Tản văn Nguyễn Hữu Quý
VNTN - Tôi thương vùng đất này. Hai phía đèo Ngang là Hà Tĩnh, Quảng Bình vốn muôn thuở đã nghèo, đang nghèo. Vùng đất hẹp nhiều giông bão, hạn hán và ít phì nhiêu màu mỡ. Cách đây chưa lâu mấy, mỗi lần đi xe qua đèo Ngang, tôi được chứng kiến cảnh những cụ già, em bé tay bưng những mê nón đựng quả sim đồi chín lịm cầu khẩn hành khách mua. Có khi bắt gặp cụ già hai tay cầm chiếc nón để ngửa cúi gập người xin tiền khách qua đường. Chẳng có mấy xe dừng lại để mua sim, cho tiền những con người khốn khó kia. Tôi cũng đã từng nghe chuyện những cô thôn nữ sinh ra trong các gia đình nghèo khó ở bắc đèo Ngang, ngày lên núi chặt củi, tối về phải “đi khách” để kiếm tiền nuôi sống mình và gia đình. Chẳng từng có phóng sự viết về tình cảnh của những cô gái như thế này rồi đấy sao.
Giờ đây, cái vùng nghèo khó này đang khởi sắc tưng bừng với những khu kinh tế hiện đại ở cả hai phía đèo như Vũng Áng, Hòn La… Hòn La của Quảng Bình có vẻ chìm khuất khiêm nhường hơn, không như Vũng Áng được nhắc đến nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng và cả trong chìm nổi lao xao bàn tán của thiên hạ. Có lý do của nó cả, khi đi kèm với những công trình đồ sộ do nước ngoài đầu tư là đội quân lao động đông đúc phần lớn không thuộc quốc tịch Việt Nam trong đó có hàng nghìn người đến từ Trung Quốc. Hình như bài học “nỏ thần” gắn liền với truyền thuyết kể về mối tình Mỵ Châu -Trọng Thủy thời xa lắc, xa lơ vẫn còn ám ảnh dân ta. Phải chăng vì thế mà Vũng Áng đã trở thành điểm nhạy cảm, mối quan tâm của rất nhiều người. Do đó, khi chuyện gì xảy ra từ Vũng Áng thì sự bùng nổ, lan truyền của nó cũng nhanh hơn, lớn hơn và oái oăm thay đôi khi nó vượt thoát ra ngoài chuyện kinh tế hay môi trường thông thường.
Ảnh minh họa Nguồn: chinhdanhhoavietnam.com
Nói luôn chuyện cá chết hàng loạt trong tháng tư vừa qua ở mấy tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế nhé. Khởi phát từ Vũng Áng rồi lan dần ra những vùng biển tiếp theo về phía nam, hàng vạn con cá hiền lành bị bức tử trôi dạt vào bờ các tỉnh vừa nêu trên. Đúng dịp tôi về quê ở Quảng Bình, dân xáo xác đồn truyền, lo lắng. Cá chết ngày càng nhiều; xác cá nằm trắng hếu trên cát vàng bị phân hủy bốc mùi nồng nặc trong cái nắng tháng tư chang chang. Nhìn ra biển mênh mang, người ta không hiểu điều gì đã xảy ra, lòng dân chiêng chao lo lắng.
Biển xưa nay, lúc hiền hòa, lúc nóng giận với con người nhưng chưa bao giờ đối xử tệ bạc với họ như thế. Bão tố đến rồi bão tố đi, biển muôn đời vẫn là mẹ của ngư phủ, của dân lành. Thuyền tàu ra khơi vào lộng, xa gần những chuyến mưu sinh trên trập trùng sóng gió mênh mang, khi ít khi nhiều, lúc đầy lúc vơi nhưng biển chưa bao giờ cạn tình, hết nghĩa với con người. Biển chính là một phần quan trọng trong đời sống dân Việt, tính từ hạt muối trắng trở đi. Cá tôm cua mực… Từ lòng biển sâu thẳm được kéo lên nhấp nhánh khoang thuyền làm vang giọng cười ha hả của những người chuyên ăn sóng nói gió. Mỗi lần tàu thuyền cập bãi, ghé bến là mỗi dịp vui; vui ít vui nhiều cũng là vui, bình an vô sự là vui rồi. Vợ đón chồng từ khơi về, con đón cha từ biển vào, cá cua tôm mực roi rói nối nhau lên chợ, lên xe, nghe đồng tiền mặn vị muối loạt xoạt trên tay, cụng cựa trong túi áo mà rưng rưng tri ân mẹ biển bao la, hào phóng.
Thế mà… cá chết. Đồng loạt chết. Mối nghi biển bị đầu độc, cá bị bức tử lan dần ra, lớn dần lên. Biển và cá trở thành nỗi sợ của con người. Trong làn nước trong xanh kia đang ẩn chứa những độc tố nào? Và hải sản, món ẩm thực giàu chất dinh dưỡng an lành làm nên sự hấp dẫn của du lịch biển miền Trung bỗng nhiên trở thành nguy hiểm. Ăn hải sản là đưa độc tố vào người, con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người càng ngắn lại vô chừng. Nỗi sợ biển, sợ hải sản là có thật. Nên hải sản đánh lên không ai mua, du khách về với biển lèo tèo. Những con tàu nằm ngơ ngác bên bến, những vầng lưới bị hong khô trong nắng chát, những chiếc túi cạn tiền, những nhà hàng vắng hoe khách… Nỗi khổ, nỗi lo, nỗi đau của dân mấy tỉnh miền Trung có thể đọc được, cầm được, nếm được từng ngày. Mỗi ngày trôi qua, mỗi đêm trôi qua là mỗi khoảng thời gian chứa những cơn ác mộng của dân lành khi nỗi ám ảnh về biển chết ngày một tăng lên.
Cả nước, trong đời sống thực và thế giới ảo bùng lên cơn bão kinh hoàng mang tên Vũng Áng. Cụ thể hơn, róng riết hơn, người ta chỉ ra cái tên của tập đoàn sản xuất thép Formosa. Cái ống xả thải dài một nghìn năm trăm mét của nhà máy thép này nằm im lìm dưới đáy biển Vũng Áng trở thành mối nghi ngờ đầu tiên. Một vật thể vô tri vô giác tự dưng bị biến thành con thủy quái độc ác trong mắt nhiều người. Sự nổi giận của một bộ phận công dân bắt đầu từ đó. Chao ôi, cơn bão của lòng người mới thực là ghê gớm. Cơn thịnh nộ của thiên nhiên quá lắm cũng dữ dội như thế thôi. Xin được nói quá một chút để diễn đạt được phần nào sự bất bình của công chúng về hiểm họa môi trường xưa nay chưa từng xảy ra ở nước ta. Đây không phải là hiệu ứng đám đông mà thực sự là nỗi lo lắng cho đất nước của muôn người. Nỗi lo, nỗi bất bình đã cuộn lên thành sóng. Nhân dân cần sự an lành trong sạch về môi trường không chỉ cho những người sống hôm nay, cho một vài thế hệ sắp tới mà cho muôn đời sau. Đó cũng là sự đòi hỏi chính đáng, rất chính đáng của nhân dân mà chính quyền không được phép làm ngơ, coi nhẹ.
Hiểm họa môi trường biển xảy ra lộ rõ sự ứng xử, hành động lúng túng của bộ máy công quyền. Sự chậm trễ, bất nhất trong phát ngôn, hành động của một số người có trách nhiệm vừa không mang lại hiệu quả ứng xử tốt vừa tạo mối nghi ngờ lớn trong công chúng. Lòng dân bức xúc, phân tán. Niềm tin của dân vào chính quyền bị vơi hụt.
Trong thảm họa, người dân chờ đợi những phát ngôn, hành động sáng suốt của những cơ quan, cá nhân có trách nhiệm. Trước hết là sự minh bạch trong thông tin và sau nữa là những việc làm có lợi cho dân cả trước mắt và lâu dài. Có quá nhiều luồng thông tin òa ập vào xã hội trong đó có những nội dung vô thưởng vô phạt nghe đến tức cười. Mạng xã hội được phen mổ xẻ, giễu nhại những kiểu nói ba phải, vô ích đó. Câu trả lời quan trọng nhất vẫn chưa được công bố: “Vì sao cá chết? Nhà máy Formosa có phải là thủ phạm gây ra thảm họa môi trường kinh hoàng này không?”. Theo tôi, nếu trả lời được câu hỏi này và có hướng khắc phục đúng đắn thì nhân dân sẽ cảm thông, chia sẻ và chung tay hành động tích cực. Nhân dân đã từng chấp nhận gian khổ, mất mát hi sinh để đánh giặc ngoại xâm giành lại hòa bình độc lập tự do cho đất nước chắc chắn sẽ cùng Đảng và Nhà nước vượt qua những thử thách hôm nay.
Dễ mười lần không dân cũng chịu
Khó trăm lần dân liệu cũng xong
Bài học lòng dân vẫn còn nguyên vẹn giá trị. Nhưng hình như, bài học này không phải lúc nào, cán bộ nào cũng hiểu đúng. Bởi thế, mới sinh ra một loại cán bộ, gọi đúng tên của nó là quân thầm suy nghĩ và hành động theo kiểu “Sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi”. Đất nước và nhân dân sẽ hứng thảm họa toàn phần từ những tên quan thẩm múp míp như thế này.
Khi tận mắt được thấy những giọt nước mắt, những tiếng thở dài của dân làng biển, tôi đã khóc. Phải chăng, đấy cũng là những giọt nước mắt của cá, của biển. Những con cá bị bức tử oan ức, biển bị nhiễm độc từ lòng tham của một nhóm người.
Nỗi xót xa của cá, của biển ai đã thấu hiểu?
http://vannghethainguyen.vn/Default.aspx?tabid=119&&LoaiHienThi=TinTuc&NhomTin=8&ItemId=3109