Lũ chồng lũ, bão nối bão.
Với dải đất miền Trung chuyện ấy xưa nay vẫn thường xảy ra. Là một đứa con của miền Trung, tôi thấm thía nỗi cơ cực truân chuyên của dân xứ tôi khi phải đối mặt với thiên tai và địch họa. Chiến tranh đã đi qua, dẫu còn đó những nghĩa trang bạt ngàn bia mộ, mây miền Trung trắng như hồn người quần tụ trên cao nhưng hòa bình cuối cùng cũng trở lại với mảnh đất này. Còn bão giông, lũ lụt, nắng lửa, gió lào thì vẫn là mối hiểm họa thường xuyên của miền Trung quê mẹ.
Mở đầu bài thơ "Miền Trung" làm cách đây chưa lâu mấy tôi đã viết:
Lũ tràn qua mặt
Bão giật ngang đầu
Miền Trung sống như không thể mất.
Dải đất hẹp, hẹp đến mức không thể hẹp hơn được nữa phải neo bám vào Trường Sơn để khỏi trôi ra biển cũng như chúng tôi, dù đi về đâu cũng phải neo bám vào mẹ để còn xứ sở. Xứ sở từng được gọi là "Ô châu ác địa" như quê tôi, chiến tranh chà đi xát lại mấy phen, bão lũ vùi dập bao lượt vẫn chẳng mất đi. Không sợ khó, không sợ khổ, chỉ sợ nhục. Có lẽ vì thế nên không ít người miền Trung tính khí “ngang ngang” thế nào đó. Và chân thành đến mức hồn nhiên, đôi khi vụng về. Trong cảm nhận của riêng tôi thì miền Bắc mềm mại đắn đo, miền Nam phóng khoáng cởi mở, miền Trung chân chất bộc trực.
Không phải bây giờ lũ lụt ngập tràn tôi mới thương miền Trung của tôi. Có lẽ, từ thời cha sinh mẹ đẻ chất miền Trung đã ngấm vào tôi. Có trong tôi sự khắc khổ, chắt chiu của cây xương rồng trên cát, của dây chặc chìu trổ hoa thơm bên nẻo đồi cằn. Có trong tôi chiếc nón mê mẹ đội cả trời mưa, gánh gánh gồng gồng đầu sông cuối chợ nuôi tôi khôn lớn. Nóng lạnh từng dặm cát quê, dấu chân vỡ xoài trong nắng cháy, gió ào qua xóa sạch con đường. Mẹ ơi, những kĩu kịt nào còn vang vọng trong con để nỗi ngậm ngùi bật lên thành sáu tám:
Cát đi mãi chẳng thành đường
Tôi đi theo lối mẹ thường hát ru.
(Thơ NHQ)
Gánh cực mà đổ lên non
Đến khi quay xuống cực còn đuổi theo.
Mẹ từng ru tôi thế. Dân tôi đã cực rồi chắc sẽ cực hơn sau trận lũ đạt đỉnh này. Những ngày này, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…là “miền trắng”. Trắng trời mưa rơi. Trắng đất nước lụt. Ngọn tre xập xòa dính mặt lũ. Nước cuồn cuộn trôi. Người chết. Của trôi. Nhiều người dân trắng tay là chuyện không hề xa nữa. Thêm những vành tang trắng. Thêm những ngày trường lớp vắng học trò. Thêm những đêm đèn dầu le lói. Thêm những nếp nhăn trên vầng trán miền Trung. Thêm bao nhiêu điều nữa vào sự cơ cực thiếu thốn của quê nhà.
Thực lòng, tôi không muốn thay dân mình kêu khổ. Khổ nhiều rồi, khổ rõ rồi, còn gì mà kêu. Tôi tin, dù gian lao đến mấy, dân quê tôi, miền Trung thân thương của tôi vẫn cứ sống như không thể mất. Còn trùng điệp Trường Sơn là vẫn còn miền Trung dằng dặc. Còn mãi với tôi, với em, với bè bạn muôn nơi:
Chang chang dặm cát
mẹ múc sông lên vằng vặc câu hò
soi tỏ rừng cay, biển mặn
(Thơ NHQ)
Còn mãi những tình yêu sau trước mặn nồng của con người miền Trung:
Rồi mùa toóc rạ rơm khô
Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm
(Ca dao).
Còn mãi bản lĩnh can trường của vùng đất đòn gánh từng được mặc định trong ca dao xứ cát:
Chớ than phận khó ai ơi
Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây.
Lũ đến lũ sẽ đi. Bão đến bão sẽ tan. Nước mắt rơi rồi nước mắt sẽ tạnh. Trên lớp phù sa mới, ta sẽ gieo cấy lên những mùa màng sum suê. Trên sự hoang tàn những xóm mạc mới sẽ được dựng lại bằng tấm lòng thảo thơm, bằng sự sẻ chia "một miếng khi đói bằng một đọi khi no". Đọi (chén) đây là đọi nghĩa đọi tình, đâu chỉ là đọi cơm, đọi cháo.
Còn đó một miền Trung trong xưa cũ vững vàng chung thủy. Và đây một miền Trung đang gồng mình chống bão lũ hôm nay. Xưa - nay, vẫn đi suốt dải đất này khí phách của người miền Trung quả cảm. Xưa - nay và mai sau nữa miền Trung thân thương của tôi vẫn sống như không thể mất! Niềm tin ấy chưa bao giờ vơi cạn trong tôi.
|