Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 23/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng: TÂY TẠNG XA XÔI VÀ HUYỀN BÍ (Tiếp theo) Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng: TÂY TẠNG XA XÔI VÀ HUYỀN BÍ (Tiếp theo) , Người xứ Nghệ Kiev
 

Thứ Năm 24/11/2016

TÂY TẠNG XA XÔI VÀ HUYỀN BÍ

(Tiếp theo)

“Những là lạ nước, lạ non”

Ra đón chúng tôi là những Lama hiền lành, có nụ cười và cái nhìn đôn hậu, trên mình khoác y phục Tây Tạng điển hình màu nâu thẫm

Những đoàn hành hương từ mọi nơi trước đây lên Golog phải mang theo túi ngủ, chăn và đồ chống rét, tá túc trong chùa, rất bất tiện và khó khăn trong sinh hoạt; còn chúng tôi được ưu ái ở trong nhà khách, bởi một lẽ, đoàn đã có mối liên hệ mật thiết với Thầy Hungkar Dorje Rinpoche, Đại Thiền sư cai quản Golog và hơn sáu trăm chùa chiền trong khu vực. Khi bước vào những căn phòng mới, có điện sáng và chăn sưởi ấm, cảm giác lo âu ám ảnh suốt dọc đường đi lập tức tan biến.

Sự mệt mỏi, hoa mắt như say rượu và tức ngực là chứng lâm sàng thường trực của bất cứ ai khi đặt chân tới đây. Ở độ cao xấp xỉ 4000 mét, không khí loãng, thiếu ôxy, hầu hết mọi người, đặc biệt là những ai luống tuổi, huyết áp đều tăng vọt. Ở miền xuôi, huyết áp của tôi tương đối ổn định, nhưng mới đặt chân đến Golog, cảm thấy chóng mặt, đau đầu, nhìn vào gương thấy mặt đỏ bừng bừng, tôi linh cảm ngay có một sự bất thường, đo huyết áp, chỉ số lên tới 170. Đi lại khật khưỡng, lảo đảo như người mất phương hướng, đầu óc mụ mị là những triệu chứng thường trực của tôi kéo dài trong suốt hai tuần lễ cư ngụ ở Golog.

Mỗi ngày, tôi phải dùng tới hai, có lúc ba bình ô xy để thở, phải liên tục uống thuốc hoạt huyết dưỡng não và đương nhiên mỗi buổi sáng phải dùng một viên hạ huyết áp.

Điều rất lạ, là ở Tây Tạng, đêm nào chúng tôi cũng có những giấc mơ kỳ quái, nặng nề, khi thì lạc vào một hang động, khi thì rơi vào một hoàn cảnh lạ lùng…Mà ai cũng như ai, luôn bị mộng mị ám ảnh. Có người giải thích là trên cao, không khí loãng, đêm lại càng loãng, huyết áp vọt lên cao, bị chìm đắm trong nhữngcơn mơ không có gì là lạ; có người bảo ở đây đất thiêng, thường bị các đấng, các bậc thăm hỏi. Sau mỗi đêm ngủ dậy, đầu óc nặng nề, mung lung và bị ám ảnh.

Buổi sáng rời khỏi nhà, mọi người đều phải mặc áo len, mang áo khoác và đội mũ, choàng khăn ấm, nếu không, những cơn ho kéo dài sẽ đến tức thì. Đang giữa mùa hè, nhưng nhiệt độ lúc tinh sương thường thường một đến hai độ dương, trên mái nhà băng đóng thành một lớp mỏng, khi mặt trời lên, bang tan, nước nhỏ tí tách từ trên mái xuống sân thành vũng. Những con chó lấm bê bết, suốt đêm nằm vật vờ bên vệ đường, lông phủ đầy bụi và ngước những đôi mắt đỏ hoe nhìn đám du khách ăn vận ấm áp như ghen tị.
Nhưng chỉ khoảng 11,12 giờ trưa , lúc mặt trời ngang đỉnh đầu, trời bắt đầu nắng rát, không khí oi nồng. Những làn hơi gió khô khốc thổi vào mặt khiến da như bị rộp. Các con đường đá đầy bụi, mỗi khi có xe chạy qua cuốn thành một tấm thảm màu đất mịt mù. Những chú chó hốc hác bất chấp bụi bặm, tìm thức ăn quanh nhóm người bản xứ lặng lẽ ngồi xổm trên những vạt cỏ, tay lần tràng hạt và quay kim luân.

Các buổi trưa, chúng tôi dự hội Phật trong căn nhà đại lễ rất lớn, không khí khô nóng hầm hập, ngột thở, chúng tôi phải dùng cả quyển kinh quạt lấy, quạt để, mặc dù vẫn biết động tác này bị coi là bất kính. Độ nóng Tây Tạng chưa chắc đã cao hơn vùng gió lào Xứ Nghệ, nhưng sự khô khốc của thạch địa dưới ánh mặt trời chang chang, xung quanh trơ trọi không một bóng cây xanh, tạo nên một cảm giác bức bối lạ thường.

Cái nóng giảm đột ngột khi mặt trời vừa khuất sau các rặng núi đá, không khí lập tức trở lạnh đến mức nhận thấy được từng phút. Lúc này, người ra đường lại phải nai nịt từ đầu đến chân như phải đối mặt với mùa đông rét mướt. Không có gió thì còn đỡ, nếu như có gió mạnh, hoặc lất phất mấy gọt mưa thì cái lạnh cộng với sự hoang vắng gợi nên một sự u minh và trống trải.

Nghe nói mùa đông ở đây khắc nghiệt lắm. Cái lạnh -30, 35 độ cộng với gió lục địa thì lạnh lên gấp hai lần. Tôi biết rất rõ điều ấy khi đến những vùng núi ở nước Nga như Ekaterinburg, Omxk, Chelyabinxk…

Dù được ưu tiên sống trong khu nhà khách mới làm xong, có điện, nước, có nhà vệ sinh, có bình ô xy dự trữ, có bình đun nước nóng…nhưng điều lạ lùng và bất tiện là cả nhà khách không có phòng tắm. Không phải nhà kiến trúc quên, mà cái sự ở đây là không ai tắm. Được phổ nếp tục này trước khi đi, nhưng đến đây, mục sở thị, tôi mới dám tin là thật. Khoản đồ dùng mang theo dự trữ ngoài bánh bích quy, bánh mỳ khô, gói bột ăn liền, thuốc thang đủ kiểu, thì bốn, năm cuộn khăn giấy ướt của Nga, cái vật dụng lau người thay cho động thái tắm rửa là hữu hiệu và cần thiết nhất. Mà có lẽ không lau người cũng không sao, vì khí hậu hanh, da khô như bìa, không có một chút mồ hôi, nên hầu như không có cảm giác bẩn và nhớp nháp. Cứ hai ngày thay một bộ quần áo, không thể giặt giũ, chúng tôi cho vào bao ni lông gói kín, chờ ngày về cho vào máy giặt một thể. Hôm rời Tây Tạng, mỗi người đóng một va ly đầy, trông có vẻ sang trọng và oai lắm, nhưng kỳ thực bên trong là chục bộ đồ dơ chưa giặt!

Đêm đến, chỉ một vài nơi như Bảo Tháp, Tu viện nơi Thiền sư ở và nhà khách là có điện, còn lại đều một màu tối đen u tịch. Nhìn qua cửa sổ, những đỉnh núi cao vút, trầm mặc hiện lên vốn đầy xa lạ và bí hiểm, lại càng bí hiểm hơn trong bóng tối, của một miền đất có độ cao bậc nhất thế giới.

Tôi vẫn giữ thói quen ăn chay khi ở Việt Nam và cả khi ở Matxcơva, nhưng mà là nhị chay, mỗi tháng hai lần, rằm và mồng một. Nhưng khi lên đây, tôi trải nghiệm nửa tháng ròng rã ăn rau củ. Nhà chùa rất tâm lý, đề nghị đầu bếp cố gắng lo cho chúng tôi có món ăn hợp khẩu vị, nhưng một phần vì ở cao, không khí loãng, áp suất thấp, nên dù các đầu bếp đã gắng gỏi hết sức mình, cơm hầu như nấu không chín được; các món rau củ, nấm mang từ dưới xuôi lên chế biến cũng chỉ luộc, hầm đơn điệu, nên chúng tôi đành lòng vậy, cầm lòng vậy, để tu và luyện. Những hôm dự lễ Phật, người ta mang đến phát sữa trâu Yak, được biết có nhiều dưỡng chất, nhưng vị hoi hoi của nó rất khó uống. Ngoài ra, món mỳ họ chế biến dành cho chúng tôi giống như quẩy, nhưng cho nhiều dầu và cứng; món bánh bao thì nhào nguyên từ bột nên rất rắn và khô, rất khó nuốt, có lẽ phải có nhiều thời gian lưu trú mới quen được.

Thế mà hai tuần liền, với những món chay ấy, chúng tôi vẫn tu tập đi qua tháng ngày để hòa nhập với thiên nhiên và con người Tây Tạng.

Nỗi khổ nhất đối với những người từ xứ sở internet lên đây là không có mạng. Mua sim 3 G, thậm chí là sim bình thường ngoài cửa hàng buộc phải làm đủ mọi thủ tục đăng ký nhiêu khê vì chính quyền Trung Quốc không mặn mà với chuyện người nước ngoài lên Tây Tạng trang bị các phương tiện nghe nhìn, nên mọi người chấp nhận bỏ cuộc. Ai nấy tưởng như phát cuồng lên vì không liên lạc được với người thân, không biết tin tức, không trao đổi được những thông tin cần thiết về sức khỏe, về công việc. May thay, một cao nhân trong đoàn giỏi tiếng Hoa, liên hệ được với một thầy thuốc người Tạng có người quen tại một cửa hàng ngoài phố lắp đặt wi-fi, cho phép chúng tôi nối mạng.

Cứ chập tối, mấy con nghiện internet trang bị áo xống chống lạnh, trong bóng đêm mịt mùng đứng dựa tường nhà của hàng lướt web, mặc xung quanh những đàn chó đói gầm gừ và gió hú rợn người quanh những sườn đồi hoang lạnh.

(Còn nữa)

Đọc phần I:

http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_361_91357.html


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65116087

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July