Ảnh minh họa Internet
Quờ tay, gặp cỏ dưới chân
Em ngồi bứt hết hoàng hôn của chiều
Thở dài, gặp ánh trăng gieo
Anh buồn, đếm được bao nhiêu sao rồi?
Đêm nay trăng vẫn lẻ đôi
Gió cô đơn cứ vô hồi đi qua
Đêm nay ta chỉ còn ta
Mà sao vẫn thấy thừa ra một người
Tiếng gì trên cỏ vừa rơi
Hình như phía ấy có người bỏ đi
Đạp lên cả ánh trăng khuya
Tiếng trăng như lá vỡ nghe thật buồn
1991
Lời bình bài thơ “Tiếng trăng” của nhà thơ Đỗ Doãn Phương
(tức Thanh Phương)
“Trong tận cùng của cảm giác cô đơn, của cái ý nghĩ bắt buộc phải chia tay nhói lên, nhà thơ nghe thấy ảo ảnh của một tiếng động: tiếng rơi, tiếng bàn chân, tiếng trăng, tiếng lá vỡ… Cái không gian hư ảo của cuộc chia ly xuất hiện với nhịp chậm, buồn, rời rạc ở đầu bài thơ cứ vỡ ra dần, theo hai mảnh, mỗi người ôm một khối tâm tư… Để rồi không gian ấy vỡ òa ra ở cuối: “Tiếng trăng như lá vỡ nghe thật buồn”. Đó chính là cấu tứ của bài thơ. Sự chuyển vận của tâm trạng hai nhân vật trữ tình anh và em cứ âm thầm, với những hành động rời rạc, cơ hồ như vô nghĩa:
Quờ tay gặp cỏ dưới chân
Em ngồi bứt hết hoàng hôn của chiều
Thở dài gặp ánh trăng gieo
Anh buồn đếm được bao nhiêu sao rồi
Có hai người trong một không gian, không gian ấy từ “Hoàng hôn của chiều” mau chóng ngả về đêm với “ánh trăng gieo” với “bao nhiêu sao” của bầu trời. Họ đã ngồi dường như lâu lắm, nhưng chẳng ai chú ý tới không gian, mỗi người đuổi theo một khung trời riêng và hành động của họ chỉ là cái cớ để che núp tâm trạng… Em quờ tay gặp cỏ dưới chân, ngồi bứt cỏ, anh gặp ánh trăng, hờ hững đếm sao… Tác giả không kể lể tâm trạng, không đi sâu vào chuyện riêng của Anh và Em. Áp lực của một chuyện riêng tư nào đó đã dựng lên thành quách giữa hai người, sự cố của tình yêu đã biến tan, họ đã qua cái lúc khổ đau giận dỗi, nuối tiếc trước sự cố đó rồi. Đây là lúc họ ngấm cái chất men ghê gớm của sự chia ly. Và mỗi người đều cố thả lỏng tâm trạng mình, buông xuôi theo thời gian. Nhưng sự hờ hững ấy đang ẩn chứa đầy ắp tâm trạng
Chẳng ai chú ý đến không gian, thời gian, nhưng đều hướng về lòng mình, và đều cảm thấy cái thành quách không thể nào vượt qua được giữa hai người, cái ta-cái chung, cái cặp đôi giữa hai người chỉ dội lên trong tâm trí hai người trong hoài vọng về quá khứ xa xôi. Nhìn bề ngoài thì đúng là như vậy, đêm nay hai người gặp nhau, và họ im lặng ngồi với nhau thật lâu… Nhưng bên trong cái ta, cái cặp đôi ấy đã tách thành hai nửa từ khi nào mất rồi. Mỗi người đều cảm thấy sự thừa ra không phải của người kia mà của chính mình. Hai mảnh vỡ cô đơn và ý thức được nỗi cô đơn ấy. Chính trong nỗi cô đơn tuyệt đỉnh, họ đã cảm nhận được ảo ảnh của tiếng động từ trăng, từ cỏ, từ lá và từ tiếng chân người. Khổ cuối của bài thơ sáng long lanh, sáng đến gai người như tiếng vỡ tách của một chiếc cốc pha-lê:
Đạp lên cả ánh trăng khuya
Tiếng trăng như lá vỡ nghe thật buồn
Bài thơ đã hoàn tất một cuộc chia ly mà không cần một lời nói, giống như một vết rạn, chạy dọc trên chiếc cốc pha lê, cho hết chiều dài của chiếc cốc thì cả người đọc và nhân vật trữ tình đều chờ đợi tiếng vỡ tách ra từ chiếc cốc đó như một quy luật không thể khác được. Thông điệp mà tác giả gửi đến người đọc không gì khác ngoài niềm trân trọng, xót xa đối với một tình yêu đẹp, một vầng trăng bị tách thành hai nửa trong tim mỗi người.
|