Cứ khi mùa hè đến ở nơi phương xa nầy, một nước Đức có cuộc sống khá yên lặng, khuôn khổ với pháp luật cộng với bản chất của người bản xứ, tôi chợt nhớ về quê hương nhiều thật nhiều khi nghe tiếng gà gáy vào mỗi sáng của bà hàng xóm nuôi một đàn gà sát cạnh sau vườn nhà tôi . Tiếng gà "cục tác",tiếng gà gáy ò ó o đã kéo tôi trở về thời thơ ấu bên cha mẹ, anh em… thuở hàn vi. Nơi mà sau năm 1975, cuộc chiến tranh đã chấm dứt, căn nhà lá lúp xúp, chỉ có mỗi cái giường gỗ nhỏ dành cho Má tôi ngủ, anh chị em tôi ngủ bụi dưới nền nhà đất. Đó là vùng sông nước Hậu Giang, có tên gọi "Cái Tắc". Có lần bà hàng xóm sang nhà hỏi tôi: tiếng gà gáy có làm phiền gì đến tôi không? Tôi bật cười và bảo rằng: chẳng những không phiền mà tôi còn cảm thấy vui hơn và cảm ơn bà đã nuôi gà để tôi được nghe tiếng gà gáy như tiếng gọi của quê hương! Và từ đó, tôi lại được nhận những quả trứng gà của bà hàng xóm mang tặng. Ông xã tôi rất ngạc nhiên tại sao tôi lại có tốt phước như thế vì bà hàng xóm nầy ít khi giao tiếp với ai!
Tiếng gà gáy, có thể ở nơi quê nhà Việt Nam là điều bình thường, nhưng ở nơi phương trời Tây Âu này, tiếng gà gáy hay tiếng cục tác đối với tôi là một niềm vui, là chiếc cầu nối đưa tôi về ký ức tuổi thơ, với Má, với cây dừa, cây cóc, cây xoài, với những con đường làng trơn trợt mà tôi thường "chụp ếch" mỗi khi mùa mưa về. Mỗi mùa mùa lúa chín được Má tôi cho tiền các con sắm áo quần mới, riêng tôi, thì luôn được Má đặt may một bộ đồ bà ba quần đen áo lụa tím. Vì thế, cả đời tôi thích nhất chiếc áo màu tím yêu thương gắn bó với những kỷ niệm mà tôi không thể nào quên được.
Bây giờ, trời sang mùa Đông, cái lạnh giá buốt, chỉ nghe tiếng xe chạy xì xào ngoài phố, tôi không nghe tiếng gà gáy của bà hàng xóm, lòng thấy thật buồn, chỉ mong khi ông xã tôi thu xếp thời gian công việc thuận lợi để chúng tôi trở về quê tảo mộ Má, thăm gia đình người thân trong dịp Tết. Nhất là được nghe lại tiếng gà gáy rộn ràng trên quê hương, âm thanh bình thường, quen thuộc với mọi người ở Việt Nam, nhưng riêng tôi, đó là nỗi nhớ thương, mong chờ của một con người mang quốc tịch Đức, nhưng tâm hồn thì mãi của Việt Nam.
Ngọc Ẩn, kiều bào Đức
Nguồn UBVK TP Hồ Chí Minh
|