Ảnh minh họa Internet
Vào một ngày đầu mùa đông năm một ngàn chín trăm tám lăm, tôi khoác ba lô đặt chân đến lữ đoàn HCC. Được điều về Xê 23, đơn vị độc lập. Gặp lại mấy gã đồng hương nhập ngũ cùng đợt, ôm lấy nhau chuyện trò, cấu véo cười chí chóe. Nhìn qua thấy thằng nào thằng nấy rất chi là… “hoàn cảnh”, gầy gò xanh xao, có lẽ do đói ăn… Quần thì toàn tích kê hai mông thật to áo thì bạc màu vá chằng vá đụp… Ngày đó có thể nói là đói toàn quân.
Nhiệm vụ hằng ngày là trực tổng đài, tăng gia, lên núi vác gỗ, về đóng bàn đóng tủ rồi đưa đi đâu đó và sẵn sàng thay nhau đi phối thuộc cho các tiểu đoàn đang mở đường ở phòng tuyến Bắc xum… Đói quá nên thú thực suy nghĩ suốt ngày chỉ loanh quanh cái miệng bát, chỉ trông đến giờ ăn cơm chuyên môn, dạng cơm ăn trước kẻng của lính nhận trực phiên. Nói chung là chia trước, hối lộ cho thằng anh nuôi cùng quê điếu thuốc lá Sa Pa chỉ thêm được nửa xẻng.
Anh Thất cùng quê ở xóm ngoài, người cao như con cò nhang, hơn tôi vài tuổi. Biết tôi văn nghệ sĩ, không hợp với lao động kiểu khổ sai như lên núi vác gỗ, hay đào đất trồng sắn. Đêm nằm ngủ trong phòng trực tổng đài, gác chân lên người tôi… Anh rỉ tai… “Mày mà được đi xuống đồng Thung thì hợp, tao cũng được đi vài chuyến… Ăn no lắm, kình hông…”.
-Đồng Thung ở đâu hả anh?
-À... nơi đơn vị mình tăng gia thêm lúa ấy mà, từ khi cấy đến khi thu hoạch phải có một thằng xuống đó canh trâu bò... à.
Một bữa, đang nối máy tải ba tán gẫu với mấy em ở quân đoàn… sắp đến đoạn hay, thì tôi nghe có tiếng gọi:
-Hùng đâu..?
Tiếng ông Dinh Xê phó dân Hà Nam, ông này hắc lắm, gương mặt khá điển trai nhìn như dân Trung á, nghe nói lấy vợ lâu rồi mà chưa có con. Tôi vốn nhỏ nhưng có võ, đã lân la làm quen, biếu hẳn đôi dép cao su tàu lấy trộm của ông ngoại, nên thấy cũng tình thương mến thương.
- Mày ra đây, chuẩn bị quân tư trang chiều đi đồng Thung.
- Vâng ạ…!
Đúng là còn gì bằng, cái dạ dày đã sắp được đảm bảo, lại không ai quản lý, tha hồ mà vào dân tán gái, đi quán… Khỏi phải vượt rào. Tôi vui như hổ sắp được về rừng.
Gọi anh Thất vào phòng báo tin mừng. Anh Thất xếp đồ đạc cho tôi, quán triệt đủ thứ, dặn dò đủ chuyện. Trong đó có đoạn nghe thật tâm phúc như Lưu Bị dặn Trương Phi trước khi đi lấy đất nhà Thục … Đệ phải đi đến nơi thâm sơn cùng cốc, nơi đó dân tình thưa thớt… đường đất hiểm trở… Đơn thương độc mã… Hu… Hu… Họa nhiều hơn phúc… Nhớ giữ mình. Nói đoạn, nhét vào tay tôi ba mẩu giấy (trong văn cổ thường gọi là bảo bối.) Khi nào có biến thì lấy ra mà đọc, làm theo tất là linh ứng… linh ứng. Một là khi vào kho gạo… hai là lúc trên đường đi… ba là lúc đến nhà.
Thủ kho là thằng Quảng dân gốc Hà Tĩnh, sinh ở Hà Nội, nhà tít Cầu Diễn nhưng lúc nào cũng vỗ ngực, nhà tao ở ngay Tháp Rùa. Tháp Rùa làm đếch gì có đất cho mày làm nhà. Cũng định thụi nhau mấy lần vì nó dám nói dân Nghệ đéo biết đậu phụ là gì.
Thôi qua sông phải lụy đò… Xách cái ba lô vào kho, đi dã ngoại đương nhiên là phải cắt gạo. Phải cân đúng, không ăn bớt được như kiểu trừ hao khi cân cho nhà bếp… giở bảo bối thứ nhất ra đọc… Thằng này thích khen và đậu lạc…
Cười cầu thân giả lả… công nhận Quảng đẹp trai thật, cái mặt rất chi là Hà Nội.
Cái mặt mày mà Hà Nội cấy chi, mặt toàn mụn bọc, tóc thì dựng đứng…
-Quảng có hay ăn lạc không hầy?
-Quê mầy toàn trồng lạc mà lạc quê mày nhân to lắm, hết sẩy!
-Gì chứ lạc đợt tới đi tranh thủ mình mang cho dăm ký… (tiếng mình nghe nó mới tình cảm làm sao)
- Làm gì mà nhiều thế.
- Của mày là 21 cân.
-Thêm cho mình vài cân nữa nấu một mình dính nồi hết.
Nói xong lấy mũ vục vào, nó giằng lại nhưng lỏng lẻo. Thôi mà.
Thêm phải được vài cân. Lính tráng ngày đó ít bắt tay như bây giờ, tôi và thằng Quảng nhìn nhau thiện cảm tràn trề hy vọng.
Gã lãng tử hất ba lô lên vai khởi đầu cho chuyến ngao du… Rời khỏi đơn vị… Hướng hành quân, phương tiện hành quân, tốc độ hành quân đã được xác định. Đúng là Nhị tam đệ nhất gạo! Lòng vui phới phới… Đi được khoảng hơn chục ki lô mét, phải ghé vào quán làm ấm trà cái đã… Quán em này hình như mình cũng có ghé một lần thì phải, à lần đi về phép thằng Lý chở vô. Dân ở vùng này gọi mấy cái quán mấy cửa hàng may vá, sửa xe đạp này là phố Đồn Âm… Chắc ngày trước lính Pháp đóng ở đây.
Chiếc mũ bạc màu đội hơi nghiêng, cụp về phía trước, nụ cười vừa đủ, có độ gần gũi nhưng hơi cao ngạo. Chân đi hơi khuỳnh khuỳnh… ngực ưỡn. Nói giọng Hà Nội chuẩn luôn nị.
- Em gì nhỉ… lâu ngày quên mất tên. Dáng cao ráo da trắng, nói chung là so với mình thì hơn hẳn.
- Lâu ngày mới thấy anh vào quán, trông anh dạo này khỏe quá. Anh đi công tác à.
- Ừ! (công tác đếch gì nói bà nó là đi canh trâu bò cho nó nhanh). Dã ngoại ý mà, chắc lại sắp có thời gian để làm phiền em.
Chuyện trò mãi tâm đầu ý hợp, khen cho mấy câu, em mặt đỏ rựng lên, lắc đầu quầy quậy, hẹn ngày quay lại rối rít, chỉ lấy tiền thuốc lá không lấy tiền trà.
Tiếp theo là sao đây, mở bảo bối ra đọc,… Bán bớt năm cân gạo, bà già không bao giờ cân lại… mua hai ấm trà ngon, hai gói thuốc. Nhớ gói gém cẩn thận.
Trời đã nhập nhèm tối, cánh đồng Thung hiện ra mờ ảo, bốn bên núi đá dựng đứng, một cánh đồng ở giữa, con đường ngoằn ngoèo độc đạo, thấp thoáng lũy tre ôm lấy mươi nóc nhà, khói bếp bốc lên lơ lững … Lòng người lữ khách nao nao chạnh buồn…
Trong ánh sáng lờ mờ, đuổi con chó vàng vênh mặt lên sủa, chậm chạp đi ra đón tôi là một cụ già tóc trắng như cước, gương mặt phúc hậu lưng hơi còng, đẹp tựa một bà tiên (tôi không có ý cường điệu đây là sự thật).
- Con xuống thay thằng Thực hả.
- Dạ.
- Vào nhà đi con, ông nó đâu đổ thêm gạo thổi cơm cho con ăn.
Dưới ánh đèn dầu, trong căn nhà năm gian mái ngói đã hơi sập sệ, từ phía trong nhà một ông lão cao lớn đi ra nhìn cực kỳ dữ tướng, giọng ồm ồm…
- Thì bà từ từ đã nào.
Tôi nhìn ông hơi hoảng, ánh mắt lấm lét thỉnh thoảng lại cụp xuống như kiểu chó bị chủ mắng. (Cái thằng cha Thất này nó chơi mình, chuyện ăn bớt gạo mà lộ ra thì chỉ có nước chết).
Đi ra ngoài giả vờ xem qua vườn tược, rút bảo bối cuối cùng ra đọc… Biếu ông già chè thuốc, sống cho đàng đàng hoàng nghe chưa. (Gì chứ sống tử tế là bản chất của trẫm, chẳng qua Quả nhân hay đùa lác lác cho vui thôi)
Tôi thực hiện đúng theo mật lệnh được ghi trong bảo bối, thực hiện xong màn chào hỏi và biếu chè thuốc cho ông cụ. Theo chân bà cụ tôi vác ba lô gạo đi xuống bếp trút vào chum… Bà cụ không mảy may nghi ngờ.
-Thôi con lên nhà uống nước với bố, để mẹ nấu cơm.
Nhẹ cả người… Đúng là linh ứng… linh ứng, Tôi lẩm bẩm.
Ông cụ và bà cụ đáng tuổi ông bà của chúng tôi, nhưng bộ đội với dân thì chỉ xưng con, gọi là bố mẹ.
Nhà bố mẹ được ba người con, anh cả là giáo viên trường làng, anh hai đi bộ đội giờ chuyển ngành làm công nhân thủy điện Hòa Bình. Anh con út đã hy sinh năm hai mươi tuổi Miền đông Nam bộ.
Di ảnh của anh đặt trên bàn thờ, phía trên là tấm bằng Tổ quốc ghi công. Anh chụp đen trắng tô màu, quân hàm hạ sỹ, ánh mắt trẻ trung hơi buồn buồn, lúc anh hy sinh cũng bằng tuổi tôi.
Ngày ngày tôi dậy sớm, ra đồng một lúc thấy binh tình yên ắng, bọn trẻ trâu ngoan ngoãn thì về gúp bố mẹ những công việc nặng. Ông cụ thật đức độ, bà cụ thật hiền lành…
Đêm đêm khi tỉnh giấc, tôi thấy bà trở mình trong tấm chăn lầm rầm câu gì đó, bà rất ít ngủ.
Mùa đông ở đây lạnh kinh khủng, có mỗi cái chăn chiên, thấy tôi lạnh không ngủ được mẹ vào gian trong lấy ra một tấm dù hoa, chắc ai đó ở chiến trường ngày xưa gửi ra, nhẹ nhàng đắp lên người tôi, rồi dém màn cẩn thận.
Ngủ dậy, thấy bố đang dùng cái bàn vét lom khom kéo bùn dưới ao lên để gieo mạ sân… Kéo như thế này thì đến Tết cũng chưa đủ bùn… Trời lạnh cá ngoài đồng còn chết, ngồi bếp còn run lập cập, thấy thương ông cụ quá. Cởi quần áo khởi động… Ông cụ cười hỏi, con định làm gì đấy? Tôi chạy vào sân lấy cái chậu thau, nhảy ùm xuống ao làm luôn một lúc mười chậu, vào còn trang ra cẩn thận, khoản này ở quê tôi đã từng làm, bà cụ thì xuýt xoa… Có lạnh lắm không con, lấy dầu hổ xoa đầy người tôi. Ông cụ vui lắm… Tối bố con ta làm chén nhẩy.
Một lần tôi đi ra đồng gánh rạ giúp mẹ. Mẹ đi theo tôi, khi đi đến chiếc cầu bằng đá tảng màu xanh bắc qua con mương, mẹ bảo, nghỉ một lúc đã con.
Bà nói với tôi… Con giống thằng út nhà mẹ lắm… Nó đi bộ đội khi vừa tròn mười tám, mắt mẹ rơm rớm, giọng thật buồn:
-Đó là một buổi chiều mùa hè, trên đường đi Bê do tàu dừng ở Ga Ghềnh hơn một ngày nên đơn vị cho nó về nhà một lúc. Anh con băng qua cánh đồng về làng, bố lúc đó đang tập đập lúa ở sân kho trong xã, mẹ làm ngoài ruộng… Về nhà không thấy ai, nó hỏi mọi người, rồi chạy ra, nó vừa chạy vừa gọi: “Mẹ ơi! Con về đây”… Mẹ bỏ quang gánh bước thấp bước cao, rồi ngã ở chỗ mẹ con mình đang ngồi đây. Nó đỡ mẹ dậy, dìu mẹ về nhà. Mẹ hỏi, con về được mấy ngày, nó nói con phải đi ngay… Mẹ ôm lấy nó… Hỏi con có thèm gì không… Nó nói, con thèm bát tiết canh… Nhà có con lợn khoảng bốn mươi cân, mấy anh em chạy sang làm ù một loáng. Mẹ ngồi nhìn nó ăn, nó giục mẹ ăn đi, không con ăn hết đấy. Con cứ ăn hết đi, nếu con ăn được mẹ làm thêm con nữa. Rồi anh cả lấy xe đạp chở nó đi… cũng trên con đường này. Ở trong xóm ai ra đi và trở về cũng chỉ đi trên con đường này… Thỉnh thoảng Mẹ ra đứng trông, hết chiến tranh, hòa bình rồi, đợi mãi cũng chẳng thấy nó trở về. Cô bạn học người yêu nó chờ không được đã đi lấy chồng, giờ đã có hai đứa con, nó vẫn dẫn con đi nhà trẻ qua đây, thỉnh thoảng gặp Mẹ nó quay đi ôm mặt khóc… Con ơi nếu không có đánh nhau chắc nó cũng đã con bồng con bế…
Đến ngày giỗ anh, bố mẹ làm cỗ to lắm. Tôi dậy sớm, nấu nước, anh em con cháu kéo đến, cắt tiết, cạo lông, làm lòng. Tôi được phân công vào tốp giã giò… Cha mẹ ơi từ bé đến giờ biết miếng giò nó ngon dở ra sao. Chỉ biết thi nhau uốn mình giã, trời lạnh mà mồ hôi lấm lưng. Vét hết thịt đã giã nhuyễn, còn lại ít thịt bám đầu chày, mẹ nhúng vào nồi nước sôi cho tôi ăn.
- Mẹ ơi! Sau ba mươi năm chưa có miếng giò nào trên mâm cao cỗ đầy mà ngon như miếng đầu chày mẹ cho con năm ấy.
Trên bàn thờ anh, tôi thấy có một bát tiết canh…
Cỗ bàn dọn ra, món khoái khẩu là tiết canh, anh cả đặt về phía tôi một bát. Nhìn bát tiết canh đỏ tươi vài hạt lạc, ít rau thơm, mấy lát gan rải đều, chưa ăn đã biết là ngon lắm…
-Ăn đi em, anh đánh đấy.
- Hùng đừng ăn. Tiếng mẹ từ dưới bếp vọng lên.
…
Biên giới phía bắc ngày càng khốc liệt… Có thằng bạn tôi chết khi đang cắt tóc vì trúng pháo vu vơ, thằng bị sét đánh… sập hầm bê tông…
Đang chẻ củi gần đống rơm giúp Mẹ, thằng Lý quân bưu của đơn vị xuống báo.
-Anh về, mai đi biên giới…
Rồi nhảy lên cái xe hai típ không phanh không gác đờ bu chuồn thẳng… chắc cu
cậu vội ra quán Đồn Âm.
Tôi rửa tay chân xong, vào thưa với mẹ.
Mẹ làm cơm đặt lên bàn thờ cúng anh út... Trong hương khói nghi ngút mẹ lầm rầm khấn vái…
-Con ơi… Ngày mai em con lên biên giới, nơi hòn tên mũi đạn… Con sống khôn thác thiêng phù hộ độ trì cho em con đi tươi về tốt…
- Mẹ ơi…! Con đã là con của mẹ, nước mắt tôi cứ thế chảy ra.
Mẹ tiễn tôi trên con đường mà ngày trước mẹ đã tiễn anh út ra đi. Cánh đồng mùa đông chỏng chơ gốc rạ, xa xa mấy con trâu đang gặm cỏ, khói rơm ai đốt bay thành sợi mong manh tan vào trời chiều bàng bạc. Con chó vàng chạy theo ngoe nguẩy vẫy đuôi quấn lấy tôi… Mẹ vuốt vào lưng nó, thì thầm: “Đừng theo anh nữa, Vàng, để anh đi chân cứng đá mềm…”. Con chó vàng rên ư ử cắn nhẹ vào chân tôi.
Tôi im lặng, nặng nề nhấc chân từng bước.
Bóng mẹ xiêu xiêu trước gió, mái tóc bạc trắng, dõi về phía tôi cho đến khi khuất hẳn trong chiều đông chạng vạng. Mẹ và con Vàng đứng đó, tạc vào trời chiều u ám lạnh lẽo. Tôi rời bước lòng như dao cắt. Hình ảnh đó, nhiều năm sau, khi nhớ Mẹ, nhớ cánh đồng Thung tôi lại trào nước mắt…
Lên phía bắc rồi chuyển đơn vị vào biên giới Tây Nam, hết hành quân rồi học hành, vợ hành, con hành, túi bụi bon chen ngập ngụa trong vòng danh lợi. Chìm nổi theo dòng đời… Có những lúc tôi đã quên đi quãng đời đẹp nhất, quên đi người mẹ không rứt ruột đẻ ra, nhưng đã là mẹ của tôi.
Anh Thất, người bạn, người anh tốt tính của tôi, ra quân về đi lặn thuê, chết ngạt trong một lần mò tôm dưới đáy biển… Linh hồn anh ở đâu hay còn lang thang nơi sóng bể phù du, đất khách quê người. Khi anh chết, tôi có nghe tin mà từ đó đến nay bao nhiêu lần hứa, phải về để thắp cho anh một nén hương mà chưa làm được. Thằng Thực đã thành đại gia buôn gỗ. Người sống không gặp, người chết không biết đã tìm lại mẹ chưa…
Khi tôi ngồi viết những dòng này, mẹ cũng không còn trên cõi đời này nữa. Nhưng mẹ ơi, con nhớ mẹ! Con là đứa con không ra gì của mẹ… Mẹ có giận con không? Mấy cân gạo ngày xưa của trò khôn lỏi trẻ con, chắc mẹ biết nhưng mẹ đâu cân lại. Bát nước mắm làm từ nước thịt thả thêm tí thính, chút chả đầu chày mẹ chỉ cho con… và tin chắc một điều… Mẹ rất sợ mất con. Mẹ vẫn khắc khoải đợi ngày con trở lại... Mẹ ơi…! Con biết con có lỗi. Bây giờ cũng như mãi mãi, đời con không bao giờ trả hết ân tình mà mẹ đã dành cho con. Biết rằng, chỉ cần một lần con quay lại, đi trên con đường nhỏ, hướng về phía chân trời. Dừng lại, dâng lên mẹ một nén hương, ở chính nơi mẹ tiễn con đi và ngày ngày cùng con chó Vàng đứng đợi…
Mẹ ơi! Người Mẹ đồng Thung.
Tháng 7/2016
|