Tôi chuẩn bị đi Tây Tạng đúng và thời điểm Trung Quốc phá hủy tu viện lớn nhất thế giới Larung Gar. Những người bạn thân nhắn tin cho tôi, mong muốn tôi từ bỏ ý định hoặc chuyển sang một thời gian khác để tránh sự bất an, nhưng vì tôi đã nung nấu ước nguyện này vì việc riêng tư, bởi lẽ, vào đầu tháng tám này tại Golog có hơn một ngàn nhà sư hội Phật và trì chú, nên tôi không thể dừng lại. Sự thôi thúc mãnh liệt bên trong đã giúp tôi bỏ qua những lời can ngăn bội phần lo lắng của những người luôn dành cho tôi một sự quan tâm.
Buồn trông phong cảnh quê người…
21 giờ tối, tôi và nhóm bạn đồng hành rời sân bay Seremetievo trên chiếc Boing 735 của Hãng hàng không China west airport group trong một tâm trạng không vui, không buồn, đượm chút lo âu. Suốt đêm tôi hầu như không ngủ vì thoạt đầu mấy hành khách Trung Hoa bên cạnh nói chuyện to như cãi nhau ngoài chợ và sau khi câu chuyện xem chừng đã vãn, thì họ lại ngáy như kéo bễ, thành ra tôi là kẻ chịu trận liên hoàn trong chuyến bay quốc tế.
Xuống sân bay Vũ Hán mới hơn tám giờ sáng, nhưng trời nóng như đổ lửa, tôi có cảm tưởng như mình đang có mặt ở Quảng Trị hay Quảng Bình vào giữa mùa gió Lào cát trắng. Xung quanh dường như không một bóng cây, những dải đường băng chói lóa tỏa hơi nóng hầm hập. Quẳng đồ đạc lên chiếc xe điện do một cô nhân viên hàng không che khăn kín mặt cầm lái, chúng tôi chuyển sang sân bay nội địa, để sau sáu tiếng nữa sẽ bay đến Xining, thủ phủ tỉnh Thanh Hải.
Theo lời dặn dò của một nhà “khủng bố học” đã từng hành hương lên Tây Tạng vào năm trước, chúng tôi chuẩn bị một danh sách đồ đạc, hàng hóa đủ cho việc khai trương một cửa hàng: bánh kẹo, lương khô, đồ dùng cá nhân, đèn pin, dao kéo, thuốc chữa bệnh, áo mưa, áo len, áo khoác, khoảng chục bộ quần áo lót đủ để thay cho hai tuần …và dăm hộp khăn ướt nữa. Sở dĩ phải lo “toàn tập” như vậy vì một lẽ là ở Tây Tạng không thể tắm, chỉ thay quần áo và lau người, mọi việc xem hồi sau sẽ rõ. Và sự thật đã chứng minh rằng sự chuẩn bị chu đáo để có một chuyến đi xuôi chèo, mát mái là có lý.
Suốt sáu tiếng chờ đợi ở Vũ Hán, lúc đầu chúng tôi định bắt tắc xi làm một cuốc vào thành phố cách hơn bốn chục km, nhưng phần thì không thạo tiếng tăm, nhưng cái chính là không muốn đọa đày thân xác giữa cái nóng gần bốn chục độ, tôi dành thì giờ lượn lờ, ngó nghiêng khắp phòng đợi và khu dịch vụ sân bay. Vì tiếp xúc nhiều với dân Trung Hoa nên tôi cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên về đặc sản truyền thống ăn tự nhiên, nói thoải mái của họ. Chỉ có điều làm tôi bất ngờ là ở một sân bay tỉnh lẻ, nhưng thấy dân tình ăn vận gọn gàng, các cửa hàng trang trí đẹp mắt, khu vực vệ sinh rất sạch, và đặc biệt là luôn có nước uống miễn phí phục vụ hành khánh, tôi như thấy vợi đi một chút mệt mỏi và sáu tiếng chờ đợi cũng không đến nỗi lê thê như tôi tưởng.
Tôi đi tìm một chỗ bán sim điện thoại hoặc tìm cách nối mạng để gọi về Nga bằng viber, nhưng không thể. Các nhà an ninh mạng mẫn cán của Trung Hoa đã ngăn hết mối liên lạc ra thế giới.
Tôi đi khá nhiều lục địa, nhưng chưa thấy nơi nào kiểm tra an ninh chặt như các sân bay Trung Hoa. Họ bắt bỏ ra từ chiếc bật lửa, chiếc bấm móng tay, và khi bỏ giày ra, đi qua cổng kiểm tra tự động xong, họ còn kiểm tra bằng tay cẩn thận từng cm nữa. Nhưng ở Vũ Hán thì vẫn còn nhẹ nhàng, sau này qua Urumchi- Tân Cương, thì việc kiểm tra còn gắt gao hơn nữa, bởi vì đây là nơi cư trú của nhiều tộc và tôn giáo trong đó phần lớn là người Hán, đạo Hồi, Duy Ngô Nhĩ. Chính quyền Trung Hoa cẩn trọng một cách cần thiết trong tình hình không bình yên của các Khu tự trị, nhất là đối với các chuyến bay để tránh nguy cơ khủng bố.
Sau ba tiếng bay tiếp tục, chúng tôi đến Xining, thủ phủ của tỉnh Thanh Hải phía Tây Trung Hoa vào lúc chập tối. Thanh Hải là cửa ngõ của Tây Tạng, là điểm tập kết của du khách hành hương. Các khách sạn ở đây luôn kín chỗ, những người làm việc tại Lễ tân khách sạn đã không lạ lẫm gì với các quyển hộ chiếu màu xanh đu đủ của Việt Nam, màu nâu của Mỹ và một số nước mộ đạo Phật khác. Không còn thời gian để đi ngắm thành phố, chúng tôi vùi mình trong chăn, cố tìm một giấc ngủ sâu để chuẩn bị cho cuộc hành trình gần 600 km đường núi vào sáng hôm sau lên Tây Tạng
Các chuyến xe từ Xining - Tây Tạng buộc phải xuất phát từ sớm, thường là khoảng 6 giờ, để sau 12 tiếng trên đường, khi hoàng hôn xuống phải đến nơi, một mặt không được phép, mặt khác, không ai dám mạo hiểm chạy đường núi hiểm trở khi đêm xuống.
Đón chúng tôi là chiếc xe 18 chỗ ngồi đã đặt sẵn, tuy vẻ ngoài đã cũ nhưng tiếng máy nổ vẫn còn êm tai lắm. Tất cả hành lý cho vào thùng xe, những gì không chứa hết, chất lên nóc, được bọc lại bằng một tấm vải bạt to và ràng buộc rất cẩn thận đề phòng khi leo dốc, bị rơi xuống mặt đường.
Lái xe là một người gốc Hán, chạy tuyến đường này ít ra trên một chục năm, rất thiện nghệ và liều lĩnh. Có những đoạn cua tay áo, xe vẫn không giảm tốc độ, chiếc xe lệch hẳn một bên, hành khách xô về một phía tưởng chừng lao xuống vực, thế mà anh tài vẫn thản nhiên như không. Vào thập niên 70, 80 tôi đã từng lên Điện biên phủ, Phađin, Hát lót và vượt đèo 42 từ Hòa Bình lên Mộc Châu trên những đoạn đường gấp trơn trượt, chỉ có một làn xe, sương mù mịt mùng vây bủa. Hồi đó không tính hết bao nhiêu chiếc xe lật, bị mất lái rơi xuống núi và biết bao nhiêu vụ tai nạn thương tâm. Bây giờ dường như tôi lại trải nghiệm lại một lần nữa những cú sốc thót tim trên con đường thiên lý lên nóc nhà thế giới. Có những đoạn chỉ từ chân núi lên đỉnh để xuyên sang đèo, tôi tính được chín khúc gấp cua hình chữ chi; có những chỗ ngoặt khi xe cua xong, nhìn lại lại thấy mình chỉ cách con đường cũ đã qua phía dưới chừng mươi mét. Bốn bề là núi dựng đứng cao vút, rất, rất nhiều vách đá được bọc lưới thép 40 loại 6 ly từ chân núi lên để ngăn sạt lở. Các vỉa đường thường được đổ những tấm bê tông cao bốn, năm mét, dày vài mét, chắn bên những rãnh sâu thoát nước. Con đường nếu nhìn từ trên cao xuống giống như một con rắn khổng lồ, uốn thiên hình, vạn trạng qua núi, đồi, thung lũng, suối khe. Những chiếc cầu và đường ngầm xuyên núi quả là những kỳ công, vì chắc chắn những chi phí cho những công trình này phải gấp hàng chục lần miền duyên hải. Nếu sơ sơ tính chi phí mỗi km đường dăm triệu đô la thì con đường xuyên Tây Tạng, chính phủ Trung Hoa phải chi ra hàng chục tỷ. Càng gần đến Tây Tạng, đường càng xấu, ô tô phải chạy suốt bốn tiếng trên những đoạn đường đang sửa chữa, bụi mù mịt chỉ trông thấy công nhân và máy móc mờ mờ, ảo ảo.
Khung cảnh xung quanh trơ trọi, nhìn đâu cũng chỉ thấy núi đá màu gân gà che chắn tầm mắt. Cỏ cây cằn cỗi thưa thớt dưới cái nắng hanh khô, trên núi dường như không có lấy một cây nào đủ sức vươn lên chừng một mét, chỉ rặt một loại giống như sim mua lúp xúp chống lại cái nóng, cái hạn khô khắc nghiệt.
Trên sườn núi, có lúc dăm ba con, có lúc hàng đàn trâu Yak nhẫn nhục gặm cỏ với những đôi mắt to buồn rầu và chùm lông cổ, lông bụng rậm rạp. Không hiếm những đàn cừu, đàn dê nhập hội với trâu Yak phủ lên khung cảnh núi đá những chấm đen di động khẳng định sức sống giữa miền sơn cước. Những người chăn súc vật đầu trần với bộ quần áo dày phủ kín, xuất hiện cùng những con chó trên những cung đường thạch mạc càng gợi nên vẻ hiu quạnh, hoang sơ.
Sữa dê và sữa trâu là nguồn thực phẩm chủ yếu của người dân Tây Tạng. Còn rau xanh và cây quả hầu như không tồn tại giữa vùng đất khô hạn, mà phải chuyển từ dưới vùng xuôi lên cùng các nhu yếu phẩm.
Thỉnh thoảng trên bìa núi xuất hiện những ngôi nhà đất, hoặc nhà đá mái tôn thấp lè tè của cư dân Tây Tạng. Hầu như không có rào dậu gì, điều chứng tỏ ngôi lều có chủ nhân là ngọn khói phơ phất trên những mái nhà. Những đống phân súc vật lù lù cạnh ngôi nhà là tài sản thấy được, thứ của dành để đun nấu của dân Tây Tạng trong mùa đông khắc nghiệt.
Hình ảnh có màu sắc và rực rỡ nhất là những phong tháp cắm trên đỉnh núi trang điểm bằng hàng chục dây ngũ sắc để đưa lời cầu nguyện của dân tình tới đức Phật.
Đi giữa miền đá sỏi, cỗi cằn, chỉ có đá và đá, tôi thèm được dừng chân một quán nước nhỏ, vài quả chuối, bát nước chè xanh như ở quê tôi, hay một túp lều gỗ mộc mạc như ở nông thôn Nga với bình sữa, mật ong và rổ táo. Nhưng suốt buổi sáng, tìm mỏi mắt cũng chỉ thấy nơi xa xăm vài ngôi nhà lạ lẫm, thỉnh thoảng bắt gặp xa xa một chút màu xanh hiếm hoi của loại lúa lùn Tây Tạng và những dòng suối nhỏ xanh vắt đến trông lạnh rợn người.
Rời Xining chừng năm tiếng, xe đi qua một thị trấn hiếm hoi. Mặc dù dân cư thưa thớt, không có bóng cây, nhưng thấy các cửa hàng bày bán nước ngọt đóng chai, có hoa quả và có hàng ăn là đã hình dung ra bóng dáng thị thành. Dọc những bức tường cao treo đầy cờ đỏ năm sao cùng những hàng đại tự viết bằng tiếng Trung Quốc và những bức tranh cổ động vẽ ống khói nhà máy, các cô công nhân cười tươi như hoa. Có lẽ trong những năm tới, những khu nhà này, những hình ảnh này sẽ tiệm tiến dần tới Golog và Lasha.
Chúng tôi ghé vào nhà hàng ăn, chủ nhà hàng là người Trung Quốc, các món ăn cũng như ở dưới Xining và cung cách bán mua cũng có vẻ chuyên nghiệp. Mặc dù không lấy gì ngon miệng vì tôi không hợp với khẩu vị thức ăn Tàu, món gì cũng rưới ngập dầu mỡ, nhưng được xuống xe một tiếng, duỗi chân thẳng chân dưới gầm bàn và uống tách trà nhạt cũng cảm thấy thoải mái. Nhưng điều không ai muốn nói ra, nhưng tệ hại nhất trên suốt chặng đường dài, là không tìm ra nơi nào có chỗ rửa tay và nhà vệ sinh, kể cả trong nhà hàng to nhất phố! Nam, phụ, lão, ấu cũng tùy nghi chấp nhận hoàn cảnh, trơ mặt ra giữa đồng không, mông quạnh tự nhiên làm cái việc tự nhiên.
Sau hơn mười hai giờ ròng rã, chúng tôi đến thung lũng Golog, một trong những thánh địa của Tây Tạng. Những ngôi chùa nóc dát vàng thiêng liêng và huyền bí vươn lên lừng lững trong ánh chiều hôm. Dưới ngôi đại tháp, hàng đoàn người quần áo đủ mọi màu sắc âm thầm đi lại ; những con chó hoang Tây Tạng lông xù, to như những con bê gầy guộc, nằm dài bên vệ đường; trong những cửa hàng thấp thoáng hàng hóa và những người bán hàng vắng khách ngồi yên như những bức tượng.
Khắp Tây Tạng có tới 2000 tu viện dòng Cổ Mật với năm tu viện lớn nhất, trong đó có Golog. Golog nằm lọt giữa một thung lũng rộng, bốn phía bao bọc bởi những dãy núi, ở độ cao gần 5000 mét so với mặt biển. Các chùa chiền ở đây được xây dựng từ 200 năm trước, nhưng từ năm 1985 mới được đầu tư làm đường sá, xây dựng cơ bản, biến thành một khu vực quan trọng của Tây Tạng. Toàn bộ dân số Golog khoảng 200 ngàn sống rải rác trên một diện tích ba trăm ngàn cây số vuông; riêng khu vực thủ phủ Golog chỉ có hai mươi ngàn và chín trăm tăng ni cư ngụ.
Ngoài Bảo Tháp to sừng sững, khu chánh điện và các thiền viện xung quanh, còn có rất nhiều chùa, tháp cổ, tu viện. Một số hạng mục như Phật đài, khu nữ tu, nhà khách, nhà đại bái đang được cải tạo và xây dựng. Cách khu chánh điện chừng một km là khu vực dân cư, có các quầy hàng thực phẩm, quần áo, hàng lưu niệm và đồ xây dựng, tạo nên nhịp sống hài hòa giữa đời và đạo. Người ta nói, trước năm 1985 mô hình này chưa xuất hiện.
(Còn nữa)
|