Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 23/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  Truyện ngắn KIỀU MINH NGỌC: CHÚ CỌT Truyện ngắn KIỀU MINH NGỌC: CHÚ CỌT , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, đám mây, chạng vạng, cây, ngoài trời và thiên nhiênNgày xửa ngày xưa, ở làng nọ có một người đàn ông bị trời bắt làm câm nhưng không cho làm điếc… Dáng người vạm vỡ, đôi mắt tinh anh, tấm lòng đôn hậu. Cọt là tên hiệu, Sỹ Trinh tên húy, cha mẹ mất sớm, chú ở với vợ chồng người anh trong cái chái bếp lợp rạ, dưới gốc cây ổi cạnh giếng Bờ Re… Sau những buổi đào gốc, đốn củi giúp đỡ mọi người… Những đêm hè trăng thanh gió mát, chú ngồi trên chõng tre, dưới ánh trăng đang ưỡn ẹo đang mơn trớn trên mấy tàu lá chuối… Nhìn ra, thấy các cô thôn nữ tắm tiên, ghẹo nhau cười chí chóe… Bóng người gần xa, khi tỏ khi mờ… Lòng dạ chú nôn nao, nỗi cô đơn tràn ngập. Chú thở dài não nề buồn cho kiếp người, tạo hóa bất công... Ngày xửa ngày xưa… chưa lâu lắm đâu… Ai muốn nghe thì nghe, ai không nghe thì thôi… Thì tôi không kể nữa.

Trưa, trời nắng như đổ lửa, một, hai, ba, bốn chiếc xe cải tiến chở vôi từ Quỳnh Hậu về. Mấy người đang trút xuống vũng của nhà cu Tư. Khói bốc lên nghi ngút… Miếng ván bắc qua bám đầy bùn, nghiêng bên nọ lật bên kia. Chú Cọt cầm cái cào quai đứng chênh vênh ở giữa, vôi dưới vũng sôi lên sùng sục. Bọn trẻ con xung quanh reo hò, thỉnh thoảng lại lấy trộm một cục ném xuống, cho nó xì khói. Bóng chú khi mờ khi tỏ dưới làn hơi vôi, vẫn giáng từng nhát. Bỗng… rắc một cái, miếng ván chùn xuống gãy cái.. rầm! Cả người chú và cái cào quai rơi tõm xuống, như con tôm bị ném vào nồi nước sôi… Ua làng ơi….! Ua làng ơi…! Anh mô anh nấy đứng trên bờ mặt mày tái dại, bọn trẻ khiếp đen im bặt. Chú quằn quại, kêu la vùng vẫy. Đám người đứng xung quanh hốt hoảng chưa biết làm gì, thì chú đã búng người nhảy ra khỏi vũng vôi lăn sang vạt ruộng. Trời ơi !… nóng… nóng..! Đám trẻ kêu lên. Chú trằn bên này, vật bên kia như con trâu đằm, da thịt chú bốc khói.
Bọn trẻ xóm Chợ lớn lên đã thấy chú Cọt lừng lửng xách dao nhọn, khi thì cầm cái sào treo mấy cái bong bóng trâu đi qua nhà.
Mỗi khi có đứa nào khóc, mẹ lại dọa… Nín đi, không chú Cọt bắt tề… là im thin thít.

Câm bẩm sinh, chàng Thạch Sanh trong đời thực ngày ngày khoác áo lên vai, vác xẻng, vác dao đi giúp đỡ mọi người. Chú làm việc vì mọi người nhiều hơn chàng Thạch Sanh. Chú Cọt ơi! sao chú chẳng chém trăn tinh để lấy công chúa Quỳnh Nga mà làm phò mã, mà chú chỉ chém lợn, đâm trâu. Cung mệnh của chú chắc được ông trời đặt vào chùm sao xấu. Nếu không chàng Thạch Sanh trong cổ tích làm sao sánh nổi. Nhưng chú có phần may mắn hơn, xóm Chợ nhà chú, không có bóng ma lởn vởn của người anh em kết nghĩa Lý Thông... Xóm chợ vẫn thế, láu cá, khôi hài và đầy nghĩa khí. Khi cần có thể “Đá sắn Động Chền, lăn dưa hợp tác , nấu rượu lậu làm bún gian”, nhưng sống thật có tình.
Một thằng nhóc con chơi thân với chú, đến bây giờ hắn vẫn không lý giải được tại sao lại có một tình bạn kỳ lạ đến thế, giữa một đứa trẻ và một người câm lớn tuổi. Một tình bạn đầy mâu thuẫn nhưng cũng thật nhiều thi vị.

Năm nào cũng thế, cứ tờ mờ sáng, ngày 29 tết, tiếng lợn kêu trâu ọ, tiếng chảo khua, tiếng người la hét từ hướng sân đội, hòa vào những bài hát mùa Xuân đang phát qua loa kim. Ôi! Buổi sáng thật rộn ràng, âm thanh giai điệu quyện vào nhau, háo hức thúc giục, nó làm cho trẻ thơ nhảy chân sáo, người già mỉm cười rít thuốc lào khoan khoái trong tiết trời se lạnh…Các bà các mẹ phấn khởi nôn nao chuẩn bị bếp núc. Giai điệu của no ấm của mùa Xuân đang về. Bọn trẻ hết chạy chỗ nọ xem đâm tiết lại quay về nơi cạo lông mổ bụng, đứa nào đứa nấy nhảy như choi choi. Sướng nhất lúc chú Cọt vung tay dùng búa tạ như Triệu Tử Long vung đao đập vào đầu trâu. Con trâu già nua quằn quại, trông nó ang ác thế nào ấy nhưng vẫn là cảm giác mạnh của sự tỷ thí chém giết, chết chóc. Mấy ông làm thịt cãi nhau, phùng mang trợn mắt như sắp đập chắc đến nơi. Sân đội ồn ào nhốn nháo như vỡ chợ, bọn con nít xóm hắn hò reo inh ỏi, chỉ thích những trò mạo hiểm.
Gần trưa, chúng túm bu xung quanh các phản thịt lót lá chuối, những con lợn nằm phanh thây trên đấy. Đứa nào đứa nấy lăm lăm giật cái bong bóng lợn, để về vò với tro bếp thổi lên làm quả ban. Chú mằn tay một lúc, túm lấy cuống cắt xoẹt một cái, đảo mắt một vòng. Cả bầy con nít giơ tay nhao nhao. Nhìn thấy hắn… E!... Hắn cầm lấy chạy một mạch về nhà, mấy đứa khác chạy theo kêu la thích thú.
Mấy người làm lòng ở ao chùa, cái thứ cao lương mỹ vị này. Khi đưa ra khỏi sân kho phải có lực lượng tinh nhuệ canh gác cẩn mật như bảo vệ thùng phiếu bầu cử Tổng thống bên Mỹ, mà giờ vẫn thấy trên ti vi. Thế mà chú với mấy bác đồ tể làng nhanh tay lẹ mắt, thần thông hô biến. Khi thì đống rơm có bộ phận tiêu hóa của lợn, bụi lau cù được ghép gan trâu. Nên thực ra cái anh khoa học thường thức trong sách giáo khoa cô giáo đã dạy cho bọn trẻ… sai bét. Nói, phải có một quả gan nguyên lành, một bộ tiêu hóa hoàn chỉnh thì động vật mới sống. Thực ra chỉ cần hai phần ba quả gan, tám mươi phần trăm bộ tiêu hóa là chúng đã sống nhăn rồi.

Tối đến khi thấy binh tình yên ắng, người qua lại thưa thớt, ngó thấy ông chắt Lo choàng cái áo bạt, xách cái đèn bão, e hèm đánh tiếng đi qua, chú vẫy tay vời hắn, cười cười… Cha mi chập mặt... Kéo hắn đi về phía bụi lau cù cạnh ao chùa gần nhà cụ Mão. Đã chuẩn bị sẵn một cái chậu thau. Tất cả được dồn vào đấy, theo hướng giếng Bờ Re. Chú cháu hắn như những con mèo hoang biến vào màn đêm, nhảy về cái chái bếp lợp rạ trét đất xiêu xiêu (gia tài của mẹ để lại cho anh). Đây là vương quốc của chú. Bạn đã nghe người câm hát và thổi sáo bao giờ chưa. Chú huýt sáo e e e, vừa hát, như lời bài hát nổi lửa lên em. Giai điệu thật tự hào, tươi sáng thiết tha. Trong ánh lửa chú thật oai phong, gương mặt cương nghị có chút ranh mãnh ngời lên hồng hào, khí phách đến lạ. Kéo phên rạ cùn che cửa lại, lòng trong niêu đất đã chín, khói bốc lên, mùi thơm nồng nàn, hay nói đúng hơn vẫn còn tý hương… c…ứ…t, thoang thoảng (mà Nòng nợn phải thế, phải có cái mùi quốc hồn quốc túy, bản sắc văn hóa ẩm thực dân tộc này, thì nó mới ngon, mới bổ lắm thay). Chú cắt một phần treo lên gác bếp, phần còn lại hai chú cháu dùng tay chấm ruốc hôi tọng vào mồm ngấu nghiến.
Cũng chẳng có ai tranh giành gì với chú, vậy nên chú là người tự cho mình cái đặc quyền. Một trăm phần trăm bong bóng trâu, sau mỗi lần làm thịt lễ tết là của chú. Nó phải thuộc về chú. Cái thời rượu là hàng quốc cấm nên rượu lậu phải được đựng trong những chiếc can đặc biệt, phải thích ứng như làm ảo thuật, khắc xuất khắc nhập (gấp lại bằng bàn tay, xòe ra đổ vào phải được bốn năm lít rượu). Mà rượu bỏ trong bong bóng trâu nó có vị ngon mơ màng, tạo cho người uống rơi vào trạng thái ngọt ngào đê mê. Trước mắt như hiện ra ra… đoàn người lầm lũi đi qua sa mạc, nóng bỏng sắp chết khát, gặp được dòng nước mát. Mấy mẹ Hạ Lăng, Cầm Trường, Thanh Dạ rất khoái loại này nên hàng của chú, thường là bán rất chạy. Thương hiệu độc quyền... Văn Cọt!

Sáng nay, chú đào ao cho bác Vũ là người có chức sắc trong làng, chú làm quần quật… Mồ hôi mồ kê như tắm. Một mình chú làm bằng ba bốn thằng thanh niên sưa sườn. Cái ao nhà bác Vũ mới đào một ngày mà đã lút đầu con nít. Chiều tối khi đã cơm no rượu say, chú lại chập chù chập đi về phía nhà hắn. Nằm gác chân lên cửa sổ để hưởng gió nồm, ra hiệu như kể về chiến tranh, về tình yêu bằng tiếng e e e và ngôn ngữ tay chân. Thỉnh thoảng hứng lên lại Chập chù chập… chập chù chập… chù chù chù chập chập, rồi o e như khóc lóc thảm thiết. Chắc chú khóc cho sự cô đơn, bế tắc buồn tẻ, thân phận kiếp người. Một lúc lại ra hiệu, chỉ trỏ bốc không khí cho vào mồm. Chú chê, nhà nó cho ăn không ngon bằng nhà mày, lại nghiến răng đưa nắm đấm lên quai hàm… như muốn nói từ nay đếch làm cho nhà nó nữa. Ú ớ một lúc đã ngáy khò khò.
Chú làm không từ việc gì, đào huyệt, bốc mả sang tiểu, quấn chiếu chôn cất những hài nhi xấu số… Ai trong xóm ốm đau, đẻ đái trong cơn thập tử nhất sinh, cho lên võng đưa đi nhà thương thì bao giờ đầu bên kia cánh võng cũng là chú. Làm nhà, đào đất cất gỗ, đóng sò, đào giếng, vác đá, tôi vôi… việc gì nặng việc gì khó có tay chú. Không tính toán hơn thiệt, không lấy tiền công bao giờ, chỉ cần ngày ba bữa no say. Buổi sáng có chục bánh mướt bà Cường hoặc Hoe Lập nữa thì còn gì để nói.

Trưa chú nằm ngủ trên chõng, hắn và mấy thằng lấy ruốc quệt vào trong lỗ mũi, rồi lấy đọt lá tre đưa qua đưa lại trên mặt chú, tưởng ruồi bu, tát cái bẹt! nổ đóm đóm mắt. Thức dậy cứ đi đi lại lại, có ý tìm kiếm xem hũ ruốc con nhà ai vương vãi… Thấy mấy thằng mất dạy cười lăn cười lộn, chú đưa tay lên mũi, nghiến răng… Cha mi chập mặt. Tiện tay cầm cái điếu, rượt bọn hắn chạy khắp nhà.
Xóm Chợ rộ lên phong trào đi buôn rau muống lên Nghĩa Đàn. Chú cũng hăng hái tham gia. Rau muống gánh lên, mít, sắn gánh về, ra chợ ngồi chạng háng bán, lời lắm. Thỉnh thoảng đi qua lại ném cho hắn mấy múi mít, ngày đó hiếm, chén luôn cả xơ, hột thì cho vào bếp nướng, bùi đáo để. Nghỉ Hè, hắn xin đi cùng thì đừng hòng. Lạ thật, hình như chú thấm nhuần câu thành ngữ “Thà cho vàng chứ không chỉ đàng đi buôn”. Hắn còn nhỏ biết buôn bán gì, nhưng chưa biết Nghĩa Đàn xin đi theo, thế mà không cho là không cho.

Một bữa, xã Sơn Hải mời xã Quỳnh Đôi giao hữu bóng đá, mà Sơn Hải đá hay đập chắc lắm, dân làng Quỳnh hiền, ít khi gây sự trên sân. Không biết sao, lần đó họ mời xuống trước một ngày để giao lưu chiêu đãi trọng thể. Rủ mấy thằng bạn, không thằng nào chịu bỏ học. Chán đời, hắn mò xuống nhà chú. O e một hồi chú cũng hiểu ra. Cũng là dân ham bóng với nhau nên gật đầu e e lia lịa. Sáng sớm hắn đến nhà chú. Chú lôi trong bọc ni lông ở đầu chõng ra một bộ quần áo bà ba màu tím mới nhuộm ngoài chợ (khi mặc vào, mồ hôi ra thuốc nhuộm bám tím người). Lấy lược chải tóc cẩn thận, đội nón lên. Hai chú cháu tắt qua Thượng Yên, Hạ Lăng, Quỳnh Ngọc. Xuống đến chợ Ngò cũng vừa tới giờ trưa, bụng đã đói cồn cào. Chợ Ngò họp bên sông gần cái cầu gì đó. Lần đầu được vào chợ Ngò có cảm giác nó hơn hẳn chợ Nồi về hàng hóa và các món bánh. Theo chú vào đến hàng bánh, không biết là bánh gì nhưng chính xác là hắn thấy có cả tôm và giá, bọc lại sau đó mới cho vào chảo rán. Thấy chú mua hai cái, chắc mẩm kiểu gì mình chả có một cái. Chờ mãi, chú ăn hết cái thứ nhất rồi đến cái thứ hai… những cọng giá và nửa con tôm béo, ngậy thơm lừng từ từ biến mất sau hai hàm răng sắc nhọn của chú. Hắn đứng ngây người không hiểu điều gì đang xẩy ra, lủm bủm chửi thầm: Đồ tham! Có những điều tưởng như cao siêu triết lý mới giải thích được, nhưng lại vô cùng đơn giản. Khi lớn lên hắn mới hiểu, trạng thái tâm lý của hoàn cảnh đó. Tính Phật của chú đã bị tính người che mất, thời điểm đó dây thần kinh thảo ăn của chú bị mo ve mất điện. Hay, chú đã cố tình dạy cho hắn bài học về sự sòng phẳng. Để sau này lớn lên trên đường đời, hắn ý thức được điều đó mà áp dụng. Hãy biết im lặng, câm mồm trước những gì không phải của mình, không thuộc về mình… Ngu ạ, Con người ta ai chả có những lúc tham ăn tục uống, thần kinh chập mạch.

Chú ăn xong lấy tay quẹt ngang mồm, đá nhẹ vào chân hắn, ra hiệu… Đi! Lượn mãi, gặp ai cũng khua chân làm hiệu. Cuối cùng cũng đến được sân vận động. Từ xa đã thấy câu khẩu hiệu to đùng: “SƠN HẢI, QUỲNH ĐÔI - ĐOÀN KẾT, ĐOÀN KẾT, ĐẠI ĐOÀN KẾT”. Hắn nhỏ nhưng đoán được xã này đá ban hay nóng nảy, đụng tý là… “Đập chiết cha hắn đi”, vác cả dao rượt cầu thủ, nên mấy xã khác có mời, có rải thảm cũng không dám đến. Chỉ có Quỳnh Đôi là dẹ tính, tinh thần thể thao cao thượng nên mới nhận lời. Câu khẩu hiệu phấp phới giữa hai cái sào như nhắc nhở như răn đe, nhìn mà xúc động.
Thấy có khán giả đặc biệt một nhỏ mặc quần thủng đít, tóc quăn tít đỏ quạch, một câm áo bà ba tím đến… Oa trời! (như bọn trẻ bây giờ hay nói… Phen cuồng xuất hiện). Chú cháu vô ăn đi! vô ăn đi! (bố hắn gần như là trưởng đoàn nên con cái được ưu tiên là cái chắc, cụ thể trong trường hợp này rõ chú là dân ăn theo). Làm bữa cơm đoàn kết với các quan chức và cầu thủ thân quen hai bên. Trên mâm đầy cá thu, thịt lợn. Ai cũng gắp cho hai vị khách quý, chú cũng hưởng xái một bữa no nê. Đảo mắt lườm, nghĩ đến cái bánh, hắn lại ấm ức, không muốn theo chú nữa.

Chiều, khán giả làng Quỳnh xuống bằng xe đạp. Trận đấu bắt đầu, Sơn Hải giao bóng trước, áp dụng chiến thuật lấy thịt đè người, chủ yếu rót bóng vào khu vực trung lộ, để xô đẩy tét đầu. Sau một hồi thực hiện chiến thuật đỉa bám đít tru ruồi bu đuôi ngựa, chạy hùng hục như tru húc mả, như tranh giải bát cơm quả trứng, đũa dựng có lông. Cu Ngụ hậu vệ thòng cướp được bóng, chuyền lên cho cu Kỷ. Cu kỷ rê bóng ra biên phải. Bên kia cục gió cu Tiến đi dày cao cổ, chân vòng kiềng cũng đã di chuyển không bóng lôi kéo đối phương, ba bốn cái áo vàng vào vàng lao vào. Cu Kỷ đánh gót lại cho cu Ân. Cách gôn khoảng hai mươi thước, thấy rảnh chân cu Ân nghiến răng… bằm phát, bay lên trời. Chú đứng dậy như Ro se mâu ri nhô của Man chết toi, à quên, Man chét tơ u nen tích bây giờ. Cũng chỉ trỏ khua chân múa tay chỉ đạo át cả tiếng của Cai Đục, Chiên Nhấn… Quỳnh Đôi được hưởng một quả đá phạt ở khu vực giữa sân, thằng hậu vệ theo kèm Cu Kỷ bám dai như đỉa, ức chế vì không có bóng… Số 4 của Sơn Hải di chuyển thụt lùi, ra dáng được đào tạo cơ bản… Cu Kỷ khom lưng gần sát đất, số 4 lùi nhanh không để ý phía sau va phải cu Kỷ bổ cái bật ngửa, định nhảy vào xô xát với đối phương. Khán giả Sơn Hải nhao nhao: Đập chiết cha hắn đi! Trọng tài và ban tổ chức can ngăn mãi. May mà thấm nhuần câu khẩu hiệu, hai nữa cầu Quỳnh Đôi cũng hiền lành nên ẩu đả đã không xẩy ra. Hú hồn! Chập ban đá lại. Quỳnh đôi có hàng tiền vệ kỹ thuật, ban bật chọc khe nhuần nhuyễn, mở tỷ số dẫn trước hai bàn. Không chịu thua mất mặt trên sân nhà, Sơn Hải ào lên tấn công với những đường chuyền xẻ nách, sau đó tạt bỏng vào khu vực cầu môn. Cu Hòa lóng ngóng đánh đầu phản lưới nhà. Tiếng hô dậy trời của khán giả Sơn Hải. Cầu thủ Quỳnh Đôi về cuối trận thế lực không còn đảm bảo (chắc là buổi trưa ăn no lại có chút rượu đỏ). Minh sói số 8 Sơn Hải (sau khoảng ba mươi năm gặp lại Minh sói tại Tây Nguyên, nhắc trận cầu năm nào, Minh Sói vẫn không quên vẫn nhớ hai khán giả đặc biệt) - dốc bóng một mạch từ giữa sân, cu Tiến phi cả hai chân vào cản bóng, nhưng hắn vượt qua, khi đến sát vòng 16m50, cu Trang hậu vệ biên trái ngáng chân, trọng tài thổi cái Tét, chỉ tay về phía khung thành Quỳnh Đôi. Hàng rào được giăng ra. Minh sói lấy đà sút thẳng vào góc cao, ban đi hơi liệng vì gió, cu Khang nhảy lên đầu ngón tay chạm vào ban nhưng do cú sút quá mạnh, ban đập vào xà ngang văng luôn vào gôn… Hòa. Khán giả Sơn Hải nhảy cửng lên, ném mạo nón lên trời. Khán giả Quỳnh Đôi ngồi im ôm mặt, không hiểu điều gì đang xẩy ra. Chú Cọt nhảy ra giữa sân chỉ trọng tài, ý nói bắt thiên vị. Mấy người vội kéo chú ra, chú sùi bọt mép hậm hực. Đối với chú và hắn lúc đó Làng Quỳnh chỉ thắng, không bao giờ được hòa và thua, một niềm tin mãnh liệt đầy chất bảo thủ.

Trận đấu kết thúc đầy kịch tính với tỷ số hòa 2-2, Sơn Hải hoan hỉ, người mô cũng chép miệng: Hay đơ… Hay đơ… Tại thằng số bảy, gần rứa mà sút không vô, đá như kẹc… Đá rứa mà cũng đá…Chư không choa thắng rồi... Khán giả Quỳnh Đôi im lặng rời sân, mau mau về kẻo tối.
Chiều xuống lại tắt đồng. Cái trò khi đi thì háo hức khi về thì uể oải, chú khỏe đi nhanh, hắn cứ tụt lại đàng sau, mặt trời đã lặn. Đi không được nữa vì mỏi chân, chú quay lại đưa nắm đấm lên quai hàm, ý nói: Cha mi chập mặt. Hắn đứng ỳ ra. Chú đi một đoạn, thấy hắn vẫn đứng. Cuối cùng chú cũng phải quay lại cõng hắn lên vai. Về đến gần đến giếng Re thì thả xuống cái phạch. Hắn chạy một mạch về nhà… buồn như cha chết.

Nhà đi mua hàng ở chợ Chiền, nửa đêm đã dậy kéo xe, đường quan khuya khoắt không một bóng người qua lại. Chú kéo xe, hắn và thằng anh nằm quấn bì co ro trên thùng, trời tối đen lạnh buốt. Đến đoạn Cung Quỳnh Văn, nghe cái cộc. Tỉnh dậy thấy chú dừng xe. Trời ơi! Trong bóng đêm mờ ảo là một xác người hình như bị tai nạn, hai anh em hắn run cầm cập. Chú bước đến gần, lấy ống bật, bật lên soi khắp nơi, vén cả răng xác chết… Mãi sau mới biết, chú coi có răng vàng không để bẻ.

Chiến tranh ác liệt, miền Nam vẫy gọi, chú cũng được điều đi dân công hỏa tuyến. Hơn năm gì đó thì hết hạn, về quê nhìn lạ hoắc, oai hẳn. Tác phong rất chi là huyện đội. Việc đầu tiên của chú là đóng đinh lên vách treo cái giấy khen to đùng: Đồng chí: Hồ Sỹ Trinh, quê quán…, đã có thành tích… o e khoe với mọi người. Lấy tay làm hiệu máy bay sà trên đầu, súng bắn ùng oàng.

Mấy ngày sau lại cùng bọn trẻ đi xuống nhà hoe Thụi để nghe ông Thụi nói tiếng Pháp. Oang xơ mít công soa, rồi liến thoắng giải thích tại sao Xít tờ ríc nin lại bắt tay ông Pê lê xi lin sát bờ sông bên lều cỏ, ở nước Phần Lan trong tấm tranh sơn dầu treo trên tường. Bay biết tại răng không, ông Pê lê xi lin túi qua cại chắc, tức quá tát ông Xít tờ ríc nin một cái, sáng ni ngủ dậy sớm, bắt tay xin lỗi. Lại bày cho bọn hắn: Lê siêng là chào ông. Gặp mấy ông già thằng mô thằng gập người, kính cẩn chào: Lê siêng.

Xóm hắn toàn dân đêu đểu, hay khôi hài phét lác. Hết chuyện trên trời dưới đất, xong thế giới đại chiến. Hồng quân Liên Xô có cả tập đoàn Xít đờ ca phóng vèo vèo như thế nào. Lại vòng về bún bà Cường sứt, rồi ai nằm lang với ai, đạp quần xuống ra răng. Làm vè trêu cố Quỵ lòi trê. Đi mô cũng nghêu ngao: “Cố Quỵ lòi trê quây lại mút, đít đỏ trê ra lấy áo chùi”. Đúng là quân mất dạy! - Cố Quỵ vừa chặt tre vừa chửi lẩm bẩm. Hắn cũng bị nhiễm tính cách đó từ lúc nào không biết. Duy chỉ có chú Cọt là người không bao giờ nói thành lời mà luôn luôn hành động. Cái triết lý: “Hạnh phúc là sự thỏa mãn của các lỗ tự nhiên” nếu đúng, thì chú là người không thực sự hạnh phúc, vì chú có một vài lỗ chưa được thỏa mãn. Những thằng lắm mồm toàn nói những điều to tát cao siêu thì ít làm, mà làm cũng chẳng ra cái gì, nhưng lại luôn đứng trên đầu người khác, suy cho cùng cũng là sự hợp lý. Một quốc gia mà cơ quan ngôn luận truyền thông yếu kém thì làm sao mà phát triển được. Người ta phải tuyên truyền tô vẽ, ít thì nói thành nhiều, nhiều nói thành ít, quảng bá hình ảnh, bày tỏ quan điểm. Thành ra chú, suốt đời trắng tay, trì trệ, cô đơn. Tạo hóa đã truyền cho chú triết lý sống “Không nói mà làm”, thật khác người thay. Trừ những khi tham ăn ra thì hắn chỉ nhìn thấy sự nhân ái tử tế đến lạ kỳ ở chú.

Chuyện vợ con chú cũng hay lắm. Anh em mai mối cho mấy O dở dở hâm hâm trong làng, chú không chịu, muốn người đẹp kìa. Kén cá chọn canh, cuối cùng chú vẫn là người đàn ông sạch, vẫn sống một đời thanh tân không bóng đàn bà.
Chỗ hắn, nhiều học giả trí thức, làm to khắp nơi nhưng bọn trẻ con không biết nhiều. Chỉ quan tâm bu xung quanh chú, tôn thờ là thần tượng về sức khỏe, về ăn khỏe và sự gánh vác chia sẻ khó khăn hoạn nạn với cộng đồng, với cái nhóm xã hội nghèo khổ mà hồn nhiên hoang dại.
Trong khốn khó con người nhiều khi chẳng cần âm thanh, chẳng cần lắm chuyện, họ xích lại gần nhau bằng cả tấm lòng, như một lẽ tự nhiên.
Gặp anh nào đi xa về, chú lại đưa hai bàn tay úp vào nhau dập lên dập xuống, ý muốn hỏi lần ni về có cưới vợ không… Ặc ặc...!. Thì ra, khi con người thủa hồng hoang ăn lông ở lỗ, chắc ra tín hiệu với nhau để “Ấy” cũng chỉ đơn gian thế thôi. Thằng Năm cò Yên, không biết chú đứng đàng sau, nói to với bọn hắn: Chú Cọt không có c…ạ.…c. Chú bước đến… Cha mi chập mặt… Rồi giơ cổ tay phải lên tay trái nắm lấy xoay xoay... Xeee..., Cha mi chập mặt.

...

Hơn một tháng sau cái trận bỏng vôi, nghe nói chú còn sống. Cái vũng vôi đã không giết được chú, chỉ làm cho chú đau đớn tột cùng về thể xác, nhưng tinh thần càng mạnh mẽ hơn . Trưa, bọn hắn đã tập trung ở nhà chú. Ngồi đó ánh mắt lờ đờ, cử chỉ của chú yếu đuối chậm chạp. Mùi tanh của da non, tiếng ruồi bay vo ve trên các vết sẹo loang lỗ. Mọi người đi ra đi vào. Bà chị dâu hết nói với người này người kia: May rứa đa, may rứa đa… Thời đại mới, nhiều thuốc, chứ ngày trước thì chết toi rồi. Bà quả trứng gà, nải chuối, chú bác láng giềng lô nếp làm quà. Một không khí thương yêu chia sẻ bao trùm lan tỏa trong căn nhà tranh ọp ẹp. Khoảng vài tháng gì đó, chú hồi phục, lại phăm phăm trên đường làng hướng về những nhà mẹ goá con côi… nhà neo người không đủ sức làm việc nặng. Lại như Triệu Tử Long vung đao trên sân đội khi tiễn trâu bò về chầu trời. Mà sao việc gì khó người ta cũng dành cho chú, có lẽ vì chú không biết từ chối, hay chú nghĩ đó là trách nhiệm là sứ mệnh của chú đối với cuộc đời này.

Trời tháng bảy, không biết con kiến nhà ai, nấu cơm củi lửa không cẩn thận. Đang buổi trưa lửa từ mái nhà tranh của cu Bi bốc lên rừng rực, những phên rạ cháy cuộn bay lên tả tơi trong gió. Tiếng kẻng hộ liên: Beng...beng…beng… Tiếng người la hét thất thanh. Người cầm thùng, kẻ cầm xô chậu, kiếm nước hắt vào té tát. Than lửa trên mái nhà rơi xuống, gạo thóc quần áo trong nhà đang bén lửa. Chú ở trần lao vào vác hết cái nọ, khuân hết cái kia đưa ra ngoài. Tàn lửa rơi trên vai trên đầu chú, mùi tóc cháy khét lẹt. Chú gầm lên o e khua tay chỉ huy người kia nhanh tay lên, người này lùi lại...
Lửa tắt, ngôi nhà cũng đã bị bà hỏa làm cho sập xuống, chỉ còn trơ phên đất lẹo vẹo. Chú đến chỗ vại nước nhà phó Bừa, thò đầu xuống, làm một hơi rồi lững thững đi về.

Bao nhiêu năm sau tình cờ gặp, chú ôm lấy hắn, rồi đưa tay ra hiệu thấp cao, ý nói mới ngày nào còn theo chú, mũi thò lò giờ đã lớn khôn. Chỉ vào ngôi nhà cũ, mắt rơm rớm nước. Nhìn về phương Nam xa xôi. Chú muốn nói rằng: Chúng mày tham vàng bỏ ngãi, sao nỡ bỏ quê hương mà đi biền biệt, không thấy ai trở về. Tao buồn lắm. Hắn thấy mình có lỗi với chú, cả tuổi thơ nghèo khó lam lũ. Con đường nào heo hút, nắng tháng bảy rám da, những đêm trường giá lạnh, chú cõng hắn trên vai. Bao nhiêu gian khổ nhọc nhằn, bom đạn chết chóc. Giáp hạt mất mùa, ngày ba tháng tám, đói cơm nhạt muối của gia đình hắn, chú là người chở che gánh vác. Lang thang xiêu bạt trên những nẻo đường đời, của kiếp tha hương, hắn đã lãng quên miền ký ức đẹp đẽ, quên đi một con NGƯỜI… Chú Cọt ơi !
Cả xóm Chợ hầu như nhà nào cũng chịu ơn chú, cả đời chẳng gây sự với ai. Tức cái gì cũng không nói được, chỉ biết lấy nắm đấm đưa lên quai hàm của mình mà Cha mi chập mặt. Cuộc đời chú cũng đủ cả tham- sân- si- hỷ- ái- nộ nhưng trên hết là những điều tốt đẹp, đức hy sinh và tấm lòng cao cả.
Xa quê, mỗi dịp tết đến không còn được nghe tiếng lợn kêu, âm thanh khí tết, chạnh buồn, chắc mùa Xuân chưa đến. Không bóng chú Cọt cầm dao nhọn đi qua nhà. Giêng hai không còn thấy góc chợ Nồi có chùm bong bóng trâu bay phấp phới. Không còn nghe tiếng Chập chù chập, chập chù chập tan vào không gian trong những đêm Hè yên ả.
Hắn nằm mơ thấy chú chết. Chú mặc bộ ba bà tím, vai choàng túi giống như hình đứa trẻ. Hay hành trang của kiếp người mà chú không đành bỏ lại. Cánh hạc về trời. Không một cánh đồng làng nào mang tên chú, cũng chẳng cần vương vấn trong trang sử làng quê. Người thuộc về xóm Chợ, thuộc về miền ký ức sâu thẳm của con trẻ và những mảnh đời lam lũ. Họ đã sống, đã gắn bó cùng nhau với bao ngọt bùi cay đắng. Trên mảnh đất thân yêu đã sinh ra chú, dòng người lặng lẽ rưng rưng, chậm chạp cất bước sau chiếc xe tang, tiễn chú về nơi xa xôi. Đất mẹ bao dung đón chú vào lòng.

Trong ráng chiều đỏ rực sau lũy tre làng, bầy chim vỡ tổ xác xao, từng chùm bong bóng trâu, bong bóng lợn muôn màu được thả ra từ tay của những vị Thần bác ái… Bay lên! Bay lên mãi./.


TPHCM, tháng 2/2017. KMN


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65114095

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July