Dù cuộc sống đã đổi thay với muôn vàn thanh sắc mới, hiện đại, chúng tôi vẫn không quên những năm tháng tuổi hoa đong đầy kỷ niệm, nơi đó trong không gian yên bình của “quãng đời đẹp nhất” vẫn còn sáng mãi những ngọn đèn khuya.
Ảnh minh họa Internet
Ngọn đèn khuya của một thời chưa có điện, đêm đêm, cả giáo viên lẫn học sinh đều cúi đầu miệt mài bên con chữ, dưới những ánh đèn “hoa kỳ” leo lét thắp bằng dầu hoả và dầu ma - dút. Ấy thế nhưng mỗi buổi sáng mai đến lớp, niềm vui dạy – học, sự say mê truyền đạt tri thức và cả lòng khát khao hiểu biết, tìm tòi, vẫn rạng ngời trên khuôn mặt từng người. Ngọn đèn ngày ấy, dù chỉ đủ chiếu toả một vùng chật hẹp giữa đêm khuya, nhưng đã thắp lên thật nhiều ước mơ, khát vọng tươi đẹp cho bao thế hệ.
Khi chúng tôi tốt nghiệp ra trường, cũng là lúc cô giáo chuyển công tác đi nơi khác. Bao nhiêu năm lăn lộn vì cuộc sống mưu sinh, cô trò chẳng gặp nhau, chúng tôi vẫn nhớ mãi về cô, người đã sống bằng cả sự đam mê, nhiệt huyết với học trò. Đời sống của giáo viên và người nông dân ngày đó chẳng khác gì nhau, cái ăn, cái mặc đủ đầy đã vô cùng khó khăn, chứ chưa nói đến chuyện ăn ngon, mặc đẹp. Nhớ hôm gặp cô đi mua thực phẩm phân phối theo chế độ ở cửa hàng huyện, chờ đợi nửa ngày mới mua được mấy chục kg, vừa gạo, vừa sắn, treo hai đầu đòn gánh, tập tễnh bước cao, bước thấp trên con đường lầy lội chiều đông. Đường cái quan dạo ấy sục ngầu, trơn trượt, xe đạp không đi lại được, đứng nhìn bóng cô khuất dần sau những rặng tre, mà lòng trào dâng lên bao cảm xúc.
Ngày đó, giáo viên và học sinh đều đến trường bằng xe đạp, sớm đi trưa về, trưa đi chiều về, quanh năm vẫn những chiếc xe cà tàng, cũ rích. Cực nhất là những hôm trời mưa, các ngả về trường đều lầy lội, xe đi không được, mà dắt cũng không xong. Sợ chúng tôi bỏ học, cô đã đến từng nhà để động viên, khuyến khích phụ huynh, học sinh. Trong một lần nghỉ hè, khi chuẩn bị bước vào năm học mới, đang chăn bò, vui chơi cùng bạn bè ngoài ruộng, thì bất ngờ thấy cô mồ hôi nhễ nhại, đạp xe lọc cọc đến tìm tôi. Cũng chẳng ngoài thăm nom, nắm bắt tình hình học sinh trong lớp. Nhìn khuôn mặt cô hằn in nhiều lo âu, trăn trở vì học sinh, mà tôi thấy thương cô nhiều hơn và hứa sẽ làm tròn nhiệm vụ được giao.
Gia đình cô sống trong một phòng của dãy nhà tập thể, lợp tranh chật chội, diện tích chỉ đủ kê giường, tủ và cái bàn gỗ cũ. Trên bàn, bên cạnh chồng sách ngay ngắn là một cây đèn dầu nhỏ, thắp sáng chung cho cả nhà. Bàn này vừa là nơi ngồi học của các con, vừa là nơi soạn bài của cô. Hằng đêm, trong căn phòng nhỏ ấy, bên ánh đèn khuya vàng vọt, cô vẫn cần mẫn xem lại từng trang giáo án, để dệt thêm ước mơ cho lũ chúng tôi. Một chiều thứ 7 cuối năm, tôi và các bạn trong lớp đến giúp gia đình cô làm tranh cọ, lợp lại mái nhà dột đã lâu. Chẳng đứa nào rành chuyện tranh tre, nhưng cũng cố gắng hết mình để cô sớm có một mái nhà tranh mới. Bao năm trôi qua, tôi vẫn nhớ mãi buổi chiều lợp nhà hôm ấy, lúc chuyển dời đồ đạc, trong gian phòng khiêm tốn, chẳng có gì quý giá hơn ngoài những chồng sách cũ và đồ dùng dạy học tự tay cô thiết kế .Mỗi sáng mai đến lớp, cô vẫn gọn gàng, tươm tất trong những bộ đồ sọc, ngắn tay, quen thuộc, hình như cô không có nhiều quần áo. Cả chiếc cặp sờn cũ đựng đồ dạy học cũng đã gắn bó nhiều năm với hình ảnh người giáo viên giản dị. “Người Nhật thường dạy con em mình “Nước Nhật nghèo tài nguyên, nên chúng ta phải cố gắng học tập” – lời cô dạy về nước Nhật năm xưa, chúng tôi vẫn nhớ như in. Những bài cô giảng luôn hấp dẫn, sinh động, gắn liền với thực tế xã hội, gợi mở ra bao điều lý thú, vì thế hàng ngày, hàng giờ chúng tôi vẫn mong đến tiết học của cô. Chính cô đã thắp lên trong chúng tôi sự đam mê, nỗ lực, cùng bao ước mơ tươi đẹp của tuổi hoa.
Hiền từ như một người mẹ, nhẹ nhàng như một người chị đối với các em, với chúng tôi, cô mãi là một hình ảnh đẹp của người giáo viên tận tâm, tận lực, hết mình chăm lo cho công tác trồng người. Bây giờ, về lại dưới mái trường xưa không còn bước chân cô, nhưng trên đường đời xuôi ngược, chúng tôi vẫn luôn nghĩ về cô – ngọn đèn khuya năm ấy.
An Nam
|