè…, nghĩa là gắn với những gì ám ảnh nhất mà ta vẫn mang theo suốt cuộc đời. Với tôi, ấn tượng về hình ảnh và mùi hương của hoa xoan mạnh mẽ và bền bỉ đến nỗi tôi đã để mặc cho nó tràn vào trong thơ như một nỗi ám ảnh thường xuyên.
Đó là khi tôi viết về một con đường mòn vốn có từ bao đời ở sau nhà mình và cố hình dung về một thời xa lắc xa lơ, cái thời mà đến… người sinh ra mình cũng chưa ra đời:
Đường chứng kiến mối tình ông bà nội
Có hoa xoan, hoa khế rụng trên đầu
Nhịp trống chèo tha thướt thắt lưng nâu…
Trải qua không biết mấy đời mấy kiếp, đến lượt mình mở mắt ra chào đời thì những bờ xoan đã có ở đấy rồi. Và một trong những trò chơi thuở ấu thơ của chính tôi là nhặt những đài xoan rụng về, lấy sợi chỉ xâu thành “chuỗi cườm hoa xoan” để tự quàng lên cổ, cái chuỗi cườm mà sau này sẽ thành nhan đề của một trong những bài thơ đầu tiên của tôi được đăng báo:
Em nâng niu chuỗi cườm
Bàn tay em ngát thơm
Đêm nằm ôm hoa ngủ
Trong mơ hoa chập chờn…
(“Chuỗi cườm hoa xoan”, Báo Thiếu niên tiền phong, 1965.)
Không chỉ dành trọn một bài thơ về hoa xoan cho tuổi thiếu nhi, ngay trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, thậm chí khi tôi còn chưa nhập ngũ, một lần nữa tôi lại mượn hình ảnh hoa xoan để chở mối ân tình sâu nặng của những người lính với người mẹ ruột rà ở hậu phương:
Ta lại nhận ra giữa muôn trùng hoa lá
Cái mùi hương thân thuộc những mùa xoan
Chiều quê hương mưa xuân bay bạt ngàn
Nối sắc hoa xoan nhòa vào mây biếc
Đợi chờ ai xoan lâm râm đầu bạc
Phơ phơ như tóc mẹ già ta…
Tôi còn nhờ cậy đến hoa xoan bất cứ nơi nào cần thiết và có thể, như một nỗi nhớ nhung thường trực mà tôi đem rải rắc suốt những nẻo đường ra trận:
Từ tím hoa xoan tới gặp tím hoa cà
Đất nước nở hoa suốt mùa đánh giặc…
Tôi đã nói quá nhiều về những ngày đánh giặc. Quả vậy, đất nước đã dâng hết ba mươi mùa hoa cho lớp lớp những người đi chiến đấu. Nhưng nhờ thế mà giờ đây, đã đến lúc đất nước sẽ giành trọn ba trăm, ba ngàn hay ba vạn… mùa hoa còn đẹp hơn thế nữa cho những thế hệ con dân Việt Nam đang ngày đêm tiếp bước cha anh, ra sức dựng xây và bảo vệ cuộc sống ấm no và hạnh phúc trong độc lập, tự do trên mảnh đất này.
Và hôm nay, cùng với mùa xuân, một mùa xoan mới lại nở hoa trên khắp các nẻo đường quê nước Việt. Lúc này đây, một ý nghĩ vui vui chợt lóe lên trong đầu tôi: Ai thế nhỉ, ai là người đầu tiên đã khéo đặt cho loài hoa của mùa Xuân này cái tên Hoa Xoan dịu dàng đến thế?… Để từ đó đã bao đời nay trong kho tàng Tiếng Việt của chúng ta có thêm một mối giao tình tri kỷ giữa những cô gái “mặt trái xoan” và những chàng trai “ba mươi tuổi đang xoan”...
Vâng, Xoan và Xuân, Xuân và Xoan, cái điệp khúc nào cứ ríu rít bên tai tôi giữa sáng xuân này. Một sự gần gũi tình cờ hay là một trò đùa hữu ý? Thôi thì cứ xem như là một cái cơ duyên, cái cơ duyên giữa cuộc đời này và cái cách ta bày tỏ lòng yêu mến nó.
Vâng, với tôi, Mùa Xuân là cả một Mùa Xoan.
|